Chất xông mũi toàn kháng viêm, kháng sinh
Máy xông mũi, miệng được bán nhiều tại các cửa hàng dụng cụ y khoa với giá từ 450.000 – 700.000 đồng/máy. Cơ chế hoạt động của máy khá đơn giản cũng giống như cái ống bơm hơi được vận hành bằng mô tơ hoặc nhông. Để bảo đảm lượng khí tống ra được an toàn, máy sẽ được gắn thêm hệ thống lọc không khí để ngăn cản bụi, vi khuẩn. Tuy nhiên, đa số máy đều không có hệ thống lọc không khí, nếu có cũng chỉ là miếng lọc thông thường chỉ ngăn được một phần bụi.
Rảo một vòng các nhà thuốc tây trên đường Nguyễn Trãi, Bùi Thị Xuân, Hai Bà Trưng (quận1), Xô Viết Nghệ Tĩnh… thấy việc mua bán thuốc xông mũi, miệng cũng giống như mua bán thuốc Cảm cúm thông thường, không theo hướng dẫn của bác sĩ. Chẳng hạn, tại một nhà thuốc tây trên đường Nguyễn Trãi, chúng tôi hỏi mua thuốc xông mũi. Người bán không hề hỏi có toa thuốc hoặc bị bệnh như thế nào, nặng nhẹ ra sao mà chỉ đưa ra hai loại thuốc kháng viêm và kháng sinh dạng dung dịch được đựng trong ống thuỷ tinh với giá bán từ 5.000 – 12.000 đồng/ống.
Không nên tự ý mua thuốc
Tiến sĩ, bác sĩ Bùi Thái Vi, trưởng khoa chống nhiễm khuẩn bệnh viện Tai mũi họng TPHCM, cho biết bệnh đường hô hấp có ba dạng chính là viêm mũi họng súc tiết dịch (thường gặp ở trẻ em), viêm mũi mãn tính (phổ biến ở người lớn và trẻ em) và viêm mũi vận mạch. Tuỳ theo bệnh lý mà có biện pháp chữa trị phù hợp. Chẳng hạn, đối với bệnh viêm mũi súc tiết dịch chỉ cần xông hoặc nhỏ nước muối sinh lý là khỏi. Còn các bệnh khác tuỳ theo cấp độ mà sử dụng thuốc kháng viêm, kháng sinh phải theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa, không nên sử dụng tuỳ tiện.
Các bác sĩ chuyên khoa còn cho biết không nên sử dụng thuốc kháng sinh, kháng viêm bừa bãi. Chẳng hạn, đối với thuốc argyrol có tác hại gây tổn thương niêm mạc. Thuốc ephodrin, naphtazoline sử dụng nhiều sẽ gây co mạch đột ngột, hoặc Thiếu máu não ở trẻ em và co giật. Chưa hết, nó còn gây xơ cứng cuống mũi làm nghẹt mũi ở cấp độ cao, khó thở phải cắt bỏ một phần cuống mũi dưới. . Lạm dụng thuốc xông mũi có thể làm lông mũi bị rụng hết, dễ bị Dị ứng khi thời tiết thay đổi hoặc khi tiếp xúc với môi trường lạ. Bác sĩ Nguyễn Ngọc Hải, khoa Lao nam bệnh viện Phạm Ngọc Thạch còn cảnh báo nếu sử dụng không đúng cách còn bị nấm ở họng, gây khàn giọng. Sử dụng sai liều còn gây các tác dụng phụ như run tay chân, dễ gây gãy xương, ảnh hưởng sự tăng trưởng. Nhịp tim nhanh, hồi hộp, kể cả bí tiểu.
Theo giới chuyên môn thị trường thuốc xông mũi, miệng hiện nay rất phức tạp. Ngoài những loại thuốc được cơ quan chức năng cấp phép sử dụng còn có khá nhiều loại thuốc trôi nổi kể cả kháng sinh không được phép sử dụng. Theo giới chuyên môn, trước khi sử dụng máy xông mũi nên đến bác sĩ chuyên khoa khám bệnh để được hướng dẫn cụ thể sử dụng loại thuốc nào, liều lượng bao nhiêu cho phù hợp. Tùy tiện sử dụng thuốc sẽ làm cho bệnh nặng thêm, cũng như gây thêm nhiều bệnh khác. Máy xông mũi sau một thời gian sử dụng nên vệ sinh bộ phận lọc không khí, đường ống dẫn khí nếu không bụi, vi khuẩn, nấm mốc bám theo đường này vào cơ thể sẽ gây sưng phổi, là tác nhân lên cơn hen suyễn…
Theo Sài Gòn Tiếp Thị
*Các thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo và tra cứu, vui lòng không tự áp dụng nếu chưa có chỉ định của bác sĩ.