Mụn xuất hiện trên da luôn là nỗi ám ảnh kể cả nam và nữ. Mụn không chỉ gây đau nhức, khó chịu mà còn ảnh hưởng rất nhiều đến thẩm mỹ. Để điều trị mụn triệt để, cần xác định chính xác loại mụn đang gặp phải và nguyên nhân gây mụn là gì. Trong bài viết này, Hoàn Mỹ sẽ cùng bạn tìm hiểu chi tiết về mụn và cách điều trị an toàn, hiệu quả nhất.
>> Xem thêm:
- Nguyên nhân gây phát ban da, biểu hiện và cách khắc phục hiệu quả
- Dị ứng nước: Biểu hiện, cách trị căn bệnh hiếm gặp
- Viêm da mủ là gì? Có nguy hiểm không? Dấu hiệu, cách điều trị?
Mụn là gì?
Mụn là bệnh lý da liễu xuất hiện do sự tăng tiết bã nhờn kết hợp các tác nhân làm tắc nghẽn lỗ chân lông. Biểu hiện của mụn là trên da xuất hiện các nốt với nhiều kích cỡ khác nhau. Mụn có thể nằm dưới hoặc nổi cộm trên da bị sưng tấy đỏ, bọc mủ, gây đau hoặc không,… tùy thuộc vào từng loại mụn cũng như tình trạng mụn.
Mụn xuất hiện ở các vùng da trên cơ thể, nhất là những vùng da tiết nhiều bã nhờn như mặt, lưng, ngực,…Mụn có thể xuất hiện ở mọi đối tượng, trong đó 80% người bị mụn là thanh thiếu niên đang trong độ tuổi dậy thì.
Có mấy loại mụn?
Một số loại mụn có thể bị sưng to, gây đau nhức nhưng cũng có những loại mụn không gây bất kỳ ảnh hưởng nào. Hiện có 6 loại mụn phổ biến mà nhiều người đang gặp phải:
- Mụn đầu đen: Đây là loại mụn phổ biến nhất và là giai đoạn đầu của mụn trứng cá. Mụn có thể nhận biết bằng mắt thường, nốt mụn nhỏ khoảng 1 – 2 mm. Nhân mụn nhô lên trên bề mặt da, đầu mụn bị oxy hóa nên có màu đen. Mụn đầu đen mọc thành từng vùng với số lượng nhiều, chủ yếu xuất hiện ở trán, 2 bên má, mũi, cằm.
- Mụn đầu trắng: Hay còn gọi là mụn cám, mụn ẩn. Mụn nằm dưới bề mặt da rồi đẩy lên khiến da trở nên sần sùi. Nhân mụn được bao bọc bởi lớp da ngoài, không bị oxy hóa nên đầu mụn trắng. Mụn đầu trắng có kích thước nhỏ, kích thước khoảng 1 – 2 mm, không gây đau. Mụn mọc thành từng vùng ở trán, 2 bên má, cằm, mũi.
- Mụn bọc: Là loại mụn nghiêm trọng nhất, gây đau nhức. Mụn xuất hiện với những nốt nhỏ và lớn dần, kích thước có thể trên 5 mm. Mụn viêm, sưng đỏ, bên trong thường chứa mủ và máu. Mụn bọc có thể tự hết nhưng nguy cơ cao để lại sẹo mụn.
- Mụn mủ: Đây cũng là một loại mụn viêm, gây đau nhẹ. Nốt mụn có màu trắng hoặc vàng với viền mụn màu đỏ. Mụn chứa mủ bên trong và có nguy cơ để lại sẹo sau khi lành.
- Mụn viêm đỏ: Mụn đầu đen, đầu trắng và sự phát triển của vi khuẩn P. Acnes sẽ gây viêm. Mụn viêm đỏ, kích thước dưới 5 mm, gây đau nhẹ và có thể để lại sẹo.
- Mụn đầu đinh: Đây là mụn nguy hiểm, thường mọc ở chân sợi râu. Mụn xuất hiện có thể gây sưng, nóng đỏ và rất đau nhức. Mụn đinh râu bị nhiễm trùng có thể gây Sốt cao và nhiều biến chứng khác, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và tính mạng.
Nguyên nhân gây ra mụn
Mụn hình thành trên da bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Xác định chính xác nguyên nhân gây mụn sẽ giúp tìm được phương pháp trị mụn hiệu quả, ngăn mụn tái phát. Thông thường, mụn xuất hiện trên da do một số nguyên nhân chính sau:
- Tuyến dầu hoạt động quá mức: Da tiết quá nhiều dầu nhờn kết hợp với các tác nhân gây viêm và hình thành mụn.
- Lỗ chân lông bị tắc nghẽn: Tế bào chết, bụi bẩn kết hợp với bã nhờn khiến nang lông bị viêm, gây mụn.
- Vi khuẩn: Sự hình thành và phát triển của vi khuẩn P. Acnes khiến mụn trở nên nghiêm trọng hơn trên da.
- Rối loạn nội tiết: Hormone Androgens gia tăng hay giảm bất thường khiến tuyến bã nhờn hoạt động mạnh và gây mụn. Vì thế, nam nữ ở độ tuổi dậy thì, phụ nữ mang thai, người uống thuốc tránh thai đều dễ bị mụn.
- Tác dụng phụ của thuốc: Sử dụng thuốc chứa corticosteroid, lithium, testosterone,… có thể gây mụn.
- Chế độ dinh dưỡng thiếu khoa học: Chế độ ăn nhiều carbohydrate, ăn nhiều đồ ăn chứa dầu mỡ, đồ ăn cay nóng khiến mụn xuất hiện và trở nên nghiêm trọng.
- Căng thẳng, stress: Đây không phải là nguyên nhân chính gây mụn nhưng có thể khiến tình trạng mụn trở nên tồi tệ hơn.
Các cách điều trị mụn phổ biến hiện nay
Để loại bỏ mụn, bạn có thể áp dụng nhiều cách khác nhau, đó có thể là sử dụng các nguyên liệu tự nhiên, dùng thuốc uống hoặc thuốc bôi. Tuy nhiên, bạn cần dựa vào mức độ nghiêm trọng của mụn để áp dụng phương pháp điều trị phù hợp nhất. Sau đây là một số cách trị mụn mà bạn nên biết:
Xông hơi bằng nước ấm
Xông hơi bằng nước ấm giúp lỗ chân lông giãn nở, bã nhờn và bụi bẩn dễ dàng bị đẩy ra ngoài, hỗ trợ điều trị mụn. Để tăng hiệu quả, bạn có thể thêm vài giọt tinh dầu sả, bưởi vào nước ấm. Tuy nhiên, bạn lưu ý xông hơi với nước ấm, không nên sử dụng nước quá nóng. Thời gian xông khoảng 10 – 15 phút/lần và thực hiện 2 – 3 lần/tuần.
>> Xem thêm:
- Đồi mồi: Nguyên nhân xuất hiện và cách trị đồi mồi hiệu quả
- 10+ cách trị thâm mắt đơn giản, hiệu quả tại nhà
Trà xanh
Trà xanh có chứa Polyphenol giúp kháng viêm, kháng khuẩn, giúp điều trị mụn. Bên cạnh đó, trà xanh còn chứa nhiều chất chống oxy hóa giúp làm đẹp da. Với cách này, bạn chỉ cần cho nước trà xanh để nguội vào bình xịt và xịt lên da, phần bã trà có thể dùng để đắp mặt.
Mật ong
Mật ong chứa thành phần kháng khuẩn, kháng viêm và nhiều vitamin, khoáng chất. Để trị mụn, bạn chỉ cần pha 2 thìa cà phê mật ong cùng vài giọt nước cốt chanh rồi thoa lên vùng da bị mụn. Sau 15 phút, hãy rửa sạch mặt với nước ấm.
Bột nghệ
Bột nghệ giúp ngăn ngừa vi khuẩn gây mụn. Không chỉ vậy, các hoạt chất có trong bột nghệ còn hạn chế nguy cơ hình thành sẹo mụn, làm mờ các vết thâm, dưỡng da sáng mụn. Khi sử dụng bột nghệ trị mụn, bạn nên kết hợp mật ong để thoa lên da, nhằm phát huy hiệu quả cao nhất.
Nha đam tươi
Nha đam tươi chứa nhiều thành phần tốt do da như vitamin C, vitamin E, gibberellin, polysaccharide,… Nhờ đó, nha đam tươi giúp trị mụn, giảm viêm sưng, hỗ trợ quá trình tái tạo da. Cách làm rất đơn giản, bạn chỉ cần lấy phần gel của nha đam rồi thoa trực tiếp lên da mụn, sau đó rửa lại mặt với nước.
Đắp mặt nạ dưa leo
Dưa leo chứa nhiều nước và nhiều vitamin A, B, C, E,… Đắp mặt nạ dưa leo có tác dụng làm sạch da, giúp lỗ chân lông thông thoáng, điều tiết bã nhờn, cải thiện tình trạng mụn. Ngoài ra, bạn cũng có thể xay nhuyễn dưa leo và kết hợp với các nguyên liệu khác như nước cốt chanh, sữa chua rồi đắp lên da mụn để loại bỏ mụn hoàn toàn.
Đắp mặt nạ cà rốt
Cà rốt chứa một lượng lớn vitamin A rất tốt cho da. Đồng thời, cà rốt cũng được biết đến là một nguyên liệu trị mụn hiệu quả tại nhà. Bạn có thể xay nhuyễn cà rốt để đắp lên mặt hoặc trộn cùng một chút mật ong nhằm phát huy tối đa công dụng.
Chườm đá lạnh
Với những trường hợp mụn viêm, mụn bọc có dấu hiệu sưng đỏ, có thể chườm đá lạnh để giảm đau, giảm sưng, hỗ trợ điều trị mụn. Bạn chỉ cần cho vài viên đá vào khăn rồi chườm nhẹ lên vùng da bị mụn sẽ cảm thấy dễ chịu hơn nhiều.
Dầu dừa
Dầu dừa là nguyên liệu giúp tẩy tế bào chết, làm sạch ra, từ đó giúp cải thiện tình trạng mụn. Với nguyên liệu này, bạn hãy trộn đều với đường theo tỷ lệ 1:1 để có được hỗn hợp tẩy tế bào chết tự nhiên, sau đó massage nhẹ nhàng lên da rồi rửa sạch.
Sử dụng thuốc uống
Trường hợp mụn nghiêm trọng, các cách trị mụn bằng nguyên liệu tự nhiên nói trên khó mang lại hiệu quả như mong muốn. Lúc này, bạn cần gặp bác sĩ để được chỉ định dùng thuốc phù hợp. Một số loại thuốc thường được dùng để điều trị mụn bao gồm:
- Thuốc kháng sinh: Tetracycline, Minocycline, Doxycycline, Macrolide,… là những loại thuốc có khả năng kháng khuẩn, chống viêm giúp điều trị mụn.
- Thuốc tránh thai: Thuốc chứa estrogen, progestin giúp khắc phục tình trạng mụn trên da.
- Thuốc chống đông androgen: Thuốc ngăn chặn sự gia tăng quá mức của hormone Androhen, hỗ trợ quá trình điều trị mụn.
- Isotretinoin: Thuốc được dùng cho những người bị mụn nghiêm trọng và những phương pháp khác không mang lại hiệu quả.
Để đảm bảo an toàn, sử dụng thuốc uống trị mụn cần tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ. Sử dụng thuốc tùy tiện, lạm dụng có thể gây ra những tác dụng phụ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.
Dùng thuốc bôi
Điều trị mụn bằng thuốc bôi cũng là phương pháp được nhiều người áp dụng bởi tính tiện lợi và hiệu quả. Dưới đây là một số loại thuốc bôi thường được sử dụng tại nhà:
- Retinoids: Thuốc có tác dụng giảm viêm, là sạch da, kích thích tái tạo tế bào da. Tuy nhiên, liều lượng Retinol cần được sử dụng theo hướng dẫn của bác sĩ.
- Benzoyl peroxide: Thuốc giúp diệt khuẩn, chống lại hoạt động của vi khuẩn C. Acnes, làm tăng hiệu quả điều trị.
- Acid Salicylic (BHA): Với khả năng thẩm thấu vào sâu bên trong lỗ chân lông, BHA sẽ giúp làm sạch lỗ chân lông, kiểm soát hoạt động của tuyến bã nhờn, điều trị mụn hiệu quả.
- Alpha Hydroxy Acids (AHAs): Thuốc giúp loại bỏ tế bào chết, làm sạch mụn, đồng thời kích thích sản sinh tế bào da mới, bổ sung độ ẩm cho da, ngăn ngừa mụn tái phát.
Khi nào cần đến gặp bác sĩ?
Mụn có thể điều trị tại nhà. Tuy nhiên, một số trường hợp diễn biến nặng cần gặp bác sĩ để được tư vấn phương pháp điều trị an toàn nhất. Để mụn không tiến triển nặng hơn, người bệnh cần gặp bác sĩ ngay khi nhận thấy những biểu hiện sau:
- Mụn bọc viêm sưng nghiêm trọng.
- Mụn kéo dài dai dẳng, dù đã điều trị bằng nhiều phương pháp nhưng không hiệu quả.
- Mụn có dấu hiệu nhiễm trùng gây sốt, mụn mủ, mẩn đỏ nổi xung quanh.
- Mụn tăng kích thước lớn.
Trên đây là những thông tin cơ bản về mụn và nguyên nhân hình thành mụn. Qua đó, bạn cũng biết được một số cách trị mụn hiệu quả nhất. Tuy vậy, trong trường hợp mụn nghiêm trọng, bạn cần gặp bác sĩ để được kiểm tra và có phương pháp điều trị an toàn, hiệu quả. Để cập nhật thêm các kiến thức y học thường thức khác, mời bạn truy cập Tin tức y tế. Liện hệ ngay với chúng tôi qua số HOTLINE hoặc đặt lịch hẹn trực tiếp TẠI ĐÂY để được tư vấn miễn phí tại hệ thống Bệnh viện Hoàn Mỹ trên toàn quốc.
*Các thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo và tra cứu, vui lòng không tự áp dụng nếu chưa có chỉ định của bác sĩ.