Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn

Bệnh Sởi: Nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng ngừa 

25/04/2025

Trước khi có vắc xin, Sởi từng là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ dưới 5 tuổi. Tuy nhiên, kể cả khi đã có vắc xin phòng bệnh, Sởi vẫn là mối quan tâm của ngành y tế bởi khả năng lây lan nhanh, dễ bùng phát thành dịch nếu không được kiểm soát tốt. 

Bộ Y tế đã ban hành hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh Sởi cập nhật năm 2025 (Quyết định số 1019/QĐ-BYT), đồng thời khuyến cáo các địa phương tăng cường giám sát, phòng ngừa và tiêm chủng đúng lịch để bảo vệ cộng đồng trước nguy cơ tái bùng phát dịch Sởi. 

Bệnh Sởi là gì? 

Sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Sởi (thuộc họ Paramyxoviridae, chi Morbillivirus) gây ra. Bệnh lây lan rất nhanh qua đường không khí, giọt bắn hoặc tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết mũi, họng của người nhiễm bệnh. 

Sởi lây qua đường không khí, giọt bắn hoặc tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết hô hấp 

Sởi không chỉ là bệnh của trẻ em. Người lớn chưa từng tiêm phòng hoặc chưa từng mắc bệnh cũng có thể bị nhiễm và diễn tiến nặng hơn trẻ nhỏ.  

Bộ Y tế Việt Nam liên tục duy trì chương trình tiêm chủng mở rộng, đồng thời cập nhật các hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh Sởi – đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh có nguy cơ quay lại do tỷ lệ tiêm chủng không đều tại một số khu vực. 

Biến chứng có thể bao gồm viêm phổi, viêm tai giữa, viêm não, tiêu chảy và suy dinh dưỡng,… Trẻ nhỏ và người có hệ miễn dịch yếu có nguy cơ cao gặp biến chứng nặng, thậm chí tử vong nếu không điều trị kịp thời. 

Bệnh Sởi có thể gây tử vong nếu không điều trị kịp thời 

Ai dễ mắc bệnh Sởi? 

  • Trẻ dưới 3 tuổi, đặc biệt là trẻ chưa được tiêm vắc xin Sởi – Rubella đầy đủ. 
  • Người lớn chưa từng mắc bệnh hoặc chưa tiêm phòng đầy đủ. 
  • Phụ nữ mang thai (nếu nhiễm có thể ảnh hưởng đến thai nhi). 
  • Người có hệ miễn dịch suy yếu như người bệnh ung thư, HIV/AIDS, người đang điều trị corticoid kéo dài,… 

Người có hệ miễn dịch yếu dễ mắc bệnh Sởi 

Dấu hiệu nhận biết bệnh Sởi 

Triệu chứng của bệnh Sởi thường xuất hiện sau 7–21 ngày (trung bình 10 ngày) kể từ khi tiếp xúc với virus. Các giai đoạn chính bao gồm:  

Giai đoạn ủ bệnh

  • Thời gian Sởi từ 7 – 21 ngày, trung bình 10 ngày
  • Không có triệu chứng rõ ràng. 

Giai đoạn khởi phát

  • Thời gian khởi phát từ 2 – 4 ngày
  • Sốt cao đột ngột
  • Ho, chảy mũi, mắt đỏ
  • Xuất hiện ban đỏ toàn thân sau vài ngày sốt
  • Có thể xuất hiện đốm trắng trong miệng (dấu hiệu Koplik)

Ảnh minh họa triệu chứng khởi phát của bệnh Sởi 

Giai đoạn phát ban

  • Thời gian từ 2 – 5 ngày
  • Phát ban từ mặt, sau đó lan xuống thân mình và tứ chi
  • Ban thường kéo dài 4–7 ngày, sau đó mờ dần.  

Giai đoạn hồi phục

  • Ban nhạt màu dần rồi sang màu xám, bong vảy phấn sẫm màu, để lại vết thâm vằn da hổ và biến mất theo thứ tự như khi xuất hiện.  
  • Nếu không xuất hiện biến chứng thì bệnh tự khỏi.  
  • Có thể có ho kéo dài 1 – 2 tuần sau khi hết ban. 

Phòng bệnh hơn chữa bệnh – chủ động bảo vệ bản thân và gia đình 

 Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, để phòng bệnh Sởi hiệu quả, cần: 

  • Tiêm vắc xin đầy đủ theo lịch tiêm chủng mở rộng
  • Trẻ em: Tiêm mũi 1 khi 9 tháng tuổi, mũi 2 lúc 18 tháng tuổi (vắc xin Sởi hoặc phối hợp Sởi – Rubella hoặc Sởi – Quai bị – Rubella)
  • Người lớn chưa tiêm đủ 2 mũi hoặc chưa từng mắc bệnh cần tiêm nhắc
  • Giữ vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên
  • Đeo khẩu trang khi đến nơi đông người
  • Tránh tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh
  • Khi có dấu hiệu sốt, phát ban, đến cơ sở y tế để kiểm tra và cách ly kịp thời
  • Người mắc Sởi nên được cách ly ít nhất 4 ngày sau khi phát ban xuất hiện để tránh lây lan

Tiêm vắc xin là giải pháp hiệu quả để phòng ngừa bệnh 

Chẩn đoán và điều trị 

Chẩn đoán

Ngoài biểu hiện lâm sàng, việc chẩn đoán bệnh Sởi còn được hỗ trợ bởi các xét nghiệm huyết thanh: 

  • Xét nghiệm kháng thể IgM: Có thể phát hiện từ ngày đầu tiên phát ban, và đạt độ chính xác 100% sau ngày thứ 3
  • Xét nghiệm PCR hoặc phân lập virus trong các trường hợp đặc biệt. 

Điều trị

Hiện nay, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cho virus Sởi. Việc điều trị chủ yếu là: 

  • Điều trị triệu chứng: hạ sốt, giảm ho, bổ sung nước và điện giải, nghỉ ngơi. 
  • Theo dõi biến chứng và điều trị kịp thời. 
  • Cách ly bệnh nhân ít nhất 4 ngày sau khi phát ban để ngăn ngừa lây lan. 

Chủ động từ chuyên môn – sẵn sàng vì người bệnh  

Chủ động cập nhật kiến thức chuyên môn, củng cố năng lực ứng phó với các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm là cam kết không thay đổi của Hoàn Mỹ Sài Gòn trong việc bảo vệ sức khỏe người dân và luôn sẵn sàng trước mọi tình huống y tế công cộng.   

Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn luôn duy trì sẵn sàng khu vực cách ly riêng biệt dành cho các trường hợp nghi ngờ hoặc xác định mắc bệnh truyền nhiễm như Sởi, đảm bảo hoạt động liên tục và an toàn cho cả người bệnh lẫn nhân viên y tế.  

Chương trình tập huấn tại bệnh viện được triển khai bài bản, cập nhật đầy đủ các nội dung chuyên môn theo hướng dẫn mới nhất của Bộ Y tế (QĐ 1019/QĐ-BYT ngày 26/3/2025): 

– Nhận diện sớm các dấu hiệu lâm sàng, cận lâm sàng của bệnh Sởi. 
– Phân loại mức độ bệnh và xử trí kịp thời các biến chứng nguy hiểm. 
– Tối ưu hoá phác đồ điều trị, tăng cường hiệu quả chăm sóc người bệnh. 
– Đảm bảo công tác kiểm soát nhiễm khuẩn và phòng chống lây nhiễm trong bệnh viện. 

Với giá trị cốt lõi “Tận tâm chăm sóc ”, Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn cam kết luôn đồng hành cùng cộng đồng trong công tác phòng chống dịch bệnh. Tại Hoàn Mỹ Sài Gòn, mỗi chương trình tập huấn, mỗi kế hoạch ứng phó dịch bệnh đều hướng đến mục tiêu: bảo vệ sức khỏe người dân bằng sự chuyên nghiệp, tận tâm và chuẩn bị vững vàng. Chúng tôi không ngừng nâng cao chuyên môn, hoàn thiện quy trình, sẵn sàng bảo vệ sức khỏe người dân trong mọi tình huống. 

Nếu bạn hoặc người thân có dấu hiệu nghi ngờ mắc Sởi, hoặc cần tư vấn y tế, vui lòng liên hệ ngay với Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn để được hỗ trợ kịp thời.  Hotline: (028) 3990 2468 

Liên hệ với Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn:
Website – Fanpage – Youtube – Tiktok
Chat với chúng tôi: HoanMySaiGon