Nhồi máu cơ tim là căn bệnh nguy hiểm, nhưng nếu nhận biết sớm và được xử trí trong vòng 12 giờ đầu tiên, tỉ lệ cứu chữa thành công rất cao, nhiều trường hợp hồi phục hoàn toàn hoặc tránh được tử vong và các biến chứng nghiêm trọng.
>>> Xem thêm: Nhịp tim bình thường là bao nhiêu? Chỉ số đo huyết áp và nhịp tim
Nhồi máu cơ tim là hiện tượng mạch máu nuôi tim (động mạch vành) bị tắc nghẽn khiến cơ tim chết đi và không thể hồi phục. Nếu người bị nhồi máu cơ tim không được điều trị kịp thời, vùng cơ tim bị tổn thương sẽ lan rộng và dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như: suy tim, sốc tim, rối loạn nhịp, thậm chí vỡ tim,… gây tử vong hoặc để lại hậu quả lâu dài như tàn phế. Nhưng nếu được can thiệp sớm ngay trong vòng 12 giờ đầu, khả năng cứu sống người bệnh là hơn 90%, nhiều trường hợp hồi phục hoàn toàn. Vì vậy, việc sớm nhận diện được những dấu hiệu của nhồi máu cơ tim để có hướng xử trí kịp thời là điều rất quan trọng.
Hình ảnh nhồi máu cơ tim
Theo BSCKI. Lã Thị Thanh Ngân – Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện đa khoa Quốc Tế Hoàn Mỹ Thủ Đức, nhồi máu cơ tim có thể nhận diện qua những triệu chứng như hồi hộp, đánh trống ngực hoặc cơn đau thắt ngực điển hình. Mức độ của cơn đau có thể dao động từ ít như kiểu đè nặng, cảm giác nóng rát trước ngực trái đến nhiều như đau dữ dội, siết chặt. Cơn đau có thể lan lên cổ, hàm dưới, vai trái, lưng, thượng vị hoặc cánh tay trái. Thời gian đau kéo dài trên 20 phút và có thể kèm theo một số triệu chứng khác như: khó thở, vã mồ hôi, hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn, tay chân lạnh, tụt huyết áp hoặc tăng huyết áp, ngất,…
Tuy nhiên, ở một số trường hợp khác sẽ không trải qua các triệu chứng như mô tả ở trên mà chỉ cảm thấy hơi mệt hoặc chỉ cảm thấy khó chịu vùng thượng vị.
Nếu có những triệu chứng của nhồi máu cơ tim, nhất là cơn đau ngực bất thường, cần dừng ngay hoạt động và công việc đang làm để nằm nghỉ, sử dụng thuốc nitroglycerine ngậm dưới lưỡi (đối với người bệnh đã được chẩn đoán bệnh mạch vành trước đây). Nếu sau 10-30 phút tình trạng đau ngực không thuyên giảm, đặc biệt khi đã sử dụng nitroglycerine, người bệnh cần được đưa đến bệnh viện bằng phương tiện an toàn và nhanh nhất.
Khi bị nhồi máu cơ tim, người bệnh cần được đưa đến Bệnh viện an toàn và nhanh chóng nhất
Bệnh viện đa khoa Quốc Tế Hoàn Mỹ Thủ Đức đã thiết lập quy trình Code STEMI (ST-segment Elevation Myocardial Infarction: Nhồi máu cơ tim ST chênh lên) cả trong Bệnh viện và ngoài Bệnh viện, nhằm tiếp cận và can thiệp người bệnh bị nhồi máu cơ tim cấp một cách nhanh chóng, rút ngắn thời gian tổn thương cơ tim, làm giảm đáng kể tỉ lệ tử vong và các biến chứng về sau.
Code STEMI là một trong những công cụ hữu hiệu được rất nhiều Bệnh viện, trong đó có Hoàn Mỹ Thủ Đức áp dụng trong xử trí cấp cứu nhiều trường hợp nhồi máu cơ tim cấp, tận dụng “thời gian vàng” để mang lại sự sống cho người bệnh nguy kịch.
Khi xuất hiện những dấu hiệu nhồi máu cơ tim, chỉ cần nhấc điện thoại, đội Cấp cứu ngoại viện của Bệnh viện Hoàn Mỹ Thủ Đức sẽ lập tức di chuyển đến tận nhà để tiếp nhận người bệnh. Ngay trên xe cấp cứu, các nhân viên y tế sẽ lấy dấu hiệu sinh tồn, đo điện tim cho người bệnh, nhanh chóng xác định tình trạng của người bệnh để có hướng xử trí phù hợp và kịp thời.
“Nhồi máu cơ tim là căn bệnh nguy hiểm có thể dẫn đến tử vong. Nếu được chẩn đoán sớm sẽ giúp cứu sống vùng cơ tim bị thiếu máu nuôi kịp thời, đồng thời hạn chế những biến chứng nguy hiểm đến tính mạng và những biến chứng lâu dài sau này. Do đó, hãy tìm đến sự trợ giúp của bác sĩ ngay khi có những dấu hiệu bệnh để được điều trị nhồi máu cơ tim tối ưu nhất” – Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện đa khoa Quốc Tế Hoàn Mỹ Thủ Đức chia sẻ.
Nếu có thêm bất kỳ thắc mắc nào, hãy liên hệ Bệnh viện đa khoa Quốc Tế Hoàn Mỹ Thủ Đức (Địa chỉ: 241 Quốc Lộ 1K, P. Linh Xuân, TP. Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh) qua hotline 19000119 để được tư vấn miễn phí.
*Các thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo và tra cứu, vui lòng không tự áp dụng nếu chưa có chỉ định của bác sĩ.