Hội chứng thận hư là một rối loạn điển hình với tình trạng mất protein niệu qua nước tiểu do tổn thương cầu thận đi kèm biểu hiện phù và giảm albumin máu. Đây là hội chứng thường gặp ở trẻ em.
Nguyên nhân gây nên hội chứng thận hư
Hội chứng thận hư được hình thành do màng lọc của cầu thận bị viêm. Thông thường, khi cầu thận khỏe mạnh sẽ giữ protein lại trong máu (chủ yếu là albumin) mà không đi qua màng lọc. Chỉ khi màng lọc bị tổn thương, điều này sẽ khiến cho quá nhiều protein trong máu bị thấm qua, từ đó dẫn tới hội chứng thận hư.
Hội chứng này có thể được gây ra bởi nhiều nguyên nhân như:
- Bệnh lý cầu thận.
- Viêm cầu thận màng tăng sinh.
- Viêm cầu thận tăng sinh gian mạch.
- Viêm cầu thận tăng sinh ngoại mạch.
- Xơ hóa cầu thận.
- Sử dụng thuốc, các chất độc hại.
- Mắc các bệnh tự miễn như Lupus ban đỏ hay rối loạn chuyển hóa như đái tháo đường.
- Các bệnh nhiễm vi khuẩn, virus, ký sinh trùng.
Biểu hiện của hội chứng thận hư
- Dấu hiệu phù to, phù toàn thân kèm theo cổ trướng, có thể có tràn dịch đa màng như: màng bụng, màng phổi, màng tinh hoàn, thậm chí có thể là màng tim hoặc phù não.
- Tiểu ít (thường dưới 500 ml/ 24 giờ), xuất hiện bọt trong nước tiểu do nồng độ protein cao.
- Ăn kém, ăn không ngon.
- Da xanh, cơ thể mệt mỏi.
Chẩn đoán hội chứng thận hư
Để chẩn đoán chính xác bệnh lý, người bệnh thường được chỉ định thực hiện xét nghiệm nước tiểu và xét nghiệm máu, trong đó:
Xét nghiệm nước tiểu:
- Protein trong nước tiểu ở mức cao, trên 3,5 g/ 24h.
- Có thể có hạt hoặc trụ mỡ trong nước tiểu.
Xét nghiệm máu:
- Protein trong máu thấp, giảm dưới 60 g/ l.
- Lipid và Cholesterol trong máu tăng.
Bên cạnh đó, bệnh nhân cần kiểm tra thêm các chỉ số điện giải đồ, albumin, máu lắng, v.v, để xác định rõ hơn tình trạng bệnh.
Hội chứng thận hư có thể gây những biến chứng nào?
Hội chứng thận hư gây ra những rối loạn sinh hóa do mất quá nhiều protein qua nước tiểu. Người bệnh mắc hội chứng này có thể gặp phải những biến chứng sau:
- Suy giảm chức năng thận.
- Suy dinh dưỡng: Khi người bệnh không cung cấp đủ protein để bù vào lượng protein đã bị mất qua nước tiểu.
- Nhiễm khuẩn: Người bệnh có thể bị viêm mô tế bào, nhiễm khuẩn đường tiết niệu,…
- Giảm Calci máu: Do protein máu giảm, giảm hấp thu Calci từ ruột.
- Cao huyết áp: Do cơ thể bị tích nước và ứ muối.
- Bệnh thận mạn tính: Khi thận dần mất chức năng lọc máu sẽ gây nên suy thận.
Điều trị hội chứng thận hư
Để điều trị hội chứng này, bác sĩ cần tập trung điều trị nguyên nhân gây tổn thương cầu thận, phục hồi chức năng cầu thận và các triệu chứng bệnh lý, hạn chế sự xuất hiện của các biến chứng.
Người bệnh được điều trị bằng thuốc Nội khoa, với một số loại thuốc thường sử dụng như:
- Thuốc lợi tiểu: Giúp giảm sưng, phù, tăng bài tiết nước tiểu.
- Thuốc chống đông máu: Nhằm ngăn ngừa nguy cơ hình thành cục máu đông.
- Thuốc ức chế miễn dịch: Kiểm soát hệ miễn dịch, giảm tình trạng viêm.
- Thuốc giúp kiểm soát huyết áp.
- Các loại thuốc điều trị rối loạn chuyển hóa lipid nếu có.
Cùng với đó, người bệnh cần lưu ý về chế độ ăn uống:
- Hạn chế muối và nước khi cơ thể đang có dấu hiệu phù nhiều.
- Ăn nhạt trong giai đoạn phù.
- Cung cấp đủ năng lượng, các nhóm chất, vitamin, khoáng chất, đặc biệt là Calci.
Khi mắc hội chứng thận hư, người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của Bác sĩ, sử dụng thuốc và tái khám, kiểm tra định kỳ để theo dõi sát sao tình trạng bệnh lý. Đồng thời, ngay khi có các dấu hiệu bất thường, người bệnh nên đến cơ sở y tế để được thăm khám và tư vấn điều trị kịp thời, tránh những biến chứng nguy hiểm do hội chứng này gây nên.