Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long

Nhập viện vì sốt cao liên tục sau khi bị côn trùng đốt

13/08/2023

Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long vừa tiếp nhận điều trị cho bệnh nhân nữ, 57 tuổi, nhập viện với bệnh cảnh Sốt cao liên tục trong khoảng 5 – 7 ngày do sốt ve mò.

Cách nhập viện 11 ngày, bà N. L. H (57 tuổi, địa chỉ tại huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang) có ra vườn chặt củi, khi về nhà bệnh nhân phát hiện có vết côn trùng đốt vùng bẹn phải, sau đó 3 ngày bà H bắt đầu Sốt từng cơn, không ho, không khó thở. Gia đình đã mua thuốc hạ sốt cho bà H uống nhưng sốt vẫn tái đi tái lại sau khi hết thuốc. Bệnh nhân có nhập viện tại y tế địa phương điều trị 1 tuần nhưng không giảm nên đã chuyển đến Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long.

Khi nhập viện cấp cứu, bệnh nhân có triệu chứng sốt, không đau đầu và có vết loét vùng bẹn phải kích thước 0,5cm, dịch hơi đục trên nền da mẩn đỏ. Qua thăm khám và thực hiện các cận lâm sàng cần thiết, kết quả xét nghiệm cho thấy chỉ số bạch cầu tăng (11,80 k/ul) và men gan tăng (ALT: 102, AST: 71). Dựa vào dấu hiệu lâm sàng, yếu tố dịch tễ, đặc điểm của vết thương, bệnh nhân được chẩn đoán Sốt mò và điều trị bằng kháng sinh đặc hiệu. Qua 03 ngày dùng thuốc kháng sinh đặc hiệu, bệnh nhân hết sốt, các chỉ số sinh hiệu ổn định và hiện đã được xuất viện sau 7 ngày điều trị.

Theo BS.CKI. Thạch Trần Hiểu, Khoa Tổng hợp, Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long: Mò là một loại côn trùng, truyền vi khuẩn Rickettsiae tsutsugamushi gây bệnh cảnh nhiễm trùng huyết và giống các căn nguyên gây nhiễm khuẩn huyết khác nên thường chẩn đoán nhầm nếu không để ý đến vết loét ngoài da do con mò đốt. Đặc điểm của con mò thường hay cắn ở vùng kín, vùng da mỏng và có nếp gấp như bẹn, nách, bìu, sau tai, quanh hậu môn… đầu tiên thường tổn thương như nốt phỏng đường kính 0,5 – 1cm, không đau, không ngứa nên bệnh nhân thường không để ý đến. Bệnh gây Sốt cấp tính, đau đầu dữ dội và nổi hạch. Ở chỗ mò đốt, lúc đầu có tổn thương gồm một vết loét có đóng vảy trên da rất điển hình, sau đó bắt đầu sốt.

Sốt ve mò là một căn bệnh khó có thể nhận biết được, khởi phát từ những vết cắn của ấu trùng mò, không lây truyền từ người sang người. Hiện nay, chưa có vaccine phòng bệnh.  Nếu bệnh nhân không được chẩn đoán đúng và điều trị Sốt mò kịp thời, sẽ có nhiều biến chứng nguy hiểm như: Viêm cơ tim, truy tim mạch, sốc nhiễm khuẩn; Viêm phổi, phế quản nặng do bội nhiễm hoặc do chính Rickettsia; viêm não, màng não… nặng nhất có thể dẫn đến tử vong.

Để điều trị bệnh, bác sĩ sẽ sử dụng kháng sinh đặc trị kèm theo hạ Sốt và hỗ trợ men gan. Việc sử dụng kháng sinh đúng cách là cần thiết để cắt sốt và tránh các biến chứng nghiêm trọng của bệnh. Nếu được điều trị bằng kháng sinh thích hợp, sẽ cắt sốt nhanh sau 1 đến 2 ngày. Nếu can thiệp muộn hoặc không hiệu quả, bệnh có thể có biến chứng như viêm cơ tim, sốc nhiễm khuẩn, viêm phổi, suy hô hấp, viêm não – màng não có thể dẫn đến tử vong.

Thông qua trường hợp này, BS Hiểu cũng khuyến cáo: Bà con khi làm việc ngoài vườn hoặc những nơi có bụi cây rậm rạp nên chú ý trang phục bảo hộ lao động: mặc quần áo dày, đi tất/ủng và có thuốc/hóa chất để thoa/xịt trên người để tránh côn trùng đốt. Cách tốt nhất để ngăn ngừa mắc bệnh Sốt ve mò là phát quang môi trường sống, thường xuyên vệ sinh và diệt côn trùng cho nơi ở của mình, không nằm hoặc phơi quần áo ở những nơi ẩm ướt để tránh ấu trùng mò bám vào. Nếu sốt cao, không rõ nguyên nhân, cần kiểm tra kỹ tất cả bề mặt da trên cơ thể tìm các vết đốt lạ và đến các cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời.

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân trước khi xuất viện

Hình mô tả vết đốt do mò cắn