Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn

Đặt stent động mạch cảnh để tránh nguy cơ tái phát đột quỵ não

20/03/2023

Động mạch cảnh hẹp hoặc bị tắc nghẽn có thể làm giảm hay gián đoạn lưu thông máu não, dễ dẫn đến các cơn thiếu máu não thoáng qua và đột quỵ não. Đặt stent động mạch cảnh là phương pháp hữu hiệu để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh.

1. Hẹp động mạch cảnh là gì?

Động mạch cảnh là động mạch lớn nhất xuất phát từ động mạch chủ ngực, đi dọc hai bên cổ đối xứng nhau, có chức năng đưa máu từ tim lên nuôi dưỡng não. Hẹp động mạch cảnh là tình trạng lòng mạch bị hẹp dần lại do thành mạch dày lên. Khi đó, lưu lượng máu từ tim đưa về não bị giảm dần hoặc gián đoạn.

Não bị thiếu máu sẽ gây nên các tổn thương, tuỳ vào mức độ tổn thương não ít hay nhiều sẽ dẫn đến các cơn thiếu máu não thoáng qua (gây choáng váng, ngất xỉu) hoặc thậm chí là đột quỵ não.


2. Nguyên nhân hẹp động mạch cảnh

Nguyên nhân chính gây nên tình trạng hẹp động mạch cảnh là do các mảng xơ vữa bám vào thành động mạch, làm dày thành mạch, ép hẹp lòng mạch. Qua thời gian có thể gây huyết khối, tắc nghẽn hoặc giảm khả năng tuần hoàn dòng máu từ tim tới não. Mảng xơ vữa này được tích tụ bởi cholesterol, calcium, mô sợi.

Một vài nguyên nhân khác tăng nguy cơ mắc bệnh hẹp động mạch cảnh dẫn đến đột quỵ như:

  • Bệnh lý: Cao huyết áp, rối loạn chuyển hóa mỡ máu, tiểu đường, viêm động mạch, phình động mạch, chứng loạn sản xơ cơ (fibromuscular dysplasia), …
  • Điều trị bệnh: Tổn thương các mô, tế bào do quá trình xạ trị (bức xạ làm hoại tử).
  • Yếu tố di truyền: Gia đình có người mắc bệnh hẹp động mạch cảnh hoặc mạch vành.
  • Lối sống thiếu khoa học: Ít vận động, béo phì, ăn nhiều thực phẩm có chứa cholesterol “xấu” hay còn gọi là chất béo không lành mạnh, hút thuốc lá, …

3. Điều trị bệnh hẹp động mạch cảnh tại bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn

Căn cứ vào diễn tiến của bệnh hẹp động mạch cảnh, xem xét mức độ hẹp, các triệu chứng cũng như trạng thái sức khoẻ của bệnh nhân, các bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị bệnh hẹp động mạch cảnh phù hợp nhất.

Sau khi thực hiện tầm soát nguy cơ đột quỵ tại bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn, nếu phát hiện dấu hiệu bệnh hẹp động mạch cảnh ở giai đoạn đầu, các bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân sử dụng thuốc kết hợp việc thay đổi lối sống.

3.1. Thay đổi lối sống


  • Ăn uống lành mạnh
    • Bổ sung các thực phẩm tốt cho cơ thể như trái cây, rau xanh, ngũ cốc.
    • Giảm thực phẩm chứa chất béo, đồ ngọt, thức ăn nhanh.
    • Ăn nhạt, ít muối, ít đường.
  • Hạn chế rượu bia, ngưng hút thuốc lá và các chất kích thích khác.
  • Vận động nhiều hơn, tập thể dục hoặc đi bộ nhẹ nhàng.
  • Làm việc vừa sức và dành thời nghỉ ngơi hợp lý.

3.2. Dùng thuốc

Tùy theo tình trạng người bệnh mà các bác sĩ kê đơn thuốc hoặc chống ngưng kết tập tiểu cầu để điều trị bệnh động mạch cảnh. Ví dụ như: Aspirin 81 – 325mg, Clopidogrel 75mg.

Ngoài ra còn có các loại thuốc hạ huyết áp hoặc điều trị các bệnh lý như tiểu đường, tăng huyết áp, … Hội Tim mạch châu Âu khuyến cáo bệnh nhân cần được giữ ở mức huyết áp <140/90 mmHg, chỉ số LDL cholesterol trong máu <1.8 mmol/L (70 mg/dL).

3.3. Đặt stent động mạch cảnh

Khi bệnh tiến triển tới giai đoạn muộn, xuất hiện các dấu hiệu lâm sàng, bác sĩ sẽ chỉ định đặt stent động mạch cảnh hoặc tiến hành phẫu thuật bóc tách.

Đặt stent động mạch cảnh là phương pháp can thiệp không phẫu thuật, thực hiện bằng cách chọc kim động mạch, sau đó đưa dụng cụ là ống thông gắn bóng nong ở đầu luồn vào vị trí động mạch cảnh bị hẹp. Sau khi bơm căng bóng nong, các mảng xơ vữa bị nén vào thành mạch, bác sĩ đặt stent tại đó để mở rộng lòng mạch, tăng khả năng tuần hoàn máu lên não.

Đặt stent động mạch cảnh là thủ thuật ít xâm lấn, thời gian thực hiện ngắn, không phải gây mê nên ít ảnh hưởng tới toàn thân nhưng vẫn mang đến kết quả tốt, nhằm tránh nguy cơ tái phát đột quỵ não.


3.4. Nên lựa chọn phẫu thuật bóc lớp trong hay đặt stent động mạch cảnh?

Dựa vào mức độ hẹp động mạch cảnh và các yếu tố đi kèm như tình trạng sức khoẻ bệnh nhân, tuổi tác,… bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp phù hợp. Chỉ cần mức độ hẹp từ 70% trở lên, cho dù có triệu chứng hay không triệu chứng nhồi máu não, bác sĩ đều lựa chọn một trong hai cách điều trị phẫu thuật hoặc đặt stent.

Nếu bệnh nhân không có các yếu tố nguy cơ cản trở phẫu thuật, các bác sĩ sẽ thực hiện phẫu thuật bóc lớp động mạch cảnh. Những yếu tố ấy bao gồm: vị trí hẹp động mạch cảnh gần đi vào sọ, đã từng phẫu thuật hoặc xạ trị vùng cổ,…

Ngược lại, đặt stent động mạch cảnh thường được chỉ định cho các trường hợp như sau:

  • Bệnh nhân có các yếu tố cản trở phẫu thuật.
  • Người mắc bệnh lý đi kèm, nguy cơ tai biến cao.
  • Người từng trải qua các biến chứng do phẫu thuật.
  • Bệnh nhân bị hẹp động mạch cảnh sau khi hoá trị, xạ trị.

4. Tầm soát bệnh hẹp động mạch cảnh ở đâu?

Bệnh động mạch cảnh thường ít có triệu chứng hay dấu hiệu để nhận biết. Do đó, để phát hiện sớm bệnh hẹp động mạch cảnh, ngăn ngừa nguy cơ đột quỵ não, mọi người nên kiểm tra sức khỏe định kỳ, thực hiện tầm soát nguy cơ đột quỵ.

Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn với đội ngũ các bác sĩ, chuyên gia đứng đầu trong lĩnh vực cấp cứu và điều trị Đột quỵ, cùng với hệ thống máy móc hiện đại với độ chính xác cao (như máy DSA, máy CT, MRI), sẽ tầm soát và chẩn đoán chính xác bệnh động mạch cảnh cũng như phát hiện sớm các nguy cơ gây đột quỵ. 

Đồng thời, các bác sĩ cũng sở hữu tay nghề chuyên môn sâu, dày dặn kinh nghiệm phẫu thuật bóc tách hoặc đặt stent điều trị hẹp động mạch cảnh, nhằm đẩy lùi tình trạng tái phát đột quỵ cho người bệnh.

Ngoài việc đặt stent điều trị động  mạch cảnh, Hoàn Mỹ Sài Gòn cũng sử dụng các phương pháp tiên tiến và hiện đại để kiểm soát tốt nhất những bệnh lý kèm theo như: Tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu…

Để bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình, tránh nguy cơ bị hẹp động mạch cảnh dẫn tới đột quỵ não, hãy tầm soát và điều trị tại Hoàn Mỹ Sài Gòn ngay hôm nay.