Tại sao phụ nữ nên tầm soát ung thư cổ tử cung định kỳ?
21/03/2025Ung thư cổ tử cung (UTCTC) là một trong bốn loại Ung thư phổ biến nhất ở phụ nữ. Theo GLOBOCAN 2022, mỗi năm Việt Nam ghi nhận hơn 4.600 ca mắc mới và 2.500 ca tử vong. Tuy nhiên, tầm soát định kỳ giúp phát hiện sớm, điều trị kịp thời và ngăn ngừa ung thư tiến triển. Đặc biệt, 93% trường hợp UTCTC có thể phòng ngừa nhờ tiêm vắc xin và tầm soát thường xuyên. Cùng Trung tâm Y khoa Hoàn Mỹ Gold PXL tìm hiểu giải pháp tầm soát toàn diện để bảo vệ sức khỏe phụ nữ.
Ung thư cổ tử cung là gì?
Ung thư cổ tử cung phát triển tại cổ tử cung, phần nối giữa tử cung và âm đạo, thường liên quan đến nhiễm vi-rút HPV. Bệnh có thể không gây triệu chứng rõ ràng nhưng trong nhiều trường hợp, dẫn đến sự biến đổi tế bào cổ tử cung và gây ra ung thư.
Triệu chứng của Ung thư cổ tử cung
– Xuất huyết âm đạo bất thường: ra máu sau quan hệ, ra máu giữa chu kỳ kinh hoặc ra máu âm đạo sau mãn kinh.
– Âm đạo tiết dịch bất thường như dịch đục hôi, dịch nhầy máu hoặc tiết dịch kéo dài.
– Đau khi quan hệ, đau vùng chậu, rối loạn tiêu tiểu, phù chân, suy thận, đau xương, sụt cân, mệt mỏi, chán ăn…
Phần lớn Ung thư cổ tử cung (UTCTC) ở giai đoạn sớm thường không có triệu chứng rõ ràng cho đến khi bệnh đã tiến triển sang giai đoạn muộn. Vì vậy, phụ nữ đã có quan hệ tình dục nên thực hiện tầm soát UTCTC định kỳ, thay vì chờ đến khi xuất hiện triệu chứng mới thăm khám.
Ai nên nên tầm soát Ung thư cổ tử cung
– Tất cả phụ nữ từ 21 tuổi trở lên đều cần tầm soát Ung thư cổ tử cung. Tuy nhiên, bạn sẽ cần thực hiện định kỳ và tần suất thường xuyên hơn nếu thuộc những trường hợp sau:
+ Đã từng quan hệ tình dục hoặc thường xuyên quan hệ tình dục, nhất là những trường hợp quan hệ với nhiều bạn tình trong cùng thời điểm.
+ Có kết quả xét nghiệm sàng lọc Ung thư cổ tử cung bất thường gần đây hoặc người có tiền sử bị nhiễm HPV
+ Có hệ miễn dịch suy yếu
+ Phụ nữ mang thai nhiều lần (>4 lần)
+ Sử dụng thuốc ngừa thai kết hợp trên 5 năm
+ Tiền sử mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục (HIV, bệnh lậu, chlamydia, bệnh giang mai, herpes…)
+ Tiếp xúc với diethylstilbestrol (DES) trong bào thai
+ Hút thuốc và dùng chất kích thích, rượu bia…
+ Tiền sử gia đình có người bị UTCTC
Nên thực hiện Tầm soát Ung thư cổ tử cung nên bao lâu một lần?
– Tần suất tầm soát Ung thư cổ tử cung được khuyến nghị như sau: Nếu kết quả tầm soát bằng tế bào học âm tính thì cần thực hiện lại sau 1-2 năm.
– Xét nghiệm HPV nguy cơ cao âm tính: thời gian thực hiện lại là 3 năm.
– Đối với phụ nữ từ 30 tuổi trở lên thực hiện cả hai phương pháp với kết quả âm tính, nên tầm soát lại sau 3-5 năm. Xét nghiệm Pap smear nên được thực hiện 3 năm một lần và thực hiện xét nghiệm HPV 5 năm một lần.
Tầm soát Ung thư cổ tử cung bao gồm những xét nghiệm gì?
– Xét nghiệm tế bào học (pap test)
– Xét nghiệm HPV
– Soi cổ tử cung (VIA – VILI)
Theo phác đồ của thế giới và Bộ Y tế Việt Nam đã cập nhật, triển khai áp dụng trên toàn quốc và tùy theo nhóm lứa tuổi sẽ được lựa chọn các phương pháp tầm soát:
– Nhóm tuổi từ 21 đến 24: Xét nghiệm tế bào học (pap test) tìm tế bào bất thường.
– Nhóm tuổi 25 đến 29: Xét nghiệm tế bào học (pap test) hoặc xét nghiệm tìm vi rút HPV (ưu tiên).
– Nhóm tuổi từ 30 trở lên: Xét nghiệm tế bào học (pap test) hoặc/và xét nghiệm tìm vi rút HPV nguy cơ cao. Các bác sĩ chuyên gia khuyến cáo nên thực hiện cả hai.
Kết quả tầm soát bất thường thì bạn nên làm gì?
– Khám lâm sàng là bước quan trọng để bác sĩ nhận diện được các tổn thương đại thể trên cổ tử cung. Nếu quan sát thấy có các sang thương ở CTC nghi ngờ Ung thư hoặc có bất thường kết quả Pap smear hoặc HPV nguy cơ cao, bạn sẽ được soi cổ tử cung, sinh thiết vùng mô nghi ngờ và gửi xét nghiệm giải phẫu bệnh để xác định liệu có phải mô ung thư hay không.
– Nếu kết quả cuối cùng xác định rằng mắc bệnh Ung thư cổ tử cung, bạn cần phải tiến hành điều trị ngay, để loại bỏ những tế bào ung thư và theo dõi điều trị chuyên khoa để đảm bảo an toàn.
Ung thư cổ tử cung ảnh hưởng đến sức khỏe như thế nào?
Ung thư cổ tử cung ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe phụ nữ. Bệnh có thể biểu hiện qua các triệu chứng như: Đau bụng dưới, chảy máu âm đạo và tái phát nhiều lần. Khi bệnh tiến triển thành khối u ác tính, nguy cơ cao gây vô sinh do ảnh hưởng đến chức năng sinh sản, thậm chí phải cắt bỏ tử cung hoặc buồng trứng. Ngoài ra, nếu khối u lan rộng ra các cơ quan khác như niệu quản, có thể dẫn đến suy thận. Tình trạng di căn của tế bào Ung thư không chỉ làm phức tạp quá trình điều trị mà còn đe dọa tính mạng bệnh nhân.
Phòng ngừa Ung thư cổ tử cung

Tiêm ngừa vắc-xin HPV chủ động phòng Ung thư cổ tử cung
– Giảm nguy cơ nhiễm HPV bằng cách áp dụng các biện pháp quan hệ tình dục an toàn và phòng ngừa các bệnh lây truyền qua đường tình dục.
– Tiêm ngừa vắc-xin HPV cho cả nam giới và phụ nữ, từ độ tuổi từ 9 đến 45 tuổi (theo khuyến cáo của Bộ Y tế).
– Khám phụ khoa định kỳ, tầm soát và phát hiện sớm các bất thường tiền Ung thư cổ tử cung và điều trị các bất thường này là biện pháp hữu hiệu nhất để dự phòng ung thư cổ tử cung.
Một số câu hỏi thường gặp
1. Tầm soát Ung thư cổ tử cung có đau không?
Phương pháp này được thực hiện một cách đơn giản. Trong quá trình khám phụ khoa, bác sĩ tiến hành quan sát cổ tử cung, và việc lấy mẫu sẽ được thực hiện nhẹ nhàng, không gây cảm giác khó chịu. Thậm chí nhiều chị em mình không hay biết vì không có cảm giác gì khác biệt.
2. Tầm soát Ung thư cổ tử cung bao lâu thì có kết quả?
Thông thường tầm soát Ung thư cổ tử cung sẽ có kết quả sau 1-2 ngày và chúng ta sẽ biết được là có vấn đề gì bất thường ở cổ tử cung hay không.

Khám sức khỏe định kỳ, đặc biệt là khám phụ khoa, giúp tầm soát sớm và ngăn ngừa Ung thư cổ tử cung
– Khám phụ khoa định kỳ: Bác sĩ kiểm tra trực tiếp cổ tử cung để phát hiện dấu hiệu nguy cơ bệnh.
– Thực hiện siêu âm đầu dò âm đạo tử cung kiểm tra tử cung và các phần phụ khác.
– Xét nghiệm HPV và Pap Smear: giúp phát hiện các tế bào bất thường ở cổ tử cung.
– Sinh thiết cổ tử cung được thực hiện khi có kết quả xét nghiệm bất thường, để lấy mẫu tế bào kiểm tra chi tiết.
– Thông tin kết quả và tư vấn: Bác sĩ sẽ trình bày kết quả, giải thích ý nghĩa các thông số, và cung cấp hướng dẫn chi tiết về chăm sóc sức khỏe và phương án điều trị nếu mắc bệnh.
Hi vọng những thông tin trong bài viết sẽ giúp bạn nắm rõ hơn về tầm quan trọng của việc tầm soát Ung thư cổ tử cung. Hãy chủ động thực hiện tầm soát ngay hôm nay để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình.
Quý khách cần thêm tư vấn sức khỏe hoặc đặt lịch khám tại Trung tâm Y khoa Hoàn Mỹ Gold PXL, vui lòng liên hệ hotline: 0901 840 678 để được hỗ trợ.
Trung tâm Y khoa Hoàn Mỹ Gold PXL Địa chỉ: 245 Phan Xích Long, Phường 2, Quận Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh Điện thoại: (028) 3990 3995 | 0901 840 678 Website: https://hoanmy.com/hoanmy-gold/ Fanpage: https://www.facebook.com/HoanMyGoldPXL Zalo OA: https://zalo.me/hoanmygold |