Bệnh viện Hoàn Mỹ Thủ Đức

Cảnh báo bùng phát dịch tay chân miệng: Những điều ba mẹ cần lưu ý

30/06/2023

Bệnh Tay chân miệng có thể xảy ra quanh năm. Tuy nhiên, thời điểm bệnh bùng phát mạnh mẽ là khi thời tiết nóng và ẩm như mùa hè. Để hiểu rõ về bệnh cũng như biết cách ngăn ngừa tay chân miệng, đặc biệt ở trẻ dưới 5 tuổi, các ba mẹ hãy cùng đến với bài chia sẻ dưới đây của ThS.BS Nguyễn Thị Hải Thanh – Trưởng khoa Nhi –  Bệnh viện đa khoa Quốc Tế Hoàn Mỹ Thủ Đức nhé!

Bệnh Tay chân miệng là gì?

Bệnh Tay chân miệng là bệnh nhiễm vi-rút gây ra các tổn thương dưới dạng hồng ban bóng nước ở miệng, tay, chân và mông. Bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, vẫn có một số trường hợp mắc bệnh ghi nhận ở trẻ trên 5 tuổi và người lớn.

Trong 1 – 2 ngày đầu nhiễm bệnh, Tay chân miệng trẻ sẽ xuất hiện những nốt hồng ban

Bệnh thường lành tính, có thể tự hồi phục trong vòng 7 – 10 ngày. Thế nhưng, vẫn có một tỉ lệ nhỏ có thể dẫn đến biến chứng nặng, thậm chí đe dọa tính mạng như viêm màng não, viêm não, viêm cơ tim cấp,…

Hai nhóm tác nhân gây bệnh thường gặp là vi-rút Coxsackie A16 và vi-rút Entero 71 (EV71). Theo thống kê của Cục Y tế Dự phòng, số trường hợp tử vong do bệnh Tay chân miệng chủ yếu là do vi-rút EV71 gây ra, trong đó, phổ biến nhất là nhóm trẻ dưới 3 tuổi (chiếm từ 75% đến 86% số ca mắc).

Triệu chứng của bệnh

Triệu chứng chính là các tổn thương ở niêm mạc miệng, tay, chân và mông dạng hồng ban bóng nước, có thể gây đau và ăn uống kém. Một vài trường hợp chỉ có tổn thương trong miệng mà không có biểu hiện hồng ban tay chân và ngược lại.

Mặc dù Sốt là biểu hiện đặc trưng của bệnh tay chân miệng, tuy nhiên trên thực tế, không phải bất cứ trường hợp nào bị Tay chân miệng đều có dấu hiệu sốt.

Các vết loét phía trong miệng có thể gây đau rát khi nuốt, nói chuyện, ăn uống

Bệnh Tay chân miệng lây truyền như thế nào?

Vi-rút gây bệnh Tay chân miệng có trong dịch tiết cơ thể của người nhiễm bệnh, có thể tìm thấy vi-rút trong các dịch tiết dưới đây:

  • Dịch nhầy mũi họng
  • Nước bọt
  • Dịch từ nốt tổn thương miệng, tổn thương da
  • Phân

Người bị bệnh Tay chân miệng có thể lây cho người khác trong suốt thời gian bệnh, đặc biệt là tuần đầu tiên. Nhưng vi-rút vẫn có thể còn trong cơ thể người nhiễm ngay cả khi đã hết triệu chứng bệnh.

Bệnh Tay chân miệng có cần thực hiện xét nghiệm không?

  • Có. Nhưng thông thường bệnh được chẩn đoán thông qua khám lâm sàng dựa vào độ tuổi, triệu chứng và tình trạng của người bệnh. Bác sĩ sẽ hướng dẫn ba mẹ theo dõi triệu chứng của trẻ để thực hiện tái khám.

Ba mẹ có thể chăm sóc trẻ tại nhà như thế nào?

Hiện tại không có thuốc điều trị đặc hiệu bệnh tay chân miệng, bệnh thường sẽ tự hết trong khoảng 1 tuần. Điều trị chủ yếu là giảm triệu chứng khó chịu ở trẻ. Một số hướng dẫn dành cho ba mẹ chăm sóc bé tại nhà như sau:

  • Dùng thuốc hạ Sốt giảm đau thông dụng như Paracetamol, Ibuprofen (sử dụng Ibuprofen nên được tư vấn thêm bởi bác sĩ). Lưu ý, không dùng giảm đau Aspirin cho người bệnh dưới 18 tuổi vì nguy cơ phản ứng có hại.
  • Khuyến khích trẻ uống nhiều nước. Tổn thương ở miệng làm trẻ ăn uống có cảm giác đau, có thể dùng các thức ăn mềm, lỏng, lạnh, dễ nuốt. Hãy đảm bảo trẻ không bị mất nước.
  • Nếu trẻ trên 6 tuổi, cho trẻ súc miệng với nước muối sinh lý 2 – 3 lần/ngày.

Bệnh Tay chân miệng có thể phòng ngừa được không?

  • Có. Cách tốt nhất để ngăn ngừa sự lây lan vi-rút là sát khuẩn tay thường xuyên, đặc biệt sau khi đi vệ sinh, ngay cả khi trẻ bệnh đã khỏe.
  • Khử khuẩn cả những vật dụng xung quanh môi trường trẻ tiếp xúc như mặt bàn, sàn nhà, đồ chơi,…
  • Nếu trẻ bị bệnh tay chân miệng, nên cho trẻ nghỉ học để tránh lây cho các trẻ khác. Không để trẻ gãi hay làm xước các nốt ban trên da.

Bệnh viện đa khoa Quốc Tế Hoàn Mỹ Thủ Đức khuyến cáo thực hiện 3 sạch để phòng bệnh tay chân miệng: Ăn uống sạch, ở sạch, bàn tay sạch

Khi nào cần gặp Bác sĩ?

  • Khi nhận thấy các nốt ban trên da, trong miệng sưng tấy, đỏ, đau, tiết dịch và mùi khó chịu.
  • Trẻ khó khăn khi ăn hay uống.
  • Trẻ tiểu ít: với trẻ nhỏ không ướt tã trong 4 – 6 giờ, trẻ lớn hơn không đi tiểu trong 6 – 8 giờ (khi trẻ thức).
  • Bệnh không cải thiện sau 48 – 72 giờ.
  • Khi trẻ có các dấu hiệu có nguy cơ chuyển bệnh nặng hơn: Sốt cao khó hạ; thở nhanh, khó thở; li bì, quấy khóc, bứt rứt, giật mình, chới với, loạng choạng, run tay chân; nôn ói nhiều, bỏ bú; da nổi vân tím; vã mồ hôi, tay chân lạnh; co giật.

Cùng ba mẹ chăm sóc sức khoẻ cho bé luôn là mục tiêu của khoa Nhi – Bệnh viện đa khoa Quốc Tế Hoàn Mỹ Thủ Đức hướng đến. Đó là lý do vì sao chúng tôi đặt trọng tâm vào chất lượng dịch vụ y tế và an toàn người bệnh lên hàng đầu.

Ba mẹ có thể yên tâm rằng con yêu sẽ được chăm sóc bởi những bác sĩ và đội ngũ nhân viên y tế vững chuyên môn, giàu kinh nghiệm, đồng thời là “người bạn” thấu hiểu tâm lý của trẻ

Để được tư vấn miễn phí và đặt lịch khám, hãy liên hệ Bệnh viện đa khoa Quốc Tế Hoàn Mỹ Thủ Đức (Địa chỉ: 241 Quốc Lộ 1K, P. Linh Xuân, TP. Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh) qua hotline 19000119.