Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long vừa điều trị thành công cho bệnh nhi 21 tháng tuổi bị thiếu máu, thiếu sắt rất nặng.
Bé gái C.G.H (21 tháng tuổi, địa chỉ tại tỉnh Hậu Giang) nhập cấp cứu tại Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long trong tình trạng ói liên tục, lúc đầu có thức ăn, sau đó chỉ nôn ra dịch nước trong, quấy khóc, không sốt. Thông tin từ gia đình, khoảng hơn 1 năm nay, da bé ngày càng trắng nhưng nghĩ là bé “trắng” do ở nhà nhiều từ lúc xảy ra dịch bệnh. 03 ngày trước nhập viện, bé lừ đừ, ăn ít, quấy khóc, buồn nôn, nôn ra ít thức ăn, mẹ có mua thuốc cho bé uống nhưng không hết. Bé có tiền sử sinh non tháng (36 tuần), suy hô hấp sau sinh thường, ăn dặm lúc 6 tháng tuổi, chủng ngừa đầy đủ.
Qua thăm khám và cận lâm sàng: Kết quả xét nghiệm máu: Hồng huyết cầu giảm rất nặng, hồng cầu nhỏ, nhược sắc với Hb 2,1 g/dl (Bình thường > 11 g/dL); Số lượng hồng cầu 2,1 M/µL (Bình thường > 3,5 M/µL); Lượng sắt trong máu giảm nặng: Ferritine < 1 ng/dL, Sắt huyết thanh 1.4 µmol/L; Xét nghiệm chức năng thận, gan, và siêu âm bụng, tim đều trong giới hạn bình thường. Bé được chẩn đoán: Thiếu máu, thiếu sắt rất nặng và nhiễm trùng đường tiêu hóa. Bé được điều trị bằng thuốc chống nôn, dạ dày, truyền 100 ml máu. Sau 24 giờ, bé khỏe, hết ói, bú tốt, sinh hoạt bình thường, chỉ số hồng cầu Hb 7.1 g/dl.
Theo Ths.BS. Hồ Thị Tuyết, Trưởng Khoa Khám Sức Khoẻ, Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long: Sắt là một trong những thành phần tham gia tổng hợp tế bào hồng cầu. Khi thiếu sắt sẽ làm giảm sản xuất hồng cầu gây thiếu máu. Tỉ lệ trẻ bị Thiếu máu do thiếu sắt chiếm khoảng 20 %. Ngay từ lúc còn trong bụng mẹ, thai nhi đã tích lũy sắt. Đặc biệt vào những tuần cuối của thai kỳ, lượng sắt dự trữ cho thai khoảng 3.000 mg, đủ cho cơ thể bé sản xuất máu trong 4 đến 6 tháng sau sinh. Sau 6 tháng, sắt được cung cấp từ thức ăn dặm.
Bên cạnh đó, hồng cầu có màu hồng, làm nhiệm vụ vận chuyển oxy từ phổi đến toàn cơ thể. Vì vậy, Thiếu máu da và niêm mạc mắt, miệng, lưỡi của trẻ sẽ nhợt nhạt. Ngoài ra, do không cung cấp đủ oxy cho các cơ quan trong cơ thể nên trẻ chậm phát triển thể chất, kém linh hoạt, thậm chí ngu đần. Thiếu máu nặng lâu ngày sẽ gây suy tim. Nguy hiểm hơn, thiếu máu làm cho trẻ giảm sức đề kháng, rất dễ bị nhiễm trùng, thường gặp nhiễm trùng hô hấp, tiêu hóa… Đây là lý do nhập viện của trẻ. Bệnh nặng có thể tử vong nếu không được điều trị.
Trong trường hợp bé sinh non, sinh đôi hoặc mẹ bị Thiếu máu khi mang thai là nguyên nhân trẻ sinh ra không có đủ lượng sắt dự trữ.
Thông qua trường hợp bệnh nhi này, BS Tuyết cũng có lời khuyên dành cho các gia đình có con nhỏ:
– Phụ nữ mang thai cần khám và bổ sung sắt đầy đủ để cung cấp sắt dự trữ cho thai nhi.
– Đối với trẻ bình thường từ 6 đến 24 tháng: Gia đình nên đưa bé đi khám và xét nghiệm tầm soát Thiếu máu 1 lần trong năm. Đối với trẻ sinh non hoặc nhẹ cân, trẻ không được nuôi bằng sữa mẹ, trẻ bị nhiễm trùng mãn tính, thừa cân hoặc béo phì nên tầm soát thiếu máu từ tháng thứ 6 để được các bác sĩ hướng dẫn cách uống sắt bổ sung.
– Cho trẻ ăn dặm đúng cách (thịt, cá, rau, tinh bột xay nhuyễn), bổ sung thêm các loại thực phẩm giàu vitamin C như trái cây họ cam quýt, dâu tây, cà chua và các loại rau có màu xanh đậm giúp tăng cường hấp thu chất sắt.
– Gia đình cần chú ý quan sát da của trẻ, lòng bàn tay, chân, môi, miệng nếu thấy không hồng hào, cần cho trẻ đi khám tầm soát Thiếu máu ngay.
*Các thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo và tra cứu, vui lòng không tự áp dụng nếu chưa có chỉ định của bác sĩ.