Sắt là nguyên tố đóng vai trò quan trọng trong quá trình hình thành enzyme và tạo hồng cầu cho cơ thể. Thiếu sắt có thể gây nên trạng thái mệt mỏi, đặc biệt, đối với mẹ bầu thì sự phát triển của thai nhi có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng nêu cơ thể thiếu hụt nguyên tố này. Bài viết hôm nay sẽ chia sẻ chi tiết cách bổ sung sắt cho bà bầu một cách hợp lý, khoa học. Cùng Hoàn Mỹ tìm hiểu chi tiết hơn ngay dưới đây.
>> Xem thêm:
- Bà bầu ăn măng được không? Lưu ý khi ăn măng cho bà bầu
- TOP 6 viên uống DHA cho bà bầu và cách bổ sung an toàn, hiệu quả
Tác dụng của sắt cho bà bầu
Sắt là một khoáng chất cần thiết cho sự phát triển và hoạt động bình thường của cơ thể. Đối với các bà bầu, sắt đóng một vai trò quan trọng, hỗ trợ sự phát triển của thai nhi và duy trì sức khỏe của mẹ, cụ thể như sau:
- Hình thành mạch máu: Sắt là thành phần chính của hồng cầu – một tế bào quan trọng của hệ thống mạch máu. Trong thai kỳ, nhu cầu sắt sẽ tăng lên để tạo ra đủ hồng cầu cho thai nhi và cung cấp oxy cho cả mẹ và thai.
- Phát triển não bộ: Sắt là nguyên tố cần thiết trong quá trình phát triển não bộ của thai nhi. Thiếu sắt có thể ảnh hưởng xấu đến sự phát triển trí tuệ và chức năng não bộ ở thai nhi.
- Hỗ trợ hệ miễn dịch: Sắt giúp cung cấp năng lượng cho hệ miễn dịch và hỗ trợ hoạt động của các tế bào miễn dịch, giúp bà bầu chống lại các tác nhân gây bệnh từ bên ngoài.
- Ngăn ngừa thiếu máu: Thiếu máu trong thai kỳ còn được gọi là Thiếu máu bà bầu là một vấn đề phổ biến trên lâm sàng. Sắt là thành phần chính của hemoglobin – một protein trong hồng cầu chịu trách nhiệm vận chuyển oxy trong cơ thể. Do đó, việc bổ sung sắt đầy đủ sẽ giúp ngăn ngừa và điều trị thiếu máu ở mẹ bầu.
- Hỗ trợ sự phát triển tế bào và mô: Khoáng chất sắt cũng tham gia vào quá trình phân chia tế bào và tổng hợp DNA, từ đó, làm gia tăng tốc độ phát triển và phục hồi các tế bào và mô trong cơ thể.
>> Xem thêm: Bật mí 9 dấu hiệu sắp sinh (chuyển dạ) mẹ bầu cần lưu ý
Một số biểu hiện khi thiếu sắt của mẹ bầu
Bổ sung sắt cho bà bầu rất cần thiết vì khi thiếu đi nguyên tố này, cơ thể của mẹ bầu sẽ có một số biểu hiện và triệu chứng như sau:
- Mệt mỏi và suy nhược: Thiếu sắt là nguyên nhân phổ biến gây ra cảm giác mệt mỏi và suy nhược. Bà bầu có thể cảm thấy mệt mỏi dù ngủ đủ giấc và không thực hiện hoạt động vật lý nặng.
- Khó thở: Thiếu sắt cũng gây ảnh hưởng đến khả năng cung cấp oxy cho cơ thể. Một số mẹ bầu có thể bị khó thở, thở nhanh hoặc thấy mệt mỏi khi thực hiện các hoạt động vật lý.
- Da mờ và nhạt màu: Khi cơ thể không được đáp ứng đủ lượng sắt cần thiết sẽ làm giảm nồng độ hemoglobin trong hồng cầu, gây ra hiện tượng da mờ, nhạt màu hoặc có màu xám. Một số người có thể xuất hiện vết ban đỏ nhỏ trên da.
- Chóng mặt và hoa mắt: Vì sắt đảm nhiệm vận chuyển oxy đến các cơ quan nên khi không đủ sắt sẽ gây thiếu oxy trong não, dẫn đến cảm giác chóng mặt, hoa mắt hay chóng thẳng đứng.
- Tăng nguy cơ nhiễm trùng: Thiếu hụt sắt cũng góp phần làm giảm sự hoạt động của hệ miễn dịch, khiến nguy cơ mắc bệnh nhiễm trùng gia tăng.
Phân loại thuốc sắt cho bà bầu. Loại nào tốt?
Trên thị trường hiện nay có nhiều dạng thuốc sắt cho bà bầu. Mỗi là sẽ có các đặc điểm không giống nhau, cụ thể như sau:
Thuốc sắt dạng viên
Thuốc sắt dạng viên chứa sắt ferrous (Fe2+) – một dạng sắt được cơ thể dễ dàng hấp thụ. Khi được dùng trong dạng viên, sắt sẽ tiếp xúc với dạ dày và ruột non trong quá trình tiêu hóa. Việc hấp thụ sắt từ thuốc sắt viên có thể bị ảnh hưởng bởi một số yếu tố như việc ăn uống và tương tác với các chất khác. Vì vậy, bà bầu cần luôn tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ và nhà thuốc khi sử dụng thuốc sắt dạng viên.
Thuốc sắt dạng lỏng
Thuốc sắt dạng lỏng cũng là dạng sắt cho bà bầu được dùng phổ biến trên lâm sàng. Cơ chế hoạt động và thành phần của loại thuốc này tương tự như thuốc sắt dạng viên. Đặc biệt, thuốc sắt dạng lỏng có thể là phương án an toàn cho những người gặp khó khăn trong việc nuốt các viên thuốc hoặc có vấn đề về hấp thụ.
Thuốc sắt vô cơ
Thuốc sắt vô cơ chứa các dạng sắt không có nguồn gốc từ sinh vật, chẳng hạn như sắt sulfate, sắt gluconate hoặc sắt fumarate. Khi sử dụng thuốc sắt vô cơ đúng liều và theo chỉ định của bác sĩ, các hợp chất sắt trong thuốc sẽ được hấp thụ và vận chuyển vào máu. Lúc này, sắt sẽ được sử dụng để tạo ra hồng cầu mới và các enzym quan trọng, làm tăng nồng độ hồng cầu và cải thiện khả năng vận chuyển oxy trong cơ thể.
Thuốc sắt hữu cơ
Thuốc sắt hữu cơ là dạng bổ sung sắt có nguồn gốc từ các hợp chất sắt tự nhiên có trong thực phẩm như thịt, cá, gạo lứt,…hoặc được tổng hợp từ nguồn gốc sinh học. Do vậy, dạng sắt này có thể được hấp thụ và sử dụng tốt hơn trong cơ thể so với sắt vô cơ. Điều này giúp cải thiện hiệu quả điều trị Thiếu máu do thiếu sắt và giảm tác dụng phụ như táo bón và rối loạn tiêu hóa.
>> Xem thêm: Bà bầu bị tiểu đường thai kỳ nên ăn gì, kiêng gì, gợi ý thực đơn
Tiêu chí chọn thuốc sắt cho mẹ bầu
Để quá trình bổ sung sắt cho bà bầu diễn ra hiệu quả, an toàn, việc lựa chọn thuốc sắt cần đảm bảo các yếu tố như bên dưới đây:
Thuốc sắt cho bà bầu được bộ Y tế cấp phép lưu hành
Chọn thuốc sắt được bộ Y tế cấp phép lưu hành và khuyến nghị trong quá trình mang thai là điều quan trọng đầu tiên cần cân nhắc. Các loại thuốc đáp ứng được yếu tố này cũng đồng nghĩa là đã được kiểm định qua nhiều giai đoạn và sở hữu các tiêu chuẩn về an toàn và chất lượng.
Thuốc sắt hữu cơ, dễ hấp thụ cho mẹ bầu
Các dạng sắt hữu cơ giữ liên kết hiệu quả với các phân tử hữu cơ khác, giúp tăng khả năng hấp thụ và vận chuyển sắt vào cơ thể. Điều này có thể làm giảm tác dụng phụ như táo bón và rối loạn tiêu hóa thường xảy ra khi sử dụng các dạng sắt vô cơ. Vì thế, khi bổ sung sắt cho bà bầu, nên ưu tiên sử dụng thuốc sắt hữu cơ.
Thuốc sắt được chia sẵn hàm lượng mỗi ngày theo tiêu chuẩn
Thuốc sắt nên được chia sẵn với hàm lượng mỗi ngày theo tiêu chuẩn để đảm bảo mẹ bầu nhận đủ lượng sắt cần thiết. Điều này giúp đơn giản hóa quá trình sử dụng và đảm bảo liều lượng sắt cung cấp cho cơ thể ở mức hợp lý. Các bác sĩ chuyên khoa đưa ra chỉ định cụ thể về liều lượng thuốc sắt dựa trên tình trạng sức khỏe của mẹ bầu và mức độ Thiếu máu sắt. Liều lượng thông thường thường dao động từ 30-60 mg sắt mỗi ngày cho bà bầu.
Không chứa những thành phần gây kích ứng cho mẹ bầu
Thuốc sắt được chọn cho mẹ bầu không nên chứa những thành phần gây kích ứng. Thực tế, trên thị trường, một số nguyên liệu thường được sử dụng trong thuốc sắt có thể gây ra phản ứng Dị ứng hoặc kích ứng nhưng rất hiếm. Nếu mẹ bầu có dấu hiệu phản ứng với thuốc sau khi sử dụng như phát ban, ngứa, sưng môi mặt, hoặc khó thở, cần ngừng liệu trình và liên hệ với bác sĩ ngay lập tức để được tư vấn và điều trị thích hợp.
Tác dụng phụ của thuốc sắt đối với bà bầu
Thuốc sắt có thể gây ra một số tác dụng phụ cho bà bầu nếu sử dụng không đúng cách hoặc sai liều lượng.
- Rối loạn tiêu hóa: Một số người có thể gặp tình trạng táo bón, buồn nôn, nôn mửa hoặc đau bụng do sử dụng thuốc sắt. Để giảm tác dụng phụ này, bà bầu nên uống nhiều nước, tăng cường lượng chất xơ trong khẩu phần ăn và chia nhỏ liều thuốc sắt trong ngày.
- Thay đổi màu nước tiểu và phân: Thuốc sắt có thể làm cho nước tiểu có màu sẫm hoặc nâu đậm. Đồng thời, phân cũng có thể có màu đen. Đây là hiện tượng bình thường và không đáng lo ngại.
- Tác dụng phụ dị ứng: Một số trường hợp hiếm có thể gặp phản ứng Dị ứng như ngứa, da nổi ban hoặc khó thở sau khi sử dụng thuốc sắt. Nếu gặp bất kỳ dấu hiệu kích ứng nào, mẹ bầu cần ngừng sử dụng thuốc và tham khảo ý kiến bác sĩ ngay lập tức.
Hướng dẫn bổ sung sắt cho bà bầu đúng cách
Trong quá trình bổ sung sắt cho bà bầu cần thực hiện đúng chuẩn và khoa học với liều lượng phù hợp để hạn chế tối đa tác dụng phụ có thể xảy ra và gây ảnh hưởng đến thai kỳ, cụ thể như sau:
Hàm lượng sắt phù hợp cho bà bầu ở từng giai đoạn trong thai kỳ
Hàm lượng sắt phù hợp cho bà bầu trong từng giai đoạn của thai kỳ có thể thay đổi dựa trên nhu cầu của cơ thể:
- 3 tháng đầu thai kỳ: Trong giai đoạn này, nhu cầu sắt của cơ thể tăng lên do sự phát triển của hệ tuần hoàn mới và khối lượng máu tăng. Bác sĩ thường khuyến nghị việc bổ sung khoảng 30 mg sắt mỗi ngày trong 3 tháng đầu thai kỳ.
- 3 tháng giữa thai kỳ: Nhu cầu sắt tiếp tục tăng mạnh ở thời điểm này do sự phát triển của thai nhi và tăng cường mô mạch máu. Lúc này, việc sử dụng khoảng 30 mg sắt mỗi ngày sẽ tiếp tục được duy trì.
- 3 tháng cuối thai kỳ: Cơ thể mẹ bầu ở 3 tháng cuối của thai kỳ cần một lượng lớn sắt để tạo máu dự trữ chuẩn bị cho quá trình sinh. Do đó, bà bầu cần bổ sung khoảng 50 – 60mg sắt nguyên tố mỗi ngày và duy trì đến giai đoạn sáu sinh để phục hồi sức khỏe.
Thời điểm bổ sung sắt trong ngày hợp lý
Thời điểm bổ sung sắt trong ngày nên được tuỳ chỉnh hợp lý để đảm bảo lượng sắt được hấp thụ tối đa và giảm tác dụng phụ. Mẹ bầu nên uống thuốc sắt trước bữa ăn khoảng 1 giờ vì sắt sẽ được được hấp thụ tốt hơn trong môi trường dạ dày trống rỗng. Đối với những người dễ bị tổn thương dạ dày hoặc có khả năng hấp thụ sắt kém, chia nhỏ liều thuốc sắt trong ngày có thể giúp cải thiện sự chấp nhận của cơ thể. Ví dụ, thay vì uống một liều 60 mg sắt mỗi ngày, bà bầu có thể chia thành 2 liều 30 mg sắt vào các thời điểm khác nhau trong ngày.
Các loại thực phẩm bổ sung sắt cho mẹ bầu
Có nhiều loại thực phẩm giàu sắt mà mẹ bầu có thể bổ sung vào chế độ ăn hàng ngày, cụ thể như sau:
- Thịt đỏ: Thịt bò, thịt heo và thịt cừu, là nguồn sắt tốt nhất cho cơ thể.
- Các loại cá: Cá hồi, cá thu, cá mòi và cá trích là nguồn sắt tốt cho mẹ bầu. Ngoài ra, cá cũng là một nguồn giàu omega-3, protein và các chất dinh dưỡng khác quan trọng cho sự phát triển của thai nhi.
- Rau xanh lá: Rau cải xanh, rau bina, rau mồng tơi, rau mùi, rau xà lách cung cấp một lượng sắt an toàn cho bà bầu.
- Cereals và ngũ cốc bổ sung sắt: Một số ngũ cốc và cereal chứa sắt bổ sung. Hãy chọn các sản phẩm đạt chất lượng chú ý đọc bảng thành phần để biết lượng sắt cụ thể và sử dụng một cách hợp lý.
Những điều cần lưu ý khi bổ sung sắt cho bà bầu
Khi bổ sung sắt cho bà bầu, có một số điều cần lưu ý để đảm bảo hiệu quả và an toàn. Dưới đây là những vấn đề mà mẹ bầu nên quan tâm khi sử dụng sắt:
- Tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ hoặc hướng dẫn sử dụng của sản phẩm khi dùng thuốc sắt.
- Uống đúng liều lượng, theo đúng thời gian đã được chỉ định để đảm bảo hấp thụ tối ưu và tránh tác dụng phụ.
- Kết hợp thực phẩm giàu sắt với các nguồn vitamin C như cam, ổi, kiwi, dứa, cà chua có thể tăng cường hấp thụ sắt.
- Tránh uống thuốc sắt cùng lúc với các chất như trà, cà phê, sữa, canxi và chất chống axit (như thuốc trị dạ dày), vì các loại thuốc này có thể làm giảm hấp thụ sắt.
Trên đây là tổng hợp một số thông tin liên quan đến cách sử dụng sắt cho bà bầu và những lưu ý khi uống thuốc sắt trong thai kỳ. Hy vọng qua bài viết này, bạn đã có thêm nhiều kiến thức mới trong vấn đề chăm sóc sức khỏe sinh sản. Để cập nhật thêm các cập nhật mới về y học, mời bạn truy cập Tin tức y tế. Ngoài ra, đừng quên liên hệ ngay với chúng tôi qua số HOTLINE hoặc đặt lịch hẹn trực tiếp TẠI ĐÂY để được tư vấn miễn phí tại hệ thống Bệnh viện Hoàn Mỹ trên toàn quốc.
*Các thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo và tra cứu, vui lòng không tự áp dụng nếu chưa có chỉ định của bác sĩ.