Xơ gan là một bệnh mãn tính trong đó tế bào gan bị tổn thương do viêm, hoại tử và hoạt tính tế bào lan tỏa, dần dần các tế bào gan bình thường được thay thế bằng mô xơ, mô xơ này lan tỏa ở gan làm biến đổi cấu trúc bình thường của gan thành cấu trúc dạng nốt bất thường, người ta gọi đó là xơ gan.
Nguyên nhân dẫn đến gan bị xơ
1. Do Di truyền: Bệnh ứ sắt; Bệnh Wilson; Thiếu anpha-1-antitrypsin ở người lớn.
2. Không do di truyền:
+ Siêu vi gan B, C mạn tính có thể dẫn đến xơ gan
+ Uống nhiều Rượu
+ Nhiễm trùng, thuốc, độc chất.
+ Xơ gan ứ mật nguyên phát.
+ Xơ gan ứ mật thứ phát: do tắc nghẽn đường mật kéo dài.
+ Xơ gan do bệnh lý tim: Suy tim phải, viêm màng ngoài tim co thắt…
+ Do bệnh lý Viêm gan tự miễn
Triệu chứng lâm sàng
– Trong giai đoạn đầu – xơ gan giai đoạn sớm (còn bù) thì bệnh nhân thường không có triệu chứng gì rõ rệt.
– Khi đến gia đoạn Xơ gan mất bù, đôi khi người bệnh chỉ cảm thấy những triệu chứng mơ hồ, nhưng cũng có khi xuất hiện với những triệu chứng nặng nề do biến chứng:
* Cơ năng: Bệnh nhân cảm thấy người Mệt mỏi, khó chịu; Cảm giác Chán ăn và Giảm cân (tăng cân nếu có báng bụng, phù chân).
Ngòai ra có thể thấy Nước tiểu vàng như nước trà đậm; Đau vùng bụng trên bên phải; Vô kinh hoặc Rối loạn kinh nguyệt; Giảm ham muốn tình dục, rối loạn cương dương; Phù cẳng chân/ Bụng chướng; Dễ bị bầm máu/ Nôn ra máu; Ngứa da; Sạm da
* Thực thể
– Thay đổi ở da: sao mạch; tăng sắc tố da; vàng da, vàng mắt; bầm máu; trầy da; lòng bàn tay son
– Lớn cơ quan: gan to; lách to, nếu tăng áp tĩnh mạch cửa; gan xơ điển hình gan nhỏ và cứng
– Béo phì trung tâm/BIM > 30
– Vú to nam giới
Để chẩn đoán xác định chính xác xơ gan và mức độ xơ, bác sĩ có thể cho bệnh nhân thực hiện một số xét nghiệm cận lâm sàng như sau
– Sinh hóa: Công thức máu
– Siêu âm bụng: xác định Gan to hoặc teo, bờ không đều; Bụng báng; Lách to; Tĩnh mạch cửa giãn.
– Nội soi thực quản: Phát hiện dãn tĩnh mạch thực quản, là nguyên nhân gây chảy máu ồ ạt nếu có biến chứng vỡ.
– Sinh thiết gan qua da: Đánh giá mô học là tiêu chuẩn vàng để định lượng mức độ xơ.
– Các test chuyên biệt để xác định nguyên nhân: Siêu vi gan B: HBsAg, HBeAg, DNA HBV, genotype HBV; Siêu vi gan C: Anti HCV, RNA HCV, genotype HCV; Feritine; Ceruloplasmin….
Điều trị Cần lưu ý
1. Điều trị nguyên nhân: tùy thuộc nguyên nhân gây xơ gan (siêu vi gan B, C; Rượu…) bác sĩ sẽ có phương án điều trị cụ thể
2. Phòng và điều trị biến chứng có thể xảy ra ở bệnh nhân xơ gan
– Dãn Tĩnh mạch thực quản: Thắt Tĩnh mạch thực quản hoặc dùng thuốc
– Phù-báng bụng: Thuốc; Truyền Albumin; Chọc hút dịch ổ bụng
– Nhập viện điều trị tích cực: Viêm phúc mạc nguyên phát; Bệnh não do gan: hôn mê do gan; Hội chứng gan thận: suy thận chức năng do suy gan
3. Chế độ sinh hoạt: một chế độ sinh hoạt, ăn uống hợp lý có thể giúp bệnh nhân cải thiện các triệu chứng và phòng ngừa biến chứng. Người bệnh cần lưu ý một số nguyên tắc sau:
– Kiêng cử tuyệt đối rượu, bia, thuốc lá.
– Tránh các thuốc làm nặng thêm tình trạng gan (dùng thuốc theo chỉ định của bác sỹ).
– Luyện tập thể dục đều đặn, nhẹ nhàng để duy trì sức khỏe.
Chế độ ăn:
+ Ăn lạt (hạn chế muối) nếu có phù chân, báng bụng.
+ Lượng đạm hàng ngày: 1-1,5g protein/kg cân nặng (tương đương 100-150g thịt, cá).
+ Thức ăn có nhiều chất xơ. Cân đối giữa các thành phần như chất đường, chất béo, chất đạm, rau và trái cây.
+ Nên tránh ăn mỡ động vật, bơ mà thay bằng dầu hoặc bơ thực vật.
+ Có thể bổ sung đa sinh tố mỗi ngày (trừ sắt).
Để phòng bệnh xơ gan, nên hạn chế uống rượu và tiêm phòng viêm gan B, (cần tiêm sớm cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ). Đối với những người đã bị viêm gan B hoặc C mạn tính, cần theo dõi định kỳ 3 hoặc 6 tháng một lần để phát hiện và điều trị sớm những trường hợp viêm gan đang tiến triển, nhằm hạn chế các biến chứng nặng như xơ gan và Ung thư gan. Cần theo dõi sức khỏe định kỳ để phát hiện và điều trị sớm các bệnh lý gây viêm gan do các nguyên nhân khác như suy tim, tắc mật.
Tiên lượng
*Hiện nay, xơ gan có thể chia thành 3 giai đoạn ( theo phân loại Child-Pugh)
Child A | Mức độ nhe | Thời gian sống trung bình 37 tháng |
Child B | Mức độ trung bình | Thời gian sống trung bình 16 tháng |
Child C | Mức độ nặng | Thời gian sống trung bình 7 tháng |
*Theo nguyên nhân.
BS. LÊ THỊ PHƯƠNG
Chuyên khoa Gan – BV Hoàn Mỹ Sài Gòn
*Các thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo và tra cứu, vui lòng không tự áp dụng nếu chưa có chỉ định của bác sĩ.