Tin tức y tế

Phẫu Thuật Thành Công Ca Ngực Lõm Hiếm Gặp Cho Nam Thanh Niên

20/04/2021

Mới đây, bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn đã điều trị thành công một ca lõm ngực bằng thanh nâng kim loại. Bệnh nhân là anh L.H.K, 21 tuổi, ngụ tại tỉnh Cà Mau.

Dị tật khó phát hiện ở độ tuổi sơ sinh

Theo các bác sĩ, lõm ngực (lõm xương ức) hay ngực phễu là một biến dạng do sự phát triển bất thường của một số xương sườn và xương ức, gây ra tình trạng ngực lõm xuống. Đây là một dị tật ở thành ngực trẻ em, khó phát hiện ở độ tuổi sơ sinh, thường gặp ở nam nhiều hơn nữ. Triệu chứng lõm sẽ bắt đầu rõ ràng theo thời gian trẻ lớn lên cho đến tuổi dậy thì.

Chia sẻ với PV tạp chí Đời sống và Pháp luật, mẹ anh K. cho biết: “Năm 16 tuổi, tôi phát hiện con mình bị lõm ngực sâu, trong khi lúc nhỏ tầm 3-4 tuổi thì không có vết lõm rõ ràng.”

Đến năm 18 tuổi, với những triệu chứng mệt mỏi, thường xuyên có những cơn đau khi hoạt dộng gắng sức, được sự tư  vấn của bác sĩ, anh K. đã quyết định tiến hành phương pháp phẫu thuật tạo hình xương ức bằng thanh kim loại tại bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn.

Bác sĩ chuyên khoa 2 Cao Minh Thông, khoa Ngoại Tim mạnh Lồng ngực, bệnh viên Hoàn Mỹ Sài Gòn cho biết: “Những năm gần đây, để điều trị hiệu quả tình trạng lõm ngực, cỉa thiện tính thẩm mỹ và ngăn ngừa những biến chứng do vết lõm ảnh hưởng đến sức khỏe, các bác sĩ đã sử dụng phương pháp phẫu thuật tạo hình lồng ngực bằng thanh nâng kim loại (phương pháp Nuss). Thanh kim loại này có tác dụng nâng và cố định lồng ngực qua phương pháp phẫu thuật nội soi. Sau phẫu thuật, lồng ngực sẽ có hình dàng bình thường, không bị dẹt…”

Bác sĩ Cao Minh Thông cho biết thêm, do tình trạng xương ức bị ép về phía sau quá mức gây ra những ảnh hưởng nhất định đối với hức năng tim và phổi của bệnh nhân. Người bị lõm ngực thường có các triệu chứng điển hình như khó thở, tức ngực, vùng ngực hiển thị rõ vết lõm sâu làm mất thẩm mỹ, khiến người bệnh tự ti trong giao tiếp và sinh hoạt, ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý và sức khỏe.

Tình trạng nghiêm trọng của lõm ngực có thể gây ép tim và phổi do vết lõm đè lên làm đẩy lệch tim, ảnh hưởng đến chức năng hô hấp do bị giới hạn về thể tích lồng ngực, lồng ngực không giãn nở đủ tốt để đảm bảo thể tích cho phổi, làm giảm lượng không khí mà người bệnh có thể hít vào.

Ở trường hợp của anh K. các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật rút thanh kim loại nâng ngực sau hơn 2 năm tiến hành phẫu thuật tạo hình lồng ngực. Thể trạng của anh K. sau phẫu thuật rút thanh điều trị lõm ngực hoàn toàn khỏe mạnh, dù vẫn còn hạn chế những hoạt động gắng sức.

Sau phẫu thuật, tình trạng lõm ngực của thanh niên này đã được giải quyết triệt để, lồng ngực đã căng tròn tự nhiên, không phụ thuộc vào thanh nâng như trước. Thành công của quá trình điều trị giúp anh K lấy lại sự tự tin, lạc quan và cân bằng trong cuộc sống.

Dấu hiệu nhận biết

Cũng theo bác sĩ Thông, diễn tiến tự nhiên của lõm ngực không thể tự khỏi và có xu hướng nặng dần lên, đặc biệt phát triển nhanh ở tuổi dậy thì, do quá trình phát triển và sự cứng dần của xương và sụn. Bác sĩ Thông khuyến cáo các bậc cha mẹ khi thấy con mình có những biểu hiện bất thường ở ngực nên nhanh chóng đưa con đi thăm khám tại các bệnh viện càng sớm càng tốt, tránh các biến chứng về sức khỏe do tình tràng lõm ngực gây ra.

Dấu hiện nhận biết của dị tật này là mỗi khi vận động mạnh, trẻ thường kêu đau vùng biến dạng sụn và vùng trước tim, một số khác thì bị hồi hộp do rối loạn nhịp nhĩ hoặc khó thở. Bác sĩ chuyên khoa sẽ nhận biết qua triệu chứng mỏm tim nằm lệch về bên trái. Thành ngực trước có vùng lõm sâu hình bát hoặc dẹt rộng.

Tình trạng lõm ngực ngày một nặng khi trẻ đến tuổi dậy thì, do đó cần phẫu thuật đúng thời điểm nhằm ổn định chức năng của tim và phổi. Điều các bác sĩ quan ngại là từ trước đến nay tại những địa phương y học chưa phát triển trẻ thường bị chuẩn đoán nhầm hoặc điều trị không đúng kỹ thuật nên bệnh nhân phải chịu đựng tình trạng bị lõm thành ngực kéo dài, cơ thể không phát triển do tim và phổi bị ép. Có nơi còn cho rằng do bị còi xương hoặc suy dinh dưỡng nên thành ngực không phát triển. Do đó, bệnh nhân cần tìm đến những nơi có chuyên khoa để được khám chữa bằng các công nghệ y học tiên tiến.

Nguồn: Đời sống và Pháp luật 

*Các thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo và tra cứu, vui lòng không tự áp dụng nếu chưa có chỉ định của bác sĩ.