Bọc răng sứ là một trong những phương pháp điều trị nha khoa hiệu quả và thẩm mỹ nhất hiện nay. Nó có thể giải quyết các tình trạng răng thưa, răng mọc lệch, răng bị nứt hoặc ố màu,… Hãy cùng Hoàn Mỹ tìm hiểu chi tiết răng bọc sứ là gì và những thông tin quan trọng liên quan đến liệu pháp bọc răng sứ.
Liệu pháp bọc răng sứ là gì?
Bọc răng sứ, còn gọi là phục hình sứ, là quá trình nha sĩ sử dụng những chiếc răng giả làm bằng sứ để lắp vào phần răng thật bị mất đi. Chúng có tác dụng phục hồi chức năng của răng và mang lại một hàm răng đều màu, chắc khỏe.
Răng sứ được thiết kế giống với màu răng tự nhiên, giúp tăng khả năng thẩm mỹ, đặc biệt là đối với những trường hợp bọc hàm răng trên. Nếu quá trình làm răng sứ được thực hiện một cách chính xác và tỉ mỉ, chúng sẽ hoạt động bình thường như những chiếc răng khỏe mạnh vốn có.
>>> Tìm hiểu thêm:
- Niềng răng thẩm mỹ là gì? Những đối tượng nào nên niềng răng?
- Cao răng là gì, vì sao phải lấy cao răng?
Các loại bọc răng sứ
Làm răng sứ được lựa chọn dưới nhiều hình thức khác nhau, tùy thuộc vào từng trường hợp hư tổn cụ thể, giá cả và yêu cầu của khách hàng. Một số loại bọc răng sứ phổ biến hiện nay bao gồm:
- Bọc răng sứ trực tiếp: Đối với trường hợp răng chỉ bị sứt mẻ, Sâu răng nhưng vẫn giữ được chân răng, phương pháp được áp dụng là bọc trực tiếp. Răng sứ sẽ được lắp vào răng bị hư tổn sau khi nha sĩ đã mài nhỏ chân răng.
- Tạo cầu răng sứ: Khi răng đã mất và không thể phục hồi, việc sử dụng cầu răng sứ là một giải pháp hữu hiệu. Quy trình này đòi hỏi việc mài thêm hai chiếc răng bên cạnh để tạo ra các trụ gắn cầu cho răng sứ.
- Kết dán răng sứ Veneers: Nếu răng lệch nhẹ, răng thưa, chân răng ngắn, răng bị xỉn màu hoặc sứt mẻ thì dán răng sứ Veneers là sự lựa chọn phổ biến. Phương pháp này không gây đau đớn, giúp bảo vệ răng hoàn toàn bởi nó không đòi hỏi việc mài men răng hoặc lấy tủy quá nhiều.
- Làm răng sứ Implant: Đối với những người mất chân răng hoàn toàn, sử dụng bọc răng sứ Implant là giải pháp tối ưu nhất. Quá trình này bao gồm việc gắn trụ implant vào khoang miệng để thay thế chân răng đã mất. Sau đó, đợi đến khi nó đã liên kết với xương hàm, răng sứ sẽ được bọc lên trên.
Khi nào nên bọc răng sứ và không nên bọc răng sứ?
Bọc răng sứ là liệu pháp được lựa chọn hàng đầu do tính thẩm mỹ và tiện lợi cao. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp nên hoặc không nên thực hiện bọc răng sứ.
Dưới đây là các trường hợp nên xem xét việc áp dụng phương pháp bọc răng sứ thẩm mỹ:
- Sâu răng: Khi răng bị tổn thương do Sâu răng và không thể chữa trị bằng phương pháp trám răng, việc bọc sứ sẽ là lựa chọn tốt. Quá trình này cung cấp lớp bảo vệ cho răng bị sâu, giúp duy trì chân răng và ngăn tình trạng sâu răng tiến triển.
- Răng đã điều trị tủy: Sau khi trải qua liệu pháp chữa tủy, răng của bạn sẽ rất yếu dễ dẫn đến mất răng hoàn toàn. Vì vậy, cần bảo vệ răng khỏi viêm nhiễm và hư tổn thông qua việc bọc sứ.
- Răng mọc lệch, răng hô/móm: Răng mọc không đều, răng bị hô hoặc móm đều có thể được khắc phục thông qua phương pháp bọc sứ. Nó không chỉ giúp điều chỉnh khớp cắn mà còn mang lại một hàm răng đều và đẹp hơn. Đồng thời giúp tiết kiệm rất nhiều thời gian so với việc niềng răng.
- Răng thưa, hở kẽ: Trường hợp răng thưa hoặc có khoảng cách giữa các kẽ răng có thể khiến bạn tự ti trong giao tiếp. Khi đó, phương pháp bọc sứ được sử dụng để điều chỉnh khoảng cách nhằm tạo nên một nụ cười hoàn hảo hơn.
- Răng bị ố vàng, đổi màu nặng: Răng có thể bị ố vàng, xỉn màu do thói quen uống cà phê, nước ngọt, hút thuốc lá,… trong một thời gian dài. Việc bọc răng sứ có thể giúp cải thiện màu sắc của răng đối với những trường hợp mà tẩy trắng răng không mang lại kết quả.
>>> Xem thêm: Răng cửa của bé ngả vàng có sao không?
Những tình trạng răng không nên thực hiện biện pháp bọc sứ:
- Cấu trúc xương hàm không cân đối gây ra sai lệch khớp cắn nặng: Trường hợp liên quan đến các vấn đề về cấu trúc xương hàm, việc bọc răng sứ không thể giải quyết triệt để. Thay vào đó, cần phải xem xét các biện pháp điều trị khớp cắn hoặc chỉnh hình răng hàm khác.
- Răng bị nhạy cảm quá mức: Răng nhạy cảm thường xuất phát từ các yếu tố như mảng bám lâu ngày, men răng bị mòn hoặc mất đi. Việc bọc răng sứ đòi hỏi cần phải mài men răng có thể khiến cho tình trạng nghiêm trọng hơn. Do đó, cần xác định nguyên nhân gốc rễ gây ra nhạy cảm, sau đó điều trị dứt điểm mới có thể tiến hành bọc răng sứ.
- Răng lung lay: Răng bị lung lay có thể xuất phát từ cấu trúc xương hàm không ổn định, quá trình điều trị trước đó hoặc các nguyên nhân khác. Trước khi xem xét việc bọc răng sứ, việc điều trị và cố định vị trí của răng bị lung lay cần được ưu tiên. Bởi vì quá trình bọc sứ yêu cầu răng phải ở trong trạng thái cố định.
- Răng bị hư tổn nặng: Các vấn đề như răng sâu, nhiễm trùng nặng, viêm nha chu nếu không điều trị kịp thời có thể dẫn đến mất răng vĩnh viễn. Việc bọc sứ trong tình trạng này không thể giải quyết vấn đề gốc mà còn có thể gây thêm tổn thương. Vì vậy cần ưu tiên và xử lý tình trạng răng để đảm bảo quá trình bọc răng sứ được diễn ra một cách tốt nhất.
Các rủi ro gặp phải khi bọc răng sứ
Mọi người thường lựa chọn bọc răng sứ vì nhiều lợi ích như: Bảo vệ răng khỏi hiện tượng xói mòn, cải thiện khả năng phát âm, tăng sự tự tin khi giao tiếp, tăng cường chức năng cắn và nhai,… Tuy nhiên, trước khi lựa chọn thực hiện phương pháp bọc răng sứ, cần xem xét và cân nhắc một số rủi ro quan trọng như sau:
Bọc răng sứ gây ê buốt và nhức răng kéo dài:
Cảm giác ê buốt và tê nhức răng có thể xuất hiện trong một số trường hợp. Nguyên nhân gây ra có thể kể đến như bọc răng không đúng cách hoặc không vừa vặn, Dị ứng với vật liệu sử dụng. Trong một vài tình huống, sau quá trình bọc sứ, một số mô xung quanh răng có thể bị viêm nhiễm, dẫn đến sưng tấy và gây ra cảm giác đau nhức kéo dài.
Gây Hôi miệng và sâu răng:
Bọc răng sứ không đúng kích thước có thể tạo các khe nứt nhỏ khiến cho thức ăn dễ dàng mắc vào. Nếu không vệ sinh răng miệng đúng cách, điều này có thể gây sâu răng và mùi hôi miệng. Ngoài ra, nếu quá trình bọc răng sứ không được thực hiện trong môi trường sạch sẽ và vệ sinh, vi khuẩn cũng có thể xâm nhập vào khu vực quanh răng bị bọc, gây ra viêm nhiễm.
Các vấn đề về viêm nướu và tụt lợi:
Bọc răng sứ có thể gây ra viêm nướu và tụt lợi trong trường hợp răng sứ không đạt tiêu chuẩn, không rõ nguồn gốc, kém chất lượng. Ngoài ra, không tuân thủ các hướng dẫn về vệ sinh răng sứ cũng góp phần tăng nguy cơ viêm nướu và tụt lợi. Nếu không tiến hành điều trị bệnh lý nha chu hoặc tình trạng sức khoẻ răng miệng trước khi bọc răng sứ, tình trạng sẽ trở nên nghiêm trọng hơn.
Răng sứ bị sứt mẻ hoặc hư hỏng:
Răng sứ rất chắc chắn và có thể tồn tại trong nhiều năm. Tuy nhiên, chúng cũng có thể bị sứt mẻ hoặc hư hỏng nếu không được chăm sóc và bảo vệ đúng cách. Hãy nhớ rằng răng sứ cũng có thể bị lỏng hoặc thậm chí rơi ra nếu việc bọc răng sứ không vừa khít hoặc lớp xi măng bên dưới bị trôi đi.
Quy trình thực hiện bọc răng sứ
Quy trình thực hiện bọc răng sứ bao gồm các bước sau đây:
Bước 1: Thăm khám và tư vấn.
Với bước đầu tiên, nha sĩ sẽ xác định tình trạng răng miệng và tư vấn về việc bọc răng sứ. Trong quá trình này, nha sĩ sẽ kiểm tra, chụp hình răng và thảo luận với bệnh nhân về lựa chọn vật liệu sứ và kế hoạch điều trị. Bất kỳ vấn đề và dấu hiệu hư tổn nào cũng sẽ được kiểm tra và đánh giá để điều trị trước khi thực hiện liệu pháp này.
Bước 2: Gây tê và mài răng.
Trước khi tiến hành bọc răng sứ, nha sĩ sẽ tiêm thuốc gây tê để ngăn bệnh nhân cảm nhận đau đớn. Sau đó, nha sĩ sẽ mài đi một lớp nhỏ của răng để tạo không gian cho việc đặt răng sứ.
Bước 3: Lấy dấu hàm và tạo răng sứ tại phòng lap.
Sau khi hoàn tất quá trình chuẩn bị, nha sĩ sẽ lấy dấu hàm của khu vực cần bọc để tạo ra mô hình chính xác nhất cho răng sứ. Nha sĩ cũng sẽ kiểm tra để đảm bảo bệnh nhân có thể cắn và nhai thoải mái. Sau đó, các chuyên gia tại phòng Labo sẽ tạo ra răng sứ với chất liệu và màu sắc phù hợp.
Bước 5: Gắn cố định răng sứ và kiểm tra lại toàn bộ.
Sau khi răng sứ hoàn chỉnh và đã được kiểm tra kỹ lưỡng, nha sĩ sẽ sử dụng chất kết dính chuyên biệt để gắn cố định răng sứ vào răng thật. Cuối cùng, nha sĩ sẽ kiểm tra lại khớp cắn và đảm bảo rằng răng sứ đã được gắn cố định chính xác.
Bài viết trên vừa cung cấp những thông tin cơ bản về liệu trình bọc răng sứ và giải đáp thắc mắc bọc răng sứ có tốt không. Trong tổng thể, việc bọc răng sứ mang lại nhiều lợi ích đáng kể cho sức khỏe nha khoa và thẩm mỹ răng miệng. Tuy nhiên, cũng không nên bỏ qua những rủi ro có thể phát sinh trong quá trình thực hiện.
Để tham khảo thêm các thông tin y tế khác, mời bạn theo dõi chuyên mục “Tin tức y tế”. Ngoài ra, bạn cũng có thể gọi điện đến HOTLINE hoặc đặt lịch khám TẠI ĐÂY để được tư vấn và hỗ trợ miễn phí tại hệ thống Bệnh viện Hoàn Mỹ trên toàn quốc.
*Các thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo và tra cứu, vui lòng không tự áp dụng nếu chưa có chỉ định của bác sĩ.