Tin tức y tế

Nguyên nhân và phòng ngừa đau thắt ngực

28/06/2023

Đau thắt ngực có nguy hiểm không?

Các nguyên nhân dẫn đến đau ngực

Đau thắt ngực được phân thành 2 nhóm nguyên nhân chính là  do tim mạch và không do tim mạch.

Đau thắt ngực không do tim bao gồm:

  • Trào ngược dạ dày – thực quản. 
  • Chấn thương ngực, vùng ngực. 
  • Viêm khớp ức sườn.
  • Đau thần kinh liên sườn. 
  • Đau các cơ liên sườn. 
  • Zona thần kinh. 
  • Gãy xương sườn. 
  • Tràn khí màng phổi, tràn dịch màng phổi, viêm màng phổi. 
  • Stress, rối loạn thần kinh tim, …

Đau thắt ngực do tim

Đau thắt ngực do tim mạch là nhóm nguyên nhân nguy hiểm có liên quan đến tổn thương thực thể tại hệ thống tim mạch. Nó bao gồm đau ngực do mạch vành và không do mạch vành. 

Cơn đau ngực do mạch vành gồm

  • Hẹp động mạch vành gây cơn đau thắt ngực. 
  • Tắc động mạch vành gây nhồi máu cơ tim. 

Cơn đau ngực do tim mạch không do mạch vành gồm

  • Viêm màng ngoài tim. 
  • Bóc tách thành động mạch chủ. 
  • Thuyên tắc động mạch phổi.

Các dấu hiệu nghĩ đến cơn đau ngực do động mạch vành

Cơn đau thắt ngực điển hình bao gồm 3 đặc điểm: 

  • Cảm giác đau như bóp nghẹt, đau như thắt hoặc đè nặng vùng ngực trái hoặc sau xương ức, có thể lan lên cằm, tay trái.
  • Xuất hiện có tính chất quy luật, tăng lên sau gắng sức, xúc cảm mạnh, gặp lạnh, …
  • Đau ngực đỡ khi nghỉ ngơi hoặc sau khi dùng Nitroglycerin.

Có 2 trong 3 đặc điểm trên là đau thắt không điển hình. Có 1 hay không có tính chất đau thắt ngực điển hình là đau ngực nguyên nhân không do mạch vành.

Phân loại mức độ đau thắt ngực

  • Độ 1: Hoạt động thể lực bình thường, đau thắt ngực xuất hiện khi gắng sức nhanh, kéo dài.
  • Độ 2: Giới hạn nhẹ hoạt động bình thường, đau ngực xuất hiện khi đi bộ 500m hoặc lên cầu thang nhanh.
  • Độ 3: Giới hạn rõ, đáng kể hoạt động bình thường.
  • Độ 4: Không có khả năng thực hiện hoạt động bình thường. Đau thắt ngực có thể hiện diện cả lúc nghỉ ngơi.

Phòng ngừa đau thắt ngực

Ba điều mà người bệnh phải luôn ghi nhớ khi phòng ngừa đau thắt ngực: Tuân thủ điều trị, thay đổi lối sống, kiểm soát bệnh lý nền.

1. Tuân thủ điều trị: Người bệnh cần thực hiện theo những lời khuyên của Bác sĩ, dùng thuốc theo đơn, không tự ý bỏ thuốc, thêm thuốc hay thay đổi thuốc, tái khám đầy đủ theo lịch hẹn.

2. Thay đổi lối sống: 

  • Chế độ ăn: Kiểm soát lượng mỡ nạp vào, ăn nhiều rau xanh, lượng muối nạp vào mỗi ngày < 5 g.
  • Kiểm soát cân nặng: Duy trì BMI < 22.9 kg/ m², người thừa cân béo phì cần giảm 10% trọng lượng cơ thể.
  • Tập thể dục: Ít nhất 5 ngày/lần, duy trì 30 – 60 phút tập luyện với cường độ vừa phải.
  • Kiểm soát yếu tố nguy cơ: Bỏ thuốc lá, hạn chế uống bia, rượu.

3. Kiểm soát bệnh lý nền: Cần điều trị duy trì và kiểm soát các bệnh lý như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu. 

Để phòng ngừa các cơn đau thắt ngực, người bệnh cần tìm hiểu rõ nguyên nhân cũng như nâng cao ý thức kiểm soát bằng cách tuân thủ theo kế hoạch điều trị của Bác sĩ, thay đổi lối sống và thăm khám định kỳ. Điều này góp phần không nhỏ trong việc kiểm soát tốt tình trạng đau thắt ngực, giữ gìn sức khỏe tránh những biến chứng đáng tiếc xảy ra.

Bác sĩ Lê Tuấn Anh – Đơn vị Tim mạch

*Các thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo và tra cứu, vui lòng không tự áp dụng nếu chưa có chỉ định của bác sĩ.