Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn

Hội chứng suy nút xoang: Nguyên nhân và cách điều trị

12/12/2024

Suy nút xoang là hội chứng rối loạn có thể khiến người bệnh choáng, ngất xỉu, có nguy cơ dẫn đến đột tử. Bất kỳ ai cũng có khả năng mắc hội chứng suy nút xoang tim, nhưng thường gặp ở người trên 50 tuổi. Thông qua bài viết này, bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn cung cấp kiến thức về hội chứng suy nút xoang, giúp mọi người hiểu rõ nguyên nhân và cách điều trị bệnh hiệu quả, ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm.

Hội chứng suy nút xoang là gì?

Nút xoang là bộ phận quan trọng, giữ vai trò phát xung động truyền khắp quả tim, điều khiển hoạt động co bóp, hình thành nhịp đập của tim. Nút xoang định vị tại thành của tâm nhĩ phải, nằm bên ngoài chỗ nối của tĩnh chủ chủ trên vào nhĩ phải.

Hội chứng suy nút xoang (Sick Sinus Syndrome) là hội chứng rối loạn chức năng nút xoang. Một số tên gọi khác như: hội chứng nút xoang bệnh lý, rối loạn chức năng nút xoang, bệnh nút xoang… Hội chứng gây nhiều bất thường như:

  • Rối loạn hình thành xung động tại nút xoang
  • Rối loạn dẫn truyền xung động từ nút xoang ra cơ nhĩ
  • Suy yếu chức năng tạo nhịp của các chủ nhịp dưới nút xoang
  • Tăng tính nhạy cảm của cơ nhĩ nên dễ xuất hiện các rối loạn nhịp nhanh nhĩ

Các rối loạn chức năng nút xoang có thể gây ra các dạng suy nút xoang sau:

  • Nhịp chậm xoang
  • Block xoang nhĩ
  • Hội chứng nhịp nhanh nhịp chậm

Nguyên nhân gây hội chứng suy nút xoang tim

1. Nguyên nhân nội sinh

Là những nguyên nhân gây thương tổn trực tiếp tại nút xoang, bao gồm:

  • Thoái hoá
  • Bệnh tim thiếu máu cục bộ
  • Bệnh cơ tim
  • Chấn thương nút xoang sau khi thực hiện các phẫu thuật tim
  • Tình trạng viêm: viêm màng ngoài tim, thấp tim…

2. Nguyên nhân ngoại sinh

Là những nguyên nhân bên ngoài tác động lên nút xoang, bao gồm:

  • Sử dụng thuốc: thuốc chẹn beta giao cảm, thuốc chẹn kênh calci, các thuốc chống loạn nhịp tim…
  • Tình trạng rối loạn điện giải: hạ kali máu, hạ calci máu…
  • Bệnh suy giáp
  • Tăng áp lực nội sọ

Ngoài những nguyên nhân trên, một số yếu tố nguy cơ dẫn đến hội chứng suy nút xoang tim như: Người bị bệnh cao huyết áp, chỉ số cholesterol trong máu cao, béo phì, lười vận động.

Triệu chứng và biến chứng

1. Triệu chứng của suy nút xoang tim

Hội chứng suy nút xoang tim khá nguy hiểm bởi người mắc phải có ít hoặc không có triệu chứng. Các triệu chứng xảy đến có thể biến đổi từ nhẹ đến nặng hoặc chỉ thoáng qua nên không phát hiện ra. Những triệu chứng phổ biến của hội chứng suy nút xoang tim bao gồm:

  • Chóng mặt hoặc choáng váng
  • Khó thở
  • Cảm giác mệt mỏi, yếu người
  • Hồi hộp, cảm giác tim đập nhanh và rung (đánh trống ngực)
  • Đau ngực, hoặc khó chịu ở ngực
  • Thoáng ngất hoặc ngất xỉu
  • Sau cơn hồi hộp, cảm giác nhịp tim đập chậm hoặc không đập
  • Lú lẫn

2. Biến chứng của suy nút xoang tim

Hội chứng suy nút xoang gây ra một số biến chứng phổ biến:

  • Rối loạn nhịp tim: Nhịp tim đập nhanh chậm bất thường gây ảnh hưởng khả năng bơm máu từ tim đến các bộ phận khác trong cơ thể.
  • Suy tim: Nhịp tim nhanh kịch phát hoặc chậm bất thường có thể tăng nguy cơ bị suy tim.
  • Ngưng tim: Khi quãng nghỉ giữa các nhịp đập tim kéo quá dài có thể gây ngưng tim, dẫn đến tử vong nếu không cấp cứu kịp thời.
  • Đột quỵ: Quá trình bơm máu bị gián đoạn, não bị thiếu máu và oxy nên dễ đột quỵ.
  • Sảy thai: Hội chứng suy nút xoang làm tăng nguy cơ sảy thai, hoặc gây ra các bất thường cho thai nhi.
  • Rủi ro khi thực hiện phẫu thuật: Người mắc bệnh suy nút xoang có nguy cơ cao gặp sự biến trong quá trình phẫu thuật.

Chẩn đoán hội chứng suy nút xoang như thế nào?

Người bị hội chứng suy nút xoang đôi khi không xuất hiện triệu chứng, do đó các kiểm tra lâm sàng khó có thể kết luận chính xác được bệnh. Bác sĩ cần thực hiện những phương pháp chẩn đoán cận lâm sàng để xác định bệnh.

1. Điện tâm đồ (Electrocardiogram – ECG)

Là phương pháp theo dõi hoạt động, tốc độ và nhịp đập của tim. Máy điện tâm đồ ghi lại các biến thiên khi tim hoạt động co bóp, nên có thể dựa vào tín hiệu điện tim để xác định hội chứng suy nút xoang. Một số tín hiệu như: nhịp xoang chậm thường xuyên, không tăng nhiều khi gắng sức, kèm theo ngừng xoang, nghỉ xoang, block xoang nhĩ các mức độ, rối loạn nhịp, ngừng xoang dài, rung nhĩ không do dùng thuốc.

2. Holter điện tâm đồ

Nhiều trường hợp bị suy nút xoang nhưng các triệu chứng nhịp chậm xoang chỉ xuất hiện từng thời điểm ngắn, còn lại nhịp tim vẫn hoàn toàn bình thường. Do đó, người bệnh cần đeo thiết bị điện tâm đồ di động (Holter) để theo dõi hoạt động của tim trong một hoặc nhiều ngày. Holter có thể theo dõi nhịp tim khi người bệnh thực hiện các hoạt động hàng ngày, ghi lại nhật ký triệu chứng để chẩn đoán chính xác hơn.

3. Nghiệm pháp atropin

Người bệnh được tiêm atropin đường tĩnh mạch và đánh giá nhịp tim 30 phút sau khi tiêm. Chẩn đoán mắc suy nút xoang nếu kết quả dương tính với nhịp tim < 90ck/ph hoặc nhịp tim tăng < 20% so với nhịp tim trước tiêm atropin.

4. Thăm dò điện sinh lí tim (Electrophysiology Studies)

Bác sĩ luồn các sợi dây mỏng gắn điện cực thông qua các mạch máu đến tim. Các điện cực sẽ lập bản đồ sự lan truyền của những tín hiệu điện trong tim. Đây là kỹ thuật thăm dò xâm lấn để ghi lại hoạt động điện của tim. Phương pháp này nhằm kiểm tra chức năng nút xoang, chức năng nút nhĩ thất. Đồng thời, phát hiện các rối loạn nhịp tim kèm theo trong hội chứng suy nút xoang.

Điều trị suy nút xoang tim thế nào?

1. Điều trị cấp cứu

  • Sử dụng thuốc

Những trường hợp người bị suy nút xoang tim có triệu chứng ngất hoặc choáng ngất thì cần cấp cứu ngay lập tức. Để xử lý, các bác sĩ có thể tiêm/truyền tĩnh mạch cho người bệnh một số loại thuốc ổn định nhịp tim. Ví dụ như Atropin, Dobutamin, Dopamin, Isoproterenol, Adrenalin… Người bệnh không được tự ý sử dụng thuốc mà cần có chỉ định của bác sĩ. Đặc biệt, nếu xảy ra hội chứng suy nút xoang do thuốc làm chậm nhịp tim hoặc thuốc điều trị suy giáp thì cần ngưng thuốc ngay.

  • Máy tạo nhịp tạm thời

Một số trường hợp chống chỉ định với thuốc, các bác sĩ sẽ dùng máy tạo nhịp tim tạm thời cho người bệnh để tránh tình trạng ngưng tim quá lâu.

2. Điều trị lâu dài

Các bác sĩ thực hiện cấy máy tạo nhịp vĩnh viễn cho người bệnh. Máy tạo nhịp là thiết bị nhỏ được cấy dưới da, thường ở vị trí xương đòn bên trái. Máy tạo nhịp sẽ xử lý, điều hòa các rối loạn nhịp tim (nhịp bất thường, nhịp gián đoạn, hay nhịp chậm).

Theo hướng dẫn điều trị của Hội Tim mạch Hoa Kỳ, người bệnh được chỉ định cấy máy tạo nhịp vĩnh viễn nếu thuộc những trường hợp sau:

  • Chỉ định nhóm I
    • Hội chứng suy nút xoang có triệu chứng ngất, thoáng ngất, chóng mặt, mệt mỏi, hồi hộp
    • Hội chứng suy nút xoang xảy ra do việc điều trị bằng thuốc lâu dài
    • Hội chứng suy nút xoang có triệu chứng khi gắng sức do nhịp tim tăng không tương xứng
  • Chỉ định nhóm IIa
    • Hội chứng suy nút xoang có nhịp tim < 40ck/phút và mối liên quan giữa triệu chứng với nhịp chậm không rõ ràng
    • Ngất xỉu không rõ nguyên nhân. Khi thăm dò điện sinh lí tim có tín hiệu suy nút xoang
  • Chỉ định nhóm IIb
    • Nhịp chậm < 40ck/ph lúc thức và triệu chứng khá ít

3. Điều trị nguyên nhân

  • Ngừng sử dụng các loại thuốc nghi ngờ làm chậm nhịp tim
  • Điều trị bệnh suy giáp
  • Chụp và can thiệp động mạch vành

Khám và điều trị suy nút xoang tại bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn

Hội chứng suy nút xoang có thể gây nên những biến chứng nguy hiểm, thậm chí là tử vong nếu không được phát hiện và điều trị sớm. Do đó, mỗi người cần chủ động thăm khám, kiểm tra sức khỏe định kỳ. Cho dù có triệu chứng bất thường hay không xuất hiện triệu chứng thì chúng ta cũng không được chủ quan.

Khoa Tim mạch, bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn quy tụ đội ngũ y bác sĩ có trình độ chuyên môn cao, tay nghề vững vàng và giàu kinh nghiệm trong việc cấy máy tạo nhịp tim cũng như thực hiện các kỹ thuật điều trị sâu. Bên cạnh nguồn nhân lực giỏi, bệnh viện chú trọng đầu tư hệ thống máy móc, thiết bị tân tiến như: máy chụp mạch máu số hoá xoá nền (DSA), máy siêu âm doppler tim mạch, máy holter điện tâm đồ, điện tâm đồ gắng sức, máy tạo nhịp tim, máy monitor theo dõi người bệnh nặng, máy sốc điện, …v.v. Người bệnh sẽ được chẩn đoán chính xác bệnh lý tim mạch cũng như được áp dụng các phương pháp hiện đại, kỹ thuật chuyên sâu trong điều trị nhằm mang lại hiệu quả tối ưu, đồng thời rút ngắn thời gian nằm viện cho người bệnh.

Bệnh tim mạch đã trở thành nguyên nhân gây tử vong và mắc bệnh hàng đầu ở Việt Nam, đang có xu hướng trẻ hoá và gia tăng nhanh chóng. Theo các chuyên gia, 80% bệnh tim mạch giai đoạn đầu có thể phòng ngừa được bằng cách thay đổi lối sống và chủ động khám sức khỏe định kỳ để phát hiện bệnh sớm.

Chung tay cùng ngành Y, các bác sĩ Tim mạch bệnh viện Hoàn Mỹ hướng dẫn mọi người nên vận động đều đặn mỗi ngày 30 phút như đi bộ, đạp xe, bơi lội…; thực hiện chế độ ăn nhiều rau xanh, trái cây; hạn chế đồ ăn nhanh, nhiều chất béo; hạn chế hút thuốc, bia rượu; kiểm soát các bệnh mạn tính như huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu… để phòng tránh nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Bên cạnh đó, khám sàng lọc bệnh tim mạch là biện pháp hiệu quả để kịp thời phát hiện các bất thường của tim. Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn có các gói khám chuyên sâu phù hợp với đa dạng nhu cầu của khách hàng.

Đăng ký thăm khám và điều trị suy nút xoang ở bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn TẠI ĐÂY.

Khám và điều trị suy nút xoang tại bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn

Ekip bác sĩ tim mạch thực hiện kỹ thuật chụp mạch máu số hoá xoá nền (DSA) trong chẩn đoán hình ảnh tim mạch