Trái tim là cơ quan quan trọng nhất trong cơ thể, đảm nhận vai trò bơm máu giàu oxy và dinh dưỡng đến nuôi các cơ quan, tế bào trong cơ thể. Bản thân trái tim cũng có 1 hệ thống mạch máu nuôi các tế bào cơ tim được gọi là hệ mạch vành. Khi mạch vành có vấn đề, trái tim sẽ không khoẻ và hoạt động được như bình thường, gây các bệnh lý nặng nề nguy hiểm như nhồi máu cơ tim, suy tim và đột tử. Trong các bệnh lý tại động mạch vành, bệnh động mạch do xơ vữa là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trong các bệnh lý tim mạch. Do đó, hiểu về bệnh lý mạch vành và các yếu tố nguy cơ tim mạch để có thể dự phòng bằng cách tầm soát sớm, thay đổi lối sống sẽ giúp kéo dài thời gian diễn tiến bệnh và giảm mức độ nguy hiểm khi mắc phải bệnh lý này.
- Giới thiệu bệnh mạch vành
Hệ thống động mạch vành có thể được chia thành các mạch lớn (động mạch ở thượng tâm mạc), các tiểu động mạch (arterioles), và vi mạch. Những tiểu động mạch này cung cấp một mạng lưới mao mạch phong phú mang máu giàu oxy cho cơ tim. Động mạch vành bao quanh toàn bộ tim chia ra hai nhánh chính là động mạch vành trái và động mạch vành phải , nhánh thân chung động mạch vành trái chia ra làm 2 nhánh chính là động mạch liên thất trước và động mạch mũ.
Mạch vành bị hẹp do một quá trình được gọi là xơ vữa động mạch (phổ biến nhất), xơ cứng động mạch hoặc xơ cứng tiểu động mạch. Hiện tượng này xảy ra khi các mảng xơ vữa (được tạo thành từ sự tích tụ của cholesterol và các chất khác) tích tụ theo thời gian trong thành động mạch. Khi mảng xơ vữa gây hẹp có ý nghĩa, sẽ làm giảm dòng chảy đến nuôi dưỡng các tế bào cơ tim, có thể gây ra các cơn đau thắt ngực ổn định, cơn đau thắt ngực không ổn định, hoặc tắc nghẽn mạch máu hoàn toàn do bong tróc lớp xơ vữa, và có huyết khối đến gây nghẽn tắc động mạch vành, gây nhồi máu cơ tim, và có thể gây suy tim cấp, hoặc đột tử.
Mạch vành bị hẹp do một quá trình được gọi là xơ vữa động mạch
- Triệu chứng
Bệnh mạch vành (coronary artery disease) do xơ vữa có thể không gây ra triệu chứng nào do tim người bệnh đã có một thời gian thích nghi dài, hoặc do đã có các mạch máu bàng hệ hỗ trợ giảm tình trạng thiếu máu cơ tim.
Triệu chứng thường gặp nhất của bệnh mạch vành có thể gặp là:
- Đau thắt ngực:
- Vị trí bên trái, hoặc giữa ngực, sau xương ức.
- Đau có thể lan lên hàm, cánh tay, bả vai, lưng kèm tê mỏi lưỡi, đau kiểu bóp nghẹt, cảm giác đá đè, vả mồ hôi trong cơn đau.
- Xuất hiện có tính chất quy luật, tăng lên sau gắng sức, xúc cảm mạnh, gặp lạnh,… kéo dài 3-15 phút trở lên
- Đau ngực giảm khi nghỉ ngơi hoặc khi dùng các thuốc giãn mạch như nitrat.
- Cảm giác mệt mỏi, yếu người và khó thở.
- Thường có cảm giác choáng váng, chóng mặt
- Cảm giác tim đập loạn nhịp, hồi hộp
Biểu hiện đau thắt ngực là triệu chứng thường gặp ở bệnh mạch vành
- Đối tượng cần tầm soát bệnh mạch vành
- Người lớn từ 40-75 tuổi có yếu tố nguy cơ tim mạch: tăng huyết áp, đái tháo đường, béo phì, rối loạn mỡ máu, hút thuốc lá,… nên tầm soát và đánh giá nguy cơ bệnh tim mạch thường xuyên.
- Người lớn 20-39 tuổi nên đánh giá nguy cơ bệnh mạch vành mỗi 4-6 năm/ lần
Tuy bệnh mạch vành chủ yếu xảy ra ở nhóm tuổi trên 40, nhưng những người trẻ tuổi hơn vẫn có thể mắc bệnh. Nhiều nghiên cứu gần đây cho thấy độ tuổi mắc bệnh mạch vành đang ngày càng trẻ hoá. Bệnh mạch vành hình thành là một quá trình diễn tiến rất lâu dài, bắt đầu từ các mảng xơ vữa trong lòng động mạch vành, xơ vữa phát triển lớn dần theo từng ngày trong rất nhiều năm.
Độ tuổi mắc bệnh mạch vành đang ngày càng trẻ hoá.
- Các yếu tố gây tăng nguy cơ bệnh mạch vành
- Tiền sử gia đình mắc bệnh tim sớm (nam <55 tuổi, nữ <65 tuổi)
- Tăng mỡ trong máu nguyên phát (LDL-C 160-189 mg/dl,[4,1-4,8 mmol/l] ; nonHDL-C 190-219 mg/dl [4,9-5,6 mmol/l]
- Hội chứng chuyển hoá- khi có ≥ 3/5 yếu tố sau:
- Vòng eo >90cm/nam, >80cm/nữ
- Tăng Triglyceride (>150mg/dl)
- Tăng huyết áp
- Tăng Glucose máu
- HDL-C thấp (<40mg/dl/ nam, <50mg/dl ở nữ)
- Bệnh thận mạn
- Bệnh viêm mạn tự miễn (Viêm khớp dạng thấp, lupus đỏ hệ thống, bệnh vảy nến)
- Mãn kinh sớm <40 tuổi
- Tăng huyết áp, đái tháo đường, đái tháo đường thai kỳ
- Hút thuốc lá
- Tầm soát bệnh mạch vành
Khi bạn có các triệu chứng của bệnh mạch vành hoặc không có triệu chứng, nhưng có các yếu tố nguy cơ, cần đến khám tại khoa nội tim mạch để được thăm khám và làm các xét nghiệm cần thiết để đánh giá, phân tầng nguy cơ để làm các xét nghiệm chuyên sâu cho việc xác định tình trạng hẹp của mạch vành.
Các xét nghiệm bao gồm
- Xét nghiệm máu:
- Công thức máu
- Đường huyết
- Mỡ trong máu (LDL-Cholesterol, Triglyceride, HDL- Cholesterol, non-HDL Cholesterol)
- Chức năng thận
- Chức năng gan
- Điện giải đồ
- Điện tâm đồ (hay còn gọi là đo điện tim, ECG – Electrocardiogram): giúp phát hiện các vấn đề về bệnh nhồi máu cơ tim và tình trạng thiếu máu cục bộ hoặc các vấn đề về nhịp tim. Chi phí thấp, không xâm lấn và không ảnh hưởng đến bất kỳ cơ quan nào.
- Siêu âm tim: là phương pháp thăm dò, chẩn đoán tình trạng của tim dựa vào việc sử dụng sóng siêu âm tần số cao, giúp thu được những hình ảnh rõ nét liên quan đến cấu trúc và chức năng của tim bao gồm: Cơ tim, hệ thống van tim, màng ngoài tim, các mạch máu xuất phát từ tim, sức co bóp, khả năng hoạt động của tim. Là một kỹ thuật không xâm lấn, không sử dụng bức xạ, do đó không có tác dụng phụ và có thể được lặp lại nhiều lần để theo dõi tình trạng bệnh.
Bác sĩ siêu âm tim cho người bệnh
- X-Quang tim phổi – kiểm tra các vấn đề bệnh lý tim mạch thể hiện trên phim X-Quang, cũng như để loại trừ bệnh lý tại phổi gây đau ngực.
- Các xét nghiệm gắng sức: Chỉ định khi có chẩn đoán nghi ngờ dựa trên tuổi, giới tính, và lâm sàng, bao gồm cả những bệnh nhân có bất thường trên ECG. Dùng để phân tầng nguy cơ, đánh giá phân độ chức năng, và tiên lượng ở bệnh nhân nghi ngờ hoặc biết bệnh động mạch vành; đánh giá những bệnh nhân đã biết bệnh động mạch vành mà có sự thay đổi đáng kể tình trạng lâm sàng
- ECG gắng sức : người bệnh chạy trên thiết bị thảm lăn (giống máy tập thể dục) từ 8-12 phút, trong thời gian chạy có theo dõi điện tim, huyết áp liên tục. Phát hiện chính xác khả năng có bệnh mạch vành 72%.
- Siêu âm tim gắng sức: chỉ định khi có triệu chứng nghi ngờ bệnh mạch vành + ECG nghi ngờ hoặc dễ gây nhầm lẫn; người bệnh không có khả năng chạy gắng sức (lớn tuổi, thể lực yếu, chân hạn chế vận động, chóng mặt, bệnh lý cột sống…). Người bệnh được siêu âm trong khi được truyền thuốc tăng co bóp cơ tim loại Dobutamin, để phát hiện các bất thường vận động thành cơ tim khi tim gắng sức. Chẩn đoán chính xác khả năng có bệnh mạch vành khoảng 88%
- Chống chỉ định:
- Nhồi máu cơ tim cấp trong vòng 2 ngày
- Đau thắt ngực không ổn định
- Rối loạn nhịp tim chưa kiểm soát được gây triệu chứng hoặc gây rối loạn huyết động
- Hẹp van động mạch chủ nặng và có triệu chứng
- Bóc tách động mạch chủ cấp
- Suy tim có triệu chứng chưa kiểm soát được
- Thuyên tắc hoặc nhồi máu phổi cấp
- Viêm cơ tim hoặc viêm màng ngoài tim cấp
- Hẹp thân chung mạch vành
- Hẹp van động mạch chủ trung bình
- Rối loạn điện giải
- Huyết áp chưa kiểm soát được
- Rối loạn nhịp tim
- Bệnh cơ tim phì đại và những dạng khác của tắc nghẽn đường ra thất trái
- Suy yếu tinh thần và thể chất dẫn đến không thể
- gắng sức một cách đầy đủ
- Block nhĩ thất cao độ.
- Chụp cắt lớp vi tính (MSCT) động mạch vành có cản quang: Đánh giá chỉ số vôi hoá, mức độ tắc nghẽn mạch vành, các bất thường giải phẫu, các bệnh lý van tim, cơ tim…
- Chỉ định:
- Yếu tố nguy cơ cao
- Đau ngực bất thường, không rõ nguyên nhân.
- ECG và hoặc siêu âm tim/các xét nghiệm gắng sức nghi ngờ có bất thường .
- Suy tim không rõ nguyên nhân.
- Nguy cơ trung bình, không có khả năng gắng sức
- Độ chính xác >90%
- Chống chỉ định:
- Dị ứng với chất cản quang
- Phụ nữ mang thai
- Nhịp tim không đều
- Suy thận
- Tiền sử hen phế quản,…
- Chụp DSA động mạch vành (chụp mạch số hóa xóa nền): chính xác >95%
- Điều trị
- Dự phòng tiên phát 1 bệnh mạch vành
- Ngưng thuốc lá
- Giảm cân
- Tập thể dục mức độ vừa sức theo khả năng
- Kiểm soát đường huyết, huyết áp
- Kiểm soát mỡ trong máu: thuốc statin
- Thuốc kháng kết tập tiểu cầu (Aspirin hoặc Clopidogrel…)
- Điều trị triệu chứng giảm đau ngực (Nitrate, Trimetazidine, Chẹn Beta, Chẹn Canxi, Nicorandil…); giảm nhịp tim; giảm lo lắng.
- Điều trị đặc hiệu
- Statin và các thuốc hạ mỡ máu phối hợp
- Kháng kết tập tiểu cầu
- Thuốc huyết áp, tiểu đường
- Kiểm soát làm chậm nhịp tim
- Can thiệp Động mạch vành:
- Nong bằng bóng
- Đặt stent mạch vành
- Mổ bắc cầu động mạch vành
Ekip chụp mạch số hóa xóa nền đang triển khai đặt stent mạch vành cho người bệnh
Tổng kết:
Thông điệp của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) năm 2016: Bệnh tim mạch hiện đã trở thành nguyên nhân mắc bệnh và tử vong hàng đầu. Bệnh động mạch vành (CHD) đã chiếm tới 14% tử vong toàn cầu và là nguyên nhân chính làm giảm số năm sống còn (YLLs) và số năm sống trong bệnh tật hiệu chỉnh (DALYs).
Bệnh mạch vành là một bệnh lý nguy hiểm, cần được quan tâm. Theo các chuyên gia, 80% bệnh tim mạch giai đoạn đầu có thể phòng ngừa được. Do đó, việc tầm soát sớm trên người có yếu tố nguy cơ, chưa có triệu chứng là cần thiết. Các xét nghiệm không xâm lấn có thể gợi ý tình trạng bệnh tim mạch sớm để từ đó có chiến lược dự phòng sớm giúp kéo dài thời gian diễn tiến bệnh. Bên cạnh đó, việc thay đổi chế độ ăn uống sinh hoạt hàng ngày và kiểm soát các yếu tố nguy cơ có thể thay đổi được sẽ giúp chúng ta phòng tránh các bệnh tim mạch nói chung, bệnh mạch vành nói riêng để nâng cao tuổi thọ và chất lượng cuộc sống cho bản thân và gia đình.
Bác sĩ tim mạch thăm khám cho người có bệnh lý tim mạch
Bảng 1.1. Các nguyên nhân tử vong chính do bệnh tim mạch 2013
Nguyên nhân | Số ca chết | 95% |
Bệnh Động mạch vành | 8.139.852 | (7.322.942-8.758.490) |
Đột quỵ thiếu máu não | 3.272.924 | (2.812.654-3.592.562) |
Đột quỵ xuất huyết não | 3.173.951 | (2.885.717-3.719.684) |
Bệnh tim do tăng huyết áp | 1.068.585 | (849.758-1.242.160) |
Nguyên nhân tim mạch khác | 554.588 | (499.143-654.152) |
Bệnh cơ tim và viêm cơ tim | 443.297 | (370.111-511.997) |
Bệnh tim do thấp | 275.054 | (222.622-353,938) |
Bệnh động mạch chủ | 151.493 | (124.201-179.954) |
Rung nhĩ | 112.209 | (97.716-126.677) |
Viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn | 65.036 | (48.593-79.435) |
Bệnh mạch máu ngoại biên | 40.492 | (35.487-44.883) |
(Roth GA, Huffman MD2, Moran AE, et al: Global and regional patterns in cardiovascular mortality from 1990 to 2013, Circulation. 2015 Oct 27; 132 (17):1667-1678)
THAM KHẢO
Câu lạc bộ sức khỏe Hoàn Mỹ:
- Tầm soát bệnh mạch vành | Khoa Nội Tim Mạch – CLB Sức Khỏe Hoàn Mỹ: https://youtube.com/live/Oh-xGYxjFnM
- Phẫu thuật bắc cầu mạch vành không tuần hoàn ngoài cơ thể: Chẩn đoán và điều trị | Khoa Tim mạch: https://youtube.com/live/bCT3x6V0uOc
_ThS.BS. Lê Ngọc Lan Thanh, Khoa Nội Tim Mạch_