Bệnh viện Hoàn Mỹ Đồng Nai

Viêm bờ mi và cách điều trị

25/10/2023

Viêm bờ mi mắt là tình trạng viêm biểu bì tự do ở mi mắt. Tình trạng này tuỳ thuộc vào từng mức độ mà có khả năng ảnh hưởng mạnh hoặc nhẹ đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Vì vậy, ngay khi phát hiện, người bệnh cần đến cơ sở y tế uy tín để được khám và điều trị kịp thời.

Viêm bờ mi mắt là tình trạng viêm biểu bì tự do ở mi mắt

Viêm bờ mi mắt là tình trạng viêm biểu bì tự do ở mi mắt (Nguồn: Internet)

Viêm bờ mi là gì?

Viêm bờ mi hay Viêm bờ mi mắt là tình trạng sưng viêm ở khu vực phát triển lông mi, gây ảnh hưởng đến toàn bộ mí mắt. Bệnh lý này có thể gặp ở mọi độ tuổi. Một số thống kê cho thấy người trẻ tuổi có xu hướng bắt gặp triệu chứng này nhiều hơn so với người cao tuổi.

Viêm bờ mi thường không gây tổn hại vĩnh viễn đến thị lực. Tuy nhiên, bệnh sẽ khiến mắt của người bệnh bị kích thích, sưng đỏ. Tình trạng này khác với bệnh viêm kết mạc (đau mắt đỏ) và không có tính lây truyền.

Triệu chứng của bệnh viêm bờ mi

  • Cảm giác sưng nhức và nóng rát ở mắt.
  • Khô mắt.
  • Ghèn tích tụ ở lông mi và khóe mắt.
  • Chảy nước mắt nhiều.
  • Cảm giác có dị vật trong mắt.
  • Có phần nhạy cảm với ánh sáng.

Tùy thuộc vào mức độ phát triển của bệnh mà người bệnh có thể có một hoặc toàn bộ dấu hiệu trên. Ngoài ra, triệu chứng Viêm bờ mi mắt có thể kéo dài liên tục hoặc thường xuyên tái phát. Thêm vào đó, đôi khi bệnh lý này còn gây ra chứng rụng lông mi.

Nguyên nhân của bệnh viêm bờ mi

  • Cơ thể phát sinh phản ứng viêm đối với những vi khuẩn thường cư ngụ trên mí mắt.
  • Viêm da tiết bã (viêm da dầu) hoặc chứng đỏ mặt (rosacea).
  • Nhiễm ký sinh trùng Demodex hoặc virus Herpes simplex (HSV).

Điều trị Viêm bờ mi như thế nào?

  1. Vệ sinh bờ mi bằng tăm bông và thuốc chuyên dụng, loại bỏ các yếu tố viêm giúp bờ mi được sạch sẽ và thoải mái.
  2. Chườm ấm bờ mi.
  3. Mát xa vùng quanh mắt, giúp mắt thư giãn, lưu thông tuần hoàn máu tốt hơn, giảm thiểu cảm giác khó chịu ở mắt như cộm, ngứa do Viêm bờ mi gây ra.
Viêm bờ mi là bệnh lý thường gặp ở người trẻ tuổi

Viêm bờ mi là bệnh lý thường gặp ở người trẻ tuổi

Điều trị Viêm bờ mi tại nhà

Bên cạnh những phương pháp điều trị theo phác đồ của bác sĩ, đối với trường hợp nhẹ, người bệnh có thể điều trị tại nhà. Dưới đây là một số lời khuyên gợi ý khi điều trị Viêm bờ mi tại nhà.

1. Chườm ấm và tẩy tế bào chết trên mí mắt

Tình trạng sưng ở bờ mi có thể được xoa dịu bằng cách chườm ấm và tẩy tế bào chết trên mí mắt. Người bệnh lấy khăn sạch đã nhúng qua nước ấm và vắt khô để chườm lên mắt, sau đó nhẹ nhàng dùng nó để lấy đi những vảy tế bào chết tại đây.

2. Bổ sung omega-3

Axit béo omega-3 không chỉ có tác dụng kháng viêm mà còn góp phần ổn định chức năng hoạt động của tuyến nhờn bờ mi. Phương pháp này thường cần ít nhất ba tháng để phát huy tác dụng.

3. Kiêng ăn một số thực phẩm

Một số loại thực phẩm, thức uống sau đây có nguy cơ gây cản trở quá trình điều trị, đồng thời góp phần thúc đẩy bệnh tiến triển nặng thêm, bao gồm:

  • Thực phẩm giàu fructose.
  • Kem.
  • Bơ.
  • Các món nhiều chất béo bão hòa.
  • Bia, rượu và những thức uống chứa cồn tương tự.

4. Tăng tần suất chớp mắt

Động tác chớp mắt có thể thúc đẩy tuyến nhờn bờ mi hoạt động ổn định. Tuy nhiên, theo thời gian, tần suất chớp mắt của một người sẽ giảm đi đáng kể. Ngoài ra, khi tập trung nhìn vào màn hình máy tính hoặc điện thoại, hầu hết mọi người cũng rất ít khi thực hiện động tác này.

Nhằm khắc phục vấn đề trên, các bác sĩ khuyến khích người bệnh nên dành thời gian tập chớp mắt bốn lần mỗi ngày, mỗi lần thực hiện 20 – 30 lần.

Bổ sung omega-3 qua tự nhiên qua thực phẩm

Bổ sung omega-3 qua tự nhiên qua thực phẩm (Nguồn: Internet)

Cách phòng ngừa viêm bờ mi

Giữ vệ sinh mí mắt sạch sẽ là yếu tố hàng đầu giúp ngăn chặn bệnh lý này xảy ra. Mục đích của việc này không chỉ là hạn chế tình trạng kích ứng xảy ra tại đây mà còn bao gồm:

  • Phòng ngừa vấn đề tắc nghẽn tuyến nhờn bờ mi.
  • Loại bỏ bã nhờn dư thừa hoặc vảy da chết.

Một số thói quen tốt khác cần được chú trọng trong sinh hoạt thường ngày như:

  • Rửa mắt ít nhất mỗi ngày hai lần, bao gồm sau khi thức dậy và trước khi đi ngủ.
  • Hạn chế đưa tay chạm lên mắt, đặc biệt nếu chưa rửa tay.
  • Không chà xát mí mắt khi biểu hiện ngứa phát sinh.
  • Cẩn thận tẩy trang cho mắt nếu bạn có trang điểm trong ngày.
  • Không kẻ mắt quá sát bờ mi.

Cuối cùng, hạn chế trang điểm khi đang điều trị để tránh gây kích thích, ảnh hưởng đến hiệu quả chữa trị. Sau khi điều trị thành công, người bệnh nên thay đổi toàn bộ sản phẩm trang điểm hoặc chăm sóc da liên quan đến mí mắt nhằm giảm thiểu nguy cơ tái nhiễm trùng.

Khoa Mắt – Bệnh viện Quốc tế Hoàn Mỹ Đồng Nai cung cấp các dịch vụ khám và điều trị toàn diện các bệnh lý về mắt cho người bệnh ở mọi lứa tuổi. Đội ngũ bác sĩ chuyên khoa giàu kinh nghiệm, chuyên môn sâu về lĩnh vực nhãn khoa.