Tin tức y tế

Y học thế giới và những bước tiến dài

03/01/2009

1- Tim Berlin: Mặc dù y học thế giới đã có những bước tiến dài trong những năm gần đây, tuy nhiên công nghệ cấy ghép tim vẫn còn nhiều hạn chế bởi vì bệnh nhân muốn thay tim phải đợi một quả tim thay thế tiềm năng mà phải đúng kích cỡ và tương thích với cơ thể. Tuy nhiên, năm 2008, các nhà khoa học Đức đã tạo ra một bước đột phá trong lĩnh vực cấy ghép tim. Họ đã phát minh ra một thiết bị mới mà bệnh nhân không phải chờ đợi để thay thế. Một trong những lợi thế của tim Berlin là có đủ loại kích cỡ, từ loại nhỏ nhất dành cho em bé tới loại lớn nhất dành cho người trưởng thành. Nó đảm nhận chức năng hoạt động như tim của bệnh nhân, giúp cho cơ thể bệnh nhân phục hồi sức khoẻ và tăng thêm cơ hội để cấy ghép tim. 77% bệnh nhân sử dụng tim Berlin đã sống sót trong cuộc phẫu thuật cấy ghép tim.

2- Giải pháp cho bệnh vẹo xương sống: Cứ 1.000 trẻ em thì lại có từ 3-5 trẻ mắc bệnh vẹo xương sống và tỷ lệ mắc bệnh ở bé gái là cao hơn bé trai. Phẫu thuật để điều trị bệnh này chủ yếu là cắt bỏ đi một phần ở xương chậu. Nhưng việc cắt bỏ này thường gây đau đớn và đôi khi có thể gây tổn thương vĩnh viễn. Tuy nhiên, mới đây, các nhà khoa học đã tìm ra một phương pháp mới để điều trị bệnh này. Đó là sử dụng tế bào gốc từ xương tuỷ để cấy ghép. Tế bào gốc này sẽ hoạt động như một chất xúc tác hỗ trợ cho sự phát triển xương mới dọc theo xương sống. Ưu điểm lớn nhất của phương pháp này ít gây đau đớn và hiệu quả hơn nhiều so với các phương pháp khác.

3- Công nghệ mới điều trị chứng động kinh: Có ít nhất 3 triệu người Mỹ mắc chứng động kinh (chiếm 1% dân số) và có khoảng 30% bệnh nhân mà thuốc không thể kiểm soát được. Tuy nhiên, nhờ công nghệ ảnh hoá tân tiến nên giúp cho nhiều bệnh nhân có thể phẫu thuật. Đặc biệt trẻ em sẽ được hưởng lợi nhiều nhất từ phát hiện này vì não của chúng vẫn còn mềm nên dễ phẫu thuật. Cho đến nay, phẫu thuật vẫn là phương pháp duy nhất để chữa trị hoàn toàn chứng động kinh, tuy nhiên nó rất rủi ro bởi nhiều sự cố có thể xảy ra trong lúc phẫu thuật và làm nghiêm trọng thêm. Đó là lý do tại sao nhiều người không dám nằm trên bàn mổ. Nhưng công nghệ mới này là một tin tốt với những người mắc bệnh trên. Nó có thể chiếu bản đồ não một cách chính xác trong lúc phẫu thuật. Các bác sĩ sẽ đặt trực tiếp hàng chục điện cực nhỏ xíu vào bề mặt não và những chiếc cảm biến này sẽ cho phép thiết bị đo sóng não tạo ra hình ảnh công nghệ cao mô tả những gì đang diễn ra trong não, từ đó bác sĩ sẽ tìm ra vùng gây chứng động kinh và đưa ra cách xử lý thích hợp.

4- Thuốc làm teo mỡ gây đau tim và đột quỵ: Năm 2008, các chuyên gia tim mạch Mỹ đã làm được một thứ mà dường như không thể: làm teo mỡ gây tắc ngẽn máu lưu thông ở động mạch tim khoảng 7% với chỉ một liều thuốc Crestor. Trước đây, điều trị đau tim chỉ dừng lại ở việc làm chậm hoặc ngăn chặn sự thu hẹp của động mạch. Nhưng với phát minh này, nó có thể giúp bạn chống được sự tích mỡ ở mao mạch ngay từ khi còn nhỏ. Nói khác đi là bạn hoàn toàn có thể ngăn chặn bệnh tim ngay từ khi chúng còn ở thời kì trứng nước.

5- Kết nối não người với thiết bị máy móc: Một trong những bước tiến quan trọng của con người trong ngành y học gần đây là kết nối não người với các thiết bị xung quanh. Nhờ công nghệ này mà một người có thể điều khiển máy tính đơn giản chỉ bằng tưởng tượng ra sự di chuyển của cánh tay, từ đó mà các thiết bị sẽ kết nối với máy tính. Công nghệ này được gọi là cấy nơ-rôn. Thiết bị được đặt ở bề mặt bên trong não người. Từ đây chúng ta có thể điều khiển các thiết bị bằng ý nghĩ. Ưu điểm lớn nhất của phát minh này là giúp cho chúng ta giảm được hoạt động của tay chân vừa thiếu chính xác vừa chậm chạp. Đặc biệt là đối với những người tàn tật thì đây là một cuộc cách mạng có thể thay đổi cuộc sống của họ.

6-Thuốc tăng cường trí nhớ: CX717 là một loại thuốc mang tính đột phá trong lĩnh vực tăng cường trí nhớ và hoạt động của não, đặc biệt là đối với những người thiếu ngủ. Loại thuốc này do tập đoàn Cortex Pharmaceuticals chế tạo. Thành phần gồm các hợp chất ampakine, đây là chất có khả năng tăng cường học tập và nâng cao trí nhớ vì nó trực tiếp làm tăng sự tỉnh táo và tập trung cho người sử dụng. Ngoài tác dụng tăng cường trí nhớ, CX717 còn có khả năng điều trị hội chứng ADHD, mệt mỏi khi đi máy bay, chứng ngủ rũ và thậm chí là cả bệnh Alzheimer.

7- Công nghệ tăng cường vá lành vết thương: Các nhà nghiên cứu ở Trường đại học công nghệ Goergia & Emory mới đây đã tạo ra loại vắc-xin có tích hợp các cây kim siêu nhỏ mà không gây đau đớn, tiện lợi và dễ dàng sử dụng. Công nghệ này có tên gọi là vi kim: gồm các cây kim siêu nhỏ được tích hợp với nhau giống như các mạch tích hợp ở máy tính. Trên đầu kim được bao phủ vắc-xin cúm. Khi sử dụng, vắc-xin sẽ đi vào cơ thể qua da. Theo các chuyên gia, nếu như không có các cây kim siêu nhỏ này thì khi xoa vắc-xin lên da nó sẽ không ngấm vào trong, do vậy mà bệnh sẽ lâu khỏi. Công nghệ này mở ra rất nhiều triển vọng và nó sẽ được sử dụng như những băng keo dán trên vết thương.

8- Thuốc điều trị hội chứng mệt mỏi mãn tính: Fibromyalgia hay còn gọi là hội chứng mệt mỏi kinh niên (từ lâu đã trở thành một trong những căn bệnh thách thức lớn nhất trong y học). Mặc dù đã có nhiều bước tiến trong việc chống lại hội chứng này nhưng chưa thực sự tiêu diệt triệt để bệnh này. Tuy nhiên, vào tháng 6/2008, nhà khoa học Lucinda Bateman, người Mỹ đã tìm ra một loại thuốc có tên gọi là Lyrica có thể điều trị Fibromyalgia một cách dễ dàng. Nhiều bệnh nhân đã mắc chức bệnh này từ hàng thập kỉ nay khi được dùng thuốc Lyrica đã trở nên khoẻ mạnh, lấy lại được tinh thần và đi làm việc trở lại.

9- Điều trị Ung thư gan bằng tần số rađiô: Các nhà khoa học ở Berlin, Đức năm qua đã tìm ra phương pháp sử dụng tần số rađiô để điều trị Ung thư gan và phương pháp này đã mang lại những lợi ích to lớn cho y học trong tương lai. Trong số 66 bệnh nhân thử nghiệm sử dụng phương pháp này từ nhiều năm qua thì có tới 52% bệnh nhân không còn khối u ung thư nữa, có tới 78% bệnh nhân vẫn có khả năng sống sót sau 4 năm điều trị. Trong khi đó với phương pháp truyền thống thì bệnh nhân thường tử vong chỉ sau một năm mắc bệnh. Không chỉ có vậy, phương pháp dùng năng lượng tần số rađiô còn có khả năng điều trị bệnh động mạch vành, chứng giãn tĩnh mạch và nhiều bệnh hiểm nghèo khác.

10- Hy vọng lớn cho những người cụt tay chân: Năm qua các nhà khoa học ở Viện nghiên cứu phục hồi sức khoẻ Chicago và Trường đại học Northwestern (Mỹ) đã tạo ra một bước tiến dài trong lĩnh vực lắp ghép chân tay giả. Nó cho phép bệnh nhân có thể cầm nắm, đi lại như thường và có cảm giác y như chính cơ thể họ. Trong thử nghiệm ở hai bệnh nhân mất tay, các nhà khoa học đã kết lối lại được các dây thần kinh chủ chốt của tay với dây thần kinh ngực. Nhờ vậy, bệnh nhân cảm thấy nóng, lạnh, hoặc đau đớn khi tác động đến các dây thần kinh trên tay giả. Phương pháp này đang được hoàn thiện để đưa vào sử dụng phổ biến năm tới.

NGỌC HUẾ
Theo Time/BBC/Reuters/NNVN

*Các thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo và tra cứu, vui lòng không tự áp dụng nếu chưa có chỉ định của bác sĩ.