Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn

Phát hiện sớm ung thư vú giúp tăng tỷ lệ điều trị thành công

05/06/2023

Theo thống kê, tại Việt Nam, có 21.555 ca ung thư vú, đứng hàng thứ 3 sau ung thư gan và ung thư phổi. Căn bệnh này hầu hết xuất hiện ở nữ giới và điều đáng buồn là 70% người bệnh đều đến khám ở giai đoạn muộn.

Phát hiện sớm ung thư vú chính là chìa khóa vàng để đẩy lùi bệnh. Thế nhưng, không phải ai cũng nhận thức được dấu hiệu để thăm khám kịp lúc.

Ung thư vú là gì?

Vú được tạo thành từ ba phần chính: tiểu thùy, ống dẫn và mô liên kết. Các thùy là các tuyến sản xuất sữa. Các ống dẫn sữa là các ống dẫn sữa đến núm vú. Mô liên kết (bao gồm mô xơ và mô mỡ) bao quanh và giữ mọi thứ lại với nhau.

Ung thư vú là căn bệnh mà các tế bào ở vú phát triển ngoài tầm kiểm soát. Giống như các bệnh ung thư khác, ung thư vú có thể xâm lấn đến các cơ quan xung quanh và lan đến các cơ quan khác thông qua các mạch máu và mạch bạch huyết. Khi di chuyển đến các bộ phận khác trên cơ thể sẽ hình thành các khối u mới. Khi điều này xảy ra, nó được gọi là di căn.

Hiện nay, có nhiều kiểu hình ung thư vú:

  • Ung thư biểu mô ống xâm nhập (xâm lấn): Bắt đầu từ các ống dẫn sữa ở vú của bạn, ung thư này phá vỡ thành ống dẫn sữa và lan sang các mô vú xung quanh. Đây là loại ung thư vú phổ biến nhất.
  •  Ung thư biểu mô ống tại chỗ: Hay còn gọi là ung thư vú giai đoạn 0, ung thư biểu mô ống dẫn sữa tại chỗ được một số người coi là tiền ung thư vì các tế bào chưa lan ra ngoài ống dẫn sữa. Tình trạng này rất có thể điều trị được. Tuy nhiên, cần phải chăm sóc kịp thời để ngăn ngừa ung thư xâm lấn và lây lan sang các mô khác.
  • Ung thư biểu mô tiểu thùy xâm nhập (xâm lấn): Hình thành trong các tiểu thùy của vú và đã lan sang các mô vú xung quanh. Loại ung thư này chiếm 10% đến 15% ung thư vú.
  • Ung thư biểu mô tiểu thùy tại chỗ: Tình trạng tiền ung thư trong đó có các tế bào bất thường trong tiểu thùy vú của bạn. Nó không phải là ung thư thực sự, nhưng dấu hiệu này có thể chỉ ra khả năng ung thư vú sau này. Vì vậy, điều quan trọng đối với phụ nữ bị ung thư biểu mô tiểu thùy tại chỗ là phải khám vú và chụp quang tuyến vú định kỳ theo ý kiến bác sĩ.
  • Ung thư vú dạng viêm: Loại ung thư này giống như một bệnh nhiễm trùng. Những người bị ung thư vú dạng viêm thường nhận thấy vùng da vú bị đỏ, sưng, rỗ và lõm. Nó gây ra bởi các tế bào ung thư tắc nghẽn trong các mạch bạch huyết trên da của họ.
  • Bệnh Paget vú: Ung thư này ảnh hưởng đến da của núm vú và quầng vú (vùng da xung quanh núm vú của bạn, hình ảnh giống như chàm trong bệnh lý da liễu).

Nguyên nhân ung thư vú

Ung thư vú phát triển khi các tế bào bất thường trong vú phân chia và nhân lên. Những nghiên cứu chỉ ra rằng có một số yếu tố rủi ro có thể làm tăng khả năng phát triển ung thư vú bao gồm:

  • Những người từ 55 tuổi trở lên có nguy cơ mắc bệnh ung thư vú.
  • Phụ nữ có nhiều khả năng mắc ung thư vú hơn nam giới.
  • Di truyền: Nếu bạn có cha mẹ, anh chị em, con cái hoặc người thân khác được chẩn đoán mắc bệnh ung thư vú, bạn có nhiều khả năng mắc bệnh vào một thời điểm nào đó trong đời. Khoảng 5% đến 10% trường hợp ung thư vú là do gen bất thường di truyền từ cha mẹ sang con cái và chỉ có thể xác định qua xét nghiệm di truyền.
  • Hút thuốc và uống rượu: Thói quen hút thuốc lá và uống rượu có thể làm tăng nguy cơ mắc một số loại ung thư vú.
  • Béo phì, thừa cân, đặc biệt là sau mãn kinh
  • Tiếp xúc với bức xạ: Nếu bệnh nhân đã từng xạ trị trước đó – đặc biệt là vùng đầu, cổ hoặc ngực – thì họ có nhiều khả năng bị ung thư vú hơn.
  • Liệu pháp thay thế hormone: Những người sử dụng liệu pháp thay thế hormone (HRT) có nguy cơ mắc bệnh ung thư vú cao hơn.

Những dấu hiệu cảnh báo ung thư vú

Triệu chứng phổ biến nhất của ung thư vú là khi sờ vào ngực, bạn cảm thấy một cục hoặc khối u mới (mặc dù hầu hết các cục ở vú không phải là ung thư).

Các triệu chứng khác có thể có của ung thư vú bao gồm:

  • Sưng toàn bộ hoặc một phần vú (ngay cả khi không sờ thấy khối u nào)
  • Nhăn nhúm da (đôi khi trông giống như vỏ cam)
  • Đau vú hoặc núm vú
  • Núm vú tụt (co rút)
  • Núm vú hoặc da vú đỏ, khô, bong tróc hoặc dày lên
  • Tiết dịch núm vú (dịch trong, đục hoặc máu)
  • Sưng hạch bạch huyết dưới cánh tay hoặc gần xương đòn (Đôi khi đây có thể là dấu hiệu của ung thư vú lan rộng ngay cả trước khi khối u ban đầu ở vú đủ lớn để có thể sờ thấy.)
  • Khối u gần vú hoặc dưới cánh tay của bạn kéo dài trong suốt chu kỳ kinh nguyệt của bạn.

Nhiều triệu chứng trong số này cũng có thể do tình trạng vú lành tính (không phải ung thư) gây ra. Vì thế, khi bạn nhận thấy có những dấu hiệu trên, hãy đến trung tâm y tế gần nhất hoặc các bệnh viện có chuyên khoa để được thăm khám, tìm ra nguyên nhân và điều trị nếu cần.

Chẩn đoán ung thư vú

Thông thường, để chẩn đoán ung thư vú các bác sĩ cần thăm khám và thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng bao gồm: 

  • Hỏi bệnh, tiền sử gia đình 
  • Khám vú: Bác sĩ sẽ thăm khám hai vú bằng cách sờ nắn bằng tay để xác định có khối u ở vú hay không và kiểm tra hố nách hai bên nhằm phát hiện các hạch bạch huyết ở nách. 
  • Siêu âm vú: Là một kỹ thuật không xâm lấn, sử dụng sóng âm để tạo ra hình ảnh của mô vú, từ đó giúp bác sĩ phát hiện được các khối u bên trong mô tuyến vú và các hạch (nếu có) ở nách hai bên.
  • Chụp nhũ ảnh (chụp X-quang tuyến vú): Với những bệnh nhân trên 40 tuổi, mô vú có xu hướng thoái triển mỡ, làm hạn chế khả năng phát hiện một số tổn thương trên siêu âm, do đó cần kết hợp chụp nhũ ảnh để làm tăng khả năng phát hiện các khối u vú. Ngoài ra nhũ ảnh còn giúp đánh giá tính chất vôi hóa các khối u, và góp phần chẩn đoán giai đoạn bệnh. 
  • Chụp MRI (cộng hưởng từ): Là kỹ thuật không xâm lấn, sử dụng sóng vô tuyến và từ trường để tạo ra hình ảnh. Trong quá trình chụp MRI, bạn sẽ được tiêm một loại thuốc, gọi là thuốc cản từ, giúp làm rõ nét các tổn thương trong tuyến vú, từ đó giúp các bác sĩ đánh giá tính chất của khối u, xếp loại giai đoạn…
  • Xét nghiệm dịch từ núm vú: lấy dịch tiết núm vú như dịch trong, dịch đục, dịch máu … để tìm tế bào bất thường 
  • Sinh thiết: Là một kĩ thuật xâm lấn, bác sĩ sẽ lấy một mẫu mô hoặc toàn bộ khối u ở vú để quan sát dưới kính hiển vi và làm thêm các xét nghiệm khác như hoá mô miễn dịch, giải trình tự gen… nhằm xác định bản chất của tổn thương. Có nhiều loại sinh thiết khác nhau ví dụ: chọc hút tế bào bằng kim nhỏ, sinh thiết lõi hoặc sinh thiết trọn.

Phát hiện sớm ung thư vú giúp tăng tỷ lệ điều trị thành công 

Khi bệnh nhân được chẩn đoán mắc bệnh ung thư vú, bác sĩ xác định giai đoạn lây lan của tế bào ung thư bằng cách mô tả kích thước của ung thư và mức độ lan rộng, xét nghiệm sinh học của bướu để  từ đó phân loại bệnh ung thư vú thuộc nhóm nào và có định hướng điều trị, phần nào có thể tiên lượng tỷ lệ sống sau 5 năm.

Ung thư vú được chia thành 4 giai đoạn:

  • Giai đoạn 0: Những tế bào ung thư được phát hiện ở các ống dẫn sữa, còn được gọi là ung thư biểu mô tuyến vú tại chỗ.
  • Giai đoạn 1:
    • Giai đoạn 1A: Kích thước khối u ung thư còn nhỏ, đồng thời lúc này bệnh chưa gây ảnh hưởng đến các hạch bạch huyết.
    • Đến giai đoạn 1B: Lúc này những khối u đã có thể xuất hiện ở các hạch bạch huyết.
  • Giai đoạn 2 – Những khối u đã có kích thước to hơn, khoảng 2 đến 5cm và có thể chưa xâm lấn đến các hạch bạch huyết.
  • Giai đoạn 3 – Chuyển sang giai đoạn này, các khối u đã gây phù các hạch bạch huyết bên trong vú và có thể lan rộng đến các hạch bạch huyết ở nách.
  • Giai đoạn 4 –  Đây là giai đoạn nguy hiểm nhất của bệnh ung thư vú. Lúc này, các tế bào ung thư đã di căn đến các cơ quan trong cơ thể như xương, não, phổi, gan.

Ung thư vú đã cướp đi hàng ngàn sinh mạng của phụ nữ mỗi năm. Nếu phát hiện sớm ung thư vú, bệnh nhân sẽ càng cơ hội điều trị thành công. Ung thư vú ở giai đoạn 0 đến 1, tỷ lệ sống sau 5 năm sẽ từ 98-100%, trong khi đó ở giai đoạn 4, tế bào ung thư sẽ di căn nghiêm trọng nên tỷ lệ sống chỉ còn lại 28%.


Cách điều trị ung thư vú

Ung thư vú được điều trị theo nhiều cách và phụ thuộc vào phân loại ung thư vú và giai đoạn của ung thư. Thông thường, khi phát hiện bệnh nhân mắc bệnh ung thư vú, các bác sĩ sẽ tiến hành:

  • Điều trị tại chỗ: bao gồm phẫu thuật và xạ trị
    • Phẫu thuật: Lấy đi khối bướu và hoặc hạch vùng tùy giai đoạn
    •  Xạ trị: Sử dụng tia năng lượng cao (tương tự tia X) để tiêu diệt tế bào ung thư.
  • Điều trị toàn thân:
    • Hóa trị: Các bác sĩ sẽ sử dụng các loại thuốc đặc biệt để thu nhỏ hoặc tiêu diệt các tế bào ung thư. Các loại thuốc có thể là thuốc uống hoặc thuốc được truyền vào tĩnh mạch, hoặc đôi khi cả hai.
    • Liệu pháp nội tiết tố: Loại bỏ nội tiết tố hoặc ức chế sự hoạt động của nội tiết tố từ đó làm ngưng sự phát triển của tế bào ung thư.
    • Điều trị đích hay liệu pháp nhắm trúng đích là một trong những phương pháp điều trị ung thư, sử dụng thuốc tác động vào gen hay protein chuyên biệt có ở tế bào ung thư liên quan đến sự phát triển khối u. 
    • Liệu pháp miễn dịch là phương pháp điều trị sử dụng hệ thống miễn dịch của người bệnh để chống lại khối u. Đây là liệu pháp sinh học, giúp khôi phục và tăng cường khả năng phát hiện và tiêu diệt tế bào ung thư của cơ thể.

Tầm soát và điều trị ung thư vú tại bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn

Ung thư vú khi được phát hiện và điều trị sớm thì cơ hội sống sót rất cao. Tuy nhiên, phụ nữ ở nhiều nơi phải đối mặt với những rào cản phức tạp trong việc phát hiện sớm, bao gồm các yếu tố xã hội, kinh tế, địa lý và các yếu tố liên quan khác, có thể hạn chế khả năng tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe vú kịp thời, giá cả phải chăng và hiệu quả

Tầm soát ung thư vú là việc kiểm tra tuyến vú trước khi xuất hiện các triệu chứng nhằm dự phòng ung thư. Mục tiêu của các xét nghiệm sàng lọc là để tìm ung thư ở giai đoạn sớm khi có thể nhằm để điều trị hiệu quả hơn. Phụ nữ không nên đợi đến khi có triệu chứng mới đi thăm khám, tầm soát.

Để giảm tỷ lệ mắc bệnh ung thư vú tại Việt Nam, bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn đã xây dựng các gói tầm soát ung thư vú nhằm giúp bệnh nhân phát hiện sớm ung thư vú, từ đó tăng tỷ lệ điều trị thành công.

Các gói tầm soát ung thư vú tại bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn bao gồm:

  • Gói 1: 
    • Khám Vú
    • Siêu âm màu tuyến Vú: Đánh giá khối u ở những trường hợp tổn thương không rõ bản chất trên nhũ ảnh, mô vú đặc, phụ nữ có thai và cho con bú.
    • X-Quang nhũ ảnh: Để sàng lọc và phát hiện các bệnh lý về tuyến vú và ung thư vú.
  • Gói 2 – dành cho bệnh nhân nữ đã đặt túi nâng ngực
    • Khám Vú
    • Chụp (MRI) có chất cản từ (kể cả thuốc cản từ) nhũ: sử dụng từ trường mạnh, sóng vô tuyến và máy tính để tạo ra các hình ảnh chi tiết về cấu trúc bên trong vú.

Với thế mạnh là một bệnh viện với đầy đủ các chuyên khoa, trong đó nổi bật là triển khai các kỹ thuật cao, khi tầm soát ung thư vú tại bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn, người bệnh sẽ được điều trị, chăm sóc toàn diện, đồng thời hướng dẫn kiểm soát tốt nhất các yếu tố nguy cơ (của bệnh lý kèm theo).