Tin tức y tế

TOP 9 chức năng của protein đối với sức khỏe có thể bạn chưa biết

10/07/2023

Protein đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe con người. Cơ thể cần số lượng protein nhất định từ những nguồn cung cấp khác nhau. Tìm hiểu về chức năng của protein đối với sức khỏe và nguồn cung cấp protein sẽ giúp thấy rõ tầm quan trọng của việc bổ sung protein, từ đó định hình chế độ ăn uống đầy đủ protein. Với bài viết dưới đây, Hoàn Mỹ sẽ cung cấp cho bạn thông tin về chức năng của protein và những lưu ý cần biết để bổ sung protein phù hợp với cơ thể. 

>> Xem thêm:

Protein là gì? 

Protein (đạm) là phân tử sinh học, hay đại phân tử, phức tạp đóng nhiều vai trò quan trọng trong cơ thể. Chúng thực hiện hầu hết các công việc trong tế bào và cần thiết đối với cấu trúc, chức năng, điều hòa các mô, cơ quan trong cơ thể. 

Protein được tạo thành từ vô số đơn vị amino acid liên kết với nhau qua liên kết peptid. Trình tự sắp xếp các amino acid thay đổi sẽ tạo nên những dạng protein khác nhau. Có 20 loại amino acid khác nhau trong tự nhiên, từ đó hình thành nên hàng ngàn loại protein khác nhau. Mỗi loại sẽ đặc trưng bởi số lượng, thành phần và trình tự sắp xếp của amino acid trong đó. 

Protein là thành phần cấu trúc cấu tạo nên khung tế bào, chúng góp mặt vào mọi hoạt động bên trong tế bào. Protein được tìm thấy khắp cơ thể con người: cơ, xương, da, tóc và hầu hết các bộ phận khác. Protein đóng vai trò quan trọng đối với sự sống, bổ sung đầy đủ protein là điều thiết yếu để duy trì sức khỏe.

>> Xem thêm: Carbohydrate là gì? Tác dụng của carbohydrate với sức khỏe

Bổ sung protein hàng ngày để cơ thể khỏe mạnh
Bổ sung protein hàng ngày để cơ thể khỏe mạnh (Nguồn: Internet)

Công dụng của protein cho cơ thể 

Protein tham gia vào hầu hết các quá trình của tế bào và chịu trách nhiệm những công việc khác nhau. Chức năng của protein đối với hoạt động sống của con người bao gồm:

Tăng trưởng và duy trì các mô 

Giúp tăng trưởng và duy trì các mô là một trong những chức năng quan trọng của protein đối với cơ thể. Cơ thể chúng ta được tạo nên từ hàng ngàn loại protein khác nhau, mỗi loại đóng một vai trò cụ thể. Protein tạo nên các thành phần cấu trúc quan trọng của cơ thể như tế bào, mô, enzym, hormone… Do đó, chúng ta cần bổ sung protein mỗi ngày để duy trì các mô cơ thể, bao gồm sự phát triển và tái tạo mô. 

Tuy nhiên, protein được “sửa chữa” và thay thế liên tục trong suốt cuộc đời của chúng ta. Khi các protein trong tế bào bị phá vỡ, các axit amin được tái chế tạo thành các protein mới giúp tái tạo tế bào, từ đó tái tạo mô. Quá trình này được gọi là tổng hợp protein, nó đòi hỏi cung cấp axit amin liên tục. 

Đôi khi cơ thể sẽ phá vỡ một lượng protein cao hơn mức bình thường, khiến nhu cầu axit amin tăng lên. Người đang mắc bệnh, phụ nữ mang thai và cho con bú hoặc người hồi phục sau chấn thương, sau phẫu thuật… sẽ thường gặp tình trạng trên. Những đối tượng này cần tăng cường bổ sung protein từ nhiều nguồn khác nhau.

>> Xem thêm: Cách tăng cân nhanh cho người gầy an toàn và hiệu quả

Tạo ra phản ứng sinh hóa 

Enzym là các loại protein đóng vai trò làm chất nền và chất xúc tác cho những phản ứng sinh hóa cần thiết cho quá trình trao đổi chất trong cơ thể. Sự có mặt của enzym làm giảm năng lượng tiêu tốn và thời gian diễn ra phản ứng hóa học đó. Đó là lý do tại sao enzym được gọi chất xúc tác quan trọng của các phản ứng sinh hóa trong cơ thể. 

Trung bình mỗi giây có hơn một trăm phản ứng hóa học xảy ra trong tế bào và hầu hết chúng đều cần enzym. Tất cả các chức năng của cơ thể bao gồm phân hủy chất dinh dưỡng trong dạ dày và ruột non, chuyển hóa chất dinh dưỡng thành các phân tử mà tế bào có thể sử dụng, xây dựng các đại phân tử như protein đều liên quan tới enzym.

Enzyme là protein, chúng đóng vai trò là chất xúc tác quá trình phản ứng sinh hóa bên trong cơ thể
Enzyme là protein, chúng đóng vai trò là chất xúc tác quá trình phản ứng sinh hóa bên trong cơ thể (Nguồn: Internet)

Hỗ trợ truyền tín hiệu 

Protein chịu trách nhiệm tổng hợp hormone. Thông qua máu, hormone được sản xuất ở một bộ phận của cơ thể và sau đó vận chuyển đến bộ phận khác. Khi hormone đến các mô/bộ phận đích, nó sẽ truyền một thông điệp/tín hiệu để bắt đầu một phản ứng hoặc quá trình tế bào cụ thể.

Ví dụ, một số hormone được tạo thành từ protein: 

  • Insuline báo hiệu sự hấp thu glucose hoặc đường vào tế bào.
  • Glucagon truyền tín hiệu về sự phân hủy glucose dự trữ trong gan.
  • GH (hormone tăng trưởng của con người) kích thích sự phát triển của các mô khác nhau trong cơ thể, bao gồm cả xương.
  • ACTH (hormone vỏ thượng thận) kích thích giải phóng cortisol (yếu tố chính trong quá trình trao đổi chất).
  • ADH, hormone chống lợi tiểu truyền tín hiệu yêu cầu thận tái hấp thu nước.
Insulin tổng hợp từ protein, có trách nhiệm báo hiệu sự hấp thu glucose và đường trong tế bào
Insulin tổng hợp từ protein, có trách nhiệm báo hiệu sự hấp thu glucose và đường trong tế bào (Nguồn: Internet)

Định hình cấu trúc mô tế bào 

Protein là thành phần cấu tạo nên các chất nguyên sinh, bào quan và màng sinh chất trong tế bào, từ đó hình thành nên đặc điểm của các mô tế bào. Protein dạng sợi là loại protein đảm nhận chức năng cấu trúc và định hình tế bào. Những protein dạng sợi bao gồm: keratin, collagen và elastin. Chúng giúp hình thành khung liên kết cấu trúc các mô tế bào và các cơ quan trong cơ thể. Trong đó: 

  • Collagen và elastin tạo nên cấu trúc dạng sợi có tính bền của mô liên kết, gân và dây chằng.
  • Keratin tạo nên cấu trúc chắc chắn của da, lông, móng.
  • Elastin có tính đàn hồi cao, hỗ trợ định hình nên các cơ quan như tử cung, phổi, động mạch.
Collagen là protein dạng sợi, giúp định hình cấu trúc sợi bền của các mô liên kết, dây chằng, gân
Collagen là protein dạng sợi, giúp định hình cấu trúc sợi bền của các mô liên kết, dây chằng, gân (Nguồn: Internet)

Duy trì độ pH thích hợp 

Đây là chức năng của protein trong việc cân bằng axit-bazo trong máu. Thang đo pH dao động từ 0 (axit mạnh) đến 14 (bazơ mạnh/kiềm). Độ pH của máu được duy trì trong khoảng 7,35 – 7,45. Khi lượng H⁺ trong máu quá mức máu sẽ bị chua (nhiễm toan). Nếu lượng H⁺ trong máu bị thiếu, máu sẽ bị nhiễm kiềm. Cả 2 trường hợp trên sẽ ảnh hưởng tới chức năng của cơ thể, có thể gây ra tình trạng hôn mê hoặc tử vong. 

Cơ chế duy trì độ pH trong máu của protein được thể hiện như sau: Một số protein hoạt động như chất đệm và giải phóng  H⁺ vào máu nếu máu bị nhiễm kiềm; protein sẽ lấy H⁺ từ máu nếu máu quá chua. Bằng cách giải phóng và lấy H⁺ khi cần thiết, protein sẽ giúp cân bằng axit – bazơ và độ pH trong máu ở mức bình thường.

Protein có chức năng duy trì độ pH trong máu ở mức độ thích hợp
Protein có chức năng duy trì độ pH trong máu ở mức độ thích hợp (Nguồn: Internet)

Giúp cân bằng chất lỏng 

Cân bằng chất lỏng đề cập trạng thái duy trì sự phân phối của nước trong cơ thể. Nếu quá nhiều nước trong máu đột ngột di chuyển vào các mô sẽ dẫn tới sưng tấy hoặc làm chết tế bào. Nước luôn di chuyển từ nơi có nồng độ cao hơn các chất hòa tan: protein, glucozo tới nơi có nồng độ chất hòa tan thấp hơn. 

Chức năng của protein trong trường hợp này được thể hiện thông qua sự lưu thông liên tục với nồng độ cao protein trong máu. Điều này sẽ giữ cho nước được phân bố đồng đều giữa máu và tế bào. Khi lượng protein bị thiếu hụt sẽ sinh ra phù nề. 

Ví dụ, protein có nhiều trong máu là albumin và glubulin, chúng đóng vai trò quan trọng trong cân bằng chất lỏng, cân bằng lượng axit-bazo và vận chuyển các phân tử sinh học.

Albumin, một loại protein hình con bướm, tồn tại nhiều trong máu giúp cân bằng chất lỏng
Albumin, một loại protein hình con bướm, tồn tại nhiều trong máu giúp cân bằng chất lỏng (Nguồn: Internet)

Tăng cường hệ miễn dịch 

Hệ thống miễn dịch được thiết kế để tấn công và tiêu diệt những vật ngoại lai gây hại cho cơ thể như virus, vi khuẩn. Khi các yếu tố ngoại lai này tấn công cơ thể, hệ thống miễn dịch sẽ sinh ra các kháng thể để chống lại chúng. 

Protein hình thành nên globulin miễn dịch, chúng là kháng thể có khả năng nhận biết các phân tử trên vi khuẩn và vi rút có hại (kháng nguyên). Kháng thể sẽ liên kết với các kháng nguyên và tiêu diệt chúng hoặc kết hợp với các yếu tố khác trong hệ miễn dịch (ví dụ: bạch cầu) để tiêu diệt yếu tố có hại. 

Protein có chức năng tăng cường hệ miễn dịch
Protein có chức năng tăng cường hệ miễn dịch (Nguồn: Internet)

Vận chuyển và lưu trữ các chất dinh dưỡng 

Protein cũng đóng vai trò trong việc vận chuyển chất dinh dưỡng. Màng tế bào thường không thấm các phân tử lớn. Để đưa chất dinh dưỡng và phân tử cần thiết vào tế bào, một số loại protein vận chuyển tồn tại bên trong màng tế bào. Những protein này hoạt động như các kênh cho phép các phân tử cụ thể di chuyển vào và ra khỏi tế bào. Ví dụ, huyết sắc tố là một trong những loại protein vận chuyển oxy đi khắp cơ thể. 

Ngoài ra, protein cũng giữ chức năng lưu trữ chất dinh dưỡng. Ví dụ, ferritin là một loại protein, chúng kết hợp với sắt và lưu trữ trong gan. Loại protein khác là casein lại đóng vai trò lưu trữ sữa giúp trẻ sơ sinh phát triển. 

Protein có chức năng vận chuyển và lưu trữ chất dinh dưỡng
Protein có chức năng vận chuyển và lưu trữ chất dinh dưỡng (Nguồn: Internet)

Cung cấp năng lượng cho cơ thể 

Cung cấp năng lượng cho cơ thể là chức năng của protein, chức năng này sẽ biểu hiện khi chế độ ăn uống không chứa đủ carbohydrate, nguồn dự trữ carbs và chất béo ở mức thấp. Lúc này cơ thể sẽ sử dụng các axit amin được tách ra từ protein và tạo thành năng lượng. 

Protein là nguồn cung cấp năng lượng cuối mà cơ thể sử dụng. Nguồn năng lượng từ carbs và chất béo sẽ là nguồn cung năng lượng được ưu tiên. Lượng năng lượng mà protein cung cấp cho cơ thể thường ở mức thấp. Trong một vài tình huống (nhịn ăn), cơ thể sẽ phá vỡ các protein từ máu và cơ để sản sinh ra năng lượng thay thế.

Protein là một trong những nguồn cung cấp năng lượng cho cơ thể
Protein là một trong những nguồn cung cấp năng lượng cho cơ thể (Nguồn: Internet)

Nên bổ sung protein như thế nào? 

Bạn nên bổ sung protein từ những nguồn khác nhau, bao gồm protein từ thực vật và protein từ động vật. Dưới đây là một số loại thực phẩm giàu protein bạn có thể tham khảo: 

  • Các loại đậu: Đậu hà lan, đậu phộng, đậu lăng, đậu nành…
  • Các loại hạt: Hạnh nhân, hạt điều, quả óc chó, hạt chia, hạt bí, hạt hướng dương…
  • Các loại ngũ cốc nguyên hạt: Kiều mạch, hạt kê, yến mạch, lúa mì, gạo, kê…
  • Các loại rau và trái cây: Ngô, bông cải xanh, măng tây và atiso…
  • Các loại gia cầm (gà, vịt), hải sản (cá, tôm…) và trứng là những lựa chọn tốt trong cung cấp protein cho cơ thể. 
  • Sữa: đa dạng nguồn sữa bao gồm sữa tươi, sữa chua, pho mát.
  • Thịt bò, thịt lợn, thịt cừu, thịt bê và thịt dê không nên ăn quá thường xuyên.

Ngoài ra, bạn cũng nên chú ý tới lượng protein cần bổ sung mỗi ngày đối với thể trạng từng người.

  • Đối với người bình thường: Mỗi ngày cần bổ sung từ 0,8g – 1,3g protein cho mỗi kg trọng lượng cơ thể. 
  • Đối với người tập thể hình: Mỗi ngày cần bổ sung khoảng 2g trên mỗi kg trọng lượng cơ thể.

Bổ sung protein là điều thiết yếu giúp cơ thể khỏe mạnh. Thiếu protein có thể dẫn tới giảm khả năng miễn dịch, suy yếu tim và hệ hô hấp. Tuy nhiên, bổ sung protein cần đảm bảo trong phạm vi liều lượng an toàn. Sử dụng protein quá mức trong thời gian dài sẽ tăng nguy cơ mắc bệnh thận, rối loạn hệ thống mạch máu, thận, bệnh tiểu đường…

>> Xem thêm: Glucosamine là gì? Công dụng và cách sử dụng Glucosamine

Một số câu hỏi thường gặp

Cấu tạo của protein như thế nào?

Protein được cấu tạo theo nguyên tắc đa phân. Đơn phân của protein là các axit amin, liên kết với nhau bằng liên kết peptit tạo thành chuỗi polipeptit. Mỗi một phân tử protein bao gồm một hoặc nhiều chuỗi polipeptit.

Protein gồm mấy loại?

Có vô số protein được tạo nên từ 20 loại amino acid khác nhau. Mỗi loại protein được đặc trưng bởi thành phần, số lượng và trình tự sắp xếp các axit amin. Cơ thể người được tạo nên từ ít nhất 10.000 loại protein khác nhau.

Trên đây là bài viết về chức năng của protein. Hy vọng bài viết giúp bạn đọc nhận thức được tầm quan trọng trong việc bổ sung đầy đủ protein cho cơ thể hàng ngày. Hãy xây dựng cho mình và gia đình một chế độ ăn cung cấp đủ và đa dạng protein từ những nguồn khác nhau. Theo dõi Tin tức y tế hàng ngày để cập nhật những thông tin chăm sóc sức khỏe hữu ích nhất. Liên hệ với chúng tôi qua HOTLINE để được tư vấn miễn phí và đặt lịch khám TẠI ĐÂY để được thăm khám trực tiếp bởi các bác sĩ thuộc hệ thống các Bệnh viện Hoàn Mỹ trên toàn quốc.

*Các thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo và tra cứu, vui lòng không tự áp dụng nếu chưa có chỉ định của bác sĩ.