Các tổn thương thần kinh trong khi chuyển dạ phần lớn đến từ bệnh lý sản khoa, hoặc do dây thần kinh bị đè ép, bị kéo căng trong quá trình này. Các thủ thuật gây tê trục thần kinh có thể góp phần vào một tỷ lệ rất nhỏ cho các chấn thương này. Hiện chưa có khuyến cáo dự đoán nguy cơ chính xác cho những chấn thương này. Vì vậy, Bác sĩ nên phối hợp xác định chấn thương thần kinh chi dưới sau sinh nhằm giúp sản phụ biết để hợp tác trị liệu và vận động an toàn.
Tổn thương dây thần kinh ngoại vi thường gặp
Tỷ lệ chấn thương dây thần kinh ngoại biên sau sinh thay đổi trong y văn từ 0,3 đến 2% trong tất cả các ca sinh. Các chấn thương dây Thần kinh ngoại biên phổ biến nhất sau khi sinh là dây thần kinh bì đùi ngoài và dây thần kinh đùi. Các dây thần kinh ít phổ biến bị ảnh hưởng hơn bao gồm các dây thần kinh mác chung, đám rối cùng lưng, thần kinh hông, dây thần kinh bịt và rễ thần kinh.
Tổn thương dây thần kinh bì đùi ngoài xảy ra ở khoảng 0,4%. Dây thần kinh này cung cấp cảm giác cho đùi trước ngoài, nằm dưới dây chằng bẹn, khiến nó dễ bị chèn ép khi ở tư thế nằm co và dạng chân trên bàn đẻ (tư thế sản khoa). Rối loạn chức năng cảm giác đơn thuần này được gọi là chứng đau đùi dị cảm, thường có thời gian hồi phục ngắn. Và có thể được điều trị bằng thuốc kháng viêm không steroid hoặc miếng dán lidocain.
Tổn thương dây thần kinh đùi ít phổ biến hơn, nhưng liên quan đến việc gây yếu cơ gấp đùi, duỗi gối, mất phản xạ xương bánh chè và mất cảm giác ở giữa đùi và bắp chân. Dây thần kinh đùi cũng nằm dưới dây chằng bẹn và sự chèn ép vào điểm này được cho là cơ chế của chấn thương.
Những yếu tố nguy cơ
Có nhiều các yếu tố nguy cơ đã được xác định góp phần vào các chấn thương thần kinh ngoại vi gồm:
- Chấn thương dây thần kinh dễ gặp ở người sinh lần đầu, và trải qua giai đoạn hai chuyển dạ dài hơn khi ở tư thế sản khoa so với những người không bị chấn thương. Những sản phụ được hỗ trợ sinh qua đường âm đạo bằng forces hoặc giác hút cũng có nhiều khả năng bị chấn thương dây Thần kinh ngoại biên sau sinh. Sản phụ được tê ngoài màng cứng thường ít cử động và giữ nguyên tư thế trong thời gian dài, điều này có thể làm cho chấn thương chèn ép dễ xảy ra hơn.
- Các thay đổi về giải phẫu trong khoang ngoài màng cứng có thể gây ra nồng độ thuốc tê cao xung quanh các rễ thần kinh riêng lẻ, do sự phân bố không đồng đều của thuốc tê có thể gây độc thần kinh ở liều đủ cao. Cần cân nhắc sử dụng nồng độ thuốc tê thấp cho gây tê ngoài màng cứng. Những sản phụ được sử dụng nồng độ thuốc tê cao, giảm đau sâu có thể có nhiều khả năng bị chấn thương dây thần kinh do chèn ép (thuốc tê có thể làm mất cảnh báo cảm giác đau thần kinh).
- Cân nặng trẻ sơ sinh lớn hơn 3,5 kg, tuổi thai muộn hơn 41 tuần cũng là yếu tố nguy cơ.
- Gây tê ngoài màng cứng, gây tê tủy sống trong giai đoạn sản phụ đau nhiều cũng là nguyên nhân gây tổn thương thần kinh vì sản phụ khó hợp tác và tư thế nằm cong lưng để gây tê không thuận lợi.
Vai trò của Bác sĩ
Các Bác sĩ gây mê phối hợp với Bác sĩ sản khoa đóng vai trò quan trọng trong việc xác định các chấn thương thần kinh và hội chẩn để chẩn đoán nguyên nhân và điều trị các chấn thương này.
Một lưu ý quan trọng là sau chấn thương thần kinh, sản phụ sẽ có nguy cơ té ngã. Nếu có rối loạn chức năng vận động đáng kể như với bệnh lý thần kinh đùi và tổn thương đám rối thần kinh trung ương, sản phụ nên được đánh giá kỹ lưỡng và tư vấn trước khi xuất viện.
Rất may, tiên lượng về chấn thương thần kinh trong quá trình chuyển dạ là thuận lợi vì sự hồi phục thường chỉ xảy ra trong vài tuần. Theo một nghiên cứu, thời gian trung bình của các triệu chứng là hai tháng. Trong một nghiên cứu khác, thời gian trung bình để hồi phục sau chấn thương thần kinh là 18 ngày, nhưng sản phụ tiếp tục bị suy giảm thần kinh sau một năm.
Các Bác sĩ gây mê nên kết hợp với các Bác sĩ sản khoa để đảm bảo rằng tất cả người bệnh được đánh giá sau khi sinh và được hỏi về các triệu chứng phù hợp với chấn thương thần kinh chi dưới sau sinh. Nếu có tổn thương xảy ra ngay sau khi sinh, cần xem xét tác dụng tồn dư của tê trục thần kinh có thể che lấp bất kỳ tổn thương thần kinh chi dưới nào mới khởi phát. Tốt nhất, vào ngày đầu tiên sau khi sinh, các Bác sĩ gây mê, Bác sĩ sản khoa nên thăm và hỏi sản phụ có gặp khó khăn gì trong việc đi lại hay bị tê hoặc yếu chân không? Nếu sản phụ xác nhận có sự mất cảm giác hoặc yếu, những sản phụ này nên được đánh giá kỹ lưỡng hơn bởi Bác sĩ gây mê (nếu sản phụ được gây tê thần kinh), hoặc bởi Bác sĩ thần kinh nếu sản phụ không có gây tê giảm đau trong sinh. Nếu kiểu tổn thương không rõ ràng, sản phụ có thể được chỉ định đo điện cơ để hỗ trợ phát hiện rối loạn chức năng thần kinh và cơ. Khám chuyên khoa Phục hồi chức năng để xác định xem có cần thiết bị trợ giúp nào như nẹp đầu gối, giày chỉnh hình hoặc khung tập đi trước khi xuất viện hay không. Mặc dù thường không cần điều trị thuốc đối với chấn thương dây thần kinh chi dưới mới khởi phát, gabapentin có thể được xem xét nếu sản phụ phàn nàn về cơn đau thần kinh. Các nghiên cứu trên số sản phụ này còn ít, nhưng gabapentin được chứng minh là không có ảnh hưởng đến trẻ sơ sinh.
Không phải tất cả các chấn thương dây thần kinh chi dưới đều có thể tránh được. Tuy nhiên, vật lý trị liệu và sử dụng các thiết bị hỗ trợ như: Nẹp chân, ghế tắm … không chỉ là một phương pháp điều trị chấn thương dây Thần kinh ngoại biên mà còn có thể chứng tỏ điều cần thiết đối với sản phụ phải chăm sóc trẻ sơ sinh. Các khuyến nghị khác đã được xác định cho sản phụ có thể giúp họ tự vận động để phòng ngừa chấn thương dây thần kinh chi dưới.
- Thay đổi vị trí chân của sản phụ cứ sau 10 đến 15 phút trong giai đoạn hai của quá trình chuyển dạ.
- Chỉ sử dụng bàn đạp cho việc rặn đẻ. Tránh đặt chân sản phụ vào bàn đạp để đẩy. Nếu phải sử dụng bàn đạp trong quá trình rặn đẻ, hãy bỏ chân sản phụ ra khỏi bàn đạp giữa các lần rặn đẻ.
- Thường xuyên thay đổi vị trí đặt tay trong giai đoạn hai của quá trình chuyển dạ.
- Bác sĩ gây mê nên thực hiện gây tê ngoài màng cứng ngoài cơn đau của sản phụ.
Tóm lại, chấn thương dây thần kinh sau sinh rất hiếm, nhưng có thể đáng lo ngại đối với cả sản phụ. Phần lớn các chấn thương dây thần kinh được cho là do nguyên nhân bệnh lý từ sản khoa thứ phát do chèn ép hoặc kéo căng dây thần kinh trong khi sinh. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải nhận thức được vai trò của chúng ta vì liên quan đến giảm tưới máu dây thần kinh, chấn thương thần kinh do chọc kim và giảm chức năng vận động trong quá trình chuyển dạ. Nghiên cứu sâu hơn là cần thiết để giúp hiểu những yếu tố nào khiến sản phụ tăng nguy cơ mắc các chấn thương này. Nếu một chấn thương thần kinh được phát hiện, các dây thần kinh bị ảnh hưởng phải được xác định và tổn thương được mô tả trong bệnh án (vận động, cảm giác hoặc hỗn hợp). Sản phụ cũng nên được đánh giá bằng vật lý trị liệu để đảm bảo an toàn khi chăm sóc trẻ sơ sinh trước khi xuất viện.
Tài liệu tham khảo
- Emery H. McCrory, MD; Jennifer M. Banayan, MD; and Paloma Toledo, MD, MPH. Postpartum Peripheral Nerve Injuries—What is Anesthesia’s Role? APSF NEWSLETTER June 2021. P 54
- Hans Sviggum, MD, Felicity Reynolds, MD, MBBS, FRCA, FRCOG ad eundem. Neurologic Complications of Pregnancy and Neuraxial Anesthesia. CHESTNUT’S OBSTETRIC ANESTHESIA: PRINCIPLES AND PRACTICE, SIXTH EDITION
- Ohman I, Vitols S, Tomson T. Pharmacokinetics of gabapentin during delivery, in the neonatal period, and lactation: does a fetal accumulation occur during pregnancy? Epilepsia. 2005;46:1621–1624.