Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn

Từ stress đến trầm cảm: đừng bỏ quên chăm sóc sức khỏe tinh thần

02/08/2024

Stress (căng thẳng tinh thần) có thể ảnh hưởng tới sức khoẻ và chất lượng cuộc sống của người mắc phải. Theo nghiên cứu của Hiệp hội Tâm lý Hoa Kỳ (APA – American Psychiatric Association) năm 2020, khoảng 2/3 số người trưởng thành phải chịu mức độ stress cao từ sau đại dịch Covid-19. Kể cả không có đại dịch, stress có thể đến từ nhiều lý do, nếu kéo dài thường xuyên có khả năng tiến triển thành mãn tính hoặc dẫn đến trầm cảm.

Căng thẳng kéo dài và trầm cảm gây nên nhiều hệ lụy nghiêm trọng cho sức khỏe, thậm chí có thể đe dọa tính mạng. Mọi người cần chủ động tìm hiểu, chẩn đoán và điều trị kịp thời để tránh xảy ra những tình huống nguy hiểm do trầm cảm gây nên. Đừng bỏ quên việc chăm sóc sức khỏe tinh thần nhé.

Tổng quan về stress

Stress là phản ứng tự nhiên của cơ thể khi đối mặt với với thách thức, áp lực hoặc mối đe dọa về sinh học, tâm lý và xã hội. Từ đó stress dẫn đến sự thay đổi về cảm xúc, hành vi lẫn thay đổi sinh học trong cơ thể.

Bất kỳ ai trong cuộc sống cũng đều có thể trải qua lo lắng hoặc căng thẳng tinh thần ở một mức độ nào đó. Trạng thái này xảy ra khi gặp những tình huống thử thách như thi cử, phỏng vấn tìm việc, khối lượng công việc lớn, những xung đột với người khác, tình huống không an toàn,… Đây là điều hết sức bình thường, sau khi tình huống được giải quyết thì tình hình căng thẳng sẽ giảm dần. Hoặc nhiều người cũng có cách đối phó, cải thiện trạng thái stress nhanh chóng.

Có thể gặp stress do áp lực công việc quá lớn

Có thể gặp stress do áp lực công việc quá lớn

Căng thẳng ở mức độ nhẹ có thể trở thành động lực để chúng ta hoàn thành mục tiêu, thực hiện các hoạt động tốt hơn. Tuy nhiên, stress vẫn ít nhiều ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Quá nhiều căng thẳng khiến bản thân không thể tập trung, có cảm giác lo lắng hoặc kiệt sức, không đưa ra được quyết định đúng đắn. Từ đó, chúng ta sẽ gặp khó khăn khi giải quyết các rắc rối, vướng vào cuộc tranh cãi, dễ nổi nóng tức giận gây ảnh hưởng đến các mối quan hệ. Thậm chí, tình trạng stress kéo dài dai dẳng có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe tinh thần nghiêm trọng.

Tổng quan về trầm cảm

Trầm cảm không chỉ là trạng thái tâm lý mà là một rối loạn tâm thần phổ biến, có thể coi như bệnh với nhiều triệu chứng nghiêm trọng. Rối loạn trầm cảm khác với những biến động cảm xúc thông thường trong cuộc sống hàng ngày. Người bệnh sẽ trong trạng thái trầm buồn xuyên suốt thời gian trong ngày, gần như hàng ngày, kéo dài hơn 2 tuần.

Trầm cảm có thể xảy đến với bất cứ ai, kể cả trẻ em và người lớn tuổi, nhưng thường gặp nhất là người ở tuổi trưởng thành. Các chuyên gia ước tính, có khoảng 5% người trưởng thành bị trầm cảm trên thế giới. Trong đó, phát hiện trầm cảm phổ biến ở nữ giới hơn nam giới, đặc biệt là phụ nữ mang thai và mới sinh con. Những người từng trải qua sự lạm dụng, mất mát nghiêm trọng hoặc các sự kiện căng thẳng khác có nguy cơ cao bị trầm cảm. Trầm cảm có thể dẫn đến tự sát, là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ 4 ở độ tuổi 15 – 29 tuổi.

Các dạng trầm cảm thường gặp hiện nay:

  • Rối loạn trầm cảm chủ yếu (Major Depressive Disorder – MDD)
  • Rối loạn trầm cảm dai dẳng (Persistent depressive disorder – PDD)
  • Rối loạn lưỡng cực (Bipolar Disorder) hay còn gọi bệnh hưng – trầm cảm
  • Trầm cảm sau sinh (Postpartum Depression – PPD)
  • Rối loạn khí sắc tiền kinh nguyệt (Premenstrual dysphoric disorder: PMDD)
  • Rối loạn cảm xúc theo mùa (Seasonal Affective Disorder – SAD)
  • Trầm cảm không điển hình (Atypical Depression)

Ngoài ra, trầm cảm còn có thể chia thành: rối loạn trầm cảm đợt đầu tiên, rối loạn trầm cảm tái phát. Trầm cảm có thể điều trị hiệu quả bằng các phương pháp y khoa hiện đại, cần tham vấn ý kiến của chuyên gia để chữa khỏi dứt điểm, tránh để bệnh tiến triển nghiêm trọng.

Trầm cảm là rối loạn tâm thần có thể dẫn đến tự sát

Trầm cảm là rối loạn tâm thần có thể dẫn đến tự sát

Các dấu hiệu nhận biết stress và trầm cảm

1. Dấu hiệu nhận biết stress

Theo BS.CKI Phạm Trần Thành Nghiệp, chuyên khoa Tâm thần, có 5 nhóm dấu hiệu stress:

  • Bực bội, cáu gắt, khó tập trung, khó ngủ, mệt mỏi
  • Đau đầu, đau cổ vai gáy, chóng mặt, lâng lâng
  • Tim đập nhanh, đau ngực, khó chịu ở ngực, khó thở, thở gấp
  • Chán ăn hoặc thèm ăn bất thường, cồn cào khó chịu, buồn nôn, mắc cầu liên tục
  • Bồn chồn bứt rứt, vã mồ hôi, bủn rủn, tê tay chân, người lạnh hoặc nóng

2. Triệu chứng của rối loạn trầm cảm

Theo tiêu chuẩn chẩn đoán DSM-5 của Hiệp hội Tâm thần học Hoa Kỳ, rối loạn trầm cảm chủ yếu bao gồm ít nhất 5/9 triệu chứng dưới đây:

  • Cảm giác trầm buồn cả ngày và liên tục kéo dài
  • Chán nản, không muốn làm gì, mất động lực, mất hứng thú với hoạt động trước đây mình thích.
  • Chán ăn và sụt cân hoặc ăn nhiều bất thường (nhất là đồ ngọt) gây tăng cân nhanh chóng.
  • Mất ngủ, giấc ngủ bị gián đoạn, mệt mỏi vào buổi sáng khi thức dậy. Hoặc ngược lại, có trường hợp trầm cảm gây ngủ rất nhiều, hơn 10-12 tiếng/ngày nhưng vẫn mệt mỏi.
  • Chậm chạp, bồn chồn bứt rứt, khó ngồi yên, bất an.
  • Cơ thể mệt mỏi, không đủ năng lượng, không thức dậy nổi, làm công việc bình thường vẫn khó khăn.
  • Đầu óc ngơ ngẩn, khó tập trung, khó đưa ra quyết định, trí nhớ suy giảm.
  • Có xu hướng tự trách, cảm giác tội lỗi, vô dụng, tệ hại, suy nghĩ bế tắc, không thấy lối ra.
  • Suy nghĩ liên tục về cái chết, có ý định tự sát hoặc hành vi tự sát.
Tự kiểm tra mức độ trầm cảm bằng thang đo

Tự kiểm tra mức độ trầm cảm bằng thang đo

Stress liên hệ như thế nào đến trầm cảm

Stress kéo dài dai dẳng thành mãn tính có thể gây nên chứng rối loạn lo âu và tiến triển thành trầm cảm. Stress là nguyên nhân chính dẫn đến trầm cảm, nhưng không phải lúc nào stress cũng dẫn đến trầm cảm. Những người mắc các chứng rối loạn sức khỏe tâm thần khác khi bị căng thẳng cũng trở thành trầm cảm nhanh hơn.

Phản ứng dây chuyền từ stress dẫn đến trầm cảm có thể được dự phòng và khắc phục nếu được chăm sóc phù hợp và điều trị đúng cách. Cần nhận diện sớm stress và trầm cảm để điều chỉnh, điều trị kịp thời tránh diễn tiến nặng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tinh thần, thể chất và tính mạng.

Các phương pháp tự giảm stress

1. Quản lý căng thẳng

Cần chủ động quản lý căng thẳng bằng cách tìm ra nguyên nhân gây nên tình trạng đó. Suy nghĩ hoặc nhận tư vấn từ gia đình, người thân, người đáng tin cậy để tìm các giải pháp giải quyết vấn đề. Đồng thời, hãy giảm stress bằng cách nghỉ ngơi, thư giãn. Có thể làm điều gì đó khiến tâm trạng thoải mái hơn như ca hát, nhảy, nghe nhạc, xem phim, đọc sách,… Các bài tập đốt cháy năng lượng cũng có thể khiến tâm trạng của bản thân tốt hơn.

2. Chăm sóc cơ thể đúng cách

  • Ngủ đủ giấc, không thức quá khuya. Hãy đi ngủ và thức dậy vào cùng một thời điểm, kể cả dịp cuối tuần. Có thói quen ngủ tốt sẽ giúp cơ thể phục hồi cả về thể chất lẫn tinh thần.
  • Ăn uống lành mạnh: Bổ sung đầy đủ vitamin và khoáng chất, ăn nhiều trái cây và rau xanh, uống đủ nước. Tránh các thức ăn có hại cho sức khoẻ như đồ cay nóng, dầu mỡ, đồ muối, thức ăn nhanh,… Không nhịn ăn hoặc bỏ bữa sáng vì ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ.
  • Duy trì việc tập thể dục để tăng sức đề kháng, giảm thiểu bệnh tật và căng thẳng. Bạn có thể đi bộ, chạy bộ, đạp xe, bơi lội, leo núi,… Các môn thể thao cần vừa sức với bản thân.

– Không hút thuốc lá, không dùng chất kích thích, kiểm soát việc uống rượu, bia, caffeine khi căng thẳng.

3. Làm việc và nghỉ ngơi hợp lý

Mỗi người cần lập kế hoạch, lên lịch trình hàng ngày để sử dụng thời gian hiệu quả và tự chủ hơn với các tình huống. Sắp xếp công việc vừa phải, tránh trường hợp gặp áp lực công việc quá lớn. Hãy dành thời gian để nghỉ ngơi và tham gia các hoạt động giải trí, hoạt động xã hội khác. Đồng thời, giới hạn thời gian theo dõi tin tức hoặc giải trí trên mạng xã hội để tránh các nguồn tin có thể gây căng thẳng. Đặc biệt là hạn chế sử dụng thiết bị điện tử (tivi, máy tính, điện thoại thông minh) trước khi đi ngủ để tránh bị mất ngủ.

4. Trị liệu tự nhiên

Một số phương pháp trị liệu “chữa lành” tự nhiên có thể áp dụng để giảm stress như: ngồi thiền và tập thở sâu, tập yoga, massage, xông hơi,… Những sở thích lành mạnh cũng hiệu quả trong việc tự giảm căng thẳng như vẽ tranh, đọc sách, viết lách, viết nhật ký,…

5. Kết nối với người khác ​

Giữ liên lạc với gia đình và bạn bè, thỉnh thoảng gặp nhau, trò chuyện. Có thể chia sẻ những cảm xúc, mối bận tâm, tình trạng căng thẳng, stress với người bạn tin tưởng. Hãy chủ động yêu cầu (nhờ vả) và nhận sự hỗ trợ, giúp đỡ từ người khác. Đừng một mình chịu đựng stress và nỗi đau tinh thần trong im lặng. Tuy nhiên, cần lưu ý tránh xa các mối quan hệ độc hại, những người mang đến cảm giác tiêu cực cho bản thân.

Nếu bị stress hoặc trầm cảm, hãy tìm kiếm sự giúp đỡ từ người khác hoặc từ chuyên gia

Nếu bị stress hoặc trầm cảm, hãy tìm kiếm sự giúp đỡ từ người khác hoặc từ chuyên gia

Tìm kiếm sự giúp đỡ từ chuyên gia

Hầu hết chúng ta đều có thể quản lý căng thẳng, tự giảm được stress sau vài ngày. Tuy nhiên, nếu các phương pháp tự giảm stress không hiệu quả, hoặc xuất hiện dấu hiệu của trầm cảm, bạn cần tìm kiếm sự giúp đỡ từ chuyên gia.

Mọi người có thể tìm đến các bác sĩ gia đình, tâm lý gia, bác sĩ chuyên khoa Tâm thần để chẩn đoán, điều trị, theo dõi tình trạng stress và trầm cảm. Các chuyên gia sẽ lên phương án điều trị tâm lý thích hợp với tình trạng của từng người bệnh. Một số phương pháp điều trị rối loạn trầm cảm hiện nay như: Kích hoạt hành vi, Liệu pháp hành vi nhận thức, Tâm lý trị liệu giữa các cá nhân, Liệu pháp giải quyết vấn đề… Người bệnh cũng được chỉ định uống thuốc chống trầm cảm phù hợp theo từng giai đoạn.

Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn quy tụ đội ngũ bác sĩ chuyên khoa Tâm lý – Tâm thần có trình độ chuyên môn cao, tận tâm với người bệnh, đảm bảo công tác thăm khám, tư vấn tâm lý, chẩn đoán và điều trị tốt nhất cho người bị stress, rối loạn lo âu, trầm cảm,… Các chuyên gia có thể trị liệu bằng trò chuyện trực tiếp hoặc áp dụng các liệu pháp điều trị hiệu quả khác.

Nếu bạn có bất kỳ vấn đề gì về sức khỏe tâm thần, hãy đặt lịch hẹn khám qua hotline hoặc website. Bệnh viện ngay lập tức sắp xếp thời gian thăm khám hợp lý. Người bệnh được thoải mái chọn bác sĩ khám để có thể an tâm và tin tưởng nhận tư vấn, hướng dẫn và điều trị.

Đăng ký thăm khám, chẩn đoán và điều trị stress, trầm cảm ở bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn TẠI ĐÂY.

Bác sĩ chuyên khoa Nội thần kinh thăm khám cho người bệnh

Bác sĩ chuyên khoa Nội thần kinh thăm khám cho người bệnh