Peel da là phương pháp làm đẹp được nhiều chị em lựa chọn, có thể thực hiện ngay tại nhà. Phương pháp này giúp kích thích quá trình tái tạo da, hỗ trợ giải quyết các vấn đề về da như da mụn, da sạm màu, da lão hóa,… Tuy nhiên, không phải ai cũng biết rõ về phương pháp này cũng như các bước thực hiện chuẩn nhất để phát huy hiệu quả tối ưu. Trong bài viết này, Hoàn Mỹ sẽ cùng bạn tìm hiểu phương pháp peel da là gì, công dụng và quy trình thực hiện chuẩn y khoa.
Peel da là gì? Peel da có tốt không?
Peel da là phương pháp sử dụng hóa chất với nồng độ thích hợp để tác động lên da. Phương pháp này sẽ giúp làm sạch sâu làn da, đồng thời loại bỏ tế bào chết trên bề mặt, hỗ trợ quá trình tái tạo tế bào da mới, kích thích sản xuất collagen và elastin. Sau khi lớp da tế bào da cũ bị bong, lớp da mới sẽ hình thành và trở nên sáng mịn, tươi trẻ hơn.
Đây là phương pháp làm đẹp khá phổ biến nhưng hiệu quả có tốt hay không còn tùy thuộc vào cách thực hiện và loại hóa chất được sử dụng. Nếu bạn thực hiện theo đúng cách với hóa chất an toàn, đúng nồng độ, làn da sẽ được cải thiện rõ rệt. Ngược lại, quá trình peel thực hiện một cách tùy tiện, sử dụng hóa chất không đảm bảo sẽ gây ra những tác động ngoài ý muốn như da bị kích ứng, nổi mẩn đỏ, nổi mụn, bị nhiễm trùng, tổn thương nặng và để lại sẹo,… Ngoài ra, peel da có tốt không cũng phụ thuộc vào tần suất peel bởi lạm dụng phương pháp này sẽ khiến da mỏng, suy yếu, dễ kích ứng,…
Tác dụng của peel da là gì?
Peel da gây ra những tổn thương trên bề mặt da một cách có chủ đích ở mức độ an toàn để kích thích da tái tạo, mang lại một làn da mịn màng, tươi sáng. Thực hiện đúng cách và chăm sóc da khoa học sẽ không làm da mỏng hay yếu đi. Dưới đây là những tác dụng của peel da hóa học mà bạn nên biết:
- Làm sạch da, hỗ trợ điều trị mụn: Có khả năng loại bỏ tế bào chết, làm sạch da và thông thoáng lỗ chân lông. Nhờ đó, làn da sẽ được làm sạch sâu, giúp điều trị Các loại mụn như mụn đầu đen, mụn cám, mụn ẩn,… và ngăn ngừa mụn mới hình thành.
- Trẻ hóa da: Loại bỏ tế bào da cũ và thay thế bằng những tế bào da mới, giúp da mịn màng, trẻ trung.
- Ngăn ngừa lão hóa: Quá trình peel kích thích collagen và elastin sản sinh, giúp da đàn hồi tốt hơn, giảm thiểu Nếp nhăn và cải thiện các dấu hiệu lão hóa khác trên da.
- Làm sáng da: Loại bỏ hắc sắc tố da trên bề mặt, giúp da sáng mịn, đều màu hơn.
- Tăng cường khả năng hấp thụ các sản phẩm chăm sóc da: Sau khi peel, da được làm sạch sâu, lỗ chân lông thông thoáng, tăng cường khả năng hấp thụ dưỡng chất từ các sản phẩm chăm sóc da và giúp các dưỡng chất hoạt động hiệu quả hơn.
Các cấp độ peel da
Phương pháp này chia thành 4 cấp độ khác nhau, bao gồm: peel rất nông, peel nông, peel trung bình và peel sâu. Các cấp độ này phụ thuộc vào nồng độ hóa chất được sử dụng và khả năng tác động. Cấp độ nào phù hợp còn tùy thuộc vào tình trạng da và nhu cầu, mục đích cải thiện làn da của mỗi người.
Peel rất nông
Peel rất nông là cấp độ nhẹ nhất. Ở cấp độ này chỉ tác động đến lớp sừng da với độ sâu khoảng 0,45mm, giúp loại bỏ tế bào chết, bụi bẩn trên bề mặt da.
Peel nông
Peel nông sử dụng hóa chất ở nồng độ cao hơn, tác động đến phần thượng bì da, giúp lấy đi lớp tế bào chết. Peel da cấp độ nông không gây đau và thường được áp dụng để điều trị mụn trứng cá, cải thiện các Nếp nhăn nhỏ.
Peel trung bình
Peel trung bình tác động đến phần nông của lớp trung bì (bì nhú), ở độ sâu khoảng 0.6mm. Peel trung bình sử dụng hoạt chất có nồng độ cao hơn giúp loại bỏ tế bào chết, làm bong lớp da cũ và hình thành lớp da mới. Ở độ sâu này sẽ giúp điều trị nếp nhăn, các vết sẹo mụn và cải thiện làn da không đều màu.
Peel sâu
Peel sâu tác động đến phần sâu nhất của lớp trung bì (bì lưới) với độ sâu khoảng 0.8mm. Đây là tầng liên quan đến sự hình thành nếp nhăn, độ dày mỏng và độ căng của da. Thông thường, peel sâu được áp dụng để điều trị các vấn đề da như lỗ chân lông to, mụn, vết thâm, vết nhăn,… hoặc muốn làm trắng da. Tuy nhiên, peel da sâu chỉ dành cho những ai có làn da không quá nhạy cảm và được bác sĩ chuyên khoa chỉ định.
Ưu điểm của peel da
Peel da gây ra những vi tổn thương trên bề mặt da một cách có chủ đích ở mức độ an toàn để kích thích da tái tạo, mang lại một làn da mịn màng, tươi sáng. Thực hiện đúng cách và chăm sóc da khoa học sẽ không làm da mỏng hay yếu đi. Trước khi quyết định peel hay không, bạn hãy điểm qua một số ưu điểm của phương pháp làm đẹp này:
Không đau rát
Khi thực hiện peel, bạn sẽ có cảm giác da hơi châm chích hoặc da đỏ, rát. Tuy nhiên, những triệu chứng này chỉ xuất hiện sau khi peel da khoảng 5 – 10 phút và có thể làm dịu bằng cách chườm đá lạnh.
Liệu trình điều trị ngắn
So với các phương pháp làm đẹp da khác, peel da có liệu trình điều trị ngắn hơn và hiệu quả nhanh. Với những vấn đề da nhẹ, liệu trình peel thường kéo dài khoảng 2 – 3 lần, thời gian phục hồi sau mỗi lần điều trị là 7 – 10 ngày. Với những vấn đề da nặng hơn cần thực hiện peel từ 5 – 7 lần.
Hiệu quả lâu dài
Sau khi peel da, nếu bạn kết hợp chế độ chăm sóc da hợp lý thì hiệu quả sẽ duy trì lâu dài. Làn da sẽ luôn giữ được vẻ mịn màng, sáng đẹp.
Trị mụn vi tổn thương trên bề mặt da, không để lại sẹo
Peel da gây ra những vi tổn thương trên bề mặt da, đẩy nhân mụn, kích thích collagen sản sinh. Nhờ đó sẽ giúp trị mụn, làm đầy các vi tổn thương trước đó mà không để lại sẹo.
Nhược điểm của peel da
Bên cạnh những ưu điểm nói trên vẫn còn tồn tại một số nhược điểm, có thể kể đến như:
- Không phải mọi làn da đều có thể thực hiện phương pháp này.
- Da sau khi peel sẽ rất mỏng và nhạy cảm.
- Da sau khi peel cần được chăm sóc kỹ lưỡng nếu không sẽ khó có được kết quả như mong muốn.
Quy trình peel da chuẩn y khoa
Hiệu quả peel da như thế nào phụ thuộc rất nhiều vào quy trình peel có đạt chuẩn hay không. Dưới đây là quy trình peel chuẩn y khoa mà để bạn tham khảo:
Chuẩn bị trước khi peel
Trước khi peel, bạn sẽ được làm sạch da, cố định tóc và che mắt bằng băng gạc hoặc đeo kính bảo hộ. Tùy vào cấp độ mà bác sĩ sẽ chỉ định dùng thuốc giảm đau và an thần. Thông thường, peel cấp độ nhẹ không cần sử dụng thuốc giảm đau, peel vừa có thể sử dụng thuốc giảm đau và an thần. Với cấp độ peel sâu, bác sĩ có thể sẽ chỉ định gây tê và dùng thuốc an thần.
Tiến hành peel da nông
Bác sĩ dùng bông gòn hoặc gạc để thoa hóa chất peel lên bề mặt da. Hóa chất thường chứa Glycolic Acid hoặc Salicylic Acid.
Vùng da điều trị sẽ bắt đầu trắng lên và có cảm giác châm chích.
Bác sĩ sử dụng dung dịch trung hòa hoặc dung dịch rửa để thoa lên da nhằm loại bỏ hóa chất ra khỏi vùng da được điều trị.
Cách chăm sóc da sau khi peel
Sau khi peel, da sẽ trở nên rất nhạy cảm nên cần da cần một chế độ chăm sóc đặc biệt để hạn chế mọi kích ứng. Do đó, bạn cần duy trì chế độ chăm sóc da với những sản phẩm dịu nhẹ, lành tính, chú trọng cấp ẩm và làm dịu da. Bên cạnh đó, bạn cần thoa kem chống nắng hằng ngày để bảo vệ da tránh khỏi tác động của ánh nắng mặt trời.
Tác dụng phụ sau khi peel da
Peel da là phương pháp làm đẹp khá an toàn, tuy nhiên bạn cũng có thể gặp một số tác dụng phụ sau khi peel:
Da sạm màu, bong tróc: Sau peel, lớp sừng trên bề mặt da sẽ sạm màu, đóng vảy . Sau vài ngày đến 1 tuần, lớp sừng này sẽ bong tróc để thay thế bằng một lớp da mới.
Đỏ da: Peel da sử dụng hóa chất để tác động lên da giúp loại bỏ tế bào chết nên da có thể bị ửng đỏ. Tác dụng phụ này thường sẽ biến mất sau vài giờ với peel nông và sau 3 – 5 ngày với peel trung bình.
Rát da: Đây cũng là tác dụng phụ thường gặp nhưng nhanh chóng biến mất sau khi kết thúc liệu trình peel. Một số trường hợp, cảm giác rát da chỉ thoáng qua và hết sau 1 – 2 ngày.
Nổi mụn nhiều: Phương pháp này có tác dụng gom và đẩy cồi mụn lên trên. Ngoài ra, trên nền da tổn thương có thể xuất hiện mụn mới. Tác dụng phụ này thường xảy ra trong vài liệu trình đầu tiên và giảm dần sau đó.
Hình thành sẹo: Sử dụng hóa chất peel quá mạnh hoặc thực hiện thường xuyên sẽ khiến da bị tổn thương và hình thành sẹo.
Các trường hợp nên và không nên peel da
Mặc dù peel da được nhiều bác sĩ da liễu chỉ định để khắc phục các vấn đề về da nhưng không phải ai cũng phù hợp với phương pháp này. Chỉ nên áp dụng cho nam và nữ trong các trường hợp sau:
- Da bị mụn: mụn ẩn, mụn đầu đen, mụn trứng cá, mụn bọc,…
- Da thâm nám, sạm màu, sẹo thâm.
- Da không đều màu hay da bị cháy nắng.
- Da dầu nhiều, lỗ chân lông to.
Bạn cần lưu ý những trường hợp sau không nên thực hiện peel da:
- Da bị nhiễm khuẩn, có vết bỏng, vết thương hở, nhất là những vết thương do HSV-1 gây ra.
- Phụ nữ đang mang thai hoặc đang trong quá trình cho con bú.
- Những người đã và đang sử dụng Accutane trong 6 tháng trở lại.
- Người đang gặp những bệnh lý về da như: viêm da, chàm, vảy nến, trứng cá đỏ.
- Người đang uống thuốc hoặc sử dụng sản phẩm chăm sóc da có chứa Retin A.Renova.
- Người đang sử dụng các sản phẩm có chứa Vitamin C hoặc các axit, hoạt chất làm sáng da trong vòng 48 tiếng.
Câu hỏi thường gặp liên quan đến peel da
Phụ nữ mang thai có được peel da không?
Peel da không được khuyến khích thực hiện trong thai kỳ nhưng phụ nữ mang thai cũng có thể thực hiện peel. Tuy nhiên, các mẹ bầu chỉ nên thực hiện peel sau 3 tháng đầu của thai kỳ. Cấp độ peel phù hợp là peel nông và hoạt chất nên dùng là AHA (Glycolic Acid, Lactic Acid và các loại axit trái cây) với nồng độ dưới 10%.
Sau khi peel da nên dùng sản phẩm gì?
Sau khi peel da, bạn nên sử dụng một số sản phẩm phục hồi da như xịt khoáng, kem dưỡng ẩm có chứa Vitamin B5, Hyaluronic Acid,… Ngoài ra, bạn cũng cần sử dụng kem chống nắng hằng ngày để bảo vệ da.
Peel da có trị mụn ẩn không?
Peel da là phương pháp có khả năng trị Các loại mụn có trên da, đặc biệt là mụn ẩn. Peel da giúp kích thích quá trình gom cồi mụn, loại bỏ tế bào chết một cách sâu, và tiêu diệt vi khuẩn gây mụn hiệu quả và nhanh chóng.
Peel da với tẩy tế bào chết có giống nhau không?
Peel da tập trung vào việc loại bỏ lớp ngoài da và kích thích quá trình tái tạo da bằng các chất hóa học, trong khi tẩy tế bào chết nhằm loại bỏ lớp tế bào chết trên bề mặt da để làm sạch và làm mềm da. Cả hai đều giúp cải thiện tình trạng da, nhưng cách thức và mức độ có thể khác nhau.
Có nên peel da tại nhà?
Bạn chỉ nên peel da tại nhà khi đã tìm kiểu kỹ càng bởi vì nếu thực hiện không đúng cách có thể dẫn đến các hệ quả không mong muốn như:
- Da mẩn đỏ ngay sau khi peel da hóa học: Tình trạng này sẽ kéo dãi từ vài tuần đến vài tháng sau khi peel tùy thuộc vào nồng độ hợp chất được sử dụng.
- Hình thành sẹo sau peel da: Khi peel da quá liều, khả năng để lại sẹo trên da là rất cao. Ngoài ra, việc kết hợp các hoạt chất hóa học trong peel da không chuẩn xác cũng có thể khiến để lại sẹo sau khi peel.
- Nhiễm trùng da: Peel da không đúng kĩ thuật có thể gây nhiễm trùng do nấm, vi khuẩn, thâm chí là virus herpes.
Các bước peel da tại nhà như thế nào?
Bạn có có thể thực hiện các bước peel da đơn giản tại nhà theo các bước sau:
- Bước 1: Tẩy trang và rửa mặt để làm sạch da.
- Bước 2: Chuẩn bị sản phẩm peel da với nồng độ thấp và các dụng cụ hỗ trợ.
- Bước 3: Sử dụng Vaseline để bôi lên các vùng da nhạy cảm, tránh tiếp xúc dung dịch peel với những vùng này (khoảng 1 phút).
- Bước 4: Thoa sản phẩm peel lên da trong 7 phút.
- Bước 5: Trung hòa da trong 7 phút.
- Bước 6: Làm dịu da trong 15 phút.
- Bước 7: Vệ sinh da sau khi vừa thực hiện lột da trong khoảng 5 phút.
- Bước 8: Thoa HA dưỡng ẩm lên da trong khoảng 2 phút.
Khi tiến hành peel da tại nhà, bạn nên lựa chọn các sản phẩm có thành phần và nồng độ phù hợp với loại da của bạn. Tránh trang điểm trong 24h sau khi lột da và tránh sử dụng các sản phẩm chứa Retinol, Vitamin C, AHA, BHA khoảng 2-3 ngày trước khi thực hiện lột da.
Bao lâu thì peel da 1 lần?
Peel da nên được thực hiện từ 4 – 6 tuần/lần để da có thời gian tự tái tạo, phục hồi sau mỗi lần peel.
Peel da là phương pháp làm đẹp hiệu quả nhưng cần được thực hiện đúng cách. Hy vọng, những chia sẻ trên đã giúp bạn hiểu rõ về phương pháp peel da, các bước peel tại nhà và sản phẩm peel da tốt nhất.
Trong quá trình thực hiện, nếu có bất cứ vấn đề gì xảy ra, bạn có thể liên hệ ngay với chúng tôi qua số HOTLINE hoặc đặt lịch hẹn trực tiếp TẠI ĐÂY để được tư vấn miễn phí tại hệ thống các Bệnh viện Hoàn Mỹ trên toàn quốc. Ngoài ra, mời bạn truy cập trang Tin tức y tế để cập nhật thêm nhiều thông tin hữu ích về chăm sóc sức khỏe hiệu quả.
*Các thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo và tra cứu, vui lòng không tự áp dụng nếu chưa có chỉ định của bác sĩ.