Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn

Điều trị sớm sỏi niệu quản để tránh các biến chứng về thận

07/12/2024

Sỏi niệu quản là căn bệnh phổ biến chiếm khoảng 28% tỷ lệ sỏi đường tiết niệu. Sỏi niệu quản thường do sỏi di chuyển từ thận rơi xuống. Mặc dù sỏi niệu quản là bệnh dễ xác định nhưng lại có thể gây ảnh hưởng lâu dài đến chức năng của thận. Vì thế, việc nhận biết và điều trị sỏi niệu quản từ sớm sẽ giúp người bệnh tránh các biến chứng nguy hiểm của thận về sau.

Sỏi niệu quản là gì?

Niệu quản là ống dẫn nước tiểu từ thận đến bàng quang. Sỏi niệu quản là sỏi nằm trong lòng niệu quản, gây cản trở dòng nước tiểu từ thận xuống bàng quang. Sỏi dễ hình thành trong hệ tiết niệu khi có sự bế tắc, bất thường trong dòng chảy nước tiểu và/hoặc khi nước tiểu người bệnh có hàm lượng khoáng chất và muối cao.

Những viên sỏi chặn dòng nước tiểu có thể dẫn đến các biến chứng từ nhẹ đến nặng nề, bao gồm tổn thương thận, nhiễm trùng thậm chí tử vong.

Trong nhiều trường hợp, sự hình thành sỏi niệu quản mới có thể được ngăn ngừa bằng cách thay đổi lối sống đơn giản, chẳng hạn như uống nhiều nước, tập thể dục và giảm ăn một số loại thực phẩm nhất định.

Hình 1: Sỏi niệu quản là tình trạng sỏi hình thành trong thận và di chuyển xuống niệu quản và mắc kẹt ở đó

Hình 1: Sỏi niệu quản là tình trạng sỏi hình thành trong thận và di chuyển xuống niệu quản và mắc kẹt ở đó

Dấu hiệu của sỏi niệu quản

Nếu người bệnh có sỏi niệu quản nhỏ, chúng có thể tự đi qua hệ thống tiết niệu theo dòng nước tiểu mà không có bất kỳ triệu chứng nào. Tuy nhiên, sỏi với kích thước lớn hơn có thể gây ra các triệu chứng khó chịu

Hình 2: Đau bụng hông dữ dội, buồn nôn, nôn, tiểu máu.. là những triệu chứng thường gặp của bệnh sỏi niệu quản

Hình 2: Đau bụng hông dữ dội, buồn nôn, nôn, tiểu máu.. là những triệu chứng thường gặp của bệnh sỏi niệu quản

Hình 3: Sỏi niệu quản tắc nghẽn gây cơn đau quặn ở vùng hông lưng

Hình 3: Sỏi niệu quản tắc nghẽn gây cơn đau quặn ở vùng hông lưng

Nguyên nhân của sỏi niệu quản

Sỏi niệu quản thường do sỏi rơi từ trên thận xuống. Chỉ một tỉ lệ nhỏ sỏi niệu quản được sinh ra tại chỗ do các dị dạng niệu quản làm tăng nguy cơ ứ đọng nước tiểu, từ đó dẫn đến lắng đọng các tinh thể kết tụ thành sỏi. Nguyên nhân chính xác tạo ra sỏi đường tiết niệu vẫn chưa được biết rõ, thường do nhiều yếu tố phối hợp.

Có 2 nhóm nguyên nhân là:

  • Nguyên nhân toàn thân (sỏi cơ thể): do rối loạn chuyển hóa làm gia tăng bài tiết các chất hòa tan (calcium, oxalat, acid urique, cystine,…) vào nước tiểu, thay đổi lý tính của nước tiểu. Ví dụ: bệnh Gout, bệnh lý tuyến giáp,…
  • Nguyên nhân tại chỗ (sỏi cơ quan): do nhiễm khuẩn, nhân lõi – dị vật, bế tắc nước tiểu. Ví dụ: dị tật bẩm sinh đường tiết niệu (hẹp khúc nối bể thận niệu quản, nang niệu quản, niệu quản tách đôi,…), hẹp niệu quản thứ phát sau phẫu thuật…

Triệu chứng

Đau âm ỉ, mỏi vùng thắt lưng do thận ứ đọng nước tiểu.

CƠN ĐAU QUẶN THẬN điển hình do sỏi di chuyển gây co thắt và viêm phù nề. Bệnh nhân đau thành từng cơn dữ dội vùng thắt lưng trong vài phút đến hàng giờ, không có tư thế giảm đau, nếu không điều trị giảm đau thì khó cắt được cơn đau. Cơn đau thường có hướng lan rõ rệt ra trước, xuống dưới hố chậu, cơ quan sinh dục ngoài và mặt trong đùi; đôi khi đi kèm bụng chướng, nôn.

Tiểu gắt buốt do niêm mạc bàng quang bị kích thích

Tiểu máu do tổn thương, viêm niêm mạc niệu quản.

Các kỹ thuật chẩn đoán

Để chẩn đoán bệnh lý sỏi niệu quản, bệnh nhân cần được đánh giá toàn diện, bao gồm:

  • Xét nghiệm nước tiểu: tìm kiếm các dấu hiệu nhiễm trùng và kiểm tra nồng độ chất trong nước tiểu dễ gây ra sỏi niệu quản.
  • Xét nghiệm máu: cho biết tình trạng hoạt động của thận, kiểm tra nhiễm trùng và tìm kiếm các vấn đề khác có thể gây sỏi niệu quản.
  • Siêu âm, chụp cắt lớp vi tính (CT): tìm kiếm tắc nghẽn trong đường tiết niệu, xác định kích thước, vị trí, hình dạng của sỏi niệu quản.

Các phương pháp điều trị sỏi niệu quản

Nếu người bệnh có sỏi niệu quản lớn gây tắc nghẽn hoặc có nguy cơ gây tắc nghẽn đường tiết niệu, bác sĩ tiết niệu có thể đề xuất những phương pháp điều trị sau:

  • Điều trị bằng thuốc kết hợp thay đổi lối sống và theo dõi liên tục.
  • Tán sỏi ngoài cơ thể: dùng sóng xung kích hội tụ áp lực cao từ ngoài cơ thể, dưới sự định vị từ bác sĩ chuyên khoa tập trung tiêu điểm vào viên sỏi để phá vỡ cấu trúc, làm viên sỏi vỡ vụn và thoát ra dần dần theo dòng nước tiểu mỗi ngày.
  • Nội soi niệu quản tán sỏi ngược dòng: bác sĩ đưa một ống dài, nhỏ có gắn camera (ống soi niệu quản) vào đường tiết niệu người bệnh. Khi tìm thấy sỏi trong niệu quản, bác sĩ sẽ phá vỡ chúng bằng tia laser và gắp trực tiếp sỏi vụn ra ngoài.
  • Lấy sỏi thận qua da: bác sĩ sẽ đưa ống soi trực tiếp vào thận thông qua một đường hầm nhỏ ở lưng để tìm, tán sỏi bằng laser và sau đó bơm rửa sạch sỏi vụn thông qua hệ thống máy bơm hút.
  • Phẫu thuật nội soi sau phúc mạc lấy sỏi: Qua các lỗ nhỏ mở vào khoang sau phúc mạc, xẻ mở niệu quản để gắp lấy trọn vẹn viên sỏi ra ngoài
  • Phẫu thuật hở lấy sỏi: qua đường rạch da vào bên trong cơ thể để tiếp cận và loại bỏ sỏi niệu, áp dụng với các trường hợp sỏi đặc biệt không thể dùng các phương pháp kể trên.
Hình 4: Tán sỏi ngoài cơ thể là biện pháp điều trị can thiệp ít xâm lấn, ít đau, mang lại hiệu quả cao cho sỏi vừa và nhỏ ở các vị trí thích hợp

Hình 4: Tán sỏi ngoài cơ thể là biện pháp điều trị can thiệp ít xâm lấn, ít đau, mang lại hiệu quả cao cho sỏi vừa và nhỏ ở các vị trí thích hợp

Những biến chứng có thể gặp phải

Sỏi niệu quản nếu không được điều trị sớm gây ra các biến chứng như:

  • Ứ nước thận: do sỏi gây bít tắc dòng chảy của nước tiểu, nước tiểu không xuống được bàng quang để thoát ra ngoài từ đó ứ đọng tại thận, làm giãn các đài bể thận, ảnh hưởng chức năng thận có hoặc không hồi phục.
  • Nhiễm khuẩn đường tiết niệu: do sỏi và niêm mạc niệu quản viêm phù nề, tổn thương là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển.
  • Tổn thương thận cấp: do sỏi gây tắc hoàn toàn đường niệu quản.
  • Bệnh thận mạn: do viêm đường tiết niệu xảy ra kéo dài, các tế bào thận tổn thương không phục hồi.

Cách phòng ngừa

Phòng bệnh còn hơn chữa bệnh, để cách phòng ngừa sỏi niệu quản, người bệnh cần:

  • Uống nhiều nước hơn: Nên uống ít nhất 2 lít đến 3 lít nước mỗi ngày, tốt nhất là vào ban ngày.
  • Chế độ ăn cân bằng: Ăn quá nhiều Protein động vật – bao gồm thịt, trứng và cá – làm tăng lượng axit uric trong cơ thể, dễ gây tăng tạo sỏi tiết niệu. Đậu xanh, mì căn và đậu phụ là những nguồn protein tốt sẽ không làm tăng lượng axit uric trong cơ thể.
  • Hạn chế lượng muối (natri) trong chế độ ăn uống: Tiêu thụ ít hơn 1.500 miligam muối mỗi ngày sẽ giúp giảm nguy cơ tạo thành sỏi niệu quản.
  • Hạn chế lượng oxalate trong chế độ ăn uống: Oxalate là một chất dinh dưỡng có trong rau bina, hạnh nhân, hạt điều và khoai tây.
  • Duy trì lối sống tích cực, tập luyện thể dục thể thao, áp dụng các biện pháp giảm stress và duy trì chỉ số BMI ở mức cân đối (18-25 kg/m2)

Dịch vụ khám và điều trị sỏi niệu quản tại Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn

Nhiều trường hợp sỏi niệu quản kích thước nhỏ có thể tự đào thải mà không cần điều trị can thiệp chuyên sâu. Tuy nhiên, đối với một số viên sỏi có kích thước vừa và lớn mắc kẹt trong niệu quản có thể gây đau dữ dội và làm tăng nguy cơ bị nhiễm trùng, tổn thương thận. Chính vì thế, ngay từ khi có triệu chứng nghi ngờ, người bệnh nên đến thăm khám và điều trị kịp thời sỏi niệu quản tại cơ sở y tế có uy tín.

Với thế mạnh là bệnh viện đa khoa có nhiều chuyên khoa sâu, được đầu tư trang thiết bị, cập nhật công nghệ y khoa hiện đại, khoa Tiết niệu Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn sẵn sàng tiếp nhận các ca điều trị bệnh sỏi tiết niệu từ giai đoạn điều trị nội khoa đến tán sỏi công nghệ cao hoặc mổ lấy sỏi mang lại hiệu quả điều trị tối ưu.

Các phương pháp điều trị tiên tiến, ít xâm lấn được đội ngũ y bác sĩ và chuyên gia dày dặn kinh nghiệm triển khai như: tán sỏi ngoài cơ thể (ESWL), tán sỏi Laser Holmium, phẫu thuật nội soi lấy sỏi sau phúc mạc, phẫu thuật lấy sỏi nội soi, phẫu thuật cắt thận nội soi, phẫu thuật cắt u tuyến thượng thận nội soi, phẫu thuật điều trị ung thư thận & ung thư đường tiết niệu, v.v. giúp người bệnh có thể nhanh chóng hồi phục sau mổ và rút ngắn thời gian nằm viện.

Điều trị sớm Sỏi niệu quản để tránh các biến chứng về thận

Hãy liên hệ 028 3990 2468 để được tư vấn và đặt lịch hẹn khám.

BỆNH VIỆN HOÀN MỸ SÀI GÒN

60-60A Phan Xích Long, P.1, Q.Phú Nhuận, TP.HCM

Youtube: www.youtube.com/c/BVHoanMySaiGonOfficial

Đăng ký khám: https://dangkykham.hoanmysaigon.com/

Website: www.hoanmysaigon.com