Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn

Mối nguy hiểm dị vật từ cây tăm nhỏ

20/12/2024

Mắc dị vật đường tiêu hóa là một cấp cứu thường gặp trên lâm sàng, kể cả mắc dị vật ở thực quản hay vị trí sâu hơn như dạ dày, tá tràng… Bên cạnh các đồ ăn sắc nhọn như xương gà, xương cá… tăm tre cũng là dị vật hay gặp trong các trường hợp mắc dị vật đường tiêu hóa.

Thủng dạ dày vì tăm tre

Bs. Phạm Hoàng Thiên – Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn cho biết, bệnh viện tiếp nhận xử lý và gắp dị vật thành công cho người bệnh Đ.H.Q (40 tuổi, TP.HCM).

Anh Q. kể lại, anh không nhớ mình nuốt tăm khi nào, anh bị đau bụng bên phải liên tục trong 5 ngày, nghĩ mình bị đau ruột thừa nên anh vào bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn cấp cứu.

Tại bệnh viện, anh Q. được các bác sĩ thăm khám, cho chỉ định chụp CT. Từ hình ảnh kết quả CT, các bác sĩ phát hiện một dị vật có chiều dài 4,5cm đâm xuyên thành mặt sau dạ dày. Ngay lập tức, người bệnh được cho chỉ định nội soi dạ dày.

Dị vật trong dạ dày người bệnh

Khi nội soi dạ dày, các bác sĩ đã phát hiện dị vật là cây đâm tăm xuyên thủng dạ dày và gắp thành công cây tăm, không làm tổn thương thêm niêm mạc dạ dày hay ruột của người bệnh. Sau gắp dị vật, sức khỏe của anh Q. đã ổn định và xuất viện.

Dị vật (cây tăm) được gắp ra thành công

Thói quen bất cẩn

BS. Phạm Hoàng Thiên – Trưởng Khoa Cấp Cứu, BV Hoàn Mỹ Sài Gòn cho biết, nhiều người có thói quen dùng tăm để xỉa răng hay ngậm sau bữa ăn, nhưng nếu vừa ngậm tăm vừa nói chuyện hoặc nằm ngủ thì chiếc tăm có thể rơi vào họng và trở thành dị vật đường thở hoặc nuốt phải có thể gây thủng ruột, dạ dày gây nguy hiểm.

Chính vì vậy, theo khuyến cáo của các bác sĩ, nên bỏ thói quen ngậm tăm sau khi ăn, nhất là sau khi sử dụng rượu bia, khi nằm hoặc làm các việc khác, cũng không nên cười đùa, xem tivi, điện thoại… khi đang ăn hoặc đang xỉa răng. Đặc biệt, cần lưu ý khi nhà có trẻ nhỏ, không nên vứt tăm bừa bãi tránh trường hợp trẻ nhặt, ngậm tăm gây nguy hiểm.

Khi nuốt phải dị vật sắc nhọn như tăm tre, xương cá, kim loại, răng giả, viên thuốc còn nguyên vỏ,… người bệnh không tự ý dùng tay móc ra vì dễ làm dị vật bị đẩy vào sâu hơn. Khi bị hóc tăm, dị vật không nên tự chữa bằng mẹo dân gian, như nuốt cơm, nuốt một số loại quả, lá dễ dẫn đến việc tăm đâm sâu hơn vào vị trí đã găm dẫn đến thủng. Người bệnh nên nhanh chóng đến bệnh viện để bác sĩ kiểm tra tình trạng của dị vật, tránh để lâu dẫn đến thủng thực quản, thủng dạ dày – ruột, và các biến chứng muộn như viêm phúc mạc, áp xe, nhiễm trùng nhiễm độc…có thể gây tử vong

Các bác sĩ khuyến cáo thêm, việc xỉa răng cần hạn chế, có thể thay bằng chỉ nha khoa hoặc tăm nước để đảm bảo an toàn cho răng miệng và hạn chế những sự cố đáng tiếc.

Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn là đơn vị y tế với hơn 25 năm xây dựng và phát triển, là thành viên thứ 27 Trạm cấp cứu vệ tinh 115. Với mong muốn chung tay góp sức cùng cộng đồng, bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn hỗ trợ đón bệnh cấp cứu 0 đồng trên toàn Tp.HCM.

Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn
60-60A (số mới 295) Phan Xích Long, Phường 1, Quận Phú Nhuận, TP.HCM
Liên hệ tư vấn: (028) 3990 2468 – (028) 3995 9860 (cấp cứu)