Bệnh viện Hoàn Mỹ Thủ Đức

Tăng tiết mồ hôi: Nguyên nhân, triệu chứng và phương pháp điều trị

27/09/2023

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi ThS.BSNT. Phan Văn Thắng, Khoa Ngoại Tổng hợp, Bệnh viện đa khoa Quốc Tế Hoàn Mỹ Thủ Đức.

Tăng tiết mồ hôi là một vấn đề phổ biến, ảnh hưởng đến khoảng 3% dân số toàn cầu, thường xảy ra ở nhóm tuổi từ 20 đến 60. Điều này gây khó chịu và tự ti trong giao tiếp hàng ngày, đặc biệt đối với nhân viên văn phòng.

Tăng tiết mồ hôi là gì?

Tăng tiết mồ hôi là tình trạng đổ mồ hôi quá mức, thường xảy ra ở các vùng như nách, bàn tay và bàn chân. Điều khác biệt ở những người bị tăng tiết mồ hôi là tình trạng này xảy ra mọi lúc, bất kể môi trường hoặc trạng thái tinh thần.

Tăng tiết mồ hôi: Nguyên nhân, triệu chứng và phương pháp điều trị

Tình trạng đổ mồ hôi quá mức ở tay bệnh nhân

Nguyên nhân gây ra hội chứng tăng tiết mồ hôi

1. Tăng tiết mồ hôi nguyên phát

Tăng tiết mồ hôi nguyên phát không có nguyên nhân thực thể. Người bệnh thường gặp tình trạng tiết ra quá nhiều mồ hôi nhiều ở tay, nách, mặt hay bàn chân do kích thích quá mức từ các dây thần kinh đến tuyến mồ hôi. Tình trạng này thường xảy ra ở bệnh nhân trẻ, dưới 25 tuổi và có thể di truyền.

2. Tăng tiết mồ hôi thứ phát

Trong trường hợp này, người bệnh đổ mồ hôi quá nhiều do nguyên nhân bệnh lý hoặc do dùng thuốc. Khác với tăng tiết mồ hôi nguyên phát tăng tiết mồ hôi thứ phát có xu hướng xảy ra trên toàn bộ hoặc một vùng cơ thể. Đặc biệt, hội chứng này có nhiều khả năng khiến người bệnh tiết nhiều mồ hôi trong lúc ngủ.

Nguyên nhân kích thích tăng tiết mồ hôi thứ phát bao gồm:

  • Mang thai.
  • Bệnh đái tháo đường.
  • Cường giáp.
  • Mãn kinh.
  • Béo phì.
  • Bệnh Parkinson.
  • Viêm khớp dạng thấp.
  • Lymphoma.
  • Bệnh gout.
  • Bệnh lý nhiễm trùng.
  • Đau tim hoặc suy tim.
  • Suy hô hấp.
  • Căng thẳng, lo lắng quá mức.
  • Lạm dụng rượu, bia hoặc chất kích thích.
  • Một số loại bệnh ung thư.

Một số loại thuốc có thể gây ra tăng tiết mồ hôi quá mức:

  1. Thuốc điều trị bệnh Alzheimer.
  2. Thuốc chống trầm cảm.
  3. Thuốc điều trị đái tháo đường như insulin và sulfonylureas.
  4. Pilocarpine (thuốc điều trị tăng nhãn áp).

Triệu chứng thường gặp hội chứng tăng tiết mồ hôi

  • Tiết mồ hôi ở đối xứng hai bên cơ thể;
  • Mồ hôi tiết nhiều đến mức gây khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày;
  • Tần suất ít nhất 1 lần/tuần;
  • Xuất hiện triệu chứng trước 25 tuổi;
  • Có tiền sử gia đình (cha mẹ hoặc anh chị em ruột) mắc bệnh;
  • Mồ hôi đổ nhiều vào ban ngày, ban đêm không đổ mồ hôi hoặc mồ hôi tiết không đáng kể.

Khi nào cần đi khám bác sĩ khi mắc hội chứng tăng tiết mồ hôi?

  • Đổ mồ hôi kèm theo sụt cân không chủ đích
  • Đổ mồ hôi chủ yếu xảy ra trong lúc ngủ
  • Đổ mồ hôi kèm theo sốt, đau ngực, tức ngực, khó thở và tim đập nhanh
  • Đổ mồ hôi kéo dài không rõ nguyên nhân

Có những xét nghiệm nào để chẩn đoán tăng tiết mồ hôi?

  • Xét nghiệm tinh bột-iốt: Sử dụng dung dịch iốt lên vùng đổ mồ hôi và rắc tinh bột lên dung dịch iốt để kiểm tra vùng đổ mồ hôi. Khi đổ mồ hôi nhiều, dung dịch sẽ chuyển màu xanh đậm.
  • Kiểm tra bằng giấy: Sử dụng giấy đặc biệt để thấm mồ hôi, sau đó bác sĩ cân tờ giấy để xác định lượng mồ hôi của bạn.
  • Xét nghiệm máu hoặc hình ảnh: Thu thập mẫu máu hoặc chụp ảnh dưới da để tìm hiểu nguyên nhân gây ra triệu chứng.

Phương pháp điều trị tăng tiết mồ hôi

Có nhiều phương pháp điều trị hội chứng này, tuy nhiên mỗi phương pháp có ưu và nhược điểm khác nhau. Tùy thuộc vào tình trạng bệnh và lựa chọn của người bệnh, bác sĩ sẽ tư vấn phương pháp phù hợp:

  • Muối nhôm

Đối với những trường hợp tăng tiết mồ hôi mức độ nhẹ, bạn có thể sử dụng chất chống mồ hôi có chứa nhôm clorua, giúp thấm hút mồ hôi hiệu quả. Bạn sẽ thoa dung dịch này ở vị trí ảnh hưởng (tay, nách, chân,..) mỗi ngày một lần trước khi đi ngủ đến khi đạt hiệu quả, và sau đó duy trì mỗi tuần một lần. Đây là chất dễ gây kích ứng da và viêm da, nhất là ở một số bệnh nhân nữ trẻ có cơ địa Dị ứng từ trước.

  • Iontophoresis – công nghệ điện chuyển ion

Khi muối nhôm không có nhiều tác dụng, công nghệ điện chuyển ion có thể được cân nhắc sử dụng. Công nghệ này sử dụng một thiết bị cung cấp dòng điện thế thấp cho vùng cơ thể trị liệu ngâm trong nước điện ion, các phân tử ion sẽ vô hiệu hóa hoạt động của tuyến mồ hôi. Đây là liệu pháp khá an toàn tuy nhiên thời gian tác dụng ngắn, cần phải thực hiện nhiều lần.

  • Thuốc kháng cholinergic

Thuốc kháng cholinergic có hiệu quả trong việc giảm chứng đổ mồ hôi toàn thân. Loại thuốc này có tác dụng ngăn chặn hoạt động của chất dẫn truyền thần kinh acetylcholine. Tuy nhiên, khi uống thuốc, người bệnh có thể gặp phải một số tác dụng phụ toàn thân như chóng mặt, táo bón.

  • Tiêm botox

Tiêm botox thường được sử dụng với trường hợp tăng tiết mồ hôi ở nách, tương tự như công nghệ điện chuyển ion, việc tiêm botox thường được sử dụng sau khi muối nhôm kém hiệu quả. Tiêm botox ngăn chặn các dây thần kinh kích thích tuyến mồ hôi, và thường có tác dụng kéo dài vài tuần đến vài tháng trước khi phải tiêm nhắc lại. Việc hoại tử và viêm tắc tuyến mồ hôi gây đau và nhiễm trùng cũng có thể xảy ra khi sử dụng phương pháp này.

Phẫu thuật cắt hạch giao cảm – Phương pháp triệt để tối ưu

Nếu các biện pháp ít xâm lấn trên không thành công hoặc gây tác dụng phụ khiến quá trình điều trị không thể tiếp tục, bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật nội soi đốt hạch giao cảm cho bệnh nhân. Đây là loại phẫu thuật ít xâm lấn, thời gian phẫu thuật nhanh, tính thẩm mỹ cao, điều trị bệnh triệt để với tỷ lệ tái phát cực thấp và sự hài lòng cao nhất ở những bệnh nhân đã lựa chọn phương pháp này.

Phẫu thuật cắt hạch giao cảm được thực hiện với hai hoặc ba đường mổ nhỏ (0,5 – 1 cm) ở vùng nách, dụng cụ nội soi được đưa vào để quan sát và cắt bỏ các hạch giao cảm chi phối tiết nhiều mồ hôi ở vùng tương ứng của cơ thể. Ưu điểm của phẫu thuật nội soi là tính thẩm mỹ cao, đạt hiệu quả gần như lập tức với tỷ lệ tái phát thấp. Gần đây, với sự phát triển vượt bậc của công nghệ, phẫu thuật nội soi đốt hạch giao cảm đang dần trở thành lựa chọn hàng đầu của các bệnh nhân tăng tiết mồ hôi nguyên phát.

ThS.BSNT Nguyễn Văn Thắng đang thực hiện phẫu thuật cho bệnh nhân bị tăng tiết mồ hôi

ThS.BSNT Nguyễn Văn Thắng đang thực hiện phẫu thuật cho bệnh nhân

Bàn tay trước và sau khi được điều trị nội soi cắt hạch giao cảm, cải thiện hoàn toàn triệu chứng tăng tiết mồ hôi

Bàn tay trước và sau khi được điều trị nội soi cắt hạch giao cảm, cải thiện hoàn toàn triệu chứng tăng tiết mồ hôi

Phòng ngừa

  • Mặc trang phục rộng rãi, thoáng mát, chọn chất liệu vải nhẹ, thoáng khí như cotton, lụa…
  • Mang theo một chiếc áo dự phòng nếu bạn tập thể dục hoặc di chuyển ngoài trời nắng nóng.
  • Để tránh mồ hôi chân đổ nhiều toát mùi khó chịu, hãy mang loại tất có khả năng hút ẩm tốt.
  • Tắm từ 1-2 lần mỗi ngày bằng xà phòng diệt khuẩn. Việc làm này giúp kiểm soát vi khuẩn thường trú trên làn da tiết mồ hôi của bạn.
  • Sử dụng miếng lót cho vùng nách và lót giày để hỗ trợ thấm mồ hôi.
  • Hạn chế các loại thực phẩm cay cũng như đồ uống có cồn và cafein vì chúng kích thích mồ hôi tiết nhiều hơn.

Điều trị tăng tiết mồ hôi ở đâu?

Với tôn chỉ Tận tâm chăm sóc – Bệnh viện đa khoa Quốc Tế Hoàn Mỹ Thủ Đức là địa chỉ đáng tin cậy để điều trị triệu chứng tăng tiết mồ hôi.

Bệnh viện đa khoa Quốc Tế Hoàn Mỹ Thủ Đức cung cấp dịch vụ điều trị y tế bao gồm sử dụng thuốc, vật lý trị liệu và phẫu thuật. Dựa trên tình trạng của người bệnh, các bác sĩ chuyên khoa sẽ đưa ra các phác đồ tương ứng, mang đến hiệu quả điều trị cao cùng chi phí hợp lý cho người bệnh.

Để được tư vấn miễn phí và đặt lịch khám, hãy liên hệ Bệnh viện đa khoa Quốc Tế Hoàn Mỹ Thủ Đức (Địa chỉ: 241 Quốc lộ 1K, P. Linh Xuân, TP. Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh) qua hotline 1900 0119.