Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn

Những bệnh nguy hiểm thường gặp về ống tiêu hóa

10/07/2023

Bất kỳ ai trong chúng ta đều có thể gặp các vấn đề về ống tiêu hoá. Có thể là những căn bệnh nhẹ như đau bụng, rối loạn tiêu hoá, táo bón, viêm loét,… hoặc các bệnh nghiêm trọng như ung thư. Hãy cùng bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn tìm hiểu các bệnh ống tiêu hoá để có thể chủ động phòng ngừa, kịp thời phát hiện bệnh nguy hiểm và điều trị sớm. Từ đó tăng tỷ lệ chữa khỏi bệnh và hồi phục sức khỏe cho bản thân cũng như gia đình.

Các bệnh về ống tiêu hóa thường gặp

Trào ngược dạ dày thực quản

Bình thường khi chúng ta ăn uống vào, thức ăn theo đường một chiều từ thực quản xuống dạ dày, nhưng khi bị trào ngược dạ dày, thức ăn tại dạ dày lúc này bị trào ngược trở lại (thực quản), gọi là bệnh lý trào ngược dạ dày.

Trào ngược dạ dày thực quản là bệnh lý xảy ra khi cơ vòng thực quản dưới (LES) bị rối loạn mở và đóng trong quá trình tiêu hoá sau khi ăn. Thức ăn kèm dịch dạ dày chứa acid tiêu hoá chảy ngược vào thực quản, có thể gây ra tổn thương tại thực quản hoặc ngoài thực quản.

Các triệu chứng thường thấy: ợ nóng, ợ trớ, buồn nôn, nôn, nuốt nghẹn, nặng tức ngực, khó thở, ho, hơi thở có mùi hôi, …


Nguyên nhân gây bệnh trào ngược dạ dày thực quản:

  • Yếu và giãn cơ vòng thực quản dưới do sử dụng thuốc lá, cà phê, bia rượu lâu ngày, một số loại thuốc điều trị huyết áp, bệnh mạch vành, …
  • Sự gián đoạn đường nối dạ dày thực quản thường liên quan đến thoát vị hoành
  • Tăng áp lực ổ bụng dễ làm giãn cơ vòng thực quản dưới như: mang thai, béo phì, sau khi ăn quá no
  • Thói quen ăn uống, sinh hoạt chưa đúng
  • Cần chú ý những trường hợp bệnh dạ dày trào ngược do các bệnh lý ngoại khoa như hẹp môn vị, u tá tràng, u bóng vater, …

Bạn cần đến bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa để được chẩn đoán chính xác bệnh lý này do bệnh trào ngược có dấu hiệu dễ lầm lẫn với bệnh lý khác. Nếu tình trạng trào ngược dạ dày thực quản xảy ra ít, có thể tự theo dõi tại nhà, uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ, áp dụng chế độ ăn lành mạnh, kết hợp lối sống khoa học. Trường hợp bạn thường xuyên nôn mửa, tức ngực, nôn chất dịch chứa máu, khó thở sau nôn, nuốt thức ăn khó khăn,… hãy tìm gặp bác sĩ ngay để thăm khám và điều trị kịp thời, tránh các biến chứng về sau.

Viêm loét dạ dày tá tràng

Viêm loét dạ dày tá tràng – một trong những bệnh ống tiêu hóa thường gặp, là tình trạng tổn thương gây viêm và loét dạ dày tá tràng, tùy theo ổ loét gây tổn thương dạ dày nông hay sâu. Khi ổ loét nông việc điều trị dễ dàng và mau lành bệnh, ít để lại biến chứng. Khi ổ loét lớn, qua lớp cơ hay thanh mạc dạ dày dễ xảy ra xuất huyết, thủng dạ dày tá tràng, thậm chí ung thư dạ dày. Nếu người bệnh không phát hiện và điều trị kịp thời có thể nguy hiểm đến tính mạng.

Các triệu chứng của viêm loét dạ dày tá tràng:

  • Đau bụng vùng thượng vị, đau sau khi ăn, hoặc đau lúc đói, đau về đêm.
  • Ợ hơi, ợ nóng, ợ chua, buồn nôn, cảm giác cồn cào, khó chịu trong bụng.
  • Rối loạn tiêu hóa: chán ăn, khó tiêu, đại tiện ra phân lẫn máu đen hoặc máu bầm (khi bị xuất huyết).

Viêm loét dạ dày tá tràng xảy ra bởi các nguyên nhân sau:

  • Vi khuẩn HP (Helicobacter pylori) xâm nhập.
  • Thường xuyên dùng thuốc giảm đau, kháng viêm.
  • Nhịn đói, bỏ bữa, ăn uống không đúng giờ, uống bia rượu, hút thuốc lá…
  • Stress, căng thẳng tâm lý, buồn phiền, lo lắng thường xuyên.

Khi xuất hiện những triệu chứng đầu tiên, bạn nên tìm đến bác sĩ ngay để điều trị kịp thời. Nếu được chữa sớm, bệnh sẽ có tiến triển tốt, tránh các biến chứng nguy hiểm như xuất huyết, thủng dạ dày tá tràng, ung thư dạ dày. Tầm soát bằng cách nội soi dạ dày là phương pháp tốt nhất để phát hiện sớm bệnh viêm loét dạ dày khi chưa xuất hiện triệu chứng.

Bệnh viêm loét đại tràng

Viêm loét đại tràng là bệnh lý cũng thường gặp trong các bệnh ống tiêu hoá, là tình trạng niêm mạc đại tràng viêm loét. Nếu phát hiện trễ, bệnh sẽ gây các biến chứng nghiêm trọng như thủng đại tràng, viêm hẹp đại tràng, ung thư đại tràng.

Bệnh có triệu chứng chính là tiêu phân nhầy, có máu, kèm theo đau bụng dưới hoặc dọc khung đại tràng và thường xuyên mót đại tiện. Một số biểu hiện khác như: đau khớp, đau nhức toàn thân, sốt (có thể 39 – 40° C), thiếu máu, mệt mỏi, chán ăn và sụt cân.


Viêm loét đại tràng xảy ra do nhiều nguyên nhân gây áp lực lên hệ tiêu hoá và đại tràng. Điển hình như: ăn uống không điều độ, thức ăn mất vệ sinh, nhịn đói, stress lâu ngày, vi khuẩn hoặc virus xâm nhập, mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột, hút thuốc lá, uống nhiều bia rượu … Về lâu dài, bệnh có thể dẫn đến thủng đại tràng, viêm hẹp đại tràng, ung thư đại tràng. Do đó, mọi người nên khám tổng quát định kỳ, tầm soát ống tiêu hoá để phát hiện sớm bệnh và điều trị kịp thời.

Ung thư ống tiêu hoá: ung thư dạ dày, ung thư đại trực tràng

Ung thư là tình trạng nguy hiểm nhất trong các bệnh ống tiêu hoá, có thể kể đến như ung thư dạ dày, ung thư đại trực tràng. Các tế bào phát triển bất thường ở dạ dày hoặc đại trực tràng, hình thành khối u. Nếu người bệnh không phát hiện và điều trị giai đoạn sớm bệnh ung thư ống tiêu hoá, sẽ ảnh hưởng đến tinh thần, sức khỏe và tiên lượng sống ngắn ngủi.


Ở giai đoạn sớm, ung thư thường ít có triệu chứng, hoặc xuất hiện vài dấu hiệu dễ nhầm lẫn với các bệnh rối loạn tiêu hoá, viêm loét dạ dày tá tràng – đại trực tràng, trào ngược dạ dày… Chúng ta phải tầm soát ống tiêu hoá, xét nghiệm kỹ lưỡng và nội soi ống tiêu hóa để phát hiện sớm bệnh.

Hội chứng ruột kích thích

Trong các bệnh ống tiêu hoá, người mắc hội chứng ruột kích thích (viết tắt là IBS -Irritable bowel syndrome) chiếm tỷ lệ khoảng 10% dân số. Hội chứng ruột kích thích là bệnh lý rối loạn chức năng của ống tiêu hoá, có triệu chứng thường thấy là cơn đau bụng liên quan đến đại tiện kèm theo thay đổi về hình dạng phân hoặc số lần đại tiện. Hội chứng chia làm 4 nhóm chính là IBS-C (táo bón), IBS-D (tiêu chảy), IBS-M (thể hỗn hợp gồm tiêu chảy xen kẽ táo bón), và IBS-U (thể không xác định, không tiêu chảy và không táo bón).

Nguyên nhân gây ra hội chứng ruột kích thích là do sự mất cân bằng ở trục não – ruột. Vì vậy, những yếu tố tác động lên não và ruột dễ gây ra hội chứng ruột kích thích: 

  • Tác động lên ruột: Một số thực phẩm kích thích nhu động ruột của người bệnh (mỗi người bị ảnh hưởng bởi loại thực phẩm khác nhau). Uống bia rượu, lạm dụng kháng sinh làm rối loạn hệ vi sinh đường ruột, bị nhiễm khuẩn ống tiêu hoá… 
  • Tác động lên não: tình trạng căng thẳng kéo dài, rối loạn lo âu, trầm cảm,…

Người bệnh nên ăn chín, uống sôi, hạn chế thực phẩm chiên xào, các gia vị kích thích, không uống sữa động vật, không ăn những thực phẩm lúa mì, lúa mạch đen, bánh mì có chứa gluten, không nên ăn táo, lê, xoài bơ, dưa hấu… Đồng thời, cần chủ động đến các cơ sở y tế uy tín để thăm khám và có phương án điều trị hiệu quả.

Bệnh táo bón

Táo bón là tình trạng đi đại tiện ít hơn bình thường (ít hơn 3 lần/tuần), đại tiện khó khăn, phân cứng hoặc khô, gây đau rát hậu môn, có khi chảy máu. Đồng thời, các triệu chứng kèm theo như đau quặn bụng, đầy hơi chướng bụng.

Có rất nhiều nguyên nhân gây táo bón, nhưng thường gặp là do chế độ ăn thiếu chất xơ, uống không đủ nước. Một số loại thuốc đặc trị (giảm đau, chống trầm cảm, viên sắt) và trạng thái tâm lý căng thẳng cũng gây nên tình trạng này. Ngoài ra, táo bón có thể xảy ra trong giai đoạn mang thai hoặc đối với người bị hội chứng ruột kích thích, ung thư đại trực tràng…

Đa số các trường hợp táo bón đều có thể cải thiện nhờ vào việc ăn nhiều rau củ, trái cây (như chuối, đu đủ, bơ, quả mọng…), uống nhiều nước, vận động và thể dục hằng ngày. Tuy nhiên, khi gặp tình trạng táo bón kéo dài không đáp ứng với tình trạng thay đổi chế độ ăn uống như trên, cần tìm gặp bác sĩ chuyên khoa Tiêu hóa để tìm nguyên nhân và điều trị ngay.

Bệnh tiêu chảy

Tiêu chảy là tình trạng đại tiện phân lỏng hoặc phân nước, xảy ra nhiều lần trong ngày (từ 3 lần trở lên). Bệnh ống tiêu hoá này còn kèm theo triệu chứng đau bụng có thể kèm theo sốt, khiến cơ thể mất nước với các biểu hiện môi khô, tiểu ít… tùy theo mức độ tiêu chảy: tiêu chảy cấp hay mạn tính (2 tuần trở lên).

Nguyên nhân gây tiêu chảy có thể là do khi chúng ta ăn uống thực phẩm không đảm bảo vệ sinh, không bảo quản đúng cách, thực phẩm có nhiễm vi rút, vi khuẩn và ký sinh trùng. Một số thuốc kháng sinh cũng có khả năng gây ra tiêu chảy.

Khi bị tiêu chảy cấp tính, bạn cần uống nhiều nước để bù lượng nước đã mất đi, có thể bổ sung thêm Oresol, nước dừa. Tránh thức ăn chiên xào, trứng, sữa trong vài ngày. Nếu gặp trường hợp tiêu chảy kèm sốt cao hoặc tiêu chảy ra máu, có thể bạn đã bị nhiễm trùng đường ruột hoặc viêm loét đại tràng. Hãy tìm gặp bác sĩ chuyên khoa Tiêu hóa để có phương án điều trị tốt nhất.

Bệnh Trĩ

Trĩ là bệnh ống tiêu hoá xảy ra khi các tĩnh mạch ở hậu môn và trực tràng dưới bị viêm, giãn ra khiến hình thành các búi trĩ ở trong hoặc ngoài hậu môn. Các búi trĩ có thể sa ra ngoài, gây sưng đau, đại tiện chảy máu, gây ngứa rát hậu môn.


Nguyên nhân gây nên bệnh trĩ:

  • Táo bón hoặc tiêu chảy mạn tính
  • Chế độ ăn thiếu chất xơ, ăn đồ cay nóng, uống ít nước
  • Béo phì hoặc mang thai
  • Ít vận động, ngồi nhiều
  • Thường xuyên quan hệ tình dục qua đường hậu môn
  • Bệnh lý u đại trực tràng, u xơ tử cung

Dựa vào tình trạng bệnh, bác sĩ sẽ có phác đồ điều trị riêng cho từng người. Bạn có thể giảm triệu chứng bệnh trĩ bằng cách chườm đá lạnh, ngồi ngâm trong nước ấm, thoa kem trị trĩ hoặc phẫu thuật loại bỏ búi trĩ. Đồng thời, nên ăn uống lành mạnh, bổ sung rau xanh, trái cây cũng như uống đủ nước để thuyên giảm bệnh.

Tầm soát ung thư sớm với gói tầm soát ung thư ống tiêu hóa tại Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn để chữa trị kịp thời phát hiện bệnh

Các chuyên gia cho rằng, 10% dân số Việt Nam hiện mắc các bệnh liên quan đến ống tiêu hoá. Phần lớn các bệnh chỉ được phát hiện khi đã vào giai đoạn muộn, rất khó hoặc không thể chữa trị nữa. Theo như thống kê từ Globocan 2020, có khoảng 18.000 ca ung thư dạ dày (9,8%) và 15.000 trường hợp ung thư đại trực tràng (9%) ở nước ta. Đó chính là lý do mà bất kỳ ai trong chúng ta đều phải quan tâm đến sức khoẻ ống tiêu hoá.

Việc khám sàng lọc bệnh ống tiêu hóa là rất cần thiết. Đặc biệt, bạn nên tầm soát ung thư sớm để có thể điều trị kịp thời. Gói tầm soát ung thư ống tiêu hoá (tổng) tại bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn sẽ giúp chẩn đoán sớm các bệnh lý nguy hiểm như ung thư thực quản, ung thư dạ dày, ung thư đại trực tràng… Khi bệnh được phát hiện ở giai đoạn đầu, các bác sĩ sẽ lên phác đồ điều trị thích hợp để chữa khỏi bệnh nhanh chóng hơn.

Gói tầm soát bệnh ống tiêu hoá tại bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn

TTNỘI DUNGGói Tầm soát ung thưDẠ DÀYGói Tầm soát ung thưĐẠI TRỰC TRÀNGGói Tầm soát ung thưỐNG TIÊU HÓA (tổng)
AKHÁM TIÊU HÓAXXX
BXÉT NGHIỆM   
 Tổng phân tích tế bào máuXXX
Đông máu toàn bộXXX
Đo hoạt độ ALT (GPT)XXX
Đo hoạt độ AST (GOT)XXX
GlucoseXXX
Creatinine máuXXX
Ion đồ máuXXX
CCHẨN ĐOÁN HÌNH ẢNH   
 Siêu âm tổng quátXXX
Đo điện tim (ECG)XXX
Nội soi đại tràng an thần không đau XX
Nội soi thực quản dạ dày an thần không đauX X
Test HP qua Nội Soi (bonus, trong gói)X X
CHI PHÍ TRỌN GÓI3.850.000 VNĐ3.840.000 VNĐ5.940.000 VNĐ

Lưu ý: Các gói khám trên không áp dụng BHYT và bảo hiểm tư nhân, các chỉ định thêm sẽ đóng theo viện phí hiện hành của BV HMSG.

Để chẩn đoán bệnh lý của ống tiêu hóa, đặc biệt là ung thư, nội soi là phương pháp chính xác nhất. Từ đó, bác sĩ phát hiện các tổn thương ống tiêu hoá, hoặc sinh thiết chẩn đoán bệnh viêm loét, polyp hay ung thư… để lên phác đồ điều trị.

Với chi phí tầm soát và điều trị hợp lý, máy móc hiện đại cho kết quả chẩn đoán chính xác, quá trình thăm khám chữa bệnh chuyên nghiệp tại Hoàn Mỹ Sài Gòn sẽ đem đến cho người bệnh sự an tâm nhất. Các bác sĩ dày dặn kinh nghiệm sẽ chỉ định phương án điều trị tốt nhất, nhằm chữa dứt điểm các bệnh ống tiêu hoá. Hãy ghé đến bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn để bảo vệ sức khoẻ của bản thân và gia đình ngay hôm nay.

Liên hệ tổng đài 028 3990 2468 (nhấn phím 0) để được tư vấn chi tiết.