Rối loạn nhịp tim có thể xảy đến với người bị bệnh tim và cả người khoẻ mạnh. Đây là tình trạng các xung điện nhịp tim hoạt động bất thường, ảnh hưởng đến sức khỏe người mắc phải. Vậy, rối loạn nhịp tim có nguy hiểm hay không, điều trị như thế nào? Hãy cùng bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn tìm hiểu chi tiết qua bài viết dưới đây.
Rối loạn nhịp tim là gì?
Rối loạn nhịp tim là tình trạng tần số dao động của tim xảy ra bất thường, nhịp tim đập quá chậm <60 lần/phút) hoặc quá nhanh (>100 lần/phút) hoặc nhịp tim hỗn loạn không đều. Khi nhịp tim bị rối loạn, khả năng bơm máu của tim cũng bị ảnh hưởng.
Tình trạng rối loạn nhịp tim thường xuất hiện từng đợt thoáng qua vài giây hoặc vài phút, ít dấu hiệu cảnh báo. Các rối loạn nhẹ làm giảm sút sức khoẻ và chất lượng cuộc sống của người bệnh. Trường hợp rối loạn nhịp tim kéo dài nhiều giờ, liên tục nhiều năm, tiến triển nghiêm trọng, có thể khiến tim ngừng đập, ngưng mạch, người bệnh ngất xỉu, đột quỵ hoặc tử vong.
Nguyên nhân gây rối loạn nhịp tim
Các nguyên nhân gây rối loạn nhịp tim:
- Sự bất thường của cấu trúc tim: nút xoang suy yếu, ổ phát nhịp bất thường, đường dẫn truyền nhĩ – thất có vấn đề (nghẽn hoặc hỏng), cơ tim bị tổn thương.
- Bệnh lý ở các cơ quan khác ảnh hưởng đến tim: bệnh tuyến giáp như cường giáp, bệnh suy thận.
- Rối loạn điện giải trong cơ thể.
- Một số loại thuốc đặc trị bệnh hoặc hóa chất độc mà cơ thể hấp thu.
- Bệnh lý di truyền hay đột biến gây RL nhịp
Các triệu chứng rối loạn nhịp tim
Tuỳ mức độ nặng, nhẹ của rối loạn nhịp tim mà người bệnh có các triệu chứng khác nhau. Một vài người không xuất hiện dấu hiệu nào khi rối loạn nhịp tim, hoặc triệu chứng khá mơ hồ. Nhưng đa phần các triệu chứng thường thấy khi loạn nhịp tim gồm:
- Hồi hộp
- Hụt hơi, khó thở
- Đánh trống ngực, tim đập mạnh
- Ran nặng ngực, tức ngực
- Yếu sức
Khi tình trạng rối loạn nhịp tim nặng hơn, các biểu hiện sẽ có:
- Đau nhói ngực
- Toát mồ hôi
- Chóng mặt, choáng váng, tối sầm mắt
- Gần ngất hoặc ngất xỉu
- Ngưng tim
Các loại rối loạn nhịp tim thường gặp
Cuồng nhĩ
Là tình trạng nhịp nhanh ở tâm nhĩ của tim, tần số co thắt khoảng 240 – 340 lần/phút. Tâm nhĩ co thắt cực nhanh nhưng xung động dẫn truyền qua nút nhĩ thất lại giảm bớt. Các biểu hiện thường thấy như: hồi hộp, khó thở, chóng mặt, tức ngực. Một vài trường hợp nặng, người bệnh bị thuyên tắc huyết khối nên có triệu chứng đột quỵ như yếu tay chân, mất tri giác, nói đớ.
Rung nhĩ
Là rối loạn nhịp tim hay gặp nhất tại tầng nhĩ. Tâm nhĩ kích hoạt không đồng bộ, xung động tim rất nhanh >400 lần/phút, lan hỗn loạn và không đều. Rung nhĩ có thể xuất hiện thoáng qua, biểu hiện bởi các cơn đánh trống ngực, hụt hơi. Khi rung nhĩ tiến triển kéo dài sẽ làm suy giảm chức năng tim, gây choáng váng, tụt huyết áp, Suy tim sung huyết.
Nhịp nhanh kịch phát trên thất
Là dạng rối loạn nhịp tim thường gặp, xảy ra ở mọi lứa tuổi, xuất hiện đột ngột cả khi ngủ hay nghỉ ngơi. Nhịp nhanh có thể từ các ổ loạn nhịp, vùng nút nhĩ thất hoặc đường dẫn truyền phụ. Trong cơn nhịp nhanh, tần số tim dao động 150 – 210 lần/phút. Người bệnh thường hồi hộp, hụt hơi, khó thở, chóng mặt, yếu sức. Nặng hơn có thể tụt huyết áp, ngất xỉu.
Nhịp nhanh thất
Là dạng rối loạn nhịp tim khởi phát từ tâm thất, nguy hiểm hơn so với nhịp nhanh kịch phát trên thất. Tần số tim dao động từ 100 – 200 chu kỳ/phút đến > 350 chu kỳ/phút. Cơn nhịp nhanh thất ban đầu xuất hiện thoáng qua, người bệnh chỉ lâng lâng, hụt hơi, đánh trống ngực. Đến khi tiến triển nặng, nhịp nhanh thất làm bạn ran nặng ngực, khó thở, tụt huyết áp, suy tim, có thể ngất xỉu, thậm chí tử vong nếu chuyển sang rung thất
Rung thất
Là tình trạng tim đập nhanh bất thường, cơ tim tâm thất co bóp cực nhanh, mất đồng bộ và hỗn loạn. Trong cơn rung thất, tim không còn khả năng bơm máu tới các cơ quan và duy trì tuần hoàn. Rung thất đe doạ tính mạng tức thời, khiến người bệnh mất ý thức sau vài giây. Nếu không được cứu chữa kịp thì dễ mất mạch, ngừng thở, có khả năng tử vong. Nếu được chữa trị nhưng chậm sẽ khiến não tổn thương vĩnh viễn.
Trước cơn rung thất, người bệnh có thể xuất hiện vài dấu hiệu sớm như chóng mặt, tức ngực, buồn nôn, khó thở, choáng váng, cảm giác tối sầm mắt và chân tay nhẹ hẫng. Tiến triển bệnh rung thất rất nhanh và cực kỳ nguy hiểm nên cần can thiệp y tế ngay lập tức.
Hội chứng suy nút xoang
Nút xoang tạo ra nhịp tim, nếu nút xoang gặp vấn đề bất thường thì khả năng tạo nhịp tim chậm đi. Tình trạng này xảy ra khi nút xoang bị kém thích ứng với những hoạt động hoặc thay đổi sinh lý của của cơ thể. Có trường hợp hội chứng suy nút xoang xảy ra khi người bệnh xảy ra cơn loạn nhịp nhanh (rung nhĩ) và sau đó gặp khoảng ngưng tim dài (thường 5 giây).
Nhịp nhanh xoang
Khi nút xoang bị kích thích (hoạt động quá sức, thay đổi tư thế đột ngột), nhịp tim trở nên nhanh hơn. Lúc này, tần số tim dao động 100 – 140 lần/phút ở người trưởng thành, và có thể >200 lần/phút với trẻ sơ sinh. Triệu chứng thường thấy như đánh trống ngực, đau ngực, choáng, hoa mắt, run tay.
Block (nghẽn) dẫn truyền nhĩ thất
Nút xoang tạo ra xung động, lan theo đường dẫn truyền từ tâm nhĩ tới tâm thất để giữ nhịp tim bình thường. Nếu dẫn truyền nhĩ thất bị hỏng hoặc nghẽn, xung động không thể truyền xuống tâm thất, có thể gây ngưng tim. Do đó, nghẽn dẫn truyền nhĩ thất cũng là một dạng rối loạn nhịp tim nguy hiểm, cần can thiệp y tế ngay.
Rối loạn thần kinh tim
Đây là bệnh lý lành tính, không gây tổn thương tim hay nguy hiểm tính mạng. Khi thần kinh thực vật rối loạn sẽ khiến tim đập nhanh hoặc đập chậm, gây choáng váng, chóng mặt, tăng huyết áp, có thể ngất. Bên cạnh đó, người bệnh còn bị đau nhói tim, mệt mỏi.
Ngoại tâm thu
Là rối loạn nhịp hay gặp, nhịp tim không đều hoặc bỏ nhịp. Nếu tình trạng xảy ra ở người khỏe mạnh thì không gây nguy hiểm. Trường hợp ngoại tâm thu xuất hiện ở người có cấu trúc tim bất thường, có thể tăng nguy cơ đột tử. Khi ngoại tâm thu tiến triển nặng, có khả năng làm giảm hiệu suất bơm máu của tim, lâu dần dẫn đến suy tim.
Rối loạn nhịp tim có nguy hiểm không?
Một số loại rối loạn nhịp tim nhẹ không nguy hại cho sức khỏe. Nhưng đa phần các rối loạn nhịp tim kéo dài lâu năm hoặc tiến triển nặng, có khả năng gây nên những biến chứng nguy hiểm trầm trọng như:
- Suy tim: Khi mắc rối loạn nhịp tim, tim không thể bơm máu bình thường đến các bộ phận cơ thể khác. Khi hiệu suất tuần hoàn máu giảm, tim phải hoạt động nhiều hơn, lâu dần dẫn đến suy tim.
- Đột quỵ: Khi loạn nhịp tim, máu khó lưu thông, dẫn đến hình thành cục máu đông. Các cục máu đông có thể di chuyển từ tâm nhĩ đến não, gây tắc mạch máu dẫn tới đột quỵ. Do đó, rối loạn nhịp tim tăng nguy cơ đột quỵ lên gấp 5 lần.
- Suy giảm chất lượng cuộc sống: Để cơ thể hoạt động bình thường, các bộ phận phải được liên tục cung cấp máu có oxy. Nếu bị rối loạn nhịp tim, tình trạng lưu thông máu giảm sút, cơ thể bạn sẽ luôn mệt mỏi, hạn chế hoạt động, không thể gắng sức, làm chất lượng cuộc sống suy giảm.
- Đột tử: Trường hợp rối loạn nhịp tim nặng có thể gây ngất xỉu, ngưng tim, dẫn đến đột tử nếu không cứu chữa kịp thời.
Điều trị rối loạn nhịp tim
Một vài rối loạn nhịp tim không cần chữa trị. Tuy nhiên, bạn cần kiểm tra kỹ lưỡng để bác sĩ chẩn đoán và đưa ra phương án phù hợp. Dựa vào tình trạng rối loạn nhịp tim nhanh hay chậm, các phương pháp điều trị được áp dụng gồm có:
Dùng thuốc
Người loạn nhịp nhanh có thể dùng thuốc kiểm soát nhịp tim. Nếu bị cuồng nhĩ hay rung nhĩ, nên sử dụng thuốc chống đông máu, giảm nguy cơ đột quỵ. Các loại thuốc điều trị cần có chỉ định của bác sĩ để mang lại hiệu quả và tránh biến chứng.
Thủ thuật/phẫu thuật:
- Cắt đốt qua ống thông (catheter): Luồn một hay nhiều ống thông vào các mạch máu đến tim. Đầu ống thông có các điện cực dùng nhiệt hoặc năng lượng lạnh, có thể tạo ra vết sẹo nhỏ ở tim, ngăn chặn tín hiệu bất thường và giúp khôi phục nhịp tim trở lại bình thường.
- Máy tạo nhịp tim: Là dụng cụ giúp tăng nhịp tim hiệu quả dành cho người bị rối loạn nhịp tim chậm. Trường hợp này không dùng thuốc tăng nhịp được.
- Máy khử rung tim cấy được (ICD): Người bệnh bị nhịp nhanh thất, rung thất hoặc ngừng tim đột ngột thường được gắn thiết bị rung tim ICD.
- Phẫu thuật Maze: Thực hiện một loạt vết rạch trên mô tim tâm nhĩ, tạo thành các mô sẹo không dẫn điện. Nhờ đó, cản trở những xung điện lạc hướng để chữa trị rung nhĩ.
- Tái thông mạch vành: Bệnh động mạch vành có khả năng gây rối loạn nhịp tim, cần tiến hành tái thông bằng cách nong và đặt stent hoặc phẫu thuật bắc cầu mạch vành. Sau phẫu thuật, lưu lượng máu đến tim được phục hồi, từ đó cải thiện chức năng tim làm giảm nguy cơ rối loạn nhịp.
Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn – Địa chỉ tin cậy để điều trị rối loạn nhịp tim
Khoa Tim mạch của bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn là chuyên khoa chủ lực được đầu tư mạnh từ nhân lực tới vật tư. Các bác sĩ chuyên khoa hàng đầu dày dặn kinh nghiệm cùng đội ngũ nhân viên khám chữa bệnh chuyên nghiệp và tận tâm.
Đặc biệt, bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn với sự dẫn dắt của Tiến sĩ y khoa – Bác sĩ Lê Thanh Liêm – người đã có phát triển lĩnh vực đặt máy tạo nhịp góp phần đào tạo về lĩnh vực này cho các bác sĩ tại các tỉnh miền Nam. TS.BS Lê Thanh Liêm vốn được đào tạo Y khoa từ năm 1976-1981 tại Đại học Y Dược thành phố Hồ Chí Minh. Sau khi tốt nghiệp nội trú 1986, ông được phân công về khoa Tim mạch Bệnh viện Chợ Rẫy.
Từ 1992-1993, bác sĩ được tu nghiệp tại Pháp, sau khi về nước thì góp phần phát triển lĩnh vực đặt máy tạo nhịp cho bệnh nhân tại bệnh viện Chợ Rẫy. Bác sĩ Lê Thanh Liêm bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ y khoa tại Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh vào năm 2006. Từ 2007-2008 được bổ nhiệm chức Trưởng khoa tim mạch Bệnh viện Chợ Rẫy. Từ năm 2008 đến nay, bác sĩ tiếp tục làm việc tại bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn.
Chính nhờ áp dụng những thành tựu trong nghiên cứu y học và sự tận tình của bác sĩ tim mạch Lê Thanh Liêm, bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn đã cứu sống rất nhiều bệnh nhân bị rối loạn nhịp tim và các vấn đề tim mạch khác. Các ca phẫu thuật điều trị rối loạn nhịp tim nặng từ đơn giản đến phức tạp đều được tiến hành thuận lợi, mang đến cơ hội khoẻ mạnh cho nhiều người.
Hệ thống trang thiết bị, máy móc hiện đại, tiên tiến giúp nâng cao hiệu quả chẩn đoán và điều trị. Nhờ đó, người bệnh có thể an tâm khi được chăm sóc tim mạch sức khỏe tại đây.
Hãy đến ngay bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn để bảo vệ sức khỏe tim mạch từ hôm nay.
- BỆNH VIỆN HOÀN MỸ SÀI GÒN
- 60-60A Phan Xích Long, P.1, Q.Phú Nhuận, TP.HCM
- Điện thoại: 028 3990 2468
- Đăng ký khám: https://hoanmy.com/saigon/dat-lich-hen/
- Youtube: www.youtube.com/c/BVHoanMySaiGonOfficial
- Website: www.hoanmysaigon.com