Tin tức y tế

Tiểu đường thai kỳ nên ăn gì? Gợi ý thực đơn cho mẹ bầu tiểu đường thai kỳ

16/08/2023

Với mẹ bầu bị tiểu đường thai kỳ, chế độ dinh dưỡng khoa học rất quan trọng, đảm bảo sức khoẻ cho mẹ và thai nhi. Vậy tiểu đường thai kỳ nên ăn gì và kiêng ăn gì? Cùng Hoàn Mỹ xây dựng thực đơn cho mẹ bầu tiểu đường thai kỳ trong bài viết này nhé!

>> Xem thêm:

Tiểu đường thai kỳ là gì?

Tiểu đường thai kỳ hay đái tháo đường thai kỳ là tình trạng nồng độ glucose tăng cao ở phụ nữ mang thai. Tình trạng này thường xuất hiện ở tháng thứ 4 của thai kỳ và tự hết sau khi sinh khoảng 6 tuần. Vì vậy, nếu mẹ bầu có tiền sử đường huyết cao thì nên thăm khám và xét nghiệm kiểm tra chỉ số glucose thường xuyên.

Khoảng 3 – 7% phụ nữ mang thai sẽ mắc bệnh đái tháo đường thai kỳ. Phổ biến nhất ở những đối tượng sau:

  • Mẹ bầu thừa cân, béo phì.
  • Tiền sử gia đình có người bị đái tháo đường.
  • Có tiền sử bị tiểu đường thai kỳ hoặc glucose niệu dương tính.
  • Tiền sử sinh con nặng hơn 4kg hoặc tiền sử sản khoa bất thường như thai chết lưu, sảy thai, sanh non, thai dị tật mà không rõ nguyên nhân.
  • Mẹ bầu trên 35 tuổi, tuổi càng cao càng có nguy cơ mắc tiểu đường thai kỳ.
  • Mẹ bầu mắc hội chứng buồng trứng đa nang.

>> Xem thêm:

Tiểu đường thai kỳ ảnh hưởng gì đến sức khỏe mẹ và bé?

Trong giai đoạn mang thai, nếu không kiểm soát được tình trạng tiểu đường thai kỳ thì sẽ ảnh hưởng đến sức khoẻ của mẹ và bé. Cụ thể như sau:

Ảnh hưởng của tiểu đường thai kỳ đối với mẹ:

  • Mẹ tăng cân (trên 20kg), hầu hết là thai lớn, e bé cân nặng khi sinh thường trên 4kg.
  • Ăn uống nhiều, đi tiểu nhiều. Trong nước tiểu có đường nên dễ bị nấm candida.
  • Viêm thận, nhiễm trùng hoặc băng huyết sau sinh.
  • Nguy cơ sảy thai hoặc chết lưu.
  • Dễ bị các biến chứng thai kỳ như: Tiền sản giật, nhiễm trùng tiết niệu, đa ối, vỡ ối,…
  • Tăng hoặc hạ đường huyết, có thể dẫn đến hôn mê.
  • Khó sinh do phần thân trên của bé phát triển nhanh, phần vai rộng.

Ảnh hưởng của tiểu đường thai kỳ đối với thai nhi:

  • Thai nhi có cân nặng lớn hơn bình thường, có nguy cơ gãy xương hoặc sang chấn khi sinh: Vì lượng glucose trong máu của mẹ truyền sang bé, buộc tuyến tuỵ của bé hoạt động mạnh hơn nhằm sản sinh insulin để chuyển hoá glucose thành năng lượng. Khi bé bị dư thừa năng lượng thì sẽ mắc hội chứng macrosomia (thai nhi quá lớn).
  • Thai nhi có thể bị dị tật bẩm sinh hoặc dị dạng.
  • Em bé sau khi sinh có thể bị suy hô hấp, hạ đường huyết, hạ canxi, thậm chí là mắc đái tháo đường do di chuyền.

Nhận thức về các tác động của tiểu đường thai kỳ là rất quan trọng để bà bầu có thể thực hiện các biện pháp phòng ngừa một cách hiệu quả. Việc kết hợp theo dõi với bác sĩ và chuyên gia y tế sẽ giúp đảm bảo sức khỏe tốt nhất cho cả mẹ và bé trong suốt thời kỳ thai kỳ.

Tiểu đường thai kỳ nên ăn gì?

Theo khuyến cáo từ chuyên gia y tế, mẹ bầu mắc tiểu đường thai kỳ nên ăn thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp như ngũ cốc nguyên hạt, rau xanh, các loại đậu. Đồng thời, bổ sung thêm chất đạm từ thịt, cá, trứng, sữa không đường và thực phẩm chứa chất béo tốt như dầu thực vật, bơ đậu phộng,…

Thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp (GI)

Chỉ số đường huyết (GI) đo lường tốc độ tăng đường huyết sau khi tiêu thụ một loại thực phẩm. Các loại thực phẩm có GI cao sẽ làm tăng nhanh đường huyết, gây áp lực cho tuyến tụy và làm giảm khả năng tiêu hóa insulin. Ngược lại, các loại thực phẩm có GI thấp sẽ làm tăng chậm đường huyết giúp duy trì đường huyết ổn định và cải thiện khả năng chuyển hóa insulin. Vì vậy, bệnh nhân mắc tiểu đường thai kỳ nên ăn các loại thực phẩm có GI thấp như:

  • Các loại ngũ cốc nguyên hạt: Gạo lứt, yến mạch, quinoa, bắp ngô, bánh mì ngũ cốc,…
  • Các loại rau xanh và củ quả: Bông cải xanh, rau chân vịt, rau má, cà rốt, củ cải, bí đỏ,…
  • Các loại trái cây ít ngọt: Dưa hấu, dứa, cam, táo, lê,…
  • Các loại đậu: Đậu xanh, đậu đỏ, đậu nành, đậu phụ,…
Tiểu đường thai kỳ nên ăn thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp
Tiểu đường thai kỳ gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người bệnh (Nguồn: Internet)

Thực phẩm có protein lành mạnh

Protein là một thành phần dinh dưỡng thiết yếu cho sự phát triển của thai nhi, giúp tăng cường miễn dịch và hỗ trợ sự phát triển của não bộ cũng như các cơ quan khác. Ngoài ra, protein cũng làm chậm quá trình hấp thu đường trong máu của mẹ bày và giảm cảm giác đói. Tuy nhiên, không phải tất cả các loại protein đều có lợi cho người bị tiểu đường thai kỳ, mẹ bầu nên chọn thực phẩm chứa protein lành mạnh như:

  • Các loại thịt nạc: Thịt gà, thịt lợn, thịt bò,… Mẹ bầu nên chế biến thịt bằng cách luộc, hấp hoặc nướng để giảm lượng mỡ và cholesterol.
  • Các loại cá: Cá hồi, cá ngừ, cá thu,… Đây là nguồn protein giàu omega-3 – một loại chất béo không bão hòa có lợi cho tim mạch và não bộ. Mẹ bầu mắc bệnh tiểu đường thai kỳ nên bổ sung cá vào thực đơn ít nhất 2 lần/tuần.
  • Các loại trứng: Trứng gà, trứng vịt,… Trứng là nguồn protein hoàn chỉnh chứa tất cả các axit amin thiết yếu cho cơ thể. Người mắc tiểu đường thai kỳ nên ăn trứng luộc hoặc trứng rán ít dầu để giảm calo.
  • Các loại sữa và sản phẩm từ sữa: Sữa không đường, yaourt không đường, phô mai ít béo,… Sữa và sản phẩm từ sữa chứa nhiều canxi và vitamin D giúp xương chắc khỏe và ngăn ngừa loãng xương.
Tiểu đường thai kỳ nên ăn thực phẩm chứa protein
Một số loại thực phẩm giàu protein cho mẹ bầu mắc bệnh tiểu đường thai kỳ (Nguồn: Internet)

Chọn chất béo không bão hòa

Chất béo là nguồn năng lượng quan trọng cho cơ thể, đặc biệt là não bộ. Tuy nhiên, mẹ bầu mắc tiểu đường thai kỳ nên hạn chế các loại chất béo bão hòa như mỡ động vật, bơ, phô mai,… Thay vào đó, tăng cường các loại chất béo không bão hòa như:

  • Các loại dầu thực vật: Dầu ô liu, dầu hạt lanh, dầu hạnh nhân,… Các loại dầu thực vật chứa nhiều omega-3 và omega-6. Đây là hai loại chất béo không bão hòa có lợi cho tim mạch, giảm Cholesterol xấu và ngăn ngừa viêm nhiễm.
  • Các loại hạt: Hạt điều, hạt óc chó, hạt dẻ,… Các loại hạt chứa nhiều protein, chất xơ, vitamin và khoáng chất. Mẹ nên ăn các loại hạt không muối và không rang để giảm natri và calo.
  • Các loại bơ thực vật: Bơ đậu phộng, bơ hạt điều, bơ hạnh nhân,… Các loại bơ thực vật là nguồn chất béo không bão hòa tốt giúp làm giàu khẩu vị và tăng cường dinh dưỡng. 
Mẹ bầu mắc bệnh tiểu đường thai kỳ nên ăn thực phẩm chứa chất béo không bão hoà
Tăng cường các loại chất béo không bão hòa có lợi cho bà bầu mắc tiểu đường thai kỳ (Nguồn: Internet)

Tiểu đường thai kỳ không nên ăn gì?

Thực phẩm mẹ bầu mắc tiểu đường thai kỳ không nên ăn là:

  • Thực phẩm chứa nhiều đường: Các loại bánh kẹo, nước ngọt, nước ép trái cây nhưng cho thêm đường,…
  • Thực phẩm chứa nhiều tinh bột: Hạn chế những thực phẩm chứa nhiều tinh bột như khoai tây, khoai lang, ngô, bún, mì, và các loại bánh ngọt.
  • Thực phẩm nhiều chất béo bão hoà: Không nên ăn thực phẩm chứa chất béo bão hoà như mỡ động vật (mỡ bò, mỡ lợn, da gà,..)
  • Thức ăn nhanh, đồ ăn chiên rán, thực phẩm nhiều muối và chất bảo quản, tạo màu.
Thực đơn phù hợp cho người bệnh là vấn đề quan trọng
Thực đơn phù hợp cho người bệnh là vấn đề quan trọng (Nguồn: Internet)

Thực đơn cho bà bầu bị tiểu đường thai kỳ

Bà bầu bị tiểu đường thai kỳ cần có một thực đơn ăn uống hợp lý và khoa học để kiểm soát đường huyết và cung cấp đủ dinh dưỡng cho sự phát triển của thai nhi. Bạn có thể tham khảo gợi ý dưới đây:

Thực đơn bữa sáng cho bà bầu tiểu đường thai kỳ

Bữa sáng là bữa ăn quan trọng nhất trong ngày giúp cung cấp năng lượng và khởi động chuyển hóa cho cơ thể. Bà bầu bị tiểu đường thai kỳ nên ăn bữa sáng có chứa các loại thực phẩm sau:

  • Các loại ngũ cốc nguyên hạt
  • Các loại protein lành mạnh
  • Các loại rau xanh và trái cây ít ngọt.
Thực đơn bữa sáng cho người mắc tiểu đường thai kỳ
Thực đơn bữa sáng cho người mắc tiểu đường thai kỳ (Nguồn: Internet)

Thực đơn bữa trưa cho bà bầu tiểu đường thai kỳ

Bữa trưa là bữa ăn giúp duy trì năng lượng và dinh dưỡng cho cơ thể trong suốt buổi chiều. Bà bầu bị tiểu đường thai kỳ nên ăn bữa trưa có chứa các loại thực phẩm sau:

  • Các loại tinh bột có chỉ số đường huyết thấp như gạo lứt, mì soba, khoai lang,…
  • Các loại protein lành mạnh như thịt nạc, cá, tôm, cua,…
  • Các loại rau xanh và củ quả như bông cải xanh, cà rốt, củ cải, bí đỏ,…
Thực đơn bữa trưa cho bà bầu tiểu đường thai kỳ
Bà bầu bị tiểu đường thai kỳ nên ăn bữa trưa với các loại thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp (Nguồn: Internet)

Thực đơn bữa tối và bữa phụ cho bà bầu tiểu đường thai kỳ

Bữa tối nên nhẹ nhàng nhưng vẫn cung cấp đủ dưỡng chất. Mẹ bầu nên lựa chọn thức ăn chứa protein như cá hấp hoặc thịt gà nướng kết hợp với các loại rau sống và ngũ cốc nguyên hạt.

Bữa phụ có thể bao gồm trái cây tươi, sữa chua không đường hoặc hạt chia ngâm nước. Bệnh nhân nên hạn chế đồ ăn chiên, ngọt và đồ uống có đường.

Thực đơn bữa tối và bữa phụ cho bà bầu tiểu đường thai kỳ
Thực đơn bữa tối và bữa phụ cho người bệnh nên được cân nhắc cẩn thận (Nguồn: Internet)

Hy vọng bài viết này đã giúp giải đáp giúp mẹ bầu về câu hỏi tiểu đường thai kỳ nên ăn gì để giữ sức khỏe ổn định. Để hiểu rõ hơn về tình trạng này, bệnh nhân nên tham khảo những lời khuyên từ các chuyên gia y tế. Hy vọng rằng thông tin bổ ích về sức khỏe và y học trong phần Tin tức y tế sẽ có ích cho người bệnh. Nếu cần tư vấn cụ thể về tình trạng của mình, hãy liên hệ qua HOTLINE hoặc đăng ký lịch hẹn trực tiếp TẠI ĐÂY. Chúng tôi sẽ đồng hành và chăm sóc bạn tận tình tại Hệ thống các Bệnh viện Hoàn Mỹ trên toàn quốc.

*Các thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo và tra cứu, vui lòng không tự áp dụng nếu chưa có chỉ định của bác sĩ.