Răng hô không chỉ ảnh hưởng đến thẩm mỹ của khuôn mặt mà còn gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe như khó khăn trong ăn nhai, nghiến răng, đau khớp thái dương hàm,… Vậy răng hô có bao nhiêu loại và nguyên nhân gây ra tình trạng này là gì? Răng bị hô được điều trị bằng cách nào? Hãy cùng Hoàn Mỹ giải đáp qua bài viết dưới đây.
>>> Xem thêm:
- Có nên nhổ răng khôn? Những thông tin bạn cần biết khi nhổ răng khôn
- Tẩy trắng răng là gì? Cần lưu ý gì khi thực hiện?
- Hướng dẫn dùng chỉ nha khoa đúng cách và những sai lầm cần lưu ý
Răng hô là gì?
Răng hô là một dạng sai lệch khớp cắn, khi hàm răng trên nhô ra phía trước so với hàm răng dưới, tạo ra một hình ảnh mất cân đối khi nhìn nghiêng. Một triệu chứng nổi bật của răng hô là có sự sai lệch về vị trí của răng trên và răng dưới khi đóng mở miệng. Việc điều trị răng hô là rất cần thiết, không chỉ giúp cải thiện ngoại hình mà còn đảm bảo sức khỏe và chức năng hệ thống răng miệng.
Phân loại răng hô
Răng hô có thể được phân thành nhiều loại khác nhau, nhưng phổ biến thì răng hô được chia làm 3 chính:
Hô do răng
Đây là loại răng hô do răng mọc sai hướng, không song song với phương thẳng đứng mà nhô ra ngoài. Có thể do răng quá to, khiến cho khung hàm không đủ chỗ để răng mọc, gây ra tình trạng răng hô hoặc răng chen chúc. Ngoài ra, loại hô này còn hình thành do có thói quen xấu từ nhỏ như mút ngón tay hoặc đẩy lưỡi quá xa ra phía trước. Hô do răng có thể được điều trị bằng niềng răng hoặc đeo dụng cụ chỉnh răng trong suốt như Invisalign.
>>> Xem thêm: Quy trình lấy tủy răng và những thông tin cần biết
Hô do xương hàm
Đây là loại răng hô do xương hàm phát triển quá mức, khiến cho hàm trên nhô ra hơn so với hàm dưới. Tình trạng này có thể được điều trị bằng biện pháp phẫu thuật chỉnh hình hàm mặt hoặc kết hợp với niềng răng.
Hô do cả răng và xương hàm
Đây là loại răng hô nặng do cả răng và xương hàm đều nhô ra ngoài. Hô do cả răng và xương hàm là trường hợp khó điều trị nhất, thường cần phải kết hợp cả niềng răng và phẫu thuật hàm mặt.
Nguyên nhân gây ra răng hô
Răng hô có thể do nhiều nguyên nhân gây ra, nhưng ba nguyên nhân phổ biến nhất là:
Di truyền
Giống như màu mắt, màu tóc, hình dạng xương mặt, bao gồm kích thước và cấu trúc của hàm, là một đặc điểm di truyền, nghĩa là được truyền từ cha mẹ sang con cái. Do đó, nếu người có cha mẹ mắc tình trạng răng hô thì họ có nguy cơ cao hơn gặp phải tình trạng tương tự.
Thói quen xấu khi nhỏ
Một số thói quen xấu từ nhỏ có thể ảnh hưởng lâu dài đến cấu trúc răng, dẫn đến răng bị hô. Các thói quen như mút ngón tay, mút ti giả hay đẩy lưỡi ra phía trước trong miệng có thể làm thay đổi hình dạng của vòm miệng, ảnh hưởng đến sự sắp xếp răng. Nếu những thói quen này kéo dài đến khi mà răng vĩnh viễn bắt đầu mọc, thì chúng có thể làm cho răng mọc sai vị trí, không song song với phương thẳng đứng mà nhô ra ngoài.
>>> Xem thêm: Áp xe là gì? Nguyên nhân & Cách chữa trị hiệu quả
Do hàm mặt phát triển sai lệch
Một trong những nguyên nhân gây ra răng hô là sự bất cân xứng của xương hàm, khiến cho răng không có đủ không gian để phát triển, bị chồng lên nhau, đẩy lùi hay nhô lên. Xương hàm có thể thay đổi kích thước và hình dạng từ khi còn nhỏ cho đến khi trưởng thành. Nếu xương hàm phát triển quá mức cũng có thể dẫn đến răng hô.
Bên cạnh đó, một số bệnh lý hoặc tổn thương có thể làm thay đổi hình dạng của hàm mặt và gây ra răng hô. Ví dụ như khối u, u nang trong miệng/hàm, bệnh lý nha chu, mất xương hoặc phẫu thuật chỉnh hình hàm mặt. Những trường hợp này có thể làm cho hàm trên nhô ra phía trước so với hàm dưới, khiến răng hô.
Ảnh hưởng của răng hô gây ra
Răng hô gây ra nhiều ảnh hưởng về sức khỏe và thẩm mỹ của người bị, như:
Ảnh hưởng đến chức năng nhai
Răng bị hô gây khó khăn trong việc ăn nhai, do răng trên và răng dưới không khớp nhau. Điều này có thể làm cho thức ăn không được nhai kỹ, gây ra cảm giác khó tiêu, đầy bụng. Ngoài ra, răng hô cũng có thể làm cho răng bị mòn nhanh hơn, do áp lực không đều trên các răng.
Khó vệ sinh răng miệng
Hô răng còn làm cho việc vệ sinh răng miệng trở nên khó khăn hơn, do răng nhô ra ngoài làm cho thức ăn, mảng bám hay vi khuẩn dễ dàng bám vào răng. Điều này có thể tăng nguy cơ bị sâu răng, viêm nha chu hay tổn thương nướu răng. Răng hô cũng có thể gây ra hôi miệng, do thức ăn dễ bị mắc kẹt giữa các răng.
Gặp trở ngại khi phát âm
Răng hô ảnh hưởng đến khả năng phát âm, do răng trên và răng dưới không tiếp xúc với nhau khi nói. Điều này có thể làm người bị hô nói lắp, nói ngọng hay nói không rõ ràng. Hô răng còn gây ra tiếng thở khi nói, do không khép được môi.
Các hậu quả khác
Ngoài những ảnh hưởng trên, răng bị hô còn gây ra các vấn đề khác như đau khớp thái dương hàm, nghiến răng hay căng cơ mặt. Ngoài ra, việc sai lệch khớp cắn cũng ảnh hưởng đến thẩm mỹ của khuôn mặt, làm cho người bị hô mất tự tin.
Cách điều trị
Răng hô có thể gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe và thẩm mỹ, do đó cần được điều trị kịp thời. Có nhiều cách điều trị cho răng bị hô, tùy thuộc vào nguyên nhân và mức độ của tình trạng. Một số cách điều trị hô răng phổ biến là:
Phẫu thuật
Đây là cách điều trị răng hô do xương hàm. Phẫu thuật chỉnh hình hàm mặt sẽ cắt bỏ một phần xương hàm trên, rồi ghép lại để tạo ra một khuôn hàm cân đối và hài hòa. Phẫu thuật chỉnh hình hàm mặt thường được thực hiện cho người lớn; lúc này, xương hàm đã phát triển hoàn thiện.
Niềng răng
Đây là cách điều trị răng hô do mọc sai vị trí và do xương. Niềng răng sẽ dùng các dây cung, khóa hay mắc cài để tạo ra áp lực lên răng, từ đó di chuyển răng về đúng vị trí. Niềng răng có thể được thực hiện cho cả trẻ em và người lớn, tùy thuộc vào tình trạng răng miệng của người bệnh, sẽ có các mức độ thời gian niềng răng phù hợp.
>>> Xem thêm: Chảy máu chân răng là gì? Nguyên nhân và cách chữa trị
Bọc răng sứ
Bọc răng sứ sẽ dùng các miếng sứ mỏng để bao phủ bề mặt răng, từ đó tạo ra một hình dạng răng mới, đẹp và đều. Phương pháp này được thực hiện nhanh chóng, chỉ cần một hoặc hai lần đến nha khoa. Tuy nhiên, bọc răng sứ không thể khắc phục được nguyên nhân gốc rễ của răng hô, mà chỉ làm đẹp răng.
Kết hợp phẫu thuật và niềng răng
Đây là phương pháp điều trị răng hô nặng (tình trạng cả răng và hàm xương đều nhô ra ngoài). Trường hợp này được xem là khó điều trị nhất, thường cần phải kết hợp cả niềng răng và phẫu thuật hàm mặt. Niềng răng sẽ giúp sắp xếp răng đều và đẹp, còn phẫu thuật hàm mặt giúp điều chỉnh khuôn hàm phù hợp với răng. Quá trình điều trị này có thể kéo dài từ 18 tháng đến 3 năm, tùy thuộc vào mức độ răng bị hô.
Nếu đang trong tình trạng răng hô, nên đến nha khoa để được tư vấn và chọn phương pháp điều trị phù hợp nhất hệ thống răng hàm của mình. Để đặt lịch khám với các bác sĩ thuộc hệ thống bệnh viện Hoàn Mỹ, truy cập TẠI ĐÂY hoặc gọi điện qua số HOTLINE để được tư vấn nhanh nhất. Ngoài ra, để cập nhật những thông tin thường thức khác về sức khỏe, bạn có thể truy cập Tin tức y tế.
*Các thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo và tra cứu, vui lòng không tự áp dụng nếu chưa có chỉ định của bác sĩ.