Biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 bảo vệ sức khỏe gia đình và cộng đồng
26/05/2025Sau hơn 4 năm kể từ khi bùng phát, COVID-19 đã không còn được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xếp vào tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu từ tháng 5/2023. Tại Việt Nam, dịch bệnh cũng được điều chỉnh từ bệnh truyền nhiễm nhóm A (nguy hiểm đặc biệt) xuống nhóm B từ tháng 7/2023. Tuy nhiên, virus SARS-CoV-2 vẫn tiếp tục tồn tại và phát triển biến thể phụ của Omicron (như XBB, EG.5, JN.1,…) đang gây ra những đợt bùng phát cục bộ tại nhiều nơi trên thế giới.
Thông tin về tình hình dịch bệnh COVID-19
Tại khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Singapore đã có dấu hiệu bùng phát trở lại. Cụ thể tại Thái Lan, tình hình bệnh COVID-19 đang được ghi nhận số ca mắc gia tăng liên tục, từ ngày 1/1/2025 đến 10/5/2025 ghi nhận có có 53.676 ca nhiễm và 16 ca tử vong.
Tại Việt Nam, theo báo cáo mới nhất của Bộ Y tế (tháng 5/2025) từ đầu năm 2025 đến nay ghi nhận rải rác 148 trường hợp mắc COVID-19 tại 27 tỉnh, thành phố và không có ca tử vong.
Riêng khu vực TP Hồ Chí Minh là một trong những thành phố có mật độ dân cư đông đúc nhất cả nước là điều kiện thuận lợi cho việc lây lan dịch bệnh. Do vậy, để chủ động ứng phó với dịch bệnh trong giai đoạn mới, Bộ Y tế và các chuyên gia dịch tễ tiếp tục khuyến cáo người dân duy trì các biện pháp phòng ngừa sau:
Hướng dẫn phòng ngừa dịch Covid-19 từ Bộ Y tế
Đeo khẩu trang đúng cách
Người dân được khuyến cáo tiếp tục đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng, tham gia phương tiện giao thông công cộng và đặc biệt là tại các cơ sở y tế. Việc này giúp hạn chế sự lây lan của các giọt bắn chứa virus và bảo vệ bản thân trước nguy cơ lây nhiễm từ cộng đồng.
Dùng khăn giấy hoặc che bằng khuỷu tay khi ho, hắt hơi
Khi ho hoặc hắt hơi, nên sử dụng khăn giấy che miệng, mũi và vứt khăn giấy vào thùng rác có nắp đậy sau khi sử dụng. Nếu không có khăn giấy, hãy dùng mặt trong khuỷu tay để che miệng, mũi. Sau đó, cần rửa tay sạch bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn.
Biện pháp này giúp hạn chế tối đa giọt bắn phát tán ra không khí, giảm nguy cơ lây lan virus cho người xung quanh.
Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn
Thói quen rửa tay đúng cách với xà phòng dưới vòi nước sạch hoặc sử dụng dung dịch sát khuẩn nhanh là biện pháp cực kỳ quan trọng và dễ thực hiện để loại bỏ virus bám trên tay sau khi tiếp xúc với các bề mặt công cộng, đồ vật hoặc khi chăm sóc người bệnh.
Hạn chế tụ tập đông người khi không cần thiết
Để giảm nguy cơ tiếp xúc với nguồn lây, người dân nên hạn chế tham gia các hoạt động tụ tập đông người, đặc biệt ở không gian kín, khi không thực sự cần thiết.
Tăng cường vận động, rèn luyện thể lực và dinh dưỡng hợp lý
Một cơ thể khỏe mạnh, hệ miễn dịch tốt chính là “lá chắn” tự nhiên giúp mỗi người phòng tránh hiệu quả các bệnh truyền nhiễm, trong đó có COVID-19. Bộ Y tế khuyến cáo người dân nên duy trì chế độ ăn đủ chất, bổ sung Vitamin C, D, kẽm… kết hợp luyện tập thể thao đều đặn.
Chủ động đi khám khi có biểu hiện nghi ngờ
Nếu xuất hiện các triệu chứng như sốt, ho, khó thở… người dân cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được kiểm tra, xét nghiệm, theo dõi và xử lý kịp thời. Việc này không chỉ giúp bảo vệ sức khỏe bản thân mà còn hạn chế nguy cơ lây lan ra cộng đồng.

Các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo khuyến cáo của Bộ Y tế