Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn

Rối loạn tri giác do nhiễm trùng ở người lớn tuổi có thể điều trị khỏi hoàn toàn nếu phát hiện sớm

26/12/2024

Nhiễm trùng huyết có thể phát sinh ở bất kỳ độ tuổi nào. Tuy nhiên, người cao tuổi chính là đối tượng dễ mắc bệnh nhất với tỉ lệ mắc cao hơn gấp 10 lần so với người trẻ. Việc chẩn đoán tình trạng nhiễm trùng ở người cao tuổi thường gặp rất nhiều khó khăn nhưng bệnh hoàn toàn có thể điều trị khỏi, không để lại di chứng nếu được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Vừa qua, Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn (BV. HMSG) vừa tiếp nhận trường hợp cụ bà B.T.Đ (84 tuổi, ngụ tại Bà Rịa-Vũng Tàu) nhậpviện trong tình trạng lơ mơ, mất khả năng giao tiếp. Theo chia sẻ của người thân, trước nhập viện một tuần, bà Đ. có biểu hiện lừ đừ, ăn uống kém, sốt nhẹ, ho khan, tình trạng bà không cải thiện sau vài ngày theo dõi tại nhà, nên được gia đình đưa đi khám và nhập viện tại bệnh viện địa phương, được chẩn đoán viêm phổi.

Sau hai ngày điều trị, cụ bà tỉnh táo hơn, nhưng sau một ngày lại rơi vào tình trạng lơ mơ, mắt mở tự nhiên, tay chân có thể cử động được nhưng mất khả năng giao tiếp, không thể nghe hiểu và nói chuyện. Người bệnh được chỉ định chụp CT sọ não không cản quang và cho kết quả bình thường.

Sau khi được tư vấn chuyển viện lên tuyến trên, tại Khoa Cấp cứu BV. HMSG, các bác sĩ ghi nhận cụ bà có tiền sử mắc nhiều bệnh lý đi kèm tăng huyết áp, đái tháo đường tuýp 2, suy tim, bệnh mạch vành do xơ vữa đã đặt stent. Kết quả thăm khám lâm sàng và xét nghiệm ban đầu cho thấy có tình trạng viêm phổi, nghi ngờ nhiễm trùng huyết và suy thận cấp. Người bệnh nhanh chóng được cấy máu, cấy đàm tìm vi trùng, sử dụng kháng sinh, triển khai chụp MRI sọ não để loại trừ các tổn thương ở vùng não sau mà thông thường vốn rất khó phát hiện trên phim CT. Đồng thời, bà Đ. được chỉ định chọc dò dịch não tủy để tầm soát bệnh lý nhiễm trùng thần kinh trung ương

Chọc dò dịch não tủy để tầm soát bệnh lý nhiễm trùng thần kinh trung ương

Kết quả ban đầu tầm soát bệnh lý thần kinh trung ương của cụ bà bình thường và được tiếp tục điều trị theo phác đồ nhiễm trùng huyết, viêm phổi, suy thận cấp. Sau hai ngày điều trị, tình trạng chức năng thận cải thiện rõ, đến ngày điều trị thứ ba cụ bà đã tiếp xúc được, nghe hiểu và nói rõ lời. Kết quả cấy đàm cho thấy, cụ bà nhiễm chủng vi khuẩn Acinetobacter nhạy với kháng sinh đang được sử dụng. Sau mười ngày điều trị, người bệnh được xuất viện với tình trạng sức khỏe phục hồi gần như hoàn toàn.

ThS.BS. Phan Văn Bạc – Phó Trưởng Khoa Hồi sức BV. HMSG cho biết: “Có rất nhiều nguyên nhân gây rối loạn tri giác ở người cao tuổi, và không dễ để chẩn đoán chính xác nguyên nhân như ở người trẻ. Một số nguyên nhân thường gặp bao gồm chấn thương đầu do té ngã, đột quỵ, viêm não – màng não, u não, hay một số bệnh lý toàn thân như rối loạn điện giải, tăng hoặc hạ đường huyết, nhiễm trùng máu, suy gan, suy thận,… Chẩn đoán nguyên nhân rối loạn tri giác ở người cao tuổi là một thách thức, bởi đa số các triệu chứng đều không điển hình, đôi khi phải chẩn đoán bằng phương pháp loại trừ sau khi đã tầm soát hầu hết các nguyên nhân thường gặp.”

BS. Bạc thăm khám cho người bệnh trước khi xuất viện

Nhiễm trùng huyết hay nhiễm trùng máu là một trong những nguyên nhân thường gặp nhất gây rối loạn tri giác ở người cao tuổi, nguồn vào của tác nhân gây bệnh thường đến từ các bệnh lý viêm phổi, nhiễm khuẩn tiết niệu, tiêu hóa. Thực tế, nhiễm trùng huyết có thể phát sinh ở bất kỳ độ tuổi nào. Tuy nhiên, người cao tuổi lại là đối tượng dễ mắc bệnh nhất, một số nghiên cứu cho thấy tỉ lệ mắc bệnh cao hơn gấp 10 lần so với người trẻ. Điều này có thể giải thích bởi người lớn tuổi có hệ miễn dịch yếu, đã mắc nhiều bệnh nền, trong đó có một số bệnh ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ miễn dịch của cơ thể như đái tháo đường, tăng huyết áp, bệnh phổi mạn tính,…

Ekip Y bác sĩ chăm sóc bệnh tại khoa Hồi sức tích cực (ICU)

Cũng theo BS. Bạc, việc chẩn đoán tình trạng nhiễm trùng ở người cao tuổi thường gặp rất nhiều khó khăn, đòi hỏi nhiều kinh nghiệm, đôi khi phải cần đến các phương tiện chẩn đoán kỹ thuật cao. Nhiều trường hợp không có các biểu hiện triệu chứng điển hình. Rối loạn tri giác hay lơ mơ có thể là triệu chứng nổi bật duy nhất xuất hiện ở nhóm bệnh nhân này. Mặc dù là bệnh cảnh nguy hiểm, tuy nhiên bệnh hoàn toàn có thể điều trị khỏi, không để lại di chứng nếu được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

ThS.BS. Phan Văn Bạc – Khoa Hồi sức Tích cực

————- 
Nhấn “Đăng ký” để theo dõi các video mới nhất về sức khỏe tại: https://www.youtube.com/c/BVHoanMySaiGonOfficial 
Liên hệ với bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn:  
Chat với chúng tôi: m.me/HoanMySaiGon
Đăng ký khám: https://dangkykham.hoanmysaigon.com/
Fanpage: https://www.facebook.com/HoanMySaiGon/ 
Website: http://hoanmysaigon.com/