Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn

Xuất huyết đường ruột: nguyên nhân và cách điều trị

22/08/2024

Xuất huyết đường ruột là triệu chứng cảnh báo nhiều bệnh lý về đường tiêu hoá, cần thăm khám sớm để chẩn đoán tìm ra nguyên nhân và điều trị kịp thời. Nhiều trường hợp chữa trị không đúng cách hoặc chậm trễ có thể dẫn đến biến chứng nghiêm trọng, thậm chí là tăng nguy cơ tử vong. Bài viết sẽ cung cấp thông tin về nguyên nhân và cách điều trị hiệu quả.

Chảy máu tiêu hóa (xuất huyết đường ruột) là gì?

Xuất huyết đường ruột (hay còn gọi chảy máu tiêu hóa) là tình trạng chảy máu ở bất kỳ đoạn nào của ống tiêu hoá. Tuỳ vào mức độ tổn thương mà tình trạng xuất huyết có thể ở mức độ nhẹ, lượng máu chảy ra khá ít nên khó phát hiện hoặc chảy máu nhiều, mất kiểm soát, cần được cấp cứu kịp thời nếu không sẽ đe dọa đến tính mạng.

Căn cứ vào vị trí xuất huyết mà chia thành 2 dạng:

  • Xuất huyết tiêu hóa trên: Xuất huyết từ thực quản kéo dài đến vị trí D4 trên dây chằng Triez, bao gồm thực quản, dạ dày, tá tràng.
  • Xuất huyết tiêu hóa dưới: Chảy máu kích hoạt từ dây chằng Triez kéo dài đến hậu môn, bao gồm ruột non, đại tràng, trực tràng, ống hậu môn và hậu môn.

Xuất huyết tiêu hoá không phải là bệnh mà là triệu chứng cảnh báo nhiều bệnh lý nghiêm trọng, cần thăm khám, chẩn đoán nguyên nhân và điều trị càng sớm càng tốt để tránh biến chứng nguy hiểm. Nhiều trường hợp, chảy máu tiêu hoá là dấu hiệu của ung thư, nếu chữa trị chậm trễ thì tăng nguy cơ tử vong.

Triệu chứng xuất huyết đường ruột

Tuỳ thuộc vào vị trí và mức độ chảy máu trong đường tiêu hoá mà có những dấu hiệu khác nhau. Có thể nhận biết xuất huyết đường ruột bằng cách quan sát chất nôn hoặc phân.

Một số triệu chứng xuất huyết tiêu hoá như sau:

  • Nôn ra máu hơi đỏ hoặc nâu sẫm, lẫn trong dịch nhầy loãng hoặc thức ăn
  • Phân đen hoặc sệt như hắc ín, mùi hôi tanh
  • Phân lẫn máu đỏ tươi, đỏ sẫm, hoặc nâu sậm
  • Máu đỏ trong bồn cầu hoặc giấy vệ sinh
  • Xuất huyết vi thể chỉ tìm thấy máu qua xét nghiệm phân

Khi mức độ chảy máu nặng (lượng máu trên 1000ml), người bệnh có thể xuất hiện triệu chứng như vã mồ hôi, da tái nhợt, chóng mặt, tay chân lạnh, vật vã, hạ huyết áp, thở nhanh và nông, rối loạn tri giác, tiểu tiện ít, ngất xỉu… Ngoài ra, nếu có biểu hiện đau vùng thượng vị, hoặc đau bụng quằn quại thì cũng cần đi khám ngay để tìm ra nguyên nhân và điều trị kịp thời.

Nguyên nhân xuất huyết đường ruột

Xuất huyết đường ruột không phải bệnh mà là triệu chứng của một số bệnh lý nguy hiểm. Dựa vào vị trí tổn thương, có nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra xuất huyết đường ruột như:

  • Viêm ruột mạn tính (Inflammatory Bowel Disease): viêm thực quản, viêm dạ dày, loét dạ dày – tá tràng, viêm loét đại trực tràng, viêm ruột hoại tử, bệnh Crohn (viêm ruột từng vùng),… Các yếu tố nguy cơ sinh bệnh gồm có vi khuẩn, virus, ký sinh trùng, di truyền, không ăn chín uống sôi,…
  • Polyp đại tràng: Là khối nhỏ các tế bào hình thành tại niêm mạc đại tràng, gây chảy máu nhẹ kéo dài, qua thời gian có nguy cơ tiến triển thành ung thư đại tràng.
  • Hội chứng Mallory-Weiss: Là tình trạng niêm mạc thực quản xuất hiện vết rách do nôn mửa nặng, nôn khan, nôn lặp đi lặp lại, la hét, ho nghiêm trọng,… Người bệnh có thể nôn ra máu hoặc đi ngoài phân đen.
  • Bệnh túi thừa: Túi thừa là những túi da và mỡ nhỏ nhô ra trong thành ruột. Túi thừa bị viêm hoặc thủng có thể gây nhiễm trùng ổ bụng, chảy máu, áp xe, tắc ruột,….
  • Bệnh lỵ: Có 2 loại là lỵ trực khuẩn (do trực khuẩn Shigellosis) và lỵ amip (do loại amip Entamoeba histolytica). Người bệnh sẽ bị tiêu chảy lẫn máu, mót rặn, đau hậu môn sau khi đi đại tiện…
  • Bệnh thương hàn: Là bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn Salmonella typhi gây ra, nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến biến chứng xuất huyết đường ruột, thủng ruột,…
  • Các tổn thương và bệnh nhiễm trùng ở ruột non: Do lồng ruột, lao ruột, nhiễm ký sinh trùng (giun móc), loét túi thừa Meckel, ung thư ruột non. Bệnh sốt xuất huyết cũng có thể gây chảy máu ở ruột non.
  • Tổn thương mạch máu (Angiodysplasia): Các mạch máu (mao mạch nhỏ, tĩnh mạch, động mạch) trong thành ống tiêu hoá khi bị giãn bất thường, dễ vỡ và gây chảy máu đường ruột.
  • Bệnh lý vùng trực tràng – hậu môn: Bệnh trĩ, nứt kẽ hậu môn, nhiễm trùng đường tình dục… có thể gây xuất huyết niêm mạc hậu môn và trực tràng.
  • Ung thư: Các loại ung thư ống tiêu hoá như ung thư thực quản, ung thư dạ dày, ung thư ruột non, ung thư đại trực tràng, ung thư hậu môn… có thể gây xuất huyết.
  • Chảy máu sau phẫu thuật: Ví dụ như sau cắt polyp, cắt cơ vòng hay sinh thiết).
  • Các nguyên nhân khác: Vỡ túi phình động mạch chủ bụng, bệnh máu khó đông (Hemophilia), nuốt phải dị vật hoặc sử dụng thuốc chống viêm không steroid (tiếng Anh: non-steroidal anti-inflammatory drug, viết tắt là NSAID), thuốc chống đông và chống tập kết tiểu cầu clopidogrel…
Ung thư ống tiêu hoá là một trong những nguyên nhân gây xuất huyết tiêu hoá

Ung thư ống tiêu hoá là một trong những nguyên nhân gây xuất huyết tiêu hoá

Xuất huyết đường ruột có nguy hiểm không?

Xuất huyết đường ruột chỉ là triệu chứng bệnh nhưng nếu không được điều trị kịp thời thì có nguy cơ dẫn đến những biến chứng cực kỳ nghiêm trọng. Có thể kể đến như:

  • Thiếu máu: Tình trạng xuất huyết kéo dài dẫn đến thiếu huyết sắc tố và hồng cầu, khiến người bệnh bị thiếu máu. Không chỉ đau đầu, đau ngực, khó thở, suy nhược, mà người bệnh còn có thể trở nên mất tỉnh táo, co giật, ngất xỉu…
  • Giảm thể tích máu (Hypovolemia): Xuất huyết tiêu hoá cấp tính gây mất máu nghiêm trọng làm cản trở hoạt động bơm máu của tim đến các cơ quan khắp cơ thể. Nếu tình trạng kéo dài, người bệnh có thể bị tê liệt, nhũn não, mất ý thức, hôn mê.
  • Sốc: Chảy máu tiêu hoá tiến triển toàn bộ cơ thể thiếu máu, các cơ quan bị tổn thương. Nếu không được điều trị kịp thời, thì các cơ quan khó phục hồi, có thể bị hoại tử, liệt vĩnh viễn hoặc thậm chí là tử vong.

Những biến chứng của xuất huyết tiêu hoá vô cùng nguy hiểm, nhiều trường hợp là cần cấp cứu nội khoa ngay lập tức. Nếu xử lý chậm trễ hoặc không đúng cách, xuất huyết đường ruột có thể ảnh hưởng đến tính mạng. Do đó, người bệnh cần thăm khám, chẩn đoán sớm và nhanh chóng điều trị.

Điều trị xuất huyết đường ruột như thế nào?

Dựa vào nguyên nhân gây xuất huyết tiêu hoá, vị trí và mức độ chảy máu mà bác sĩ sẽ lên chỉ định các phương án điều trị thích hợp. Những cách điều trị xuất huyết đường ruột bao gồm:

1. Sử dụng thuốc

Các loại thuốc được kê đơn tuỳ vào bệnh lý mắc phải. Bác sĩ có thể chỉ định bù sắt (đường uống hoặc tiêm tĩnh mạch). Nếu tình trạng chảy máu nghiêm trọng, cần tiến hành truyền hồng cầu cho người bệnh.

2. Can thiệp điều trị trong quá trình nội soi chẩn đoán

Trong quá trình nội soi chẩn đoán bệnh lý, bác sĩ có thể tiến hành các biện pháp can thiệp để cầm máu đường ruột. Một số thủ thuật thực hiện kèm nội soi như:

2.1. Tiêm cầm máu

  • Xuất huyết do giãn tĩnh mạch thực quản: Tiêm dung dịch các chất gây xơ hóa (Ethanol, Polidocanol) và keo sinh học (keo thrombin/fibrin).
  • Các trường hợp xuất huyết khác: Tiêm dung dịch nước muối sinh lý pha Adrenalin (hoặc Epinephrine).
  • Dung dịch Epinephrine chèn ép và gây co mạch các tổ chức dưới niêm mạc tại vị trí mạch máu đang chảy máu, nhờ đó cầm máu nhanh chóng.
  • Cần sử dụng kết hợp phương pháp khác để tăng hiệu quả trong việc ngừa xuất huyết tái phát.

2.2. Phương pháp sử dụng nhiệt (Thermal therapy)

Dưới tác dụng của nhiệt độ, các mạch chảy máu sẽ bị phá huỷ giúp cầm máu. Trị liệu nhiệt chia làm 2 nhóm là tiếp xúc trực tiếp và không tiếp xúc.

  • Tiếp xúc trực tiếp sử dụng đầu dò nhiệt Heater probe, Bipolar probe và Forceps cầm máu. Đầu dụng cụ tiếp xúc trực tiếp với mạch máu, phá huỷ mô giúp cầm máu nhờ nhiệt độ hoặc dòng điện xoay chiều.
  • Sử dụng dòng điện đơn cực tần số cao Argon Plasma Coagulation (APC) tạo ra luồng khí ion hóa, phun trực tiếp vào các mạch máu tổn thương để cầm máu. Thủ thuật này tiếp cận được các vị trí tổn thương khó tiếp xúc, cầm máu được ở các mạch máu nông bề mặt.

2.3. Phương pháp cơ học (Mechanic therapy)

Bao gồm Over-the-scope clip OTSC và thắt vòng cao su.

  • OTSC sử dụng dụng cụ khâu kín lỗ rò hoặc lỗ thủng trong ống tiêu hoá để cầm máu. Phương pháp này gặp hạn chế khi khó tiếp cận những tổn thương ở vị trí khó và không hiệu quả nếu ổ loét có bờ và đáy xơ hoá.
  • Thắt vòng cao su là thủ thuật dùng ống nội soi để thắt búi giãn tĩnh mạch thực quản – dạ dày hoặc thắt búi trĩ, ngăn tổn thương Mallory-Weiss, giúp trị xuất huyết đường ruột.

2.4. Dùng chất cầm máu tại chỗ (Topical hemostatic agents)

  • Thông qua ống nội soi, phun trực tiếp các chất cầm máu tại chỗ vào vị trí tổn thương. Các chất này sẽ chèn ép và hoạt hoá yếu tố đông máu, ngăn xuất huyết.
  • Có 3 nhóm chính: EndoClot (EndoClot, EndoClot Plus Inc), TC-325 (Hemospray, Cook Medical Inc), và Ankaferd Blood Stopper (Ankaferd Health Products).
  • Phương pháp này tiếp cận được những tổn thương xuất huyết ở vị trí khó, dễ thực hiện.

3. Chụp mạch và can thiệp nội mạch

Catheter chứa thuốc cản quang được luồn tới vị trí mạch máu nối với mạch cần chụp, cho hình ảnh mạch máu trên máy tính. Trong quá trình đó, bác sĩ can thiệp nội mạch bằng các thủ thuật nong mạch máu, đặt stent, lấy huyết khối, cắt polyp, sửa chữa mạch máu dị dạng, bít tắc mạch vỡ,… để giảm tưới máu tới điểm xuất huyết. Nhờ đó, cầm máu nhanh chóng và hiệu quả cho những người bị xuất huyết tiêu hóa nặng nhưng không thể điều trị bằng nội soi.

4. Phẫu thuật

Trường hợp người bệnh bị xuất huyết đường ruột cấp tính, không thể can thiệp điều trị nội soi, không can thiệp nội mạch thông qua chụp mạch, thì bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật. Tùy vào vị trí và mức độ xuất huyết, tình trạng sức khỏe người bệnh mà áp dụng những phương án phẫu thuật khác nhau.

Khám và điều trị xuất huyết đường ruột tại bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn

Nếu phát hiện dấu hiệu xuất huyết đường ruột, cần đến các bệnh viện uy tín để thăm khám và điều trị càng sớm càng tốt. Trường hợp bị xuất huyết nặng khiến người bệnh mất ý thức, sốc hoặc ngất xỉu, gia đình cần ngay lập tức liên hệ với hệ thống cấp cứu y tế để được sơ cứu kịp thời. Cần chống sốc bằng một số thuốc nâng huyết áp, máy thở oxy, hoặc truyền dịch hỗ trợ cải thiện tình trạng mất máu. Sau đó, phải nhanh chóng chuyển người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất.

Để phòng ngừa những biến chứng nguy hiểm của xuất huyết tiêu hoá, những người có nguy cơ cao cần thăm khám định kỳ để sớm chẩn đoán bệnh đường tiêu hoá và điều trị kịp thời.

Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn là cơ sở y tế uy tín, áp dụng các kỹ thuật chẩn đoán tiên tiến để tìm ra nguyên nhân chính xác gây chảy máu tiêu hoá. Đặc biệt là đội ngũ bác sĩ chuyên khoa giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực nội soi, can thiệp nội soi cầm máu, can thiệp nội mạch và cả phẫu thuật để ngăn chảy máu đường ruột, giúp chữa trị hiệu quả, tăng khả năng phục hồi sức khoẻ cho người bệnh. Người bệnh được theo dõi sát sao, điều trị dứt điểm và hướng dẫn thay đổi chế độ dinh dưỡng, cách chăm sóc sức khỏe để ngăn tái phát tình trạng xuất huyết.

Ngoài ra, bệnh viện còn cung cấp những gói khám, dịch vụ tầm soát bệnh lý ống tiêu hoá, tầm soát ung thư tiêu hoá cực kỳ chuẩn xác và hiệu quả. Quy trình thăm khám và tầm soát được thực hiện nhanh chóng và đơn giản. Hệ thống trang thiết bị y tế, máy móc hiện đại tại bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn sẽ hỗ trợ bác sĩ phát hiện sớm các vấn đề bất thường tại đường tiêu hoá, giúp chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Đăng ký thăm khám và điều trị xuất huyết đường ruột và các bệnh lý đường tiêu hoá ở bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn TẠI ĐÂY.

Bác sĩ chuyên khoa Tiêu hóa thăm khám cho người bệnh trước khi xuất viện

Bác sĩ chuyên khoa Tiêu hóa thăm khám cho người bệnh trước khi xuất viện