Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng

Trẻ 9 tuổi sưng to một bên mặt, mưng mủ do biến chứng viêm tai giữa

26/03/2024

Các bác sĩ Tai Mũi Họng tại Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng (BV HMDN) vừa thành công phẫu thuật nạo và dẫn lưu dịch mủ do biến chứng viêm tai giữa cho bé gái 9 tuổi. 

Điều trị thành công biến chứng viêm tai giữa

Bé M.D (9 tuổi, Quảng Ngãi) được bố mẹ đưa đến BV HMDN trong tình trạng màng nhĩ trái đỏ phồng căng, tai giữa tụ mủ, sập góc sau trên ống tai do biến chứng của viêm tai giữa cấp. 

BS.CKII. Nguyễn Ngọc Quang – Trưởng khoa Tai mũi họng, BV HMDN cho biết: “Kết quả nội soi, CT cho thấy tình trạng viêm tai rất nặng, phần xương chũm bị viêm mủ và hoại tử, tạo thành ổ áp xe rò mủ ra ngoài da và lan ra vùng thái dương, gò má bên trái. Nếu không phẫu thuật ngay, tình trạng nhiễm trùng có thể tiếp tục lan rộng, gây nguy hiểm cho trẻ”.

Tình trạng một bên mặt bị sưng to, mưng mủ của người bệnh do biến chứng viêm tai giữa

Tình trạng một bên mặt bị sưng to, mưng mủ của người bệnh do biến chứng viêm tai giữa

Bé D được nhập viện và chỉ định thực hiện phẫu thuật cấp cứu. Các bác sĩ tiến hành mổ xương chũm dẫn lưu dịch mủ mà không để lại biến chứng. Sau phẫu thuật 5 ngày, sức khỏe bé D đã hồi phục, xuất viện về nhà trong ngày 6.3.2024 và tái khám theo lịch khám của bác sĩ. 

Thành công xuất viện sau điều trị biến chứng viêm tai giữa

Bé D khỏe mạnh, mặt hết sưng và được xuất viện về nhà sau 5 ngày điều trị

BS.CKII. Nguyễn Ngọc Quang chia sẻ: Tùy tình trạng bệnh lý, bác sĩ có thể chỉ định mổ hở hoặc mổ nội soi. Trong trường hợp bé D, phần dịch mủ đã lan sâu vào bên trong ngóc ngách của phần xương chũm và bị rò ra da, nên mổ mở là phương pháp tối ưu giúp các bác sĩ lấy sạch bệnh tích và nạo ổ xương viêm. 

Mổ viêm tai xương chũm ở trẻ em là một kỹ thuật khá phức tạp, do ở trẻ nhỏ có sào bào nhỏ, nằm ở vị trí trên cao, thường kèm theo dị dạng giải phẫu, nếu bác sĩ không có tay nghề tốt, kinh nghiệm chuyên môn sâu, thì rất khó để hoàn thành phẫu thuật trọn vẹn. 

Chị N, mẹ của bé kể lại, khoảng 15 ngày trước, bé bị đau quai hàm, chị đưa bé tới một phòng khám gần nhà, bác sĩ chẩn đoán bé bị viêm quai hàm và cho thuốc về nhà uống. Được 6 ngày uống thuốc, gần mang tai bé bị sưng lên nhiều, chị rất lo lắng nên đưa con đến bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng khám. 

“Đến đây, được bác sĩ chẩn đoán viêm tai giữa cấp gây biến chứng viêm xương chũm, sưng mặt, mưng mủ, tôi vô cùng lo lắng, sửng sốt. Tôi không biết con bị viêm tai giữa và cũng không biết viêm tai giữa có thể gây ra biến chứng nặng khiến con phải đi mổ. Nhưng sau khi nghe bác sĩ giải thích tận tình và sức khỏe bé được tốt hơn sau mổ nên tôi rất yên tâm”.

Bác sĩ Quang cũng cho biết, tình trạng nhiễm trùng, viêm và làm mủ trong tai giữa nếu không điều trị kịp thời có thể lây lan sang các mô lân cận, gây viêm tai xương chũm nặng. Nhiễm trùng tai giữa nghiêm trọng cũng có thể lây lan sang các xoang tĩnh mạch, thuộc nền sọ, gây liệt mặt, viêm màng não, áp xe não, áp xe vùng cổ, thậm chí có thể tử vong.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến bệnh viêm tai giữa trong đó phổ biến nhất là do virus, sau đó có thể bội nhiễm vi khuẩn. Chấn thương tai do lấy ráy tai, tai nạn, nhiễm nấm, bơi lội… cũng làm tăng nguy cơ nhiễm bệnh.

“Nếu thấy trẻ bị sốt, sổ mũi 2-3 ngày liền, đau đầu, ù tai, nghe kém, quấy khóc nhiều, bức tai… phụ huynh nên kiểm tra tai cho con và nhanh chóng đưa trẻ đi thăm khám chuyên khoa Tai Mũi Họng để được điều trị kịp thời”, bác sĩ Quang khuyên. 

Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng