Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn

Đừng xem thường bệnh viêm Amidan cấp tính

21/08/2023

Bệnh Tai Mũi Họng chiếm tỷ lệ rất lớn ở nước ta, trong đó viêm amidan là căn bệnh thường gặp nhất. Theo thống kê, số trường hợp người lớn mắc viêm amidan khoảng 8 – 10%, đối với trẻ em là >20%. Viêm amidan cấp tính dễ tái phát, để lại nhiều biến chứng nguy hại, nên mọi người đừng xem thường căn bệnh này. Hãy cùng bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn tìm hiểu chi tiết về nguyên nhân cũng như cách điều trị viêm amidan.

Vị trí của amidan

Amidan là một khối mô lympho có hình dạng bầu dục như quả hạnh nhân, nằm trong một khoang tam giác gọi là hố amidan. Khi há miệng, chúng ta có thể quan sát một phần amidan bằng mắt thường.


Amidan bảo vệ hệ hô hấp của cơ thể, chống lại các tác nhân viêm nhiễm hô hấp như virus, vi khuẩn hay khói bụi. Tổ chức tế bào này hoạt động mạnh từ 4 – 10 tuổi, tới khi trưởng thành thì giảm tác dụng bảo vệ hệ hô hấp.

Viêm amidan là gì?

Viêm amidan là tình trạng amidan bị viêm nhiễm khuẩn do virus, hoặc vi khuẩn. Khi amidan nhiễm trùng sẽ sưng đỏ, đau họng, đau khi nuốt, gây ảnh hưởng tới hô hấp và ăn uống.

Có 2 loại viêm amidan thường gặp:

  • Viêm amidan cấp tính: Amidan sưng đỏ, đau rát do nhiễm vi khuẩn hoặc virus.
  • Viêm amidan mạn tính: Thường biểu hiện ở thể viêm quá phát (amidan sưng to) và thể viêm xơ teo (amidan bị nhỏ lại).

Nguyên nhân gây viêm amidan

Một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng viêm amidan:

  • Môi trường ô nhiễm: nhiều khói bụi, vi khuẩn, ẩm mốc,…
  • Virus xâm nhập: virus cúm, Herpes simplex, Parainfluenza, Epstein-Barr.
  • Sử dụng thực phẩm không vệ sinh, thường xuyên ăn đồ lạnh (đá, kem), hút thuốc, uống rượu bia.
  • Thời tiết có sự thay đổi đột ngột.

Các triệu chứng viêm amidan

Những triệu chứng thường thấy khi viêm amidan đó là:

  • Amidan sưng đỏ, có lớp dịch màu trắng hoặc vàng
  • Xuất hiện vết loét, vết phồng rộp trong cổ họng
  • Khó nuốt, nghẹt thở, đau cổ họng, sưng hạch ở cổ, cổ cứng
  • Đau đầu, đau tai, bụng khó chịu
  • Sốt và ớn lạnh

Viêm amidan xảy ra ở trẻ em còn có thêm các triệu chứng như:

  • Nôn mửa, đau bụng, biếng ăn
  • Chảy nước dãi, hôi miệng

Phân loại viêm amidan (cấp tính và mạn tính)

Viêm amidan cấp tính

Viêm amidan cấp tính xảy ra khi cơ thể nhiễm virus hoặc vi khuẩn. Bệnh khởi phát đột ngột với dấu hiệu là: sốt cao 39 – 40 độ C, đau rát họng, khó nuốt, nhức đầu, mệt mỏi. Các biểu hiện tiếp theo như: amidan đỏ và sưng to, có những đám xuất tiết trên bề mặt amidan, hạch cổ, lưỡi trắng. Có thể kèm vài rối loạn tiêu hoá như buồn nôn, nôn ói, đau bụng, táo bón.


Một số trường hợp người trẻ ( 5 – 18 tuổi) bị viêm amidan cấp tính do nhiễm liên cầu khuẩn Streptococcus nhóm A, có thể gây sốt thấp khớp, dẫn tới viêm khớp, viêm tim.

Khi bị viêm amidan cấp tính, cần can thiệp điều trị nhanh chóng, tránh các biến chứng nguy hại sang cơ quan khác như viêm tai giữa, viêm thanh quản, viêm họng, viêm phổi, viêm phế quản,… Đồng thời, chữa khỏi viêm amidan cấp tính để ngăn ngừa bệnh tiến triển thành viêm amidan mạn tính, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khoẻ.

Viêm amidan mạn tính

Viêm amidan mạn tính là tình trạng tái phát viêm amidan, khoảng 4 – 5 đợt/năm, hoặc viêm mạn kéo dài liên tục nhiều tuần. Triệu chứng nhẹ hơn viêm amidan cấp tính nhưng khá dai dẳng: đau họng nhiều lần, khó nuốt, sốt nhẹ tái lại, đau nhức mình mẩy, ho khan, ho kéo dài, hôi miệng. Bởi vì viêm trở đi trở lại, cơ thể người bệnh sẽ luôn trong trạng thái mệt mỏi, rát họng, thay đổi giọng nói, thở khò khè, thậm chí là gặp hội chứng ngưng thở khi ngủ.

Nếu viêm amidan mạn tính trên 1 tháng, amidan sẽ sưng to và sẫm màu, có thể chảy mủ, xuất hiện sỏi amidan như hạt gạo ở kẽ niêm mạc và biến chứng dẫn đến đau tai, viêm tai. Người bệnh cần thực hiện các thủ thuật y tế để loại bỏ sỏi amidan và chữa biến chứng.

Phương pháp điều trị viêm amidan

Viêm amidan là bệnh lý viêm nhiễm thông thường có thể chữa khỏi dứt điểm. Những phương pháp điều trị viêm amidan gồm có:

Dùng thuốc

Sau khi xác định nguyên nhân gây viêm nhiễm, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc kháng sinh. Người bệnh tuân thủ chỉ dẫn của bác sĩ, uống đúng thuốc và đủ liều lượng kể cả khi đã hết triệu chứng. Không nên ngưng thuốc giữa chừng vì có thể tái phát viêm hoặc gây biến chứng nhiễm trùng nặng, lây lan sang tai, họng hoặc dễ bị sốt thấp khớp.

Phẫu thuật

Một số trường hợp viêm amidan nặng, thuốc kháng sinh không có tác dụng, người bệnh có thể bị áp xe. Bác sĩ sẽ chỉ định làm phẫu thuật cắt bỏ amidan. Đây là phương pháp hữu hiệu để điều trị dứt điểm tình trạng viêm và hạn chế bệnh đường hô hấp về sau.


Các mẹo dân gian

Để giảm tình trạng viêm nhiễm và đau họng, một số mẹo dân gian có thể áp dụng như:

  • Súc miệng bằng nước muối sinh lý: Ngửa mặt lên trời, khò nhẹ họng bằng nước muối để làm sạch vùng amidan bị viêm nhiễm. Nhiều người cũng súc miệng bằng nước ép hành, tỏi,… nhưng không an toàn bằng dùng nước muối.
  • Gừng ngâm mật ong: Làm sạch và cắt gừng thành lát nhỏ, ngâm trong mật ong rồi ngậm mỗi ngày. Các triệu chứng viêm amidan sẽ được thuyên giảm bớt.

Phòng ngừa viêm amidan

Để phòng ngừa viêm amidan, cả người lớn và trẻ em đều phải chủ động thực hiện những biện pháp như:

Chế độ ăn lành mạnh

  • Bổ sung đầy đủ vitamin và khoáng chất có trong trái cây, rau xanh, …
  • Uống đủ nước tùy theo cân nặng, trung bình 2 lít/ngày.
  • Hạn chế ăn các thực phẩm cay nóng, dầu mỡ, đồ ăn thức uống quá lạnh.
  • Tránh nước uống có gas, bia rượu, không hút thuốc lá.
  • Ăn thức ăn mềm nếu xảy ra tình trạng đau họng, khó nuốt.

Thói quen sống khoa học

  • Giữ gìn không gian sống sạch sẽ, không khói bụi, ẩm mốc.
  • Súc họng bằng nước muối sinh lý, giữ vệ sinh răng miệng.
  • Thường xuyên vận động, tập thể thao, kết hợp nghỉ ngơi vừa phải.
  • Giữ ấm cho vùng cổ, họng khi thời tiết chuyển lạnh.

Thăm khám định kỳ

Tất cả mọi người đều nên khám sức khỏe tổng quát định kỳ. Đặc biệt, trẻ em phải được đưa khi khám ngay khi xuất hiện dấu hiệu viêm amidan. Hãy phối hợp với liệu trình điều trị của bác sĩ và tự chăm sóc sức khỏe. Đồng thời, sau khi hết bệnh, cần tuân thủ lịch tái khám để ngăn tái phát viêm amidan.


Trường hợp nào nên cắt viêm amidan?

Những trường hợp cần cắt amidan để tránh tình trạng viêm nhiễm kéo dài, tái phát và gây biến chứng nguy hiểm:

  • Amidan có kích thước quá to, gây sưng viêm, đau rát họng, không nuốt được, ngủ mê sảng, tắc nghẽn đường thở.
  • Viêm amidan mạn tính không thể chữa khỏi bằng thuốc kháng sinh, tái phát nhiều lần (4 – 5 đợt/năm).
  • Viêm amidan ảnh hưởng tới các bộ phận khác: viêm tai giữa, viêm họng, viêm xoang, …
  • Viêm amidan gây viêm hạch cổ nặng, tạo nhiều sỏi amidan hoặc áp xe quanh amidan.
  • Nghi ngờ có khối u ác tính ở vùng amidan.

Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn – địa chỉ tin cậy để khám và điều trị viêm amidan

Viêm amidan là bệnh thường gặp, có thể tự chữa khỏi tại nhà. Tuy nhiên, để đảm bảo dứt điểm viêm amidan cấp tính, ngăn tình trạng tái phát thành mạn tính và tránh các biến chứng về sau, người bệnh nên đến các cơ sở y tế để được bác sĩ chỉ định giải pháp điều trị tối ưu.

Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn với đội ngũ bác sĩ chuyên khoa Tai Mũi Họng hàng đầu là lựa chọn an toàn và đáng tin cậy cho mọi người. Người bệnh có thể yên tâm rằng bệnh viêm amidan sẽ không còn là điều đáng lo ngại.

Đặc biệt, bệnh viện hiện đang áp dụng phẫu thuật cắt amidan bằng máy Coblator trong điều trị viêm amidan mạn tính trở nặng. Đây là phương pháp ưu việt nhất, sử dụng đầu dò đa chức năng và sóng radio cao tần, mang đến những lợi ích:

  • Hạn chế tối đa thương tổn các mô xung quanh.
  • Ít gây đau, giảm chảy máu, ngăn phù nề sau mổ.
  • Thời gian phẫu thuật khá nhanh, chỉ từ 15 – 30 phút.
  • Vết mổ hồi phục nhanh, người bệnh có thể ăn uống, nói chuyện sau 4 tiếng.
  • Loại bỏ hoàn toàn ổ viêm nhiễm, không gây biến chứng về sau.

Không chỉ sử dụng máy Coblator thế hệ mới, mà các trang thiết bị khác của bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn cũng thuộc loại tối tân, đảm bảo giúp điều trị dứt điểm viêm amidan. Hệ thống phòng ốc cũng sạch sẽ, hiện đại, mang đến cảm giác hài lòng nhất cho mọi người.

Để thăm khám và điều trị viêm amidan, hãy đến những cơ sở y tế uy tín như bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn nhé.

Liên hệ tổng đài Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn 028 3990 2468 (nhấn phím 0) để được tư vấn về gói phẫu thuật cắt Amidan.