Mong bác sĩ tư vấn giúp tôi đái tháo đường có triệu chứng như thế nào, biến chứng ra sao? Cách phòng ngừa và chữa trị? (H.M)
Trả lời: Chào bạn, bệnh Đái tháo đường được chẩn đoán khi thử đường máu 2 lần ở hai thời điểm khác nhau lớn hơn hoặc bằng 126 mg%, và đường bắt đầu xuất hiện trong nước tiểu khi đường máu lớn hơn hoặc bằng 180mg%. Do đó khi đường máu từ 126 đến 179mg% thì bạn đã bị bệnh đái tháo đường nhưng bạn hoàn toàn sẽ không có triệu chứng của bệnh đái tháo đường và chỉ phát hiện bệnh khi bạn làm xét nghiệm về đường máu. Khi đường máu của bạn từ 180mg% trở lên thì bạn mới có triệu chứng tăng đường huyết như tiểu nhiều, tiểu đêm, khát nước, uống nhiều, sụt cân…
* Biến chứng của bệnh đái tháo đường như sau:
– Biến chứng cấp: là người bệnh đi vào tình trạng hôn mê do đường huyết trong máu quá cao gây tăng áp lực thẩm thấu máu, hoặc là máu bị nhiễm acid. Đây là biến chứng rất nặng có thể gây tử vong nếu không được xử trí kịp thời.
– Biến chứng mạn tính: các biến chứng này xảy ra sau nhiều năm bị bệnh đái tháo đường:
• Mắt: bệnh võng mạc do đái tháo đường, đục thủy tinh thể.
• Thận: tiểu ra chất đạm, suy thận
• Tim mạch: bệnh mạch vành, tai biến mạch máu não, bệnh mạch máu ngoại biên như là mạch máu ở chân, ở tay có thể đưa đến loét, nhiễm trùng và phải đoan chi,
• Thần kinh: viêm đa dây hay đơn dây Thần kinh ngoại biên sẽ làm mất cảm giác về đau và nhiệt, gây rối loạn thần kinh thực vật ( hạ huyết áp khi thay đổi từ nằm sang đứng, tiêu chảy, mất trương lực bang quang làm bí tiểu, bất lực).
• Ở bệnh nhân đái tháo đường dễ bị nhiễm trùng. Khi bị nhiễm trùng thường lâu lành do khi đường huyết cao làm cho cơ thể giảm khả năng tự chống lại vi trùng.
– Điều trị bệnh đái tháo đường bằng chế độ ăn kiêng, tập thể dục có thể phối hợp thêm chế độ dùng thuốc.
– Phòng ngừa bệnh: chế độ ăn nhiều đường và lối sống ít vận động là yếu tố nguy cơ của bệnh đái tháo đường cho nên để phòng ngừa bệnh đái tháo đường nên thiết lập chế độ ăn thích hợp và hợp lý, tập thể dục đều đặn, nên kiểm tra đường máu hằng năm 1 lần sau 40 tuổi, và khi bị bệnh đái tháo đường nên kiểm soát đường máu tốt sẽ ngăn chặn hay làm chậm xuất hiện các biến chứng
Thân ái!
BS. NGUYỄN THỊ THU MAI – BV Hoàn Mỹ Sài Gòn
*Các thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo và tra cứu, vui lòng không tự áp dụng nếu chưa có chỉ định của bác sĩ.