Tăng huyết áp là bệnh lý tim mạch thường gặp ở người lớn tuổi, từ 50 tuổi trở lên. Thế nhưng, bệnh lý này đang có xu hướng trẻ hóa, diễn biến âm thầm nhưng có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Điều đáng lo ngại là nhiều người bệnh vẫn chủ quan trong việc điều trị cũng như không tái khám định kỳ, chỉ khi bệnh trở nặng hoặc xuất hiện biến chứng mới nhận ra mức độ nguy hiểm của bệnh.
Vậy triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị bệnh lý này là gì? Hãy cùng chuyên gia tại Trung tâm Y khoa Hoàn Mỹ PXL giải đáp thắc mắc này ngay sau đây.
Tăng huyết áp là gì?
Tăng huyết áp (hay cao huyết áp) là một bệnh lý mạn tính, xảy ra khi áp lực của máu tác động lên thành động mạch tăng cao. Huyết áp cao làm tăng gánh nặng cho tim và là căn nguyên của nhiều biến chứng tim mạch nghiêm trọng như: Tai biến mạch máu não, suy tim, bệnh mạch vành, nhồi máu cơ tim…
Triệu chứng của bệnh tăng huyết áp
Đa phần các trường hợp tăng huyết áp không có triệu chứng rõ ràng, khiến phần lớn người bệnh không nhận ra ngay cả khi tình trạng đã trở nên nghiêm trọng. Một số ít người bệnh có thể gặp các triệu chứng thoáng qua như đau đầu, khó thở, hoặc hiếm gặp hơn là chảy máu cam.
Đau đầu có thể là triệu chứng của bệnh tăng huyết áp
Những ai có nguy cơ dễ bị tăng huyết áp
- Người lớn tuổi: Ở người lớn tuổi, hệ thống thành mạch máu không còn độ đàn hồi như trước, do đó dễ bị cao huyết áp.
- Giới tính: Tỷ lệ nam dưới 45 tuổi mắc bệnh cao hơn so với nữ, tuy nhiên phụ nữ sau Mãn kinh có khả năng bị cao huyết áp hơn so với đàn ông cũng vào độ tuổi này;
- Tiền sử gia đình: Nguy cơ mắc bệnh tăng huyết áp thường cao hơn đối với những đối tượng có tiền sử gia đình (ba mẹ hoặc anh chị) mắc bệnh tim mạch.
Những yếu tố khác làm tăng nguy cơ mắc bệnh tăng huyết áp, gồm:
– Thừa cân béo phì
– Lối sống lười vận động
– Ăn uống không lành mạnh
– Ăn quá nhiều muối
– Lạm dụng rượu, bia
– Hút thuốc lá
– Căng thẳng thường xuyên
Điều trị bệnh tăng huyết áp
Mục tiêu trong việc điều trị tăng huyết áp là giữ cho huyết áp của người bệnh ổn định ở mức cho phép. Thông thường là dưới 140/90 mmHg đối với mức huyết áp mục tiêu. Các phương pháp điều trị và phòng ngừa bệnh tăng huyết áp, bao gồm:
1. Thay đổi lối sống
Biện pháp không dùng thuốc bao giờ cũng chiếm một vai trò cực kỳ quan trọng trong liệu trình điều trị chung. Theo lời khuyên của các bác sĩ, người bệnh có thể kiểm soát huyết áp bằng cách:
– Thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh, ít muối
– Bổ sung thêm kali trong các bữa ăn
– Uống đủ nước
– Tích cực tham gia thể dục thể thao
– Hạn chế rượu bia, thuốc lá
– Đo huyết áp và theo dõi chỉ số huyết áp thường xuyên
Rèn luyện thể dục thể thao giúp nâng cao sức khỏe và ổn định huyết áp.
2. Tuân thủ phác đồ điều trị
Dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, không tự ý ngừng sử dụng hoặc thay đổi liều lượng.
3. Duy trì tái khám định kỳ
Điều này giúp bác sĩ theo dõi và điều chỉnh phác đồ điều trị phù hợp, ngăn ngừa biến chứng.
4. Đo huyết áp thường xuyên
Là một trong những cách hiệu quả để kiểm tra sức khỏe tim mạch, phát hiện sớm các bất thường. Tham khảo ý kiến bác sĩ, tuân thủ đúng liều lượng và loại thuốc khi được chỉ định để ổn định huyết áp góp phần giúp ngăn ngừa các biến chứng tim mạch nguy hiểm.
Khuyến cáo của bác sĩ chuyên gia dành cho cộng đồng
Tăng huyết áp không phải là bệnh “chữa một lần là khỏi”, mà nó đòi hỏi sự kiên trì và ý thức chăm sóc sức khỏe lâu dài.
Việc chủ động khám sức khỏe định kỳ và duy trì lối sống khoa học chính là chìa khóa giúp bạn phòng ngừa và kiểm soát căn bệnh này. Hãy cùng Trung tâm Y khoa Hoàn Mỹ Gold PXL bảo vệ bạn và gia đình trước những nguy cơ biến chứng từ bệnh tăng huyết áp. Hành động hôm nay để bảo vệ sức khỏe và trái tim bạn.
Để được hỗ trợ tư vấn hoặc đặt lịch khám, Quý khách vui lòng liên hệ (028) 3990 3995 hoặc 0901 840 678.
Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi ThS.BS.CKII Đinh Thị Xuân Mai – Bác sĩ Nội tiết, Nội tổng quát, Trung tâm Y khoa Hoàn Mỹ Gold PXL.