Thuốc kháng histamin được chỉ định sử dụng để điều trị dị ứng, cải thiện hiệu quả triệu chứng bệnh lý trào ngược dạ dày – thực quản, ợ nóng, loét tá tràng,… Loại thuốc này được chia thành 2 nhóm, mỗi nhóm cạnh tranh với một thụ thể histamin riêng biệt trong cơ thể. Tuỳ vào từng tình trạng bệnh lý, bác sĩ sẽ chỉ định sử dụng loại thuốc kháng histamin phù hợp. Trong bài viết dưới đây, Hoàn Mỹ sẽ tổng hợp thông tin chi tiết hơn về nhóm thuốc này, cùng tham khảo ngay để cập nhật thêm thông tin hữu ích!
Histamin là gì?
Histamin là hoạt chất được sản sinh bởi cơ thể, có khả năng gây viêm, kích thích tiết axit dạ dày, làm giãn mạch máu, tăng co thắt cơ ruột, rối loạn nhịp tim,… Chất này cũng đóng vai trò truyền tín hiệu giữa các tế bào thần kinh, được giải phóng khi có sự tiếp xúc với chất gây dị ứng. Lúc này, histamine khiến mạch máu sưng lên, giãn ra, gây nên triệu chứng dị ứng.
Cơ thể có 4 loại thụ thể histamin (H1 -H4 ) trong đó H1 và H2 phổ biến nhất. Thụ thể histamin H1 tồn tại ở nhiều loại tế bào khác nhau, bao gồm cả tế bào cơ trơn trên đường hô hấp, tế bào biểu mô, nội mô, mạch máu, bạch cầu ái toan, bạch cầu trung tính.
Thuốc kháng histamin là nhóm thuốc được sử dụng phổ biến trong điều trị các triệu chứng dị ứng, đặc biệt là Dị ứng phấn hoa, cảm lạnh, đau dạ dày,… Cơ chế hoạt động của thuốc là kiểm soát hệ thống miễn dịch, ngăn sản sinh quá nhiều histamin tự nhiên trong cơ thể.
Các loại thuốc kháng histamin
Thuốc kháng histamin là chất đối kháng, cạnh tranh với histamin trong cơ thể tại thụ thể tương ứng. Theo đó, loại thuốc này được chia thành 2 nhóm gồm:
Thuốc kháng histamin H1
Thuốc kháng histamin H1 đối kháng, cạnh tranh với thụ thể histamin tại tế bào đích, có khả năng phân bố trên khắp các tổ chức của cơ thể, bao gồm cả hệ thần kinh trung ương. Do đó, khi dùng thuốc, người bệnh thường bị giảm tỉnh táo, dễ rơi vào trạng thái mơ màng, chậm chạp. Thuốc kháng histamin H1 chỉ phát huy tác dụng trong thời gian ngắn nên cần dùng nhiều lần trong ngày.
Thuốc kháng histamin H1 được chia thành 2 phân loại nhỏ gồm:
- Thuốc kháng histamin H1 thế hệ 1: Nhóm này đối kháng với các thụ thể histamin trong não, tuỷ sống và vùng ngoại vi, tác động trực tiếp lên các thụ thể Muscarinic, Alpha-adrenergic và Serotonin. Do đó, thuốc H1 thế hệ 1 có thể gây ra tác dụng phụ là khô miệng, tăng nhịp tim, chóng mặt, tụt huyết áp,… Bác sĩ khuyến cáo không nên dùng thuốc này trước khi lái xe, vận hành máy móc hoặc tự ý kết hợp với các loại thuốc khác. Nhóm này gồm:
- Ethanolamin: Diphenhydramin, Doxylamin, Dimenhydrinat.
- Ethylendiamin: Mepramin, Methapyrilen, Tripelenamin, Thonzylamin.
- Alkylamin: Chlopheniramin, Phenyramin, Tolpropamin.
- Piperazin: Buclizin, Cyclizin, Oxatomid, Cinarizin.
- Phenothiazin: Promethazin, Propiomazin, Dimethothiazin…
- Thuốc kháng Histamin H1 thế hệ 2: Nhóm này cạnh tranh với thụ thể H1 ở vùng ngoại vi, không thâm nhập vào não nên hạn chế gây ra tác dụng phụ và tương tác thuốc. Khả năng an thần cũng ít hơn so với thế hệ 1, hoàn toàn không gây buồn ngủ trừ khi sử dụng ở liều cao. Nhóm này gồm:
Thuốc kháng histamin H2
Thuốc kháng histamin H2 là loại thuốc không kê đơn được sử dụng phổ biến trong điều trị tình trạng dư thừa axit dạ dày. Hoạt chất trong thuốc liên kết với các thụ thể histamin trong bao tử để ức chế lượng axit tiết ra từ niêm mạc. Do đó, loại thuốc này được đánh giá cao về hiệu quả điều trị trào ngược axit dạ dày – thực quản, ợ nóng, loét dạ dày, tá tràng, xuất huyết đường tiêu hoá trên, hội chứng Zollinger-Ellison,… Nhóm này bao gồm:
- Cimetidin.
- Famotidin.
- Nizatidine.
- Ranitidine.
Xem thêm:
Thuốc Aerius chống Dị ứng là gì? Tác dụng, cách dùng và cần lưu ý
Tác dụng của thuốc kháng histamin H1 trong điều trị bệnh
Thuốc kháng histamin H1 được sử dụng phổ biến trong điều trị các bệnh lý sau:
Điều trị viêm mũi dị ứng
Các tế bào mast qua trung gian IgE ở mũi được giải phóng ồ ạt sẽ kích thích sản sinh histamin và nhiều chất trung gian khác, dẫn đến tình trạng viêm mũi dị ứng. Trong trường hợp này, bác sĩ có thể chỉ định dùng thuốc kháng histamin H1 bằng đường uống, giúp cải thiện triệu chứng hắt hơi, ngứa mũi, chảy nước mũi, nghẹt mũi nhẹ,…
Cảm lạnh và cảm cúm
Thuốc chống histamin H1 không có tác dụng điều trị triệu chứng cảm lạnh và cảm cúm.
Viêm kết mạc dị ứng
Viêm kết mạc Dị ứng cũng là một tình trạng dị ứng qua trung gian IgE, thường xảy ra theo mùa, chủ yếu do phấn hoa hoặc các dị nguyên khác. Bệnh lý này có thể xuất hiện đồng thời với viêm mũi dị ứng. Trong trường hợp này, bác sĩ có thể chỉ định dùng thuốc kháng histamin đường uống.
Giảm triệu chứng dị ứng
Khi cơ thể tiếp xúc với dị nguyên, số lượng lớn tế bào mast sẽ được giải phóng, gây ra các triệu chứng phản ứng. Theo đó, thuốc kháng histamin H1 có khả năng điều trị tình trạng này ở mức độ nhẹ đến trung bình. Tuy nhiên, bác sĩ khuyến cáo nên tránh dùng thuốc có tác dụng an thần, bởi có thể khó phát hiện sự chuyển biến xấu trong ý thức người bệnh do phản ứng Dị ứng nền. Đây là dấu hiệu khởi phát của tình trạng sốc phản vệ, cần cấp cứu kịp thời bằng adrenalin.
Lưu ý khi sử dụng thuốc kháng histamin H1
Dưới đây là một số lưu ý quan trọng người bệnh nên cân nhắc khi dùng thuốc kháng histamin H1 để đảm bảo đạt được hiệu quả điều trị tốt nhất và tránh gặp phải tác dụng phụ không mong muốn:
- Thuốc chống histamin H1 thế hệ 1 tác động lên hệ thần kinh trung ương, có thể gây ra nhiều tác dụng phụ như: buồn ngủ, mất tập trung, chóng mặt,… Do đó tuyệt đối không sử dụng thuốc khi đang vận hành máy móc, lái xe, làm việc trên cao,…
- Dùng thuốc chống histamin H1 thế hệ 1 trong thời gian dài có thể gây khô môi, táo bón, tăng nhịp tim, bí tiểu,…
- Thuốc kháng histamin chỉ có tác dụng cải thiện triệu chứng bệnh, không thể làm thay đổi căn nguyên bệnh.
- Thuốc kháng histamin H1 không mang lại hiệu quả tích cực đối với các trường hợp bệnh nhân bị Dị ứng nghiêm trọng (sốc phản vệ), cần nhanh chóng tiến hành cấp cứu để chữa trị kịp thời.
- Dùng chung thuốc chống histamin với thuốc điều trị huyết áp có thể làm tăng nhịp tim, huyết áp cao, gây ảnh hưởng không tốt đến sức khoẻ, cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng.
- Một số thuốc thuộc nhóm kháng histamin thế hệ 1 có thể được chỉ định dùng làm thuốc say tàu xe do có tác dụng an thần nhẹ, gây buồn ngủ, giảm triệu chứng chóng mặt, buồn nôn và rối loạn tiền đình.
- Phụ nữ mang thai nên tham khảo tư vấn của bác sĩ trước khi uống thuốc chống histamin vì có khả năng gây dị tật bẩm sinh ở trẻ sơ sinh.
Trên đây là tổng hợp tất cả các thông tin cơ bản liên quan đến thuốc kháng histamin, phân loại, tác dụng và một số lưu ý khi dùng thuốc để đảm bảo đạt hiệu quả cao, an toàn cho sức khoẻ. Hy vọng qua bài viết này, người bệnh đã cập nhật thêm nhiều kiến thức mới trong vấn đề chăm sóc sức khoẻ và điều trị bệnh. Để cập nhật thêm các cập nhật mới về y học, mời bạn truy cập Tin tức y tế. Ngoài ra, đừng quên liên hệ ngay với chúng tôi qua số HOTLINE hoặc đặt lịch hẹn trực tiếp TẠI ĐÂY để được tư vấn miễn phí tại hệ thống Bệnh viện Hoàn Mỹ trên toàn quốc.
*Các thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo và tra cứu, vui lòng không tự áp dụng nếu chưa có chỉ định của bác sĩ.