Tin tức y tế

CẤP CỨU NGƯỜI BỆNH GẦN NHƯ HOẠI TỬ HOÀN TOÀN DA DƯƠNG VẬT

17/03/2023

Các bác sĩ Khoa Thận Niệu, Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long vừa cấp cứu thành công cho người bệnh gần như hoại tử hoàn toàn da dương vật do biến chứng của đái tháo đường.

Thông tin từ gia đình, trước nhập viện 1 tuần, cụ ông K. T (81 tuổi, địa chỉ tại tỉnh Trà Vinh) cảm nhận đau vùng dương vật, thấy có vết loét nhỏ. Người nhà đã đưa cụ ông đi điều trị tại y tế địa phương khoảng 5 ngày nhưng không giảm mà vết loét càng ngày càng lan rộng hơn, tổng trạng ngày càng xấu đi, cụ ông sốt, ớn lạnh nên gia đình xin chuyển đến Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long.

Tại Khoa Thận – Tiết Niệu, ghi nhận tình trạng người bệnh Sốt nhẹ, ớn lạnh, da niêm hồng nhợt, da vùng dương vật hoại tử gần như toàn bộ. Cụ ông có tiền căn tiểu đường nhưng điều trị không liên tục và theo dõi không sát sao, bệnh lý tăng huyết áp, Thiếu máu cơ tim. Sau khi thăm khám và thực hiện xét nghiệm cận lâm sàng cần thiết: Kết quả chỉ số bạch cầu trong máu tăng cao, đường huyết tăng cao, có suy thận nhẹ. Người bệnh được ekip bác sĩ chỉ định phẫu thuật lần I: cắt lọc toàn bộ da dương vật hoại tử, chăm sóc chờ khi lên mô hạt tốt sẽ ghép da thì II. Sau mổ, người bệnh được chăm sóc, theo dõi nội trú khoảng 1 tuần. Sau đó, người bệnh xuất viện chăm sóc tại nhà nửa tháng.

Trong lần tái khám tiếp theo, bác sĩ đánh giá mô hạt lên tốt, tổng trạng khá hơn, người bệnh được nhập viện lần II để phẫu thuật ghép da mỏng. Ở lần phẫu thuật thứ hai, ekip bác sĩ sử dụng vật liệu ghép là lớp da mỏng được lấy từ da đùi của người bệnh để ghép vào vùng khuyết da. Sau mổ khoảng 5 ngày, bác sĩ đánh giá vùng da ghép phát triển tốt, không có dấu hiệu hoại tử da ghép và vùng đùi lấy da cũng lành tốt. Cụ ông  được xuất viện điều trị và tái khám ngoại trú theo chỉ định của bác sĩ.

Theo Ths.BS. Nguyễn Đức Duy, Phó Khoa Thận – Tiết Niệu, Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long: Bệnh lý của cụ ông này còn có tên gọi là hoại thư sinh hơi (hoại tử) Fournier, đây là tình trạng bệnh nặng, nguy hiểm đến tính mạng người bệnh nếu điều trị không đúng cách. Tỉ lệ tử vong ở người bệnh bị hoại tử Fournier là 20% đến 40%. Thường gặp ở những trường hợp có một số yếu tố sau: Sử dụng thuốc ức chế miễn dịch, bệnh lý đái tháo đường, Cushing, suy dinh dưỡng, bệnh gan, béo phì nghiêm trọng…

BS Duy cũng khuyến cáo thêm, với những bệnh nhân có các yếu tố nguy cơ như đã nêu trên nên được theo dõi và kiểm soát bởi bác sĩ chuyên khoa, không tự ý mua thuốc sử dụng nhằm tránh những biến chứng đáng tiếc có thể xảy ra. Khi có những tổn thương hay bất thường ở bất cứ bộ phận nào trên cơ thể cũng nên được thăm khám sớm. Cùng với đó, bệnh nhân đái tháo đường cần thường xuyên kiểm tra, theo dõi tình trạng bệnh để bác sĩ có sự điều chỉnh phác đồ điều trị phù hợp.

*Các thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo và tra cứu, vui lòng không tự áp dụng nếu chưa có chỉ định của bác sĩ.