Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn

Cảnh giác bệnh viêm màng não mủ nguy hiểm ở trẻ em

29/07/2024

Bệnh viêm màng não mủ có tỷ lệ tử vong cao, thường tiên lượng nặng nếu điều trị chậm trễ. Cho dù may mắn chữa khỏi thì bệnh cũng để lại nhiều di chứng nghiêm trọng như điếc, liệt, rối loạn tâm thần… Để tránh gặp phải tổn thương nguy hiểm, cần cảnh giác và điều trị kịp thời bệnh viêm màng não mủ ở trẻ em.

Bệnh viêm màng não mủ là gì?

Viêm màng não mủ là tình trạng màng não bị nhiễm khuẩn gây viêm do những tác nhân (chủ yếu là vi khuẩn) xâm nhập và gây bệnh sinh mủ trong dịch não tuỷ. Bệnh thường gặp ở trẻ em (đa số dưới 5 tuổi), cực kỳ nguy hiểm, có tỷ lệ tử vong cao. Nếu may mắn chữa khỏi và sống sót, trẻ có khả năng phải chịu di chứng vĩnh viễn về thần kinh và vận động.

Bệnh viêm màng não mủ do vi khuẩn xâm nhập gây tổn thương sinh mủ tại dịch não tuỷ

Bệnh viêm màng não mủ do vi khuẩn xâm nhập gây tổn thương sinh mủ tại dịch não tuỷ

Có 3 loại vi khuẩn phổ biến gây ra bệnh viêm màng não mủ:

  • H. Influenzae (Haemophilus influenzae)
  • Phế cầu (Streptococcus pneumoniae)
  • Não mô cầu (Neisseria meningitidis)

Đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 3 tháng tuổi, hoặc người già, nguyên nhân gây bệnh viêm màng não mủ thường là những loại vi khuẩn đường ruột như Escherichia Coli, Proteus, Listeria Monocytogenes, B.streptococcus. Một số loại vi khuẩn và nấm khác cũng có khả năng gây nên viêm màng não mủ, nhưng khá ít gặp, thường xảy ra đối với người bệnh bị suy giảm miễn dịch, bệnh nhiễm khuẩn huyết…

Bệnh viêm màng não mủ có nguy hiểm không?

Màng não giữ vai trò bao bọc bảo vệ não và tuỷ sống. Khi màng não bị nhiễm trùng, tổn thương gây viêm sinh mủ, sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới não và tuỷ sống, đặc biệt là đối với trẻ em có hệ thần kinh đang phát triển. Bệnh thường diễn tiến rất nhanh, tiên lượng nặng, điều trị phức tạp, nhiều biến chứng nặng nề, tỷ lệ tử vong cao. Do đó, đây là bệnh lý vô cùng nguy hiểm, nếu điều trị chậm trễ thì cho dù sống sót vẫn để lại di chứng vĩnh viễn.

Dấu hiệu cảnh báo viêm màng não mủ ở trẻ

  • Hội chứng nhiễm trùng: Trẻ thường sốt cao đột ngột, viêm đường hô hấp trên, quấy khóc, mệt mỏi, li bì, bỏ bú, bỏ ăn, da tái xanh.
  • Hội chứng màng não:
    • Buồn nôn, nôn, đau đầu, trẻ nhỏ thường quấy khóc, khóc thét từng cơn
    • Táo bón (trẻ nhỏ hoặc sơ sinh sẽ tiêu chảy)
    • Trẻ có thể sợ ánh sáng
    • Nằm co theo tư thế cò súng
    • Trẻ trên 18 tháng có dấu hiệu cứng cổ, cứng gáy, trẻ nhỏ thì bị cổ mềm
    • Dấu hiệu Kernig, Brudzinski, vạch màng não… dương tính.
    • Trẻ nhỏ còn thóp sẽ bị căng hoặc phồng thóp trước, li bì, mắt nhìn vô cảm.
  • Các biểu hiện khác:
    • Co giật.
    • Liệt khu trú.
    • Rối loạn tri giác – hôn mê.
    • Ban xuất huyết hoại tử hình sao (Gặp trong nhiễm Não mô cầu).
    • Các dấu hiệu của shock nhiễm khuẩn.
  • Đối với trẻ sơ sinh và trẻ dưới 3 tháng tuổi

Viêm màng não mủ thường xảy ra trên trẻ sinh non, nhiễm khuẩn ối hoặc ngạt sau đẻ. Hội chứng nhiễm khuẩn và hội chứng màng não không quá rõ ràng, trẻ có thể không sốt, có trường hợp bị hạ thân nhiệt. Dấu hiệu nhận biết bệnh là trẻ thường bỏ bú, thở không đều, thở rên, có cơn ngừng thở, nôn trớ, thóp căng hoặc phồng, bụng trướng, tiêu chảy, giảm trương cơ lực, giảm hoặc mất phản xạ sinh lý, có thể kèm theo co giật.

Các biến chứng phổ biến của bệnh viêm màng não mủ

Viêm màng não mủ có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng cho người bệnh, phổ biến là:

  • Biến chứng hệ thần kinh

Viêm màng não mủ tác động nghiêm trọng đến hệ thần kinh, nhất là não bộ và tủy sống. Bệnh khiến trẻ sốt cao liên tục, dễ rơi vào tình trạng mơ hồ, lú lẫn, hoặc hôn mê. Kể cả sau khi điều trị thì người bệnh vẫn gặp vấn đề về khả năng tập trung và trí nhớ.

  • Biến chứng hệ tuần hoàn

Các vi khuẩn gây nên bệnh viêm màng não mủ có thể di chuyển vào máu gây các biến chứng hệ tuần hoàn như nhiễm trùng huyết, tổn thương mạch máu, ảnh hưởng tới chức năng của các cơ quan khác như nội tạng, da (phát ban tím sẫm diện rộng, xuất huyết dưới da)

  • Biến chứng cơ xương khớp

Người bị viêm màng não mủ sẽ gặp các vấn đề về cơ xương khớp, đặc biệt là vùng cổ, vai, lưng. Các biến chứng thường thấy như tê cứng, khớp dị dạng, khó vận động (xoay cổ hoặc cúi người), viêm khớp cấp tính.

  • Biến chứng nguy hiểm nhất chính là tử vong nếu điều trị muộn (tỷ lệ khoảng 20 – 50%).

Những di chứng sau khi bị bệnh viêm màng não mủ

Nếu điều trị kịp thời và may mắn sống sót, người bị bệnh viêm màng não mủ vẫn có nguy cơ gặp những di chứng nặng nề trong suốt phần đời còn lại.

  • Nhiễm trùng máu

Người bệnh có khả năng cao bị nhiễm trùng máu, nhiều trường hợp phải cắt bỏ ngón tay, ngón chân hoặc cả tứ chi.

  • Viêm khớp

Viêm màng não mủ gây di chứng viêm khớp mạn tính không thể chữa khỏi. Nhiều trường hợp bị liệt tứ chi hoặc liệt nửa người, tàn phế vĩnh viễn.

  • Tổn thương các cơ quan

Khi bệnh được điều trị muộn dễ để lại di chứng cho các cơ quan như: lác mắt, mù mắt, câm, điếc,…

  • Tổn thương thần kinh

Di chứng nặng nề nhất là người bệnh có khả năng bị đau nửa đầu, suy yếu thần kinh, giảm trí nhớ, rối loạn tâm thần, sa sút trí tuệ, động kinh.

Cách phòng ngừa viêm màng não mủ

  • Tiêm vaccine phòng bệnh

Các bác sĩ khuyến cáo trẻ em cần phải tiêm phòng đầy đủ và đúng lịch những loại vaccine ngăn ngừa bệnh viêm màng não mủ. Hiện nay có vaccin Hib – Haemophilus influenzae type B, để ngừa nhiễm Haemophilus influenzae type B. Đối với người có cơ địa đặc biệt như suy giảm miễn dịch, cần tiêm vaccine phòng não mô cầu khuẩn và phế cầu khuẩn.

Tiêm vaccine Haemophilus influenzae type B để phòng ngừa bệnh viêm màng não mủ

Tiêm vaccine Haemophilus influenzae type B để phòng ngừa bệnh viêm màng não mủ

  • Chủ động tránh tiếp xúc nguồn lây
    • Cách ly và khử khuẩn dụng cụ, môi trường,… có người bị viêm màng não mủ.
    • Đeo khẩu trang để tránh tiếp xúc nguồn bệnh từ không khí vào đường hô hấp.
    • Thường xuyên rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn.
    • Vệ sinh tai – mũi – họng mỗi ngày.
    • Vệ sinh khu vực sống, làm việc, các vật dụng sinh hoạt hàng ngày.
    • Ăn chín, uống sôi, không ăn đồ sống, tái (nem, gỏi hải sản sống, tiết canh…)
  • Thăm khám định kỳ và điều trị bệnh

Cần kiểm tra sức khỏe định kỳ 6 tháng một lần. Nếu phát hiện các bệnh về đường hô hấp, tai – mũi – họng thì cần điều trị dứt điểm. Đặc biệt, khi có dấu hiệu nghi ngờ bệnh viêm màng não mủ thì cần thực hiện các xét nghiệm để chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời.

  • Xây dựng lối sống khoa học

Trẻ cần được ngủ đủ giấc, ăn uống đủ chất dinh dưỡng, ăn uống lành mạnh, vận động thể chất để khỏe mạnh, có sức đề kháng hạn chế mắc bệnh.

Khám và điều trị viêm màng não mủ cho trẻ em tại bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn

Khoa Nhi tại bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn được trang bị thiết bị y khoa và máy móc hiện đại bậc nhất. Đội ngũ các chuyên gia y tế và bác sĩ chuyên khoa giàu kinh nghiệm, luôn đặt sự an toàn và sức khỏe của bệnh nhi lên hàng đầu. Các bé khi đến đây sẽ được thăm khám, chẩn đoán tỉ mỉ và chuẩn xác, nhằm phát hiện sớm các bệnh lý và chữa trị hiệu quả.

Nếu trẻ có triệu chứng bệnh viêm màng não mủ, các bác sĩ sẽ lên phác đồ điều trị phù hợp với tình trạng sức khoẻ của từng bé, áp dụng các phương pháp tiên tiến và khoa học, tránh lạm dụng thuốc, tránh xâm lấn gây tổn hại đến trẻ. Các bé được điều trị nhanh chóng nhằm tránh các biến chứng nguy hiểm và di chứng về sau.

Ngoài ra, các chuyên gia cũng chú trọng tư vấn phụ huynh cách chăm sóc trẻ phù hợp, hướng dẫn xây dựng chế độ dinh dưỡng thích hợp, lên kế hoạch sinh hoạt khoa học, giúp bé khỏi bệnh sớm và hồi phục sức khỏe tốt hơn.

Hãy đặt lịch thăm khám và điều trị viêm màng não mủ cho trẻ ở bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn TẠI ĐÂY.

Bác sĩ chuyên khoa Nhi thăm khám cho bé

Bác sĩ chuyên khoa Nhi thăm khám cho bé