Việc thay đổi phương pháp giám sát được Thứ trưởng Bộ Y tế Trịnh Quân Huấn chỉ đạo chiều nay nhằm hạn chế khả năng bệnh “du nhập” và lây lan ở nước ta. Theo chỉ đạo của ông Huấn, hành khách đến từ các nước có cúm A/H1N1 ở mức độ bệnh đã lây từ người sang người, phải khai thông tin cá nhân vào phiếu kiểm dịch y tế riêng biệt (phiếu đỏ) với nội dung chi tiết hơn. Đồng thời, TP HCM cần tăng cường sự phối hợp giữa ngành y tế và các ngành khác trong công tác giám sát và phát hiện ca bệnh. Đặc biệt là vai trò của 24 quận huyện trong việc giám sát và chuẩn bị các khu vực cách ly. Bộ Y tế cũng sẽ xem xét để ra quyết định chọn thêm đơn vị xét nghiệm tại phía Nam trở thành đơn vị cuối cùng dùng để công bố thông tin ca bệnh. Cụ thể theo đề xuất là Viện Pasteur TP HCM. Trước đây, để công bố chính thức ca nhiễm bệnh, sau khi Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới xét nghiệm dương tính, mẫu dịch phải gửi ra Viện Dịch tễ Trung ương ở Hà Nội để xét nghiệm và lại phải mất khoảng nửa ngày.Tiếp xúc báo chí chiều nay, Giám đốc Sở Y tế TP HCM, bác sĩ Nguyễn Văn Châu, khẳng định, tính đến nay, 3 ca cho kết quả xét nghiệm dương tính cúm A/H1N1 tại Việt Nam đều là trường hợp ngoại lai (đến từ Mỹ). “Như vậy, nước ta chưa có trường hợp người lây bệnh cho người”, ông khẳng định.
Bàn về các biện pháp phòng bệnh, theo ông Châu, ngoài giám sát tại sân bay, đường thủy, đường bộ bằng máy đo thân nhiệt trong những ngày tới, TP HCM sẽ kiểm soát chặt chẽ bệnh trong cộng đồng và sự cảnh giác của các cơ sở khám chữa bệnh (cả tư nhân lẫn nhà nước). Việc giám sát hành khách khó thể đạt được 100% nhưng tìm được càng nhiều càng tốt. “Đây không phải là chuyện của Việt Nam mà các nước khác cũng vậy. Điều quan trọng nhất là việc giám sát cộng đồng và nêu cao ý thức của các hành khách (tự khai báo khi có biểu hiện bệnh). Việc tư vấn từ các bệnh viện với bệnh nhân là cực kỳ quan trọng bởi nó giúp bệnh nhân nhận thức được việc mình có liên quan đến dịch bệnh”, bác sĩ Châu nói.
125 hành khách lưu trú tại TP HCM ngồi cùng chuyến bay với bệnh nhân nhiễm cúm A/H1N1 đầu tiên đã được tiếp cận theo địa chỉ khai báo. Tuy nhiên do một số địa chỉ không tìm được hoặc khách đã quay về nước, một số khác đăng ký hộ khẩu nhưng không có mặt cho nên chỉ cách ly được 48 người. Đến chiều nay, cả 48 trường hợp không thấy có biểu hiện nhiễm cúm A/H1N1.Riêng 241 hành khách đi cùng chuyến bay với hai bệnh nhân dương tính với cúm A/H1N1 sáng nay, có 173 hành khách ở TP HCM, số còn lại ở các tỉnh. Hiện ngành y tế đang tiếp tục phối hợp với công an để tìm số người này. Tuy nhiên theo bác sĩ Châu, căn cứ vào ngày họ tiếp cận với bệnh nhân nhiễm cúm trên máy bay thì chỉ còn ngày mai nữa là họ hết thời hạn giám sát (7 ngày kể từ khi tiếp xúc). Một chi tiết khác, sau hai ngày xuất hiện ca dương tính cúm A/H1N1, không có ca nào được phát hiện bởi đo thân nhiệt tại sân bay. Ông Châu lý giải có thể người bệnh đang trong thời gian ủ bệnh nên bệnh chưa có biểu hiện hoặc hành khách có thể uống thuốc chống Sốt trước; cũng có thể là người lành mang trùng bệnh (tức người có mang virus nhưng bệnh không bộc phát). Theo bác sĩ Phan Văn Nghiệm, Trưởng phòng Nghiệp vụ Y, Sở Y tế TP HCM, cho biết, bệnh nhân nhiễm cúm A/H1N1 đầu tiên tại Việt Nam đã hết sốt và viêm họng, nhưng vẫn được theo dõi tại bệnh viện. Những người tiếp xúc gần với bệnh nhân này cũng được cách ly giám sát và chưa thấy có biểu hiện lâm sàng. 3 người liên quan gần với hai ca vừa có kết quả dương tính sáng nay vẫn đang chờ kết quả xét nghiệm PCR.
THIÊN CHƯƠNG
Theo VNE
*Các thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo và tra cứu, vui lòng không tự áp dụng nếu chưa có chỉ định của bác sĩ.