TẤT TẦN TẬT VỀ KHỐI U NÃO VÀ BỆNH U NÃO? NGUYÊN NHÂN VÀ DẤU HIỆU NHẬN BIẾT
08/10/2024Khối u não là tập hợp những tế bào bất thường phát triển trong não. Là căn bệnh thường xuất hiện ở trẻ em dưới 15 tuổi và trên 70 tuổi, bệnh u não ảnh hưởng trực tiếp đến chức năng não bộ, xâm lần và phá hủy mô não. Ở trẻ em, u não có thể làm suy giảm nhận thức, mắc các di chứng nặng nề suốt đời.
Khối U não là gì?
U não là tình trạng các tế bào bất thường tăng trưởng trong não. Các khối u não có thể ác tính (gây ung thư) hoặc lành tính (không ung thư). Có một số khối u phát triển nhanh chóng, trong khi những khối u khác phát triển chậm.
Chỉ khoảng một phần ba các khối u não là ung thư. Nhưng cho có phải là ung thư hay không, các khối u não có thể ảnh hưởng đến chức năng não và sức khỏe nếu phát triển đủ lớn để chèn ép vào các dây thần kinh, mạch máu và mô xung quanh.
Bệnh u não là bệnh liên quan đến ung thư gây tử vong cao nhất ở mọi độ tuổi
Bệnh u não có nguy hiểm không?
Theo nghiên cứu, bệnh u não là bệnh liên quan đến ung thư gây tử vong cao nhất ở các bệnh nhân dưới 14 tuổi và cao thứ 2 cho người dưới 20 tuổi.
Tùy theo tuổi tác, chủng tộc, kích thước, loại khối u não và sức khỏe tổng thể, tỷ lệ sống sót của bệnh u não sẽ thay đổi. Tỷ lệ sống sót sau 5 năm chẩn đoán mắc u não lành tính:
- Trên 96% cho trẻ từ 14 tuổi trở xuống.
- 97% ở những người từ 15 đến 39 tuổi.
- Trên 87% ở người lớn từ 40 tuổi trở lên.
Tỷ lệ sống sót tùy thuộc vào thể trạng và mức độ di căn của khối u não.
Phân loại khối u não
Hiện nay, các nhà nghiên cứu đã xác định được hơn 150 khối u não khác nhau và phân loại chúng dựa trên nguồn gốc, tính chất và cấp độ.
U não: sự phát triển của tế bào bình thường và tế bào ung thư
Phân loại theo nguồn gốc
U não nguyên phát
Các khối u não nguyên phát hình thành từ chính não bộ hoặc trong các mô gần não như: Các màng bao bọc não (màng não), dây thần kinh sọ, tuyến yên hoặc tuyến tùng.
Xuất phát từ não hoặc từ nhu mô não, các khối u não nguyên phát khởi phát khi các tế bào bình thường gặp lỗi (đột biến) trong DNA của chúng. Những đột biến này cho phép các tế bào phát triển và phân chia với tốc độ nhanh và tiếp tục sống trong khi các tế bào khỏe mạnh sẽ chết. Kết quả là dẫn đến hình thành 1 khối các tế bào bất thường, tạo thành khối u.
Ví dụ như u thần kinh đệm, bao gồm u tế bào hình sao, u thần kinh đệm ít nhánh và u màng não thất; u nguyên bào tủy) hoặc trong các cấu trúc ngoài dây thần kinh (ví dụ: u màng não, u bao dây thần kinh số VIII, các u tế bào xung quanh khác)
U não thứ phát
Các khối u não thứ phát (di căn) là các khối u do ung thư bắt đầu từ nơi khác trong cơ thể và sau đó di căn đến não bộ. Trong đó có khoảng 50% số trường hợp nguyên nhân gây u não thứ phát là do di căn đến từ ung thư phổi, theo sau đó là di căn từ ung thư vú, thận, da, đại tràng, hắc tố,…
Các khối u não thứ phát thường gặp nhất ở những bệnh nhân có tiền sử ung thư. Ở một số trường hợp hiếm gặp, khối u não di căn có thể là dấu hiệu đầu tiên cảnh báo bệnh ung thư bắt đầu ở những nơi khác trong cơ thể.
Phân theo tính chất
U não lành tính
Là khối u không chứa tế bào ung thư nhưng vẫn có thể chèn ép hệ tuần hoàn não, ảnh hưởng đến sức khỏe đe dọa tính mạng bệnh nhân. Tuy u não lành tính có thể cắt bỏ, ít tái phát, ranh giới của u não lành tính khá rõ ràng, không xâm lấn sang các mô xung quanh hay di căn đến các vị trí khác trong cơ thể, thế nhưng u não lành tính có thể trở thành ác tính.
U não ác tính
Là khối u chứa tế bào ung thư, khối u tấn công các mô xung quanh, có thể di căn sang các vùng quanh não và đe dọa trực tiếp đến tính mạng. Khoảng 78% khối u não nguyên phát gây ung thư là u thần kinh đệm . Những khối u này phát triển trong các tế bào thần kinh đệm, bao quanh và hỗ trợ các tế bào thần kinh. Các loại u thần kinh đệm bao gồm:
- U sao bào (Astrocytomas)
- U màng não thất
- U nguyên bào thần kinh đệm
- U thần kinh đệm ít nhánh
- U nguyên bào tủy
Phân theo cấp độ
Để xác định cấp độ (giai đoạn) của khối u, bác sĩ sẽ phân chia khối u não theo 4 giai đoạn dựa trên đặc điểm của tế bào khối u dưới kính hiển vi. Hình dạng mẫu tế bào khối u trông càng bình thường (giống với tế bào khỏe mạnh) thì cấp độ u não càng thấp.
- Giai đoạn 1: Ở giai đoạn này, khối u não trông rất giống các tế bào não khỏe mạnh, ít có khả năng lây lan và tái phát. Vì thế, khi phát hiện kịp thời người bệnh sẽ phẫu thuật ngay lập tức
- Giai đoạn 2: Tế bào khối u não sẽ xuất hiện sự khác biệt nhỏ so với các tế bào khỏe mạnh, khả năng phát triển và lây lan chậm, tuy nhiên có nhiều khả năng tái phát. Ở giai đoạn này, phẫu thuật sẽ là phương pháp điều trị chính, tùy theo trường hợp sẽ tiến hành xạ trị và hóa trị.
- Giai đoạn 3: Lúc này, các tế bào khối u não trông bất thường hơn hẳn, khối u dễ lây lan nhanh vào phần khác của não và tủy sống, đồng thời khả năng tái phát cao.Nhiều khả năng cần xạ trị và hóa trị sau khi phẫu thuật.
- Giai đoạn 4: Cho đến giai đoạn này, sự bất thường của các tế bào khối u trở nên rõ rệt, khối u dễ lây lan nhanh và khả năng tái phát cực kỳ cao. Lúc này, hóa trị và xạ trị là phương pháp điều trị bắt buộc.
Các loại khối u não phổ biến
U màng não: Là khối u não nguyên phát phổ biến nhất, chiếm hơn 30% trong tất cả các khối u não, bắt nguồn từ màng não, ba lớp mô bên ngoài bao phủ và bảo vệ não ngay dưới hộp sọ. Khoảng 85% u màng não là khối u lành tính, phát triển chậm, có khả năng tái phát dưới 20% và thường xuất hiện ở phụ nữ.
U tuyến yên: Là một loại khối u phát triển trong các tuyến yên, có xu hướng phát triển với tốc độ chậm. Khoảng 10% u não nguyên phát được chẩn đoán là u tuyến gây ra các vấn đề về thị lực và nội tiết. Tuy nhiên, điều đáng mừng u tuyến yên là khối u lành tính và có thể điều trị bằng phẫu thuật hoặc thuốc.
U thần kinh đệm: Còn gọi là u não Gliomas vì đây là khối u não bắt đầu từ thần kinh đệm, nhưng đôi khi nó có thể được tìm thấy trong tủy sống. Những khối u này phát sinh từ các tế bào thần kinh đệm bao quanh và hỗ trợ các tế bào thần kinh. U não Gliomas là loại u não nguyên phát ác tính, chiếm khoảng 50,4% tổng số các ca u não và 78% các ca có khối u não nguyên phát ác tính.
U thần kinh ngoại biên: Do các nguyên bào sợi tăng trưởng bao quanh bó thần kinh gây ra và chiếm khoảng 10% tổng số ca bị u não. Hầu hết các khối u thần kinh ngoại biên là lành tính (không phải ung thư). Tuy nhiên, khối u chèn ép thần kinh gây đau và có thể làm mất khả năng kiểm soát cơ bắp.
Có hơn 150 khối u não được phát hiện dựa trên nguồn gốc, tính chất và cấp độ
Nguyên nhân gây ra bệnh u não
Tuổi tác
Khối u não và bệnh u não có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Tuy nhiên, người có độ tuổi càng lớn (85 – 89 tuổi) thì càng có nguy cơ bị u não. Mặc dù vẫn có một số loại u não phổ biến hơn ở trẻ em dưới 15 tuổi.
Chủng tộc:
Nhưng một số loại khối u não phổ biến hơn ở những người thuộc chủng tộc nhất định. Ví dụ, u thần kinh đệm thường xảy ra phổ biến hơn ở người da trắng., trong khi đó U màng não phổ biến hơn ở người da màu.
Tiền sử gia đình (di truyền)
Theo nghiên cứu, khoảng 5-10% tổng số ca ung thư là do di truyền. Có một số hội chứng di truyền hiếm gặp, di truyền (từ cha mẹ sang con cái) có liên quan đến các khối u não, bao gồm:
- U xơ thần kinh loại 1 (gen NF1).
- U sợi thần kinh loại 2 (gen NF2).
- Hội chứng Turcot (gen APC).
- Hội chứng Gorlin (gen PTCH).
- Phức hợp xơ cứng củ (gen TSC1 và TSC2).
- Hội chứng Li-Fraumeni (gen TP53).
Tiếp xúc với bức xạ
Những người tiếp xúc với một loại bức xạ mạnh có nguy cơ mắc bệnh u não cao hơn. Bức xạ mạnh này được gọi là bức xạ ion hóa. Bức xạ ion hóa là một loại bức xạ được sử dụng bởi một số quy trình quét y tế, chẳng hạn như chụp X-quang và chụp CT, dùng để điều trị ung thư và phơi nhiễm phóng xạ do bom nguyên tử gây ra. Khi bức xạ đủ mạnh để gây ra những thay đổi DNA trong các tế bào của cơ thể sẽ hình thành các khối u não dẫn đến ung thư.
Ngoài ra, các yếu tố thừa cân và béo phì, cùng chế độ ăn uống thiếu khoa học cũng làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh u não
Dấu hiệu và triệu chứng bệnh u não
Dấu hiệu u não do áp lực nội sọ
- Đau đầu: có thể nghiêm trọng hơn vào buổi sáng làm bạn dậy vào ban đêm.
- Co giật
- Tính cách thay đổi.
- Yếu hoặc liệt một phần hoặc một bên cơ thể.
- Vấn đề về mất thăng bằng, ví dụ chóng mặt .
- Các vấn đề về tầm nhìn bị giới hạn.
- Thính lực bị ảnh hưởng.
- Tê hoặc ngứa ran trên mặt .
- Buồn nôn hoặc nôn mửa .
- Nhầm lẫn và mất phương hướng.
Dấu hiệu u não do vị trí khối u
- U não thùy trán: Tê tay, tê chân, run tay, run chân, chuyển động tay không thể kiểm soát, đi lại khó khăn. Về tai – mũi – họng, Suy giảm khả năng nghe, vị giác hoặc khứu giác. Dễ có cảm giác buồn nôn hoặc nôn mửa liên tục. Thay đổi giọng nói, ăn không ngon, mất mùi, sụt cân. Đồng thời tính cách thay đổi thất thường khác trước.
- U não thùy thái dương: Mất trí nhớ ngắn hạn, khó nghe, nói và biểu đạt.
- U não thùy đỉnh: Là khu vực lưu trữ thông tin, khối u ở khu vực này có thể gây khó viết, khó đọc, khó nuốt, khó hiểu những gì người khác đang nói, mất cảm giác ở một phần cơ thể.
- U não thùy chẩm: Khối u nằm trong khu vực này có thể gây ra các vấn đề về thị lực như: Tầm nhìn bị tối, hoa mắt, ảnh bị nhòe, khó xác định màu sắc và kích thước của vật thể.
- U não vùng tiểu não: Tiểu não kiểm soát vấn đề phối hợp đi đứng và cân bằng, khối u não ở đây sẽ gây chuyển động không kiểm soát của mắt như giật mí mắt, đi đứng không vững.
- U não vùng thân não: Thân não kiểm soát các chức năng quan trọng của cơ thể như hô hấp. Một khối u ở khu vực này có thể gây ra khó nuốt và khó nói, đi lại khó khăn.
- U não tuyến yên: Tuyến yên tạo ra các hormone quan trọng cho cơ thể bạn hoạt động. Một khối u trong khu vực này của não có thể gây ra tăng cân, lượng đường trong máu cao (tiểu đường).
- U não tuyến tùng: Là khu vực phụ trách việc kiểm soát giấc ngủ. Các khối u trong khu vực này có thể khiến người bệnh mất ngủ, mệt mỏi, đau đầu, mất thăng bằng khi đi bộ.
- U não tủy sống: Tủy sống là một bó dây thần kinh dài trải dài từ não đến phần dưới của lưng. Một khối u trong tủy sống có thể gây đau và tê hoặc yếu ở các bộ phận khác nhau của cơ thể. Bạn cũng có thể mất kiểm soát bàng quang hoặc ruột, ảnh hưởng đến bài tiết và tiêu hóa.
Khối u não gây đau đớn và ảnh hưởng đến hoạt động thường ngày
Cách chẩn đoán bệnh u não
Khi nhận thấy một số dấu hiệu của bệnh u não, bác sĩ sẽ xét nghiệm để chẩn đoán khối u não, bao gồm việc:
Chụp cộng hưởng từ hoặc chụp CT não : Chụp cộng hưởng từ (MRI) là xét nghiệm hình ảnh tốt nhất để xác định các khối u não. Chụp cắt lớp vi tính (CT) là một lựa chọn thay thế tốt nếu bạn không thể chụp MRI. Các xét nghiệm này có thể cho thấy kích thước và vị trí chính xác của khối u, và xác định liệu khối u có lan rộng sang các bộ phận khác hay không.
Sinh thiết : Để xác định loại khối u và xem nó có phải là ung thư hay không. Bác sĩ giải phẫu thần kinh có thể thực hiện sinh thiết trong quá trình phẫu thuật để loại bỏ tất cả hoặc một phần khối u. Nếu khối u khó tiếp cận, họ có thể thực hiện sinh thiết lập thể, bao gồm tạo một lỗ nhỏ trên hộp sọ của bạn và sử dụng kim để lấy mẫu mô từ khối u.
Các xét nghiệm chuyên biệt : Đây là xét nghiệm kiểm tra máu và dịch não tủy của người bệnh để tìm các chất mà một số khối u tiết ra được gọi là chất đánh dấu khối u. Họ cũng có thể kiểm tra các bất thường về gen đặc trưng của một số khối u.
Chụp cộng hưởng từ (MRI) là xét nghiệm hình ảnh tốt nhất để xác định các khối u não
Các phương pháp điều trị bệnh u não
Tùy thuộc vào vị trí, kích thước, số lượng và loại khối u, cùng độ tuổi của bạn và sức khỏe tổng thể của người bệnh, mà các bác sĩ sẽ kết hợp các liệu pháp để điều trị khối u. Các lựa chọn điều trị bao gồm:
- Phẫu thuật: Là phương pháp điều trị phổ biến nhất cho bệnh u não. Mục tiêu là loại bỏ càng nhiều ung thư càng tốt mà không gây ra thiệt hại cho các bộ phận khỏe mạnh của não.
- Hóa trị: Hóa trị sử dụng các loại thuốc chống ung thư để tiêu diệt các tế bào khối u não. Thuốc sẽ lưu thông khắp cơ thể bạn theo đường máu.
- Xạ trị: Xạ trị là phương pháp điều trị bị u não phổ biến nhất cho khối u ác tính, sử dụng tia năng lượng cao như tia Beta, tia X hoặc tia Gamma để điều trị các khối u não và tủy sống.
- Dùng steroid: Sau khi được chẩn đoán có khối u não, steroid có thể được kê đơn để giúp giảm phù nề xung quanh khối u.
- Thuốc hỗ trợ: Các loại thuốc có thể được sử dụng để điều trị các triệu chứng khác của khối u não, chẳng hạn như thuốc chống động kinh cho cơn co giật và thuốc giảm đau cho chứng đau đầu.
Phòng ngừa u não
- Tránh xa việc uống rượu bia, hút thuốc, thức khuya, sinh hoạt không điều độ.
- Bổ sung các thực phẩm giàu rau củ quả, vitamin C và hạn chế thực phẩm giàu Nitrit như xịt xông khói, đồ hộp, thức ăn nhanh, đồ ăn nướng, chiên rán.
- Tập thể dục thể thao để nâng cao sức khỏe tổng quát.
- Tránh xa nguồn phóng xạ: Hạn chế tiếp xúc với những nguồn phóng xạ và bức xạ ion hóa quá nhiều như máy chụp X-Quang, máy chụp CT,… và từ các loại máy móc đặc biệt khác.
Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn ứng dụng MRI 3.0 Tesla và trí tuệ nhân tạo trong chẩn đoán và điều trị
Trong hơn 25 xây dựng và phát triển, bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn luôn tiên phong trong đầu tư, ứng dụng hệ thống thiết bị, máy móc hiện đại và không ngừng cập nhật chuyên môn kỹ thuật cao, kết hợp với khoa học quản trị trong vận hành và quản lý, nhằm mang đến dịch vụ y tế thấu cảm, đồng hành với người bệnh, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân tại khu vực thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh thành lân cận.
Vừa qua, bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn, thành viên thuộc Tập đoàn Y khoa Hoàn Mỹ, đưa vào sử dụng công nghệ chụp cộng hưởng (MRI) tối tân 3.0 Tesla SIGNA™Hero của GE HealthCare (Hoa Kỳ), đánh dấu bước tiến mới trong việc sử dụng hệ thống máy tiên tiến và nền tảng công nghệ trí tuệ nhân tạo giúp chẩn đoán sớm và hỗ trợ điều trị hiệu quả các bệnh lý phức tạp. Hoàn Mỹ Sài Gòn là cơ sở y tế đầu tiên tại Việt Nam và là cơ sở thứ 2 ở Đông Nam Á lắp đặt hệ thống cộng hưởng từ cao cấp này.
Chụp cộng hưởng từ hiện được xem là một trong những kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh hiện đại nhất. Hệ thống MRI 3.0 Tesla SIGNA™ Hero giúp chẩn đoán chính xác với thời gian kiểm tra ngắn nhờ có từ trường cao hơn các máy thế hệ trước. Độ phân giải cao cho hình ảnh chụp sắc nét, cùng chức năng tái tạo hình ảnh 3D giúp dễ dàng phát hiện các tổn thương nhỏ (từ 1-2 mm), các khối u và cấu trúc giải phẫu không thể nhìn thấy bằng các loại máy MRI khác.
Hệ thống MRI 3.0 Tesla SIGNA™ Hero có ưu thế trong việc phát hiện và ngăn ngừa biến chứng từ các vết rách vỡ ở phụ nữ đặt túi ngực, các bất thường mạch máu não trong chẩn đoán đột quỵ cấp, tầm soát và chẩn đoán sớm ung thư tuyến tiền liệt. Đây là một lựa chọn tối ưu có thể thay thế PET CT giúp tầm soát hiệu quả các nhóm bệnh lý di căn thường gặp như ung thư phổi, ung thư vú, ung thư tuyến tiền liệt.
———
BỆNH VIỆN HOÀN MỸ SÀI GÒN
60-60A (Số mowsi 295) Phan Xích Long, P.1, Q.Phú Nhuận, TP.HCM
T: (028) 3990 2468
Youtube: www.youtube.com/c/BVHoanMySaiGonOfficial
Tik Tok: https://tiktok.com/@benhvienhoanmysaigon
Đăng ký khám: https://dangkykham.hoanmysaigon.com/
Website: https://hoanmy.com/saigon/