Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn

Quy trình xét nghiệm tiền sản mẹ bầu cần biết

24/07/2024

Xét nghiệm tiền sản là các xét nghiệm dành cho bà mẹ mang thai giúp chẩn đoán được những bất thường về di truyền trước khi sinh, cung cấp thông tin về tình trạng thai, là một phần không thể thiếu trong quá trình mang thai.

Vậy mẹ bầu cần thực hiện những xét nghiệm nào suốt thai kỳ của mình? Hãy cùng bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

Xét nghiệm tiền sản là gì?

Việc khám thai thường xuyên kết hợp với xét nghiệm tiền sản là những biện pháp quan trọng giúp nắm được tình trạng phát triển của thai, đánh giá những rủi ro, phát hiện biến chứng trong thai kỳ, cũng như chẩn đoán sớm và đầy đủ những dị tật bẩm sinh của thai. Việc này nhằm giúp trẻ chào đời an toàn và điều trị sơ sinh kịp thời cho những khiếm khuyết bẩm sinh còn cơ hội điều trị.

Các xét nghiệm tiền sản sẽ được chỉ định theo 3 mốc quan trọng là 3 tháng đầu (tam cá nguyệt thứ nhất), 3 tháng giữa (tam cá nguyệt thứ hai) và 3 tháng cuối thai kỳ (tam cá nguyệt thứ ba).

Mẹ bầu cần thực hiện đầy đủ các xét nghiệm tiền sản mà bác sĩ chỉ định trong suốt tam cá nguyệt của mình

Mẹ bầu cần thực hiện đầy đủ các xét nghiệm bác sĩ chỉ định trong suốt tam cá nguyệt của mình

Những xét nghiệm tiền sản trong 3 tháng đầu thai kỳ (tam cá nguyệt thứ nhất)

3 tháng đầu của thai kỳ, hay còn gọi là tam cá nguyệt thứ nhất, là khoảng thời gian vô cùng quan trọng, mẹ bầu cần thực hiện theo đúng theo yêu cầu của bác sĩ để kết quả xét nghiệm được chính xác. Nếu qua khoảng thời gian này mẹ bầu mới làm xét nghiệm sàng lọc thì thai nhi đã lớn, độ chính xác có thể giảm. Và nếu phát hiện ra những bệnh lý dị tật bẩm sinh ở trẻ muộn, thì việc can thiệp cũng sẽ gặp khó khăn hơn giai đoạn đầu.

Các xét nghiệm ở ba tháng đầu của thai kỳ bao gồm:

1. Xét nghiệm máu

  • Xem mẹ có mắc các bệnh lý về máu như giảm tiểu cầu (bệnh lý rối loạn đông máu), giảm hồng cầu (thiếu máu, thalassemia), giảm số lượng bạch cầu (có bị nhiễm trùng máu) hay không.
  • Kiểm tra nhóm máu có nằm trong nhóm máu hiếm hay không để chuẩn bị vấn đề sinh an toàn khi cần truyền máu, hạn chế những rủi ro nghiêm trọng cho cả mẹ và bé.
  • Xét nghiệm đường huyết để phát hiện sớm nguy cơ đái tháo đường. Vấn đề đái tháo đường trong thai kỳ cực kỳ nguy hiểm, bắt buộc phải tầm soát.

2. Xét nghiệm nước tiểu

Đây là xét nghiệm quan trọng giúp tầm soát đái tháo đường thai kỳ, tiền sản giật thai kỳ, tăng huyết áp kèm phù nề, viêm nhiễm âm đạo, nhiễm trùng đường tiết niệu, các bệnh về thận…

3. Xét nghiệm bệnh truyền nhiễm

  • Xác định các bệnh truyền nhiễm lây từ mẹ sang con như giang mai, lậu, HIV, viêm gan siêu vi B…
  • Xét nghiệm kháng thể Rubella (IgM và IgG): Nhiễm rubella trong 3 tháng đầu là vô cùng nghiêm trọng vì thai nhi có nguy cơ cao mắc rubella bẩm sinh, dẫn đến các dị tật tim bẩm sinh, tật não nhỏ, hoặc vị mù, điếc… thậm chí sảy thai, thai lưu.
Các xét nghiệm tiền sản ở 3 tháng đầu thai kỳ vô cùng quan trọng mẹ bầu không nên bỏ qua

Các xét nghiệm ở 3 tháng đầu thai kỳ vô cùng quan trọng mẹ bầu không nên bỏ qua

4. Xét nghiệm tầm soát dị tật của bé

  • Siêu âm và kiểm tra độ mờ da gáy: trong tuổi thai từ 11 cho đến 13 tuần 6 ngày
  • Xét nghiệm Double Test để phối hợp kiểm tra các bệnh lý di truyền học như Down, Edward và Patau (những hội chứng do bất thường số lượng nhiễm sắc thể) của thai nhi

Nếu kết hợp siêu âm độ mờ da gáy và xét nghiệm Double Test thấy kết quả là nguy cơ thấp, mẹ bầu có thể tạm thời yên tâm. Tuy nhiên vẫn phải tầm soát trong các tháng tiếp theo như siêu âm 4 chiều (hay còn gọi siêu âm 4D) và tầm soát dị tật hình thái học (ở tuần siêu âm thứ 32)

Nếu kết quả Double Test cho ra nguy cơ cao, mẹ bầu cần phải làm các xét nghiệm tiếp theo như di truyền học ở mức chuyên sâu hơn, xét nghiệm NIPT (Non-invasive prenatal testing), hoặc bác sĩ sẽ tư vấn chọc ối hay sinh thiết gai nhau.

Những xét nghiệm tiền sản trong 3 tháng giữa thai kỳ (tam cá nguyệt thứ hai)

3 tháng giữa mang thai, hay còn gọi là tam cá nguyệt thứ 2 được xem là giai đoạn trăng mật trên chặng đường mang thai của mẹ. Một số xét nghiệm mẹ sẽ cần làm ở giai đoạn 3 tháng giữa thai kỳ bao gồm:

  • Xét nghiệm Triple Test (hay xét nghiệm bộ ba): Sau khi xét nghiệm Double Test ở giai đoạn 3 tháng đầu thai kỳ, mẹ sẽ tiếp tục thực hiện xét nghiệm Triple Test ở giai đoạn 3 tháng giữa để tìm ra nguy cơ bệnh lý bất thường nhiễm sắc thể như Hội chứng Down, Edward và Patau. Xét nghiệm này cũng được sử dụng cho những người chưa thực hiện Double Test ở giai đoạn đầu.
Những xét nghiệm tiền sản ở tam cá nguyệt thứ hai cũng rất quan trọng với mẹ bầu và bé

Những xét nghiệm tiền sản ở tam cá nguyệt thứ hai cũng rất quan trọng với mẹ bầu và bé

  • Nghiệm pháp dung nạp glucose: Mẹ bầu thực hiện xét nghiệm đái tháo đường thai kỳ để bảo vệ sức khỏe bản thân, đảm bảo em bé khi chào đời không bị hạ đường huyết do thay đổi môi trường sống, khiến bé hôn mê, tổn thương não…

Ở giai đoạn 3 tháng giữa mang thai, mẹ sẽ thực hiện tổng 3 lần lấy máu, với lần lấy máu đầu tiên sau khi nhịn ăn tối thiểu 08 tiếng. Sau đó 1 tiếng, mẹ bầu sẽ uống 75g nước đường và tiếp tục lấy máu lần 2. Mẹ tiếp tục nghỉ ngơi và lấy máu lần thứ 3 (cũng là lần cuối cùng) sau 2 tiếng tính từ lần thứ 2 thực hiện.

Những xét nghiệm tiền sản trong 3 tháng cuối thai kỳ (tam cá nguyệt thứ ba)

Trong giai đoạn 3 tháng cuối hay còn gọi là tam cá nguyệt thứ 3, vào khoảng tuần thứ 30 đến 32, mẹ sẽ được chỉ định làm siêu âm để kiểm tra một số dị tật muộn của thai nhi bao gồm giãn não thất, các dị tật về đường tiêu hóa…

Về xét nghiệm tiền sản, mẹ sẽ được khuyến nghị làm thêm xét nghiệm vi khuẩn liên cầu nhóm B (GBS- Group B streptococcus) để ngăn ngừa việc nhiễm trùng từ mẹ sang em bé trong khi sinh, GBS có thể gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng và thậm chí có thể gây tử vong ở trẻ sơ sinh.

Cách đọc kết quả xét nghiệm tiền sản

Mỗi xét nghiệm đều có ý nghĩa và cách đọc khác nhau, vì vậy sau khi có kết quả xét nghiệm tiền sản, bác sĩ sẽ tư vấn cho mẹ bầu về kết quả và tình trạng của thai nhi. Mẹ bầu cần lắng nghe ý kiến, chỉ dẫn của bác sĩ để đảm bảo an toàn của thai kỳ.

  • Kết quả nguy cơ cao: Thai nhi đối mặt với nguy cơ mắc các rối loạn di truyền, dị tật bẩm sinh cao. Tuy nhiên kết quả này không khẳng định 100% thai nhi chắc chắn bị bệnh.
  • Kết quả nguy cơ thấp: Thai nhi có ít khả năng bị mắc rối loạn di truyền hoặc ít khả năng bị dị tật.
Mẹ bầu cần lắng nghe phân tích và chỉ dẫn của bác sĩ về kết quả xét nghiệm tiền sản để đảm bảo an toàn của thai kỳ

Mẹ bầu cần lắng nghe phân tích và chỉ dẫn của bác sĩ để đảm bảo an toàn của thai kỳ

Khám và xét nghiệm tiền sản suốt kỳ thai tại Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn

Mang thai là một hành trình dài, một trải nghiệm kỳ diệu nhưng cũng nhiều nỗi lo lắng đối với người mẹ. Việc xét nghiệm tiền sản sẽ giúp kiểm tra và xử lý kịp thời các vấn đề bất thường xảy ra cho mẹ và bé trong suốt thai kỳ. Quy trình khám thai của bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn được chia làm 03 giai đoạn với những mục đích và số lượng lần khám khác nhau:

  • 3 tháng đầu (2-3 lần thăm khám): Xác định vị trí túi thai; tuổi thai. Đo độ mờ da gáy tầm soát dị tật thai
  • 3 tháng giữa (3 lần thăm khám): Kiểm tra hình thái học thai nhi, chích ngừa uốn ván, tầm soát đái tháo đường thai kỳ… 
  •  3 tháng cuối (4-5 lần thăm khám): Xác định thêm ngôi thai, vị trí nhau thai, siêu âm…

Khám thai tại bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn, mẹ và bé sẽ nhận được nhiều sự chăm sóc đặc biệt về sức khỏe như:

  • Lịch khám thai cho mẹ bầu được triển khai đều đặn trong suốt thời gian mang thai giúp phát hiện và xử lý kịp thời những bất thường có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và bé.
  • Mẹ bầu sẽ được tư vấn kỹ lưỡng về chế độ dinh dưỡng phù hợp với thể trạng để giúp bào thai phát triển .
  • Được hưởng đầy đủ chương trình khám thai định kỳ từ thăm khám cho đến siêu âm, xét nghiệm,…
  • Cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế hiện đại được đầu tư đầy đủ, đảm bảo tốt nhất sức khỏe của mẹ & bé trong suốt thai kỳ.

Khoa Sản của bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn là một địa chỉ uy tín đáng tin cậy để mẹ lựa chọn trong thăm khám trong suốt thai kỳ của mình. Hãy đăng ký và đặt lịch khám thai ở bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn TẠI ĐÂY.

Bác sĩ sản khoa thăm khám cho mẹ bầu khi thực hiện xét nghiệm tiền sản

Bác sĩ sản khoa thăm khám cho mẹ bầu

Tài liệu tham khảo: