Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn

Bệnh lý vi nấm cạn

05/12/2024

Bệnh lý vi nấm cạn là một trong những căn bệnh nấm da thường gặp ở nước ta. Bởi vì Việt Nam thuộc vùng có khí hậu nhiệt đới, thời tiết nóng ẩm nên thuận lợi để các loại vi nấm cạn phát triển. Bệnh lý này gây ra nhiều khó chịu và ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày của người bệnh, do đó, cần tìm hiểu thật kỹ để có biện pháp phòng ngừa và điều trị hiệu quả.

Bệnh vi nấm cạn là gì?

Bệnh vi nấm cạn hay còn gọi là bệnh nấm nông, tên khoa học là Dermatophytosis, là những bệnh do vi nấm ký sinh tại thượng bì hoặc lông, móng, tóc gây ra. Bệnh vi nấm cạn chỉ gây ra ở lớp sừng, khiến người bệnh ngứa ngáy vô cùng, nhất là vào ban đêm.

Khi nhiễm bệnh nấm nông, cần phải điều trị đúng phương pháp để tránh tình trạng nấm lan ra toàn thân hoặc không được chữa dứt điểm sẽ tái phát nhiều lần. Bệnh gây nhiều khó chịu cũng như ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống của người mắc phải.

Bệnh vi nấm cạn có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi, kể cả trẻ em và người già. Những điều kiện thuận lợi để nấm phát triển và gây bệnh cũng như lây lan sang người khác như: sống tập thể, dùng chung vật dụng cá nhân (quần áo, khăn mặt, …), đổ nhiều mồ hôi, môi trường sống nóng ẩm, mất vệ sinh,…

3 loại vi nấm cạn thường gặp 

1. Do vi nấm sợi tơ (Dermatophytosis)

Bệnh da do vi nấm sợi tơ gây ra bởi loại nấm có hình sợi (soi thấy dưới kính hiển vi). Nấm sợi khi ký sinh ở các tế bào sừng của lớp thượng bì trên da, sẽ tiết ra keratinase – loại men có thể tiêu huỷ keratin là thành phần cấu tạo chính của tế bào sừng. Khi các tế bào sừng bị phá huỷ, da sẽ bị tổn thương, hình thành các đám mụn nước hình tròn, hình cung, có vảy da. Bệnh do vi nấm sợi tơ gây ngứa rất nhiều, có thể lan ra xung quanh.

Có 3 chủng nấm sợi tơ thường gặp gây nên bệnh nấm ở người, đó là: Trichophyton, Epidermophyton và Microsporum. Các loại nấm sợi có thể lây nhiễm cho người từ các nguồn khác nhau, chủ yếu là truyền từ người bệnh (anthropophilic), từ động vật (zoophilic) hoặc từ đất (geophilic organisms).

Bệnh sẽ lây lan mạnh mẽ hơn nếu gặp yếu tố thuận lợi như:

  • Người bị suy giảm miễn dịch, rối loạn nội tiết hoặc thoa corticoid và dùng kháng sinh lâu ngày.
  • Da khô, da bị trầy xước, hoặc bị rối loạn cấu tạo lớp sừng.
  • Môi trường sống ẩm thấp, mất vệ sinh.
  • Sống tập thể, ngủ chung, đắp chung chăn, dùng chung vật dụng cá nhân như quần áo, khăn mặt, khăn tắm, lược, dao cạo râu, …
  • Thời tiết nóng ẩm, đổ nhiều mồ hôi, độ pH của da bị thay đổi.

Bệnh vi nấm sợi tơ có thể gây ra ở các vị trí khác nhau trên cơ thể, như nấm thân mình (Tinea Corpris), nấm đầu (Tinea Capitis), nấm tóc (Tinea Capitis, Tinea Favosa, Tinea Imbricata), nấm ở mặt (Tinea Faciei), nấm vùng râu, nấm móng, nấm bẹn (Tinea Cruris), nấm chân (Tinea Pedis).

Bệnh vi nấm sợi không gây nguy hiểm tính mạng, nhưng tổn thương trên da có thể lan rộng toàn thân, gây ngứa ngáy, khó chịu. Do đó, cần điều trị sớm và điều trị đúng phương pháp để tránh ảnh hưởng tới cuộc sống hàng ngày.

2. Do vi nấm hạt men (candida)

Bệnh lý vi nấm cạn do vi nấm hạt men là bệnh nhiễm trùng do các chủng nấm họ Candida (chủ yếu là nấm Candida Albicans) gây nên. Nấm Candida khá phổ biến ở mọi nơi, sống ký sinh trên cơ thể người (da, miệng, đường tiêu hoá và cả vùng sinh dục).

Ở trạng thái bình thường, nấm Candida sống cân bằng cùng các vi sinh vật khác nên không gây hại gì. Nhưng nếu gặp điều kiện thuận lợi, nấm Candida phát triển mạnh mẽ và gây bệnh. Một số yếu tố kích thích sự phát triển gây bệnh của nấm vi hạt men:

  • Uống kháng sinh hoặc thoa thuốc chứa corticoid lâu ngày, gây mất cân bằng hệ vi sinh vật trên cơ thể.
  • Hệ miễn dịch suy yếu, giảm khả năng đề kháng với các tác nhân gây bệnh, điển hình là khi phụ nữ có thai, người bị đái tháo đường, hoặc nhiễm HIV/AIDS,…
  • Vệ sinh kém, vùng sinh dục không thông thoáng, luôn ẩm ướt dễ phát triển nấm Candida.

Các biểu hiện của bệnh lý vi nấm cạn do vi nấm hạt men ở mỗi bộ phận sẽ khác nhau.

  • Bệnh tưa miệng: là bệnh nhiễm trùng miệng do nấm Candida Albican. Người bệnh xuất hiện mảng trắng màu sữa ở trong miệng, trên lưỡi, xung quanh môi và vòm miệng. Nếu cạo lớp trắng là thấy lớp niêm mạc viêm, sưng đỏ, có thể chảy máu. Quanh nướu răng cũng có thể bị lở loét, mảng đỏ.
  • Nhiễm nấm hạt men ở thực quản: sẽ gây viêm thực quản, khiến người bệnh nuốt khó, đau khi nuốt, có thể đau ngực vùng xương ức.
  • Nhiễm nấm Candida trên da: thường xảy ra ở vùng da kẽ, ẩm ướt, vùng da quanh gốc móng tay, quanh háng, nếp nhăn da ở mông hoặc ngực. Biểu hiện cụ thể là xuất hiện hiện đốm đỏ hoặc trắng trên da, ngứa rát và có thể sưng đau.
  • Viêm nhiễm phụ khoa do nấm Candida: Phụ nữ sẽ bị tấy đỏ, ngứa rát vùng âm đạo, nhất là khi tiểu tiện hoặc quan hệ tình dục. Dịch tiết âm đạo có màu trắng đục hoặc bị vón cục. Nam giới cũng có nguy cơ mắc nấm Candida, biểu hiện là đau ngứa và châm chích ở đầu dương vật.
  • Nhiễm nấm Candida toàn thân: Vi nấm hạt men xâm nhập vào máu qua vết thương hoặc ống thông khí, mở khí quản khi phẫu thuật, lan ra khắp cơ thể, gây nhiễm trùng, khiến người bệnh lên cơn sốt, sốc, ớn lạnh, có thể suy đa tạng. Đây là tình trạng nghiêm trọng, cần can thiệp khẩn cấp.

3. Do lang beng

Bệnh lý vi nấm cạn do lang ben là bệnh nhiễm nấm khá phổ biến, gây ra bởi nấm Malassezia Furfur. Đây là loại nấm tồn tại dưới dạng lưỡng hình, có thể cả nấm sợi và nấm men. Bình thường, nấm Malassezia Furfur vô hại. Nhưng nếu nấm phát triển mạnh mẽ quá mức, có thể tạo thành mảng da tròn, đốm trắng, đỏ, vàng hoặc nâu sẫm màu hơn vùng da xung quanh.

Bệnh lang ben gây ngứa ngáy khó chịu ở cánh tay, vai, ngực, bụng, lưng. Những mảng da rối loạn sắc tố này có thể khô, đóng vảy và lan rộng ra theo thời gian, bao phủ vùng da lớn, ảnh hưởng đến thẩm mỹ và chất lượng cuộc sống.

Các điều kiện thuận lợi để vi nấm cạn phát triển gây bệnh lang ben đó là:

  • Thời tiết nóng ẩm, môi trường ẩm ướt.
  • Suy giảm miễn dịch do thuốc kháng sinh, thuốc corticoid, bệnh đái tháo đường,…
  • Thay đổi nội tiết tố (do mang thai hoặc yếu tố khác)
  • Người dễ đổ mồ hôi, da nhờn, thường xuyên để da ẩm.

Điều trị bệnh vi nấm cạn

Bệnh vi nấm cạn được điều trị bằng cách sử dụng kết hợp thuốc bôi và thuốc uống để kháng nấm toàn thân. Tuỳ vào mức độ bệnh, tình trạng sức khoẻ từng người mà bác sĩ sẽ chỉ định đơn thuốc khác nhau.

Một số loại thuốc bôi tác dụng kháng nấm hiệu quả như: Nizoral cream (Ketoconazole) 2% , Lamisil cream (Terbinafine) 1%, Mycoster  cream (Ciclopiroxolamine) 1%. Những loại thuốc này ít gây tác dụng phụ, nhưng cần lưu ý không sử dụng kết hợp cùng thuốc kháng histamine tổng hợp bởi có thể gây nên biến chứng. Người bệnh sử dụng thuốc đúng theo chỉ dẫn của bác sĩ, bôi ít nhất 3 – 4 tuần để diệt nấm hoàn toàn, tránh bệnh tái phát trở lại.

Ngoài ra, để điều trị dứt điểm bệnh nấm vi cạn, người bệnh cần thay đổi cách sinh hoạt bằng những biện pháp sau:

  • Vệ sinh nơi sống sạch sẽ, tránh để nhà ở bị ẩm mốc, phơi quần áo khô dưới nắng, không mặc quần áo ẩm ướt.
  • Không dùng chung vật dụng cá nhân với người khác, ví dụ như: đắp chung chăn, dùng chung khăn tắm, khăn mặt,…
  • Vệ sinh cơ thể sạch sẽ, tránh ngâm nước quá lâu hoặc để cơ thể ẩm ướt (nhất là vùng kín).
  • Người bị bệnh nên hạn chế sử dụng xà phòng, chất tẩy rửa và chất hoá học khác để tránh tổn thương da thêm.
  • Không tiếp xúc với nguồn lây từ động vật như chó, mèo,… không đi chân đất.

Khám và điều trị vi nấm cạn tại bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn

Bệnh da vi nấm cạn tuy không nguy hiểm tới tính mạng, nhưng khiến người bệnh ngứa ngáy, khó chịu, tổn thương da gây mất thẩm mỹ, ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống. Thậm chí, nếu bệnh tái đi tái lại, còn có thể gây ra một số biến chứng nghiêm trọng cho sức khỏe. Do đó, mỗi người cần chủ động phòng ngừa bệnh. Nếu xuất hiện bất kỳ triệu chứng lở loét, ngứa ngáy nào trên da, hãy thăm khám ngay ở các cơ sở y tế uy tín.

Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn với đội ngũ bác sĩ chuyên khoa Da liễu giàu kinh nghiệm, sẽ kiểm tra kỹ lưỡng, chỉ định các xét nghiệm phù hợp để chẩn đoán chính xác các bệnh lý da liễu.

Khi đến thăm khám tại khoa Da liễu, người bệnh sẽ được hỏi về tiền sử bệnh, kiểm tra lịch sử dùng kháng sinh và các thuốc khác, xem xét chế độ ăn uống, tình trạng chăm sóc da. Ngoài việc kiểm tra triệu chứng lâm sàng, các bác sĩ còn chỉ định lấy mẫu từ vị trí da có vấn đề để xét nghiệm. Đồng thời, người bệnh được thực hiện xét nghiệm máu, làm kiểm tra đường huyết, test HIV, … để tìm ra nguyên nhân gây bệnh.

Sau khi chẩn đoán bệnh vi nấm cạn, tìm ra được nguyên nhân gây bệnh, các bác sĩ bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn sẽ chỉ định thuốc điều trị phù hợp. Tuỳ vào bộ phận và mức độ nhiễm nấm mà người bệnh được kê đơn thuốc cụ thể, đảm bảo chữa dứt điểm bệnh. Bên cạnh đó, đội ngũ y tế cũng hướng dẫn cách phòng ngừa tình trạng tái phát bệnh vi nấm cạn.

Với hệ thống cơ sở vật chất và trang thiết bị y tế hiện đại, bệnh viện đa khoa Hoàn Mỹ Sài Gòn với sứ mệnh mang tới dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng cao với chi phí hợp lý, đã trở thành địa chỉ tin cậy và quen thuộc của người dân trên địa bàn TP. HCM và các tỉnh, thành lân cận. 

Hãy liên hệ tổng đài bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn 028.3990.2468 để biết thêm thông tin về quy trình thăm khám tại bệnh viện hoặc đăng ký khám TẠI ĐÂY.

Video tham khảo:

————————

Nhấn “Đăng ký” để theo dõi các video mới nhất về sức khỏe TẠI ĐÂY.

Liên hệ với BV Hoàn Mỹ Sài Gòn: