Điều trị Ung thư có thể ảnh hưởng ngay lập tức hoặc lâu dài đến tế bào cơ tim. Do đó, việc phát hiện, can thiệp người bệnh nguy cơ cao tổn thương tim mạch do điều trị là rất quan trọng.
Cần phối hợp 2 chuyên khoa Tim mạch và Ung thư để tối ưu hóa hiệu quả việc điều trị ung thư và giảm thiểu tác dụng trước mắt, lâu dài trên hệ tim mạch của người bệnh.
Chiến lược dự phòng bệnh lí tim mạch – ung thư
Chiến lược dự phòng bệnh lí tim mạch, Ung thư được thực hiện theo các bước: A-B-C-D-E. Cụ thể:
- A: Awareness Assessment – Nâng cao nhận thức, đánh giá ban đầu ở những người bệnh Ung thư có yếu tố nguy cơ tim mạch.
- B: Blood pressure control – Kiểm soát huyết áp.
- C: Cholesterol lowering, Cigarette cessation – Kiểm soát lipid máu, thói quen hút thuốc lá.
- D: Dose of chemotherapy, Diabetes management – Kiểm soát liều điều trị hóa chất, kiểm soát đái đường cho người bệnh.
- E: Exercise, echocardiography – Tập luyện thể dục thể thao, siêu âm tim ở người bệnh Ung thư có yếu tố nguy cơ tim mạch.
Ảnh hưởng của điều trị Ung thư lên tim mạch
Trong và sau điều trị ung thư, người bệnh có thể gặp các biến cố tim mạch sau:
- Tràn dịch màng ngoài tim, tràn dịch màng phổi.
- Tăng huyết áp.
- Suy tim.
- Rối loạn chức năng tâm thu thất trái.
- Nhồi máu cơ tim.
- Huyết khối thuyên tắc động, tĩnh mạch.
- Tăng áp lực động mạch phổi.
- Hội chứng QT kéo dài (xảy ra do khiếm khuyết trong các kênh ion, gây ra sự chậm trễ trong thời gian hệ thống điện nạp lại sau mỗi nhịp tim).
- Viêm cơ tim.
- …..
Mức độ ảnh hưởng tim mạch và ung thư
Nhóm người bệnh Ung thư đạt hiệu quả cao nhất trong việc tầm soát, can thiệp tim mạch là nhóm người có tỉ lệ nguy cơ tử vong do ung thư ở mức không quá cao và nguy cơ tử vong do tim mạch từ trung bình đến cao như ung thư vú, u lympho hodgkin, ung thư sắc tố da, ung thư tuyến giáp, ung thư đường tiết niệu, sinh dục.
Chẩn đoán giảm chức năng thất trái liên quan đến điều trị ung thư
- Giảm chức năng tâm thu thất trái: LVEF < 50%, giảm > 10% so với EF ban đầu (theo ESC 2020).
- Khẳng định sau 3 tuần điều trị ung thư.
- Có hoặc không có triệu chứng của suy tim.
- Hồi phục khi ngừng điều trị ung thư.
Phương pháp chẩn đoán tổn thương tim liên quan điều trị ung thư
1. Siêu âm tim
- Ưu điểm: Sử dụng rộng rãi, đánh giá được chức năng, cấu trúc của tim.
- Nhược điểm: Phụ thuộc chủ quan người làm siêu âm và các trường hợp bất thường lồng ngực.
2. Xạ hình tưới máu cơ tim
- Ưu điểm: Khả năng tái lập.
- Nhược điểm: Tia xạ, hạn chế đánh giá cấu trúc, chức năng tim.
3. MRI tim
- Ưu điểm: Chính xác và có thể tái lập kết quả, đánh giá được tình trạng xơ hóa mô cơ tim.
- Nhược điểm: Giá thành, chỉ định không rộng rãi.
4. Biomarkers: (ví dụ: Hs troponin, NT-proBNP)
- Ưu điểm: Chính xác, có thể tái lập kết quả, chỉ định rộng rãi, độ nhạy cao.
- Nhược điểm: Chưa nhiều bằng chứng trong sử dụng và vai trò trong giám sát thường xuyên chưa được thiết lập.
Dự phòng Suy tim trước điều trị ung thư
- Phân tầng nguy cơ: Dựa trên nguy cơ trước đó về bệnh tim mạch, nguy cơ về tiền sử điều trị bệnh lí nội khoa, yếu tố nguy cơ về lối sống, biomarkers tim mạch, người bệnh đã điều trị Ung thư trước đó và để lại hậu quả trên tim. Các Bác sĩ chuyên khoa Tim mạch, chuyên khoa Ung thư sử dụng “HFA-ICOS baseline risk assessment” để đánh giá, phân tầng nguy cơ.
- Lối sống lành mạnh: Kiểm soát huyết áp, kiểm soát mỡ máu, kiểm soát đường máu, chế ăn lành mạnh, kiểm soát cân nặng, hoạt động thể lực đều đặn, bỏ thuốc lá.
- Tuân thủ điều trị về cả thuốc Ung thư và thuốc tim mạch.
Bài viết được thực hiện với sự tư vấn chuyên môn từ Bác sĩ Lê Tuấn Anh – Đơn vị Tim mạch, Bệnh viện Hoàn Mỹ Vinh.
Thông tin chi tiết, vui lòng liên hệ:
Bệnh viện Quốc tế Hoàn Mỹ Vinh – Số 99, Phạm Đình Toái, tp. Vinh, Nghệ An.