Tin tức y tế

Xã hội hóa y tế: Sẽ ưu tiên “3 Tây và 3 Vùng”

26/01/2008

Trước ý kiến chỉ đạo này, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu đã trả lời phỏng vấn để làm rõ những giải pháp của Bộ để thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng.

Xin Bộ trưởng cho biết ý kiến trước những chỉ đạo trên của Thủ tướng Chính phủ ?

Trước đây, trong khi chúng ta đã tiến hành thí điểm việc cổ phần hóa một bệnh viện công trên địa bàn TPHCM, không những không thành công màø còn nhận rất nhiều ý kiến phản ứng của nhân dân. Vì vậy phải khẳng định những chỉ đạo trên của Thủ tướng đối với định hướng phát triển ngành y tế trong thời gian tới là rất kịp thời và mạnh mẽ, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước đối với hoạt động chăm sóc sức khỏe (CSSK) nhân dân. Tuy nhiên, không cổ phần hóa bệnh viện công, không có nghĩa là không nâng cao được chất lượng khám chữa bệnh (KCB) cho nhân dân mà Bộ Y tế sẽ có những giải pháp, cơ chế cụ thể đẩy mạnh được xã hội hóa (XHH) y tế để thực hiện được mục tiêu nâng cao chất lượng CSSK nhân dân.

Như vậy có thể xem năm 2008 là năm đột phá về XHH y tế, thưa Bộ trưởng?

Nói là đột phá cũng không hẳn như vậy nhưng chắc chắn chúng tôi sẽ phải đẩy mạnh XHH y tế theo như chỉ đạo của Thủ tướng. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ tập trung dành ưu tiên XHH y tế tại “3 Tây và 3 Vùng”. Theo đó, 3 Tây là Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam bộ. Đây là những vùng còn rất khó khăn về cơ sở vật chất y tế và nguồn nhân lực nên việc XHH y tế tại 3 khu vực này thì nhà nước sẽ cùng nhà đầu tư chủ yếu nâng cấp về cơ y tế và nguồn nhân lực tại tuyến huyện và xã.

Đối với 3 vùng Bắc, Trung, Nam  mà trọng tâm là TP Hà Nội, Huế và TPHCM sẽ tập trung phát triển các trung tâm y tế kỹ thuật cao, chuyên sâu, khám chữa bệnh theo yêu cầu mà nhân tố là các bệnh viện đầu ngành ở 3 TP này với sự  liên kết, hợp tác với các thành phần kinh tế và kêu gọi đầu tư nước ngoài.

Trên cơ sở định hướng trên, Bộ trưởng có thể cho biết những biện pháp cụ thể để XHH y tế hiệu quả và thực chất hơn?

XHH y tế có hiệu quả và thực chất chính là nâng cao được chất lượng KCB, giúp người dân được tiếp cận nhanh hơn, tốt hơn với các dịch vụ y tế có chất lượng. Cụ thể, Bộ Y tế sẽ đề nghị Chính phủ và phối hợp với các địa phương, xây dựng các cơ chế chính sách nhằm ưu đãi và thu hút các nguồn lực của các thành phần kinh tế và nước ngoài đầu tư phát triển y tế. Khuyến khích sự hợp tác, liên danh liên kết giữa các bệnh viện công với tư nhân hoặc nước ngoài xây dựng, mở rộng thêm cơ sở KCB. Đối với  những dự án đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực y tế tại các địa phương, Bộ Y tế sẽ hỗ trợ các vấn đề liên quan tới thủ tục pháp lý và thẩm định dự án để đẩy nhanh tiến độ thực hiện.

Ngoài những biện pháp từ phía Bộ Y tế thì địa phương cần làm gì để thực hiện được XHH y tế có hiệu quả?

Địa phương phải xây dựng được kế hoạch về đào tạo nguồn nhân lực vì nếu cho dù chúng ta có bệnh viện tốt, trang thiết bị hiện đại mà không có đủ bác sĩ, nhất là bác sĩ giỏi thì cũng chỉ là XHH nửa chừng. Bên cạnh đó, địa phương cần có cơ chế ưu đãi tín dụng lãi suất thấp, về đất “sạch”, cơ sở hạ tầng cho y tế để thu hút các nhà đầu tư.

Vừa rồi, Bộ Y tế cũng đã làm việc với một số tỉnh, TP trong đó có TPHCM về vấn đề đầu tư phát triển y tế thì có thể thấy, TPHCM là địa phương luôn đi đầu cả nước trong hoạt động XHH y tế. Theo tôi được biết, quy mô huy động vốn XHH y tế cao nhất, trang thiết bị y tế cũng hiện đại nhất cũng có đầu tiên ở TPHCM. Như năm 1991, máy chụp cắt lớp CT-Scaner đầu tiên ở Việt Nam cũng được đặt tại TPHCM, cho tới các kỹ thuật cao như mổ tim hở, mổ Pharco TPHCM cũng đi trước. Đặc biệt, gần đây TPHCM đã xây dựng quy hoạch dành 3 cụm đất để giãn các bệnh viện trong nội thành; xây dựng viện- trường và đầu tư nước ngoài vào y tế với tiềm năng rất lớn.

KHÁNH NGUYỄN
Theo SGGP

*Các thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo và tra cứu, vui lòng không tự áp dụng nếu chưa có chỉ định của bác sĩ.