Bệnh viện Hoàn Mỹ Vinh

Ứng dụng kỹ thuật mãng châm trong điều trị đau thần kinh tọa

26/03/2024
Ứng dụng kỹ thuật mãng châm trong điều trị đau thần kinh tọa

*Bài viết được thực hiện với sự tư vấn chuyên môn từ BS.CKI. Hồ Sỹ Mạnh – Y học cổ truyền và Phục hồi chức năng, bệnh viện Hoàn Mỹ Vinh.

Đau dây thần kinh toạ (hay dây thần kinh hông to) là đau dọc theo đường đi của dây thần kinh tọa xuất phát từ vùng cột sống thắt lưng (CSTL) lan xuống chân và tận cùng ở các ngón chân. Đau dây thần kinh tọa được chia làm 02 thể: L5 và S1.

Nguyên nhân đau thần kinh tọa

Nguyên nhân chính gây đau thần kinh tọa thường là thoát vị đĩa đệm (chiếm đến hơn 80%). Các nguyên nhân khác:

  • Thoái hóa cột sống thắt lưng
  • Trượt cột sống, viêm cột sống dính khớp
  • Các khối u hình thành trong ống sống thắt lưng gây chèn ép v.v

Kỹ thuật mãng châm là gì?

Mãng châm là kỹ thuật dùng kim cỡ lớn, kim dài châm xuyên từ huyệt này sang huyệt kia trên cùng một đường kinh hoặc trên hai đường kinh khác nhau có tác dụng điều khí, thông kinh hoạt lạc nhanh, mạnh hơn. Kim có độ dài từ 10 cm, 15 cm, 20 cm, 30 cm, 60 cm, đường kính kim từ 0.5 đến 1 mm.

Phác đồ huyệt

1. Châm tả bên đau:

  • Giáp tích L2 – L3 xuyên L5 – S1
  • Trật biên xuyên Hoàn Khiêu
  • Ân Môn xuyên Thừa Phù
  • Tất Dương Quan xuyên Phong Thị
  • Huyền Chung xuyên Dương Lăng Truyền
  • Thừa Sơn xuyên Ủy Trung

2. Châm bổ: Thận Du, Đại Trường Du, Túc Tam Lý

Thủ thuật mãng châm

Bước 1: Xác định và sát khuẩn da vùng huyệt.

Bước 2: Châm kim vào huyệt theo các thì sau.

  • Thì 1: Tay trái dùng ngón tay cái và ngón trỏ ấn, căng da vùng huyệt; Tay phải châm kim nhanh qua da vùng huyệt.
  • Thì 2: Đẩy kim từ từ theo huyệt đạo, kích thích kim cho đến khi đạt “Đắc khí” (người bệnh có cảm giác căng, tức, nặng vừa phải, không đau ở vùng huyệt vừa châm kim, thầy thuốc cảm giác kim mút chặt tại vị trí  huyệt).

Bước 3: Kích thích huyệt bằng máy điện châm.

Nối cặp dây của máy điện châm với kim đã châm vào huyệt theo tần số bổ-tả của máy điện châm:

  • Tần số (đặt tần số cố định): Tần số tả từ 5 – 10Hz, Tần số bổ từ 1 – 3Hz.
  • Cường độ: Tăng dần cường độ từ 0 đến  150 microAmpe (tuỳ theo mức chịu đựng của người bệnh).
  • Thời gian : 20 – 30 phút cho một lần điện mãng châm.

Bước 4: Rút kim, sát khuẩn da vùng huyệt vừa châm.

Kết quả thực hiện

Ứng dụng kỹ thuật Mãng châm kết hợp với các phương pháp Vật lý trị liệu tại khoa Y học cổ truyền và Phục hồi chức năng đã đem đến kết quả giảm đau và giảm cảm giác tê bì nhanh cho người bệnh hơn so với nhóm chứng khác.

Để được tư vấn chi tiết, vui lòng liên hệ Bệnh viện Hoàn Mỹ Vinh:

  • Phòng Chăm sóc khách hàng: 0901747173
  • Địa chỉ: Số 99, đường Phạm Đình Toái, xã Nghi Phú, TP. Vinh, tỉnh Nghệ An