Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn

Thường xuyên bị chóng mặt: Nguyên nhân và cách điều trị hiệu quả

24/07/2024

Thường xuyên chóng mặt có phải là dấu hiệu cảnh báo bệnh lý nguy hiểm? Chắc hẳn nhiều người đã từng thắc mắc về điều này.

Đa phần các cơn chóng mặt thường không nguy hiểm, nhưng sẽ ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống. Đôi khi hoa mắt, chóng mặt khiến cơ thể mất thăng bằng, té ngã, gặp tai nạn nghiêm trọng. Một số trường hợp cơn chóng thường xuyên là triệu chứng của các bệnh như thiếu máu, rối loạn tiền đình, hạ đường huyết, đột quỵ,… Bài viết sẽ giải đáp nguyên nhân khiến bạn thường xuyên chóng mặt và đưa ra cách điều trị hiệu quả.

Chóng mặt là bệnh gì?

Chóng mặt (Vertigo) là tình trạng bị mất thăng bằng, khiến bản thân có cảm giác như mọi thứ xung quanh đang xoay vòng vòng, dẫn đến nguy cơ té ngã. Thường xuyên bị chóng mặt có thể là dấu hiệu cơ thể đang gặp một vấn đề sức khỏe nào đó như mất nước, thiếu ngủ,… hoặc các bệnh lý nghiêm trọng như rối loạn tiền đình, viêm dây thần kinh tiền đình, sỏi lạc trong tai, nhiễm trùng tai trong…

Tình trạng chóng mặt có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhất là người ở độ tuổi trung niên và cao tuổi. Hiện nay, tỷ lệ thanh thiếu niên thường xuyên bị chóng mặt cũng có xu hướng gia tăng. Để biết được “thường xuyên chóng mặt là bệnh gì” thì cần thăm khám ở bệnh viện để được các bác sĩ chẩn đoán chính xác.

Chóng mặt thường xuyên có thể là dấu hiệu cảnh báo nhiều bệnh lý nguy hiểm

Chóng mặt thường xuyên có thể là dấu hiệu cảnh báo nhiều bệnh lý nguy hiểm

Nguyên nhân gây chóng mặt

Chóng mặt được chia thành 2 loại chính là chóng mặt ngoại biên và chóng mặt trung ương, gây ra bởi những nguyên nhân khác nhau.

1. Nguyên nhân gây chóng mặt ngoại biên

Chóng mặt ngoại biên hay còn được gọi là chóng mặt do rối loạn tiền đình ngoại biên. Một số nguyên nhân nên tình trạng chóng mặt này là bởi:

  • Sỏi tai (tinh thể Canxi cacbonat) lạc chỗ vào các ống bán khuyên trong tai (gọi là chứng chóng mặt kịch phát tư thế lành tính).
  • Hội chứng rối loạn tiền đình ngoại vi.
  • Chóng mặt vì bị phù nội dịch hay còn gọi là hội chứng Meniere.
  • Chấn thương ở vùng đầu, mặt hoặc cổ.
  • Các bệnh ngoại vi khác: viêm dây thần kinh số VIII, nhiễm khuẩn tai trong, mê đạo dị tật bất thường,
  • Tổn thương sau khi phẫu thuật tai, tác dụng phụ của một số loại thuốc, rượu hoặc ma tuý…

2. Nguyên nhân chóng mặt trung ương

  • Các bệnh liên quan đến vùng não: thiếu máu não cục bộ, xuất huyết não, thoái hoá tiểu não, tai biến mạch máu não, đột quỵ não, u não,…
  • Bệnh đau nửa đầu hay còn gọi là đau đầu Migraine có thể gây nên chứng chóng mặt.
  • Hệ thần kinh trung ương mất myelin.
  • U dây thần kinh VIII.
  • Các bệnh cơ xương khớp như thoái hoá cột sống, đa xơ cứng,…
  • Một số loại thuốc như thuốc chống co giật, aspirin…
  • Đột quỵ.

Ngoài ra, còn một số nguyên nhân khác gây chóng mặt như: tình trạng căng thẳng quá mức, mất nước, tụt huyết áp, hạ đường huyết, nằm lâu trên giường một thời gian dài rồi đột ngột ngồi dậy, phụ nữ mang thai giai đoạn ốm nghén…

Bị chóng mặt có nguy hiểm không?

Thường xuyên bị chóng mặt là dấu hiệu sức khỏe bản thân đang gặp vấn đề, có thể là những rối loạn nhẹ, hoặc dấu hiệu cảnh báo những căn bệnh nghiêm trọng. Nếu gặp tình trạng chóng mặt, cần phải thăm khám để xác định nguyên nhân chính xác, giúp việc điều trị kịp thời và hiệu quả hơn, tránh trường hợp bệnh diễn tiến nặng hơn.

Đồng thời, thường xuyên chóng mặt có thể khiến cơ thể mất thăng bằng, dễ té ngã, gây ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống. Đặc biệt là vào những lúc đang hoạt động, di chuyển, lái xe, chóng mặt dễ dẫn tới tai nạn giao thông hoặc tai nạn lao động. Trường hợp nguy hiểm nhất là tai nạn gây tử vong.

Tình trạng chóng mặt khi nào cần đến bệnh viện khám?

Cần ngay lập tức thăm khám và điều trị ngay nếu xảy ra chóng mặt kèm đau đầu dữ dộ

Cần ngay lập tức thăm khám và điều trị ngay nếu xảy ra chóng mặt kèm đau đầu dữ dộ

Dù chỉ là cơn chóng mặt thoáng qua, bạn cũng cần chủ động thăm khám tại bệnh viện để được chẩn đoán chính xác nguyên nhân và có hướng điều trị. Đặc biệt, mọi người buộc phải ngay lập tức kiểm tra sức khoẻ khi gặp tình trạng chóng mặt thường xuyên kèm các triệu chứng sau đây:

  • Chóng mặt đột ngột, đau đầu dữ dội.
  • Mất thăng bằng, hoa mắt dẫn tới té ngã.
  • Khó thở, đau ngực, buồn nôn, nôn ói liên tục.
  • Nói ngọng, nói lắp bắp, rối loạn ngôn ngữ.
  • Ù tai hoặc đột ngột không nghe thấy gì.
  • Tê hoặc liệt một bên mặt, tê hoặc liệt tay chân hoặc nửa người.
  • Co giật, động kinh.
  • Ngưng hô hấp, tim ngừng đập, mất ý thức, ngất xỉu.

Cách chẩn đoán bệnh chóng mặt

1. Khám lâm sàng

Bác sĩ kiểm tra lâm sàng để tìm ra nguyên nhân gây chóng mặt. Các vấn đề cần lưu ý như: thời gian, tần suất và mức độ nặng nhẹ của cơn chóng mặt, tiền sử dùng thuốc và các bệnh lý đang mắc. Ngoài ra, người bệnh còn được kiểm tra dáng đi, tình trạng giữ thăng bằng khi đứng yên hoặc di chuyển, phản xạ tiền đình mắt khi nhìn vật di chuyển.

2. Thực hiện các xét nghiệm

  • Nội soi tai – mũi – họng và kiểm tra chức năng thính giác để xác định bệnh lý ảnh hưởng cơ quan tiền đình.
  • Dùng kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh như chụp CT scan, điện não đồ (EEG), chụp MRI/MRA não,…
  • Xét nghiệm máu hoặc chọc dịch não tuỷ để xét nghiệm.
Đo điện não đồ (EEG - Electroencephalogram)

 Đo điện não đồ (EEG – Electroencephalogram)

Cách điều trị tình trạng chóng mặt

Một số trường hợp bị chóng mặt, bạn có thể tự khắc phục triệu chứng thông qua vài bài tập đơn giản. Tình trạng chóng mặt sẽ được cải thiện mà không cần điều trị. Tuy nhiên, hầu hết chứng chóng mặt kéo dài có thể ảnh hưởng tới sức khoẻ và chất lượng cuộc sống, cần chữa trị đúng cách để tránh gây hậu quả nghiêm trọng.

Tuỳ vào nguyên nhân gây chóng mặt, các bác sĩ sẽ có những phương án điều trị thích hợp. Một số cách điều trị tình trạng thường xuyên chóng mặt có thể áp dụng như sau:

  • Sử dụng thuốc: Để giảm triệu chứng chóng mặt, bác sĩ có thể kê đơn một số loại thuốc như thuốc chống lo âu, thuốc phục hồi chức năng tiền đình, thuốc kháng sinh trị nhiễm trùng, thuốc kháng viêm, thuốc chống buồn nôn, thuốc ngăn dị ứng, thuốc trị bệnh đau nửa đầu,…
  • Thủ thuật tái định vị sỏi tai: Chỉ định cho người thường xuyên bị chóng mặt vì chứng chóng mặt kịch phát tư thế lành tính. Các thủ thuật sử dụng như nghiệm pháp Epley, Semont, BBQ Roll. Người bệnh cần thực hiện bài tập dưới sự hướng dẫn của bác sĩ để di chuyển sỏi canxi từ ống tai vào lại khoang tai trong.
  • Thực hiện bài tập phục hồi chức năng tiền đình: Bác sĩ tư vấn một số bài tập vật lý trị liệu như xoay đầu, xoay bóng vòng tròn, hoặc rèn luyện nhìn mục tiêu… để cải thiện tình trạng thường xuyên chóng mặt và mất thăng bằng.
  • Phẫu thuật: Nếu tình trạng thường xuyên chóng mặt là do các vấn đề sức khoẻ nguy hiểm như khối u não, chấn thương cổ,… bác sĩ sẽ dựa vào nguyên nhân mà đưa ra phương án phẫu thuật điều trị bệnh. Các 3 loại phẫu thuật gồm: Phẫu thuật giải áp túi nội bạch huyết, Phẫu thuật cắt bỏ dây thần kinh tiền đình số 8, phẫu thuật cắt bỏ mê nhĩ.
Điều trị tình trạng chóng mặt thường xuyên bằng cách sử dụng thuốc kê đơn

Điều trị tình trạng chóng mặt thường xuyên bằng cách sử dụng thuốc kê đơn

Ngoài ra, để giảm tình trạng chóng mặt kéo dài, mọi người nên chú ý tư thế hoạt động, nghỉ ngơi của mình. Không thay đổi tư thế quá đột ngột, nếu bị chóng mặt khi đi hoặc đứng thì cần tìm ngay điểm tựa để dựa hoặc ngồi xuống nhằm tránh té ngã. Khi nghỉ ngơi, cần hạn chế nơi có ánh sáng quá mạnh, âm thanh quá lớn, mùi hương bất thường. Đặc biệt, nếu xảy ra tình trạng chóng mặt thì không lái xe, chạy bộ, leo núi, làm việc nặng hoặc vận hành máy móc.

Cách phòng ngừa tình trạng chóng mặt

Hầu hết tình thường xuyên chóng mặt cần được thăm khám, tầm soát bệnh lý để bác sĩ chẩn đoán nguyên nhân và đưa ra phương án điều trị đúng đắn. Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp chóng mặt có thể phòng ngừa hoặc hạn chế bằng cách điều chỉnh chế độ dinh dưỡng và lối sống phù hợp.

1. Thói quen, lối sống hợp lý

  • Không thay đổi tư thế quá đột ngột.
  • Ngủ đủ giấc, nghỉ ngơi hợp lý, không thức khuya.
  • Uống đủ 1.5-2 lít nước mỗi ngày.
  • Không hút thuốc lá, hạn chế uống rượu, bia, đồ uống có cồn, cafein, và không dùng ma tuý.
  • Tập thể thao đều đặn và vừa sức.
  • Tránh căng thẳng, stress kéo dài, hạn chế nơi ánh sáng chói, âm thanh lớn, có mùi bất thường hoặc ẩm mốc.

2. Chế độ dinh dưỡng phù hợp

  • Bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng, các loại vitamin (đặc biệt là vitamin B6) và khoáng chất.
  • Không ăn thực phẩm nhiều dầu mỡ, quá mặn, đồ muối, thực phẩm chế biến sẵn…
  • Ăn đúng giờ, đủ bữa, không nhịn đói (gây hạ đường huyết).

Khám và điều trị chóng mặt tại bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn

Tình trạng chóng mặt thường xuyên gây nên nhiều phiền toái, ảnh hưởng đến sức khoẻ, khiến chất lượng cuộc sống suy giảm, tăng nguy cơ bị tai nạn chấn thương và tử vong. Có khi triệu chứng chóng mặt còn là dấu hiệu cảnh báo bệnh lý nghiêm trọng. Do đó, mọi người cần chủ động thăm khám, chẩn đoán nguyên nhân để có hướng điều trị phù hợp.

Bác sĩ kiểm tra thăng bằng và phản xạ tiền đình mắt để tìm nguyên nhân chóng mặt

Bác sĩ kiểm tra thăng bằng và phản xạ tiền đình mắt để tìm nguyên nhân chóng mặt

Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn quy tụ đội ngũ bác sĩ Nội thần kinh chuyên môn cao, giàu kinh nghiệm và hệ thống trang thiết bị tiên tiến nhất hiện nay, là đơn vị hàng đầu để mọi người thăm khám và tầm soát các bệnh lý thần kinh như đau đầu, chóng mặt, mất ngủ… Với thế mạnh là bệnh viện đa khoa với nhiều chuyên khoa sâu, các bác sĩ khoa Nội thần kinh chẩn đoán bệnh liên khoa như Tai Mũi Họng, Tim Mạch… và các chuyên khoa liên quan để đưa ra phác đồ điều trị thích hợp, riêng biệt cho tình trạng của từng người bệnh.

Thăm khám và điều trị chóng mặt tại bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn được thực hiện nhanh chóng được, quy trình khoa học nhằm giúp người bệnh phục hồi sức khoẻ hiệu quả, tránh di chứng nguy hiểm, giảm nguy cơ tử vong. Đồng thời, các gói khám đều có chi phí hợp lý, để mọi người đều có thể yên tâm thực hiện.

Đăng ký thăm khám và điều trị chóng mặt ở bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn TẠI ĐÂY.

Tham khảo Câu lạc bộ sức khỏe Hoàn Mỹ: