Bệnh viện Hoàn Mỹ Vinh

Nhiễm virus hợp bào hô hấp RSV ở trẻ em

07/03/2024

Virus hợp bào hô hấp (RSV – Respiratory syncytial virus) là nguyên nhân phổ biến nhất gây nhiễm trùng đường hô hấp ở trẻ em. Đây là loại virus gây nhiễm trùng phổi và đường hô hấp, đồng thời là một trong những nguyên nhân thường gặp nhất gây cảm lạnh thông thường. Virus này gây ra hầu hết các ca nhiễm trùng vào cuối mùa thu đến đầu mùa xuân. RSV có thể ảnh hưởng đến mọi người ở mọi lứa tuổi. Hầu hết, trẻ em dưới hai tuổi đều bị nhiễm RSV ở một giai đoạn nào đó và có thể bị nhiễm RSV nhiều lần. Trên thế giới, RSV ảnh hưởng đến khoảng 64 triệu người và gây ra 160.000 ca tử vong hàng năm.

Nhiễm virus hợp bào hô hấp RSV ở trẻ em

Đường lây truyền virus hợp bào hô hấp

Khi người bệnh hắt hơi hoặc ho, virus sẽ bay vào không khí xung quanh và có thể xâm nhập vào cơ thể qua mắt, mũi hoặc miệng. RSV có thể sống nhiều giờ trên các bề mặt cứng. Nếu chạm vào vật mà virus bám vào, sau đó chạm vào mặt hoặc miệng, bạn có thể bị nhiễm RSV.

Triệu chứng lâm sàng khi nhiễm RSV

Các dấu hiệu và triệu chứng của nhiễm Virus hợp bào hô hấp thường xuất hiện trong khoảng 4 đến 6 ngày sau khi tiếp xúc với virus. Ở người lớn và trẻ lớn, RSV thường gây ra các dấu hiệu và triệu chứng giống cảm lạnh:

  • Nghẹt mũi hoặc chảy mũi nước
  • Ho khan
  • Sốt nhẹ
  • Đau họng
  • Hắt xì
  • Đau đầu

Trong trường hợp nặng, RSV có thể lan xuống đường hô hấp dưới gây viêm phổi hoặc viêm tiểu phế quản. Các dấu hiệu và triệu chứng có thể bao gồm:

  • Sốt
  • Ho nặng
  • Khò khè
  • Thở nhanh hoặc khó thở
  • Tím tái

Hầu hết, trẻ em và người lớn đều hồi phục sau một đến hai tuần, mặc dù một số có thể bị khò khè nhiều lần. Nhiễm trùng nặng hoặc đe dọa tính mạng cần phải nằm viện có thể xảy ra ở trẻ sinh non hoặc ở bất kỳ ai có vấn đề về tim hoặc phổi mãn tính.

Các yếu tố nguy cơ nhiễm RSV

Những người có nguy cơ cao bị nhiễm RSV nghiêm trọng hoặc đe dọa tính mạng bao gồm:

  • Trẻ sơ sinh, đặc biệt là trẻ sinh non hoặc trẻ dưới 6 tháng tuổi.
  • Trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh hoặc bệnh phổi mãn tính.
  • Trẻ em hoặc người lớn suy giảm miễn dịch do các bệnh như Ung thư hoặc điều trị như hóa trị.
  • Trẻ bị rối loạn thần kinh cơ, chẳng hạn như chứng loạn dưỡng cơ.
  • Người lớn mắc bệnh tim hoặc bệnh phổi.
  • Người lớn tuổi, đặc biệt là những người từ 65 tuổi trở lên.

Biến chứng

  • Viêm phổi.
  • Viêm tai giữa.
  • Hen suyễn.
  • Nhiễm trùng tái diễn.

Phòng ngừa

Virus hợp bào hô hấp có thể lây nhiễm cho bất cứ ai. Trẻ sinh non và trẻ nhỏ và người lớn tuổi mắc bệnh tim, phổi hoặc hệ miễn dịch suy giảm có nguy cơ bị nhiễm trùng nặng cao hơn.

Biện pháp giúp ngăn ngừa sự lây lan của bệnh:

  • Vệ sinh tay thường xuyên.
  • Hạn chế cho trẻ tiếp xúc với những người bị Sốt hoặc cảm lạnh.
  • Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi. Bỏ khăn giấy đã sử dụng vào thùng rác.
  • Hạn chế cho trẻ em tiếp xúc với những người bị Sốt hoặc cảm lạnh.
  • Giữ mọi thứ sạch sẽ.
  • Thường xuyên vệ sinh, khử khuẩn nhà ở, khu vui chơi và đồ chơi của trẻ.
  • Hạn chế cho trẻ dùng chung các vật dụng cá nhân với người khác.
  • Tránh tiếp xúc khói bụi, đặc biệt là khói thuốc lá.
  • Cung cấp đủ chất dinh dưỡng và năng lượng để trẻ phát triển khỏe mạnh.

Tài liệu tham khảo

  1. https://www.rch.org.au/kidsinfo/fact_sheets/respiratory_syncytial_virus_rsv/
  2. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/respiratory-syncytial-virus/symptoms-causes/syc-20353098
  3. https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/8282-respiratory-syncytial-virus-in-children-and-adults

*Bài viết được thực hiện với sự tư vấn chuyên môn của ThS.BS. Hoàng Văn Hòa – Khoa Nhi, Bệnh viện Hoàn Mỹ Vinh.

Để được tư vấn chi tiết, vui lòng liên hệ Bệnh viện Hoàn Mỹ Vinh:

  • Phòng Chăm sóc khách hàng: 0901747173
  • Địa chỉ: Số 99, đường Phạm Đình Toái, xã Nghi Phú, TP. Vinh, tỉnh Nghệ An